Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trách nh

Thứ Hai 16:29 22-05-2006
Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và trách nhiệm của Toà án trong việc quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Luật Sư Võ Nhật Thăng,
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam


Điều 98 trong dự thảo BLTTDS quy định về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và Điều 101 nói về các nội dung biện pháp thực hiện quyền này

Chúng ta đều biết rằng tố tụng dân sự được hiểu là những hoạt động của Toà án trong việc giải quyết các vụ kiện, án kiện dân sự và các biện pháp bảo đảm thi hành các bản án, các quyết định dân sự theo một trình tự, thủ tục do BLTTDS quy định. Với cách hiểu đó, tố tụng dân sự quốc tế là hoạt động của Toà án trong việc giải quyết các vụ kiện, án kiện dân sự phát sinh từ các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài cũng như việc bảo đảm thi hành các bản án, các quyết định dân sự về các án kiện, vụ việc dân sự đó theo một trình tự do BLTTDS quy định.

Trong các vụ kiện dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài bao gồm các vụ kiện về hàng hải thương mại – một loại tranh chấp đang ngày càng gia tăng khi mà hàng năm nước ta có một khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển là 115 triệu tấn ( số liệu năm 2003) trong đó gần 90% là do tàu nước ngoài chuyên chở.

Theo Công ước quốc tế về bắt giữ tàu năm 1999 ( Ship Arrest 99: nước ta có tham gia họp, song không ký kết biên bản cuối cùng và đến nay cũng chưa phê chuẩn công ước này ) cũng như luật hàng hải của tất cả các nước trên thế giới có nền kinh tế thị trường, khi phát sinh khiếu nại hàng hải người khiếu nại được quyền bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại đó. Công ước quốc tế và thông lệ quốc tế cũng quy định rõ bắt giữ tàu biển không bao gồm việc bắt giữ để thi hành một bản án hoặc một quyết định cưỡng chế khác. Hơn thế nữa do đặc điểm tàu bè thường ra vào cảng trong một thời gian rất ngắn ( nhất là tàu Liner, tàu chở container ) nên tuyệt đại bộ phận trường hợp có khiếu kiện về hàng hải, người khiếu kiện phải bắt tàu trước khi toà thụ lý vụ việc. Rất nhiều trường hợp bản thân con tàu bị bắt giữ không liên quan tới vụ kiện mà chỉ có người chuyên chở ( carrier) hoặc chủ tàu ( Shipowner ) của con tàu đó là liên quan tới vụ kiện, do vậy có thể người khiếu kiện sẽ bắt một con tàu chị em ( Sister Ship ) của chủ tàu để bảo đảm giải quyết vụ tranh chấp.
Trong thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam là nguyên đơn dân sự hàng hải thương mại đã thực hiện thành công quyền này ở nước ngoài cũng như trong nước. Song nhìn chung khi thực hiện việc bắt giữ tàu ở nước ngoài thì tương đối dễ dàng và nhanh chóng còn ở trong nước thì không ít trường hợp nhỡ thời cơ do pháp luật dân sự, thương mại hàng hải của nước ta quy định về thủ tục bắt giữ tàu biển chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Điều 98 khoản 2 và Điều 101 khoản 6 và 7 trong dự thảo BLTTDS có đề cập tới việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cho các vụ kiện dân sự nói chung còn nếu áp dụng vào việc bắt giữ tàu biển sẽ có vướng mắc vì trong hàng hải thương mại bắt giữ con tàu không phải là “ bảo vệ bằng chứng” lại càng không phải là để “ bảo đảm thi hành án…” như tinh thần và lời văn mà Điềun 98 trên đây đã dự thảo. Trong tố tụng liên quan tới tranh chấp hàng hải không ít trường hợp bản thân con tàu không phải là tài sản đang tranh chấp mà là tài sản của người có nghĩa vụ nào đó đối với tranh chấp. Vì vậy việc áp dụng Điều 101 khoản 6 và 7 như dự thảo sẽ có khó khăn vướng mắc.

Xuất phát từ sự phân tích nói trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi bổ sung Điều 98 khoản 2 và Điều 101 khoản 6 và 7 như sau:
Điều 98 khoản 2: Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến đời sống, hoạt động kinh doanh hoặc bảo đảm Giải Quyết vụ tranh chấp, bảo đảm thi hành án thì cá nhân, tổ chức có liên quan có thể yêu cầu toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tương ứng qui định tại Điều 101 của Bộ luật này trước khi khởi kiện vụ án tại toà án.

Điều 101 khoản 6 và 7:
Khoản 6: Kê biên tài sản đang tranh chấp hoặc tài sản của người có nghĩa vụ trong vụ kiện.
Khoản 7: Cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp, hoặc tài sản của người có nghĩa vụ trong vụ kiện.

Vậy chúng tôi xin kiến nghị để Ban soạn thảo tham khảo và xem xét sử dụng, nếu thấy chấp nhận được.

Các văn bản liên quan