Góp ý của ông Lê Hoàng Tài

Thứ Ba 09:32 23-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT
Lê Hoàng Tài
Chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Thương mại

1. Vấn đề chung

Về nguyên tắc, hoan nghênh và nhất trí về việc cần thiết phải ban hành văn bản quy định về thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển thì thanh toán bằng tiền mặt là rất hạn chế, thay vào đó là các hình thức thanh toán qua ngân hàng, kể cả trong sinh hoạt. Trong khi đó, việc lưu thông tiền mặt ở Việt Nam là rất phổ biến, việc lưu thông số lượng lớn tiền mặt như hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra những bất cập như nạn tiền giả, chi phí cho việc lưu thông tiền mặt lớn và lãng phí.

Vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách và quy định pháp luật để tạo thuận lợi và khuyến khích sử dụng các hình thức thanh toán phi tiền mặt trong các giao dịch, kể cả giao dịch sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc những quy định như trong Dự thảo vì những quy định này sẽ có những tác động rất lớn đến đối tượng áp dụng như trong Dự thảo là các doanh nghiệp. Về vấn đề này, tôi thấy rằng quyền lựa chọn hình thức thanh toán là quyền của doanh nghiệp, Nhà nước không nên dùng các quy định pháp luật để hạn chế quyền tự lựa chọn hình thức thanh toán của doanh nghiệp, mà nên cân nhắc đổi mới cơ chế, chính sách hiện hành được “thông thoáng” hơn, các thủ tục hành chính thuận lợi để từng bước khuyến khích các doanh nghiệp, kể cả người dân áp dụng các hình thức thanh toán phi tiền mặt. Vì vậy, quy định như trong Dự thảo hiện nay, nếu có thì cũng chỉ nên áp dụng với các đơn vị hành chính sự nghiệp, không nên áp dụng cho các tổ chức là doanh nghiệp, đặc biệt là tổ chức không sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.

2. Một số vấn đề cụ thể

Trên cơ sở những lý do nêu tại Mục 1 văn bản này, tôi cho rằng nếu vẫn thấy cần thiết phải ban hành văn bản này thì cần cân nhắc lại toàn bộ nội dung của văn bản theo hướng như đã nêu trên để đảm bảo tính khả thi của văn bản, đặc biệt là một số nội dung sau:

- Đối tượng áp dụng (Điều 2): Với cách quy định như trong Dự thảo thì đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 2 Dự thảo là quá rộng. Nếu cần thiết phải ban hành văn bản này thì đối tượng áp dụng chỉ nên giới hạn ở tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, không nên áp dụng đối với đối tượng là các tổ chức không sử dụng ngân sách Nhà nước.

- Hạn mức thanh toán bằng tiền mặt (Điều 4): Đề nghị cân nhắc về hạn mức thanh toán tiền mặt, vì hạn mức quy định như trong dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi. Mặt khác, cũng không nên quy định hạn mức “cứng” với các tổ chức không sử dụng ngân sách Nhà nước.

- Về xử lý vi phạm (Chương IV): Đề nghị xem xét lại nội dung của Chương này phải căn cứ vào các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, hình sự, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Các văn bản liên quan