Góp ý của Luật sư Ng.Tiến Lập-InvestConsult

Thứ Ba 09:29 23-05-2006
GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT

Nguyễn Tiến Lập
Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư và chuyển giao công nghệ InvestConsult Group


Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 1774 ngày 20/08/2004 lấy ý kiến các chuyên gia và doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định nói trên, Công ty Tư vấn Investconsult Group xin có ý kiến như sau:

1. Về tổng quát, Dự thảo Nghị định không kèm theo Tờ trình nên chúng tôi không rõ về lý do và động cơ ban hành văn bản pháp quy này. Tuy nhiên, xét từ góc độ vai trò và thẩm quyền quản lý Nhà nước trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và xây dựng thể chế pháp quyền, chúng tôi thấy trước hết cần làm rõ ba vấn đề về mặt quan điểm như sau:

Thứ nhất, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính là những cơ quan quản lý, điều hành nền kinh tế thông qua các công cụ của chính sách vĩ mô về tài chính và tiền tệ. Cụ thể, từ góc độ tiền tệ, đó là các chính sách về tỷ giá, lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khối lượng tiền phát hành mới ... Còn trong trường hợp này, đối tượng của Dự thảo Nghị định là vấn đề sử dụng phương thức thanh toán nào tiền mặt hay phi tiền mặt trong các giao dịch thương mại và dân sự. Vấn đề này về lý thuyết cũng như trên thực tế được giải quyết bằng hệ thống các ngân hàng thương mại thông qua việc tạo ra và phát triển ngày càng đa dạng hơn các hình thức dịch vụ thanh toán khác nhau (ngoài thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt) để các doanh nghiệp và người dân lựa chọn và sử dụng. Tuy nhiên, đó có lẽ thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ và quan hệ thị trường chứ không phải chức năng quản lý Nhà nước về tài chính và tiền tệ mà Chính phủ cần hay nên can thiệp.

Thứ hai, theo tinh thần của cải cách kinh tế nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng, các doanh nghiệp, dù là DNNN hay DNTN đều có quyền tự chủ về kinh doanh và tài chính, có nghĩa là được quyền quyết định làm gì, với ai và làm như thế nào để đạt hiệu quả kinh doanh cao nhất. Nội dung của một giao dịch kinh doanh luôn bao gồm một thoả thuận giữa các bên rất quan trọng là giá trị tiền và phương thức thanh toán (ví dụ trực tiếp bằng tiền mặt hay gián tiếp không dùng tiền mặt), tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể làm sao tiện lợi nhất đối với "bên trả" và "bên nhận". Như vậy, phải chăng Nghị định sắp ban hành sẽ tước đi quyền tự chủ này của các doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương cải cách kinh tế theo định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa rằng trong quản lý và điều hành nền kinh tế, khác với thời kỳ trước đây khi các phương tiện và biện pháp hành chính là thống soái thì ngày nay cần tối đa hoá các công cụ và biện pháp thị trường. Nói một cách khác, Nhà nước cần tạo ra một môi trường chính sách vĩ mô bao gồm pháp luật và một số công cụ điều tiết tối thiểu, trên cơ sở đó sự vận hành cụ thể đối với từng biện pháp và thiết chế là tuỳ thuộc vào quan hệ cung cầu và sự lựa chọn của thị trường. Chính thị trường sẽ tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất cho nền kinh tế. Trên thực tế, sự ưa dùng tiền mặt nhiều năm qua đã trở thành một thói quen mang tính văn hoá của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù thừa nhận rằng điều này đã và đang gây nên những cản trở nhất định cho phát triển các giao thương kinh tế hiện đại và phần nào gây khó cho kiểm soát của Nhà nước, nhưng có nên áp đặt một biện pháp hành chính để cải tạo một "văn hoá" một khi chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm thất bại trong những trường hợp tương tự của quá khứ ?.

