VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 1 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Thứ Tư 15:23 24-07-2024

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 1523/BKHĐT-QLĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 1 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Kinh nghiệm thực hiện dự án của nhà đầu tư

Luật Đấu thầu quy định kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư. Các Phụ lục từ I đến VII, Bảng số 1 của Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT (và của Dự thảo) có quy định các dự án đầu tư kinh doanh tương tự phải có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu thông thường trong khoảng 50% – 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét hoặc trong khoảng 30% – 70%, tuỳ thuộc loại dự án.

Việc đặt ra quy định về quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư có tác động hạn chế các nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án. Đối với các dự án quy mô nhỏ, quy định này có thể không có nhiều tác động vì thường sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng. Tuy nhiên, đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn. Ví dụ, trên hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải dự án lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Theo quy định này, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án từ 40.000 tỷ đến 56.000 tỷ đồng trở lên thì mới được tham gian thầu. Kết quả là chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh tại Điều 6 và Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023. Thêm vào đó, quy định này rất bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khi phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài thay vì doanh nghiệp trong nước.

Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. OECD khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra sự khó khăn không cần thiết đối với cà nhà thầu mới[1]. Do đó, việc đưa yếu tố quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư cần được hết sức cân nhắc.

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền mời thầu thường có xu hướng muốn tăng cao điều kiện về kinh nghiệm của các bên tham gia thầu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các cơ quan này thường cố gắng đưa ra điều kiện về quy mô dự án tương tự ở mức cao nhất trong biên độ cho phép tại Thông tư này (thường lên đến 70%). Do đó, đứng từ góc độ một Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu, nội dung về quy mô dự án tương tự nên được xây dựng theo hướng đưa ra giới hạn tối đa để tránh các cơ quan mời thầu lạm dụng đưa điều kiện quá cao. Đối với giới hạn tối thiểu thì nên cho phép các cơ quan mời thầu chủ động quyết định, có thể rất thấp nếu họ thấy điều kiện này là không cần thiết.

Với các lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với các dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm tham gia đấu thầu như sau:

  • Cân nhắc việc bỏ giới hạn dưới (mức sàn) mà chỉ quy định về giới hạn trên (mức trần) của quy mô dự án tương tự. Theo đó, các cơ quan mời thầu có quyền chủ động đưa ra điều kiện kinh nghiệm về quy mô dự án tương tự nhưng không được vượt quá ngưỡng quy định trong Thông tư này.
  • Trong trường hợp không bỏ mức giới hạn dưới thì có thể quy định mức này thấp hơn, từ 0% đến 20% tuỳ loại dự án.
  • Giảm mức giới hạn trên xuống, tối đa chỉ là 50% giá trị dự án đang xét, để tăng cơ hội tham gia thầu của nhiều nhà đầu tư hơn.
  1. Tiêu chí bỏ vốn chủ sở hữu tối thiểu mà nhà đầu tư đã góp vào dự án tương tự trước đây

Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT và Dự thảo đều có quy định Nhà đầu tư phải có góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu , thông thường trong khoảng 50%-70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét.

Trên thực tiễn, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc xác định thông tin này khá mất thời gian trên hệ thống kế toán. Các doanh nghiệp thường không thể tự báo cáo mà phải làm thêm các thủ tục như thuê kiểm toán để có bên thứ ba xác nhận. Điều này khiến việc chuẩn bị hồ sơ thầu mất nhiều thời gian và có thể lỡ thời hạn nộp hồ sơ dự thầu.

Trong pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng có quy định tương tự về đánh giá vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, giao động từ 15% đến 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét, tuỳ vào diện tích đất của dự án. Đây là tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư được thực hiện ổn định từ trước đến nay và đảm bảo tính hợp lý, khả thi.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không quy định việc chứng minh vốn chủ sở hữu đã góp của nhà đầu tư đối với dự án trước đây.

  1. Tiêu chí hoàn thành phần lớn dự án trước đó

Dự thảo Thông tư có quy định nhà thầu phải chứng minh dự án hoàn thành phần lớn theo một trong hai phương án:

  • Phương án 1, dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% số lượng hạng mục công trình được nghiệm thu, đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng từng phần theo giai đoạn thi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
  • Phương án 2, dự án hoàn thành phần lớn là dự án có tối thiểu 80% giá trị khối lượng công việc của dự án được nghiệm thu.

Trên thực tế, theo phản ánh của các doanh nghiệp, đối với các dự án lớn thường được thiết kế đầu tư phân kỳ, kéo dài nhiều năm. Ví dụ, các dự án khu đô thị thường được thiết kế theo hình thức cuốn chiếu. Nhà đầu tư xây dựng từng phân khu, đưa vào vận hành và sử dụng trong khi vẫn tiếp tục xây dựng tại các phân khu tiếp theo. Kể cả trong trường hợp thi công và kinh doanh đúng tiến độ, một dự án như vậy cũng có thể kéo dài nhiều, thậm chí hàng chục năm mới có thể hoàn thành. Đó là chưa kể trong trường hợp gặp những biến động bất khả kháng, nằm ngoài dự liệu của nhà đầu tư có thể khiến một số hạng mục, nội dung của dự án bị trì hoãn kéo dài.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn mà để từng dự án cơ quan nhà nước có thẩm quyền tự điều chỉnh tỷ lệ này theo quy mô của dự án tương tự như quy định của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hoặc điều chỉnh quy định theo hướng giảm mức tối thiểu hạng mục, giá trị dự án đã hoàn thành phần lớn từ 80% xuống còn 50%. 

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 1 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 10/2022/TT-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin và lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

[1] …favour incumbents or make the participation of new suppliers unnecessarily difficult – OECD Recommendation of the Council on Fighting Bid Rigging in Public Procurement