Tôi ủng hộ việc hạn chế thanh toán tiền mặt

Thứ Ba 09:34 23-05-2006
Trích từ VnExpress.net

Tôi ủng hộ việc hạn chế thanh toán tiền mặt

Là một người Việt Nam sống xa Tổ quốc, tôi rất phấn khởi khi được tin Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị hạn định mức thanh toán tiền mặt 5-10 triệu đồng và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt.

From: Nguyen Cong Liem
To: kinhdoanh@vnexpress.net
Sent: Wednesday, September 01, 2004 2:28 PM
Subject: Toi ung ho chi thi cua Thu tuong Chinh phu

Tác dụng lớn nhất của việc hạn chế thanh toán tiền mặt là Nhà nước có thể quản lý được phần lớn các khoản chi tiêu của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần giám sát việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, thu ngân sách phục vụ các lợi ích xã hội khác. Ở các nước phát triển người ta đã có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản chi tiêu lớn, đây là điều nước ta cần học tập. Tôi thấy rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã đủ lớn để cung cấp cho toàn dân mỗi người một tài khoản. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho khối ngân hàng trong nước phát triển nhanh trước khi các ngân hàng nước ngoài bùng nổ cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sau khi nước ta gia nhập WTO.

Tác dụng lớn thứ hai mà chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định triển khai của Ngân hàng Nhà nước, theo ý tôi, đây là cơ hội chín muồi để Việt Nam có thể thanh toán về cơ bản tệ nạn tham nhũng nhức nhối đến cả chục năm nay. Khi thực hiện quy định hạn chế chi tiêu tiền mặt thì các vụ tham nhũng lớn dễ bị phát hiện hơn. Các khoản thu nhập bất chính của các quan chức và những kẻ lâu nay môi giới hối lộ dễ bị các cơ quan pháp luật tìm được, nhờ vậy có tác dụng răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng có thể sắp xảy ra. Như đã thông báo, Nhà nước sẽ khuyến khích các cá nhân mở tài khoản tiền gửi để thanh toán bằng các phương tiện khác ngoài tiền mặt, nên mỗi người sẽ và đều phải có tài khoản để nhận và chi tiêu các thu nhập như lương, phụ cấp, các doanh lợi, miễn là khi cần thiết có thể chứng minh trước pháp luật về tính hợp pháp của các khoản mình thu và chi. Như vậy kể cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều khó khăn hơn trong việc thực hiện hành vi phạm tội.

Việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cần các quy định cụ thể và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến, trước hết tôi nhận thấy rằng nhiều tinh thần tốt, nghị quyết và quyết định đúng đã không đạt được kết quả vì khi đặt ra người ta quên nhấn mạnh việc lập và thực hiện các hạn định về thời gian và các chỉ số cụ thể. Vì vậy, thiếu nỗ lực đốc thúc thi hành do không biết khi nào buộc phải hoàn thành, khi không đạt kết quả không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, vì vậy rất khó bắt tay vào giai đoạn cần thiết tiếp theo là sửa chữa các sai phạm thực hiện và chỉnh lý kiện toàn biện pháp. Theo ý tôi, nên lấy hạn định ngày 2/9/2005 là ngày Chỉ thị phải thắng lợi rực rỡ. Để thực hiện được ta phải tính quay ngược lại thời gian, ngày 1/5/2005 là hạn cuối cùng để tất cả viên chức nhà nước phải dùng tài khoản ngân hàng để nhận lương. Trước đó Quốc hội nên bổ sung luật và phổ biến cho nhân dân, cũng như Việt kiều và người ngoại quốc để 2/9/2005 luật có hiệu lực: các khoản chi tiêu dùng tiền mặt vi phạm Nghị định theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng đã nêu, vượt quá ngưỡng 5 và 10 triệu đồng là vi phạm luật hình sự, bị truy tố trước pháp luật, tuyên bố đây là nỗ lực quốc gia của Việt Nam phòng chống tham nhũng.

Ngày 1/3/2005, các tổ chức, khu vực doanh nghiệp bắt đầu phải thực hiện nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt. Chỉ những đối tượng đặc biệt ghi rõ trong nghị định mới được dùng ngưỡng 10 triệu đồng, các đối tượng khác và từ ngày 2/9/2005 toàn bộ cá nhân (công dân Việt Nam và người nước ngoài) phải áp dụng ngưỡng thanh toán tiền mặt 5 triệu đồng. Khu vực doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện trước sẽ làm gương cho dân chúng và để tinh thần Nghị định có thời gian đi vào nhận thức của nhân dân trước khi toàn dân phải thực hiện.