2. Về một số quy định cụ thể của Dự thảo Nghị định, chúng tôi thấy những điểm bất hợp lý như sau:

2.1 Nghị định này phải chăng chỉ áp dụng bắt buộc đối với các tổ chức có mở tài khoản tại ngân hàng, trong khi trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ (như hộ kinh doanh cá thể) hay cá nhân không có hay không cần thiết mở tài khoản ngân hàng, và như vậy thì chính Nghị định này sẽ tạo ra sự không khuyến khích mở tài khoản ở ngân hàng nữa hay ít ra là sự không bình đẳng giữa hai loại đối tượng này.

2.2 Điều 4: Cơ sở nào Nghị định quy định hạn mức tối đa 10 triệu Đồng thanh toán tiền mặt đối với một khoản chi ?

2.3 Các Điều 5, 6, 7: Nếu thực hiện các quy định về định mức tồn quỹ tiền mặt và giám sát bảo đảm định mức này tại các đơn vị kinh doanh e rằng có thể sẽ tạo ra các hệ quả như sau:

- Tạo thêm "nhiều việc làm" mang tính quản lý (vì lợi ích Nhà nước mà không thiết thực cho đời sống kinh doanh) đối cho doanh nghiệp và giám đốc doanh nghiệp, hay nói một cách khác giám đốc doanh nghiệp phải kiêm thêm chức năng quản lý Nhà nước về thanh toán.
- Tạo thêm cơ chế "xin-cho" trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thay cho quan hệ dịch vụ.
- Tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định sẽ khó khăn vì phải phình thêm bộ máy biên chế ở các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế v.v..) để bảo đảm có thể giám sát và xử lý vi phạm trong điều kiện sẽ có hàng trăm ngàn tới hàng triệu doanh nghiệp là đối tượng quản lý.

3. Đề xuất giải pháp

Cần phải nhìn thẳng vào sự thật là hiện nay cơ chế thanh toán qua ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước kém hiệu quả và còn chịu ảnh hưởng nhất định của tâm lý, thái độ thời "quan liêu, bao cấp" (vừa chậm, vừa rắc rối phức tạp, nghèo nàn về phương tiện và hình thức, chi phí cao, lại phần nào cửa quyền). Chính điều này đã phần nào làm cho các doanh nghiệp không ưa chuộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Chẳng hạn, có sự chồng chéo giữa "ngân hàng" và "cơ quan thuế", một khi việc nộp thuế chỉ được coi là hoàn thành khi tiền vào tài khoản của thuế chứ không phải từ khi doanh nghiệp ra lệnh thanh toán cho ngân hàng, và nếu ngân hàng thanh toán chậm như hiện nay thì lãi phạt chậm nộp thuế doanh nghiệp phải chịu (!). Ngoài ra, một nguyên nhân sâu xa là hệ thống ngân hàng hiện nay, do chưa tiêu chuẩn hoá, nên còn thiếu độ tin cậy.

Cũng trên thực tế, một khi có những cải tiến về dịch vụ thanh toán từ phía các ngân hàng thì ngay lập tức tỷ lệ doanh nghiệp và người dân sử dụng các cách thức thanh toán không bằng tiền mặt đã tăng lên (điển hình là trường hợp thẻ tín dụng và thẻ thanh toán). Như vậy, giải pháp vĩ mô cơ bản cho vấn đề này có lẽ nên như sau (thay cho biện pháp hành chính bắt buộc):

- Tổ chức tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt từ phía ngân hàng và Kho Bạc Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ thanh toán;
- Ap dụng các biện pháp ưu đãi về tài chính để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn chi phí dịch vụ khi thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thấp hơn so với thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch với ngân hàng).
- Tăng cường tuyên truyền để doanh nghiệp và người dân hiểu biết các ích lợi của thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ ngân hàng.
- Cần cải cách hệ thống ngân hàng theo các tiêu chuẩn hiện đại hoá và chuyên nghiệp hoá để người dân và doanh nghiệp tin cậy vào độ an toàn tài chính, chất lượng dịch vụ nói chung và tính nguyên tắc nghề nghiệp nói riêng (chẳng hạn nguyên tắc bảo mật đối với thông tin của khách hàng).

Hà Nội tháng 8/2004

Các văn bản liên quan