Các bước cần thiết để hchế sdụng tiền mặt

Thứ Ba 09:34 23-05-2006
Trích từ nguồn VnExpress.net

Các bước cần thiết để hạn chế sử dụng tiền mặt

From: Doan Tieu Long
To: kinhdoanh@vnexpress.net
Sent: Monday, September 06, 2004 5:45 PM
Subject: Cac buoc can thiet de han che su dung tien mat


Đọc ý kiến của bạn Nguyễn Công Liêm, ta phải ghi nhận lòng yêu nước và mong mỏi đất nước ta ngày một tốt đẹp hơn, cũng như cách thức làm việc bài bản, có kế hoạch rõ ràng, chính xác theo kiểu Đức của bạn, tuy nhiên vẫn phải nói rằng cái Zeitplan ( "lộ trình" theo tiếng Đức, nếu tôi không nhầm) của bạn Liêm có vẻ hơi vội vã và nặng về sử dụng các biện pháp hành chính, vì thế rất ít khả thi.

Ra một nghị định không có gì khó. Công bố trên báo đài là từ ngày này, ngày kia bắt đầu áp dụng những quy định này nọ cho những đối tượng này kia v.v... cũng không khó. Cái khó là làm sao để Nghị định đó đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, hiệu quả, chứ không cưỡng ép để rồi chết yểu hoặc gây bức xúc cho xã hội. Và tốt hơn hết là chả cần cái nghị định nào mà người dân vẫn làm theo ý ta, đó mới là bậc cao thủ! 25 thế kỷ trước Lão tử đã dạy mãi rồi!

Để người dân hạn chế dùng tiền mặt thì điều kiện tiên quyết là hệ thống thanh toán bằng các phương tiện khác phải hết sức phát triển, hết sức thuận tiện cho người dân, chứ không phải bằng cách hù doạ cho đi tù như ý kiến của bạn Liêm. Theo tôi biết, chẳng có nước nào bỏ tù ai vì tội dùng tiền mặt. Người dân Đức hay Mỹ thích dùng thẻ tín dụng vì tính tiện lợi của nó: không nặng túi, không phải đếm, không lo móc túi hay rơi mất (nhưng mất cắp qua Internet thì vẫn có đấy!), có thể mua chịu v.v..., chứ chẳng phải vì sợ đi tù. Nếu đi tù, thì là do những tội khác đã được quy định trong Bộ luật hình sự, chẳng hạn tội trốn thuế v.v... Việc sử dụng tiền mặt đâu có gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải đưa vào Bộ luật hình sự! Quá lắm là xử phạt hành chính, nhưng cũng không nên.

Điều kiện tiên quyết nói trên ở nước ta chưa có, và cũng chưa thể có trong thời gian tới. Trước hết là hệ thống ngân hàng, chúng không hề phát triển như bạn Liêm nghĩ. Ở thành phố, mỗi ngân hàng có một vài chi nhánh. Ở các tỉnh, có lẽ chỉ Ngân hàng Nông nghiệp là có chi nhánh xuống đến các huyện, các ngân hàng khác hầu như không có mặt. Mà nước ta 80% dân sống ở nông thôn. Bạn Liêm có hình dung đi từ xã lên huyện bao xa không? Chưa kể, người nông dân chất phác chỉ cần nghe đến ngân hàng là sợ phát khiếp rồi.

Ngay ở thành phố, chỉ thỉnh thoảng tôi mới có việc ra ngân hàng, nhưng cũng phải chờ đợi khá lâu, phải điền giấy này giấy nọ mà một người ít học chắc chắn sẽ khá lúng túng. Nếu bây giờ toàn bộ công, viên chức ra ngân hàng lĩnh tiền thì sẽ quá tải biết chừng nào? Nếu mua món hàng gì trên 5 triệu cũng phải ra ngân hàng trả tiền, thì sẽ lãng phí bao nhiêu thời gian, bạn Liêm có tính được không?

Tôi cũng không nhớ ở sân bay nào có cảnh du khách làm thủ tục đổi tiền, mở tài khoản như trong trí tưởng tượng của bạn Liêm, kể cả ở sân bay Frankfurt nơi tôi ghé qua vài lần. Bạn có hình dung ra cảnh tượng lúc đó sẽ khủng khiếp thế nào không?