Cùng ngày 1/3/2005 ở các cửa khẩu lớn, sân bay quốc tế có ngân hàng tiến hành đổi tiền và lập tài khoản cho người nhập cảnh, khi ra khỏi Việt Nam trả lại tiền thừa cho du khách, Việt Kiều và đổi tiền cho người Việt ra nước ngoài du lịch, học tập và công tác. Chúng ta cần 6 tháng thực hiện việc này theo phương thức tự nguyện để từ ngày 2/9/2005 trở thành quy định pháp luật mọi cá nhân đều phải thực hiện. 6 tháng chuyển tiếp như vậy đủ để du khách, Việt kiều tìm hiểu quy định mới của nước ta, các văn phòng du lịch và cơ quan ngoại giao nước ngoài đủ thời gian thông báo cho công dân của họ.

Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra trần giới hạn giữa giá mua và bán các ngoại tệ chủ yếu để các ngân hàng không có điều kiện liên kết thao túng thu quá đáng lệ phí của khách, ví dụ như mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán 6 ngoại tệ chủ yếu không được vượt quá 1,0% giá chuyển khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, 10 ngoại tệ tiếp theo không vượt quá 1,5% và các ngoại tệ khác không vượt quá 2,0%. Nhà nước cần tổ chức để từ ngày 2/9/2005 ở các sân bay quốc tế và cửa khẩu lớn có ít nhất 4 ngân hàng cung cấp dịch vụ đổi tiền và làm tài khoản cho khách. Đa số khách đến từ các nước phát triển sẽ ưu tiên dùng thẻ tín dụng khi Việt Nam có quy định mới, nhưng lượng du khách dùng tiền mặt vẫn còn nhiều, nhất là du khách đến bằng đường bộ. Khi trong nước khước từ thanh toán tiền mặt vượt quá 5 triệu vì là phạm pháp thì du khách sẽ tự biết phải chú ý đến quy định của Việt Nam. Chúng ta xác định ở đây không phải trọng tâm là kinh doanh ngoại tệ ở cửa khẩu, mà chúng ta làm vậy để bảo vệ luật pháp và cơ chế thị trường trong nước. Tạo điều kiện để các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, nhưng nhà nước cũng cần thiết lập khung pháp luật để quản lý trật tự thị trường.

Ngày 1/1/2005, Ngân hàng Nhà nước công bố nghị định quản lý thanh toán bằng tiền mặt đã thông qua, phổ biến để các cơ quan hành pháp tổ chức chuẩn bị công tác thực hiện. Nhà nước, báo chí khuyến khích nhắc nhở nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội mở tài khoản và thanh toán không dùng tiền mặt, nêu rõ kể từ 1/3/2005 bắt buộc đối với khu vực doanh nghiệp và các tổ chức, kể từ 2/9/2005 bắt buộc với tất cả các cá nhân và sẽ bổ sung luật hình sự.

Ngày 1/12/2004, Ngân hàng Nhà nước kết thúc lấy ý kiến của nhân dân, các tổ chức xã hội và hiệp hội doanh nghiệp, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định trong tháng 12. Từ ngày 1/10/2004 tiếp tục việc lấy ý kiến nhân dân, lắng nghe báo chí, dư luận phản ánh các vấn đề và sáng kiến đóng góp. Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2004 đặt trọng tâm vào các yếu tố liên quan khi áp dụng nghị định cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đến VN. Đây là việc đã được các chuyên gia nhận xét là ảnh hưởng mạnh đến các thói quen xã hội, rất cần một quá trình thảo luận để đi vào nhận thức nhân dân trước khi thực hiện.

Trong tháng 9/2004 Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức khác cần phối hợp lấy ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội kinh doanh. Trong giai đoạn này trọng tâm thảo luận tập trung vào các vấn đề nảy sinh khi áp dụng hạn chế thanh toán bằng tiền mặt đối với khu vực các tổ chức và doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng Việt Nam không thiếu các chuyên gia kinh tế nhưng cần phải tổ chức môi trường để các chuyên gia trao đổi ý kiến tạo ra sáng kiến đóng góp cho Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Tôi đã quan sát ông Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy trao đổi ý kiến cùng công luận quanh việc phát hành tiền xu tại Việt Nam, tôi nhận xét rằng phương thức đối thoại như vậy cởi mở, văn minh và phát triển cách làm việc cầu thị như vậy sẽ có được kết quả thiết thực cho toàn xã hội.
Nếu thực hiện nghiêm túc hạn chế thanh toán tiền mặt, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ làm được một kỳ tích mà trên thế giới này ít nước làm được. Trong vòng một đến hai năm thực hiện hình ảnh Việt Nam sẽ lạc quan lên rất nhiều trong con mắt bè bạn gần xa. Việt Nam sẽ là nước phát triển lành mạnh, trong sạch, công bằng và hiếu khách. Vị trí của Việt Nam trong các bảng đánh giá tham nhũng sẽ không tệ như hiện nay.

Khi lập dự án xin đừng coi thường các yếu tố cản trở vì mọi quyết định vĩ mô đều liên quan đến việc điều tiết lợi ích của các cá thể và tập hợp cá thể. Tôi lấy ví dụ các hiệp hội kinh doanh sẽ lo lắng những quy định mới sẽ làm người mua phân vân trong một khoảng thời gian. Họ lo doanh số giảm, điều đó là chính đáng, đặc trưng cho cách suy nghĩ của những người làm doanh nghiệp, tuy nhiên tôi cũng thấy đáng biểu dương nhiều doanh nhân có lương tâm, đặt lợi ích chung của xã hội lên trên. Đã là thị trường thì sẽ có tiêu dùng, sau khi phân vân thì mọi người sẽ lại mua hàng và dịch vụ, điều ta được lớn hơn là mỗi người tiêu dùng sẽ có được niềm tin rằng đồng tiền mình bỏ ra chi tiêu có ích hơn cho đất nước vì ít người trốn thuế hơn và ít người có cơ hội tham nhũng hơn. Trở ngại từ thói quen người dân và lợi ích từ khối doanh nghiệp có thể vượt qua được khi dư luận bàn bạc, so sánh lợi hại, điều kiện rằng những tiếng nói của tri thức và lương tâm có điều kiện đi vào suy tư của dân chúng. Tôi cho rằng điều trở ngại lớn nhất sẽ đến từ một số người hiện nay có điều kiện nhận và tham gia hối lộ, những lợi ích này của họ hoặc hoàn toàn bị loại trừ hoặc sẽ bị cản trở mạnh mẽ bởi nghị định mới nên khả năng họ tìm mọi cách ngăn cản việc hình thành và thực thi Nghị định có thể xảy ra. Đối với những người này tôi xin nhắc nhở: một mặt vì lương tâm trước lợi ích của cả xã hội, mặt khác không chỉ nằm trong nghị quyết mà thực sự đã là khát khao thực sự của người dân Việt Nam, chúng tôi muốn một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Hãy trung thực để nhìn ra sự thật: Khi Việt Nam ta mở cửa hội nhập, nếu ta không có được một cơ chế văn minh quản lý xã hội thì tất cả chúng ta phải chịu thiệt thòi vì người ta không chọn Việt Nam là nơi tập trung sản xuất mà coi ta là thị trường tiêu thụ. Họ sẽ chọn những nơi không có hoặc ít hơn ta rất nhiều các vấn đề như nạn mãi lộ, "hành là chính", cơ sở hạ tầng mau xuống cấp, độc quyền... là những điều làm cho giá thành sản phẩm sản xuất tại nước ta hiện nay bị đội lên cao.

Tôi sống ở Đức được đọc một số báo cáo của giới doanh nghiệp Đức giải thích tại sao các doanh nghiệp Đức không sốt sắng vào Việt Nam mặc dù kinh tế Đức khá mạnh và các tập đoàn kinh tế có nhiều tham vọng. Họ nói rằng Việt Nam không có khả năng tự tiến hành cải tổ giai đoạn hai, nhưng chậm nhất nửa cuối năm 2006 tình hình sẽ bắt buộc Việt Nam phải cải tổ vì sức ép kinh tế từ các nước láng giềng, người Việt Nam sẽ tự thấy phải cải tổ mạnh nếu không sẽ bị thiệt. Họ không biết thành công của Việt Nam trong SEA Games 22, nhưng họ biết và khen Việt Nam đã có một bước tiến kỳ diệu vì sau khi ban hành luật doanh nghiệp lập tức hơn 10 nghìn doanh nghiệp được thành lập và thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp trong những năm tiếp theo, họ gọi đó là cải tổ giai đoạn một của chúng ta. Vậy cải tổ giai đoạn hai là gì? Từ kinh nghiệm thành công của kinh tế Đức sau chiến tranh họ coi trọng việc xây dựng thể chế để làm sao động viên thật nhiều tài nguyên sức người, khả năng sáng tạo, tích lũy tài chính cho việc kiến tạo đất nước. Việt Nam sẽ phải tiến hành cải tổ giai đoạn hai trong bối cảnh ganh đua với các nước ASEAN và Trung Quốc về cơ chế phục vụ sản xuất.

Với thực trạng xã hội như hiện nay chúng ta chân thực nói với nhau rằng đã nhiều lần xây dựng cơ chế chống tiêu cực nhưng thất bại. Tôi hy vọng với Chỉ thị của Thủ tướng lần này sẽ là dịp may Việt Nam thành công luôn trong việc giải quyết quốc nạn tham nhũng... Chúng ta cần một cơ chế tốt để mọi người yên tâm đóng góp cho đất nước, nhờ được hưởng công bằng và sự bảo vệ cần thiết của xã hội và pháp luật. Nạn tham nhũng đã làm đất nước và con người Việt Nam đau đớn lâu nay, làm mất đi nhiều điều mà chúng ta đáng phải có. Động viên và kêu gọi không đủ để chống tham nhũng mà phải thực hiện cơ chế chống tham nhũng.

Nguyễn Công Liêm
CHLB Đức.

Các văn bản liên quan