Thời gian tôi sống và làm việc ở Thạch Sư, một thành phố nhỏ xíu thuộc Phúc Kiến, Trung Quốc, tôi thấy cứ đi vài bước lại gặp một chi nhánh ngân hàng. Hầu như chẳng phải xếp hàng bao giờ, chưa kể thủ tục ở đó rất đơn giản. Thành ra chẳng cần doạ bỏ tù, người dân ở đó đều sử dụng dịch vụ ngân hàng, phổ biến hơn cả là thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, nước v.v..., mở tài khoản vãng lai gửi tiền, sau đó dùng thẻ plastic để rút tiền tại các máy ATM có ở khắp nơi. Họ vẫn thanh toán bằng tiền mặt thôi, vì chiếc thẻ nhựa đó chưa dùng để thanh toán tại các siêu thị được, chứ đừng nói gì đến các cửa hàng thông thường. Tuy nhiên đó đã là một bước tiến bộ khá lớn so với lúc người dân cất giữ tiền trong nhà. Chúng ta còn chưa đạt được mức này, sao vội vã nhảy cóc lên mức cao hơn?

Như vậy trước hết cần phát triển mạng lưới ngân hàng cùng các dịch vụ sao cho thật đơn giản, nhanh chóng. Tiếp đó các ngân hàng phải chủ động làm việc với các siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp để họ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng do ngân hàng phát hành. Tiếp theo nữa, ngân hàng phải quảng cáo, mời chào người dân dùng dịch vụ của mình. Về mặt tiếp thị, quả thật các ngân hàng của chúng ta cực kỳ yếu kém. Họ cứ ngồi đấy mà chờ khách hàng đến, rồi than thở rằng không hiểu sao người dân cứ thích dùng tiền mặt!

Theo tôi, Zeitplan nên lập theo hướng này, chứ đừng chăm chăm vào cái Nghị định khốn khổ kia.

Về kỳ vọng việc hạn chế dùng tiền mặt sẽ thanh toán được nạn tham nhũng, có vẻ như bạn Liêm hơi quan liêu và nhìn vấn đề quá đơn giản. Bạn nên nhớ rằng ở Việt Nam những kẻ tham nhũng chẳng sợ gì mà phải che giấu tài sản. Biệt thự, đất đai, con cái du học v.v.. lù lù ra đấy mà chẳng ai bị làm sao, sá gì cái việc nhỏ xíu này. Nếu chính quyền thực sự muốn chống tham nhũng, thì chỉ việc bắt các công chức giải trình nguồn gốc tài sản, thứ gì không giải trình được sẽ bị tịch thu, còn công chức bị sa thải. Không cần bỏ tù, vì muốn bỏ tù thì phải chứng minh được hành vi phạm tội, một việc khá là khó khăn. Chỉ cần tịch thu gia sản và sa thải là đủ rồi. Nếu công chức thấy rằng kiếm được tiền mà không dám xây nhà, mua xe, cho con du học... thì tham nhũng mà làm gì. Chỉ sau khi làm việc này rồi, lúc đó hẵng nghĩ đến việc kiểm soát thu nhập thông qua tài khoản, như các nước phát triển đang làm.

Hy vọng của bạn Liêm vào ý thức tự giác của người dân, rằng họ hiểu rằng làm như thế là yêu nước vì ít kẻ trốn được thuế hơn, nói thẳng ra là hão huyền. Người dân chỉ quen thấy cái lợi nhãn tiền, cái lợi ở đây là trả bằng tiền mặt, không lấy hoá đơn vừa nhanh hơn, vừa được giá rẻ hơn so với trả qua tài khoản gì gì đó. Thuế ư? Thuế GTGT đánh vào người mua chứ ai, đây là sắc thuế ít được lòng dân nhất, và vì thế bị trốn nhiều nhất! Người dân sẵn lòng nộp thuế thu nhập, nhưng không tài nào hiểu tại sao sau đó đi mua hàng lại bị đánh thuế tiếp?

Đoàn Tiểu Long
TP HCM

Các văn bản liên quan