VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
Kính gửi: Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1024/BTTTT-KTS&XHS ngày 22/3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử[1] (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Điều 15 Dự thảo trách nhiệm của các nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn. Một số trách nhiệm này có phần tương tự, trùng lắp một phần với các trách nhiệm mà doanh nghiệp đang thực hiện, chẳng hạn:
- Công khai cơ chế phản ánh vướng mắc và xử lý vướng mắc (Điều 15.2.a Dự thảo); cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam (Điều 15.3.a Dự thảo): Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã quy định sàn thương mại điện tử (một nền tảng số trung gian) phải công khai cơ chế giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch (Điều 36), hay Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định mạng xã hội phải công khai thoả thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội (Điều 25), trong đó có nội dung về giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các thành viên (Điều 23đ.2.đ)
- Quy tắc ứng xử chung (Điều 16.4 Dự thảo)
Quy tắc ứng xử chung có thể trùng lặp với nội dung về Quy chế sàn thương mại điện tử (Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP) hay thoả thuận cung cấp và sử dụng mạng xã hội (Điều 23đ.2.đ Nghị định 72/2013/NĐ-CP)
Vấn đề này xuất hiện là do cách tiếp cận khác nhau giữa hệ thống văn bản pháp luật trước đây và Luật Giao dịch điện tử 2023. Trước đây, các nền tảng số được phân loại theo tên gọi cụ thể như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… và do từng bộ, ngành quản lý, đi kèm là các quy định chi tiết cho từng lĩnh vực. Luật Giao dịch điện tử 2023 đã gộp tất cả các đối tượng này thành một với tên gọi “nền tảng số trung gian”. Tuy nhiên, các quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 và Dự thảo này không bãi bỏ, sửa đổi các văn bản hiện hành, dẫn đến tình trạng các quy định sắp ban hành có nguy cơ trùng hoặc chồng lấn với các quy định đã có. Vì, dù tên gọi có thể hơi khác, xét cho cùng, vẫn là các chủ thể này (sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…) có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ này.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định xử lý các trách nhiệm, nghĩa vụ có nguy cơ trùng lắp giữa Dự thảo này và các văn bản pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Dự thảo còn bổ sung các quy định về minh bạch hoá hoạt động quảng cáo (Điều 16.2.b, Điều 16.4.c Dự thảo). Hiện nay, Luật Quảng cáo 2012 cũng đang được sửa đổi và dự kiến cũng bổ sung thêm các quy định quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng (có thể bao gồm cả quảng cáo với nền tảng số). Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo trao đổi, thống nhất với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về phạm vi quy định, đảm bảo không chồng chéo, thống nhất giữa các văn bản.
- Xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn
Điều 14 Dự thảo quy định về tiêu chí xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn dựa trên tiêu chí số lượng tài khoản người sử dụng hằng năm. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về thời điểm xác định và cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố nền tảng trung gian nào là quy mô lớn, quy mô rất lớn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng không rõ cơ quan có thẩm quyền hoặc nhiều cơ quan có thẩm quyền xác định, do trách nhiệm của nền tảng số được quy định ở nhiều văn bản như Luật Giao dịch điện tử 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau phụ trách. Bên cạnh đó, việc xác định thời điểm nền tảng số quy mô lớn và rất lớn có ý nghĩa quan trọng vì đây là thời điểm đánh dấu sự phát sinh các nghĩa vụ pháp lý mà doanh nghiệp phải thực hiện. Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng, dễ thực thi của quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn và thời điểm công bố nội dung này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Phiên bản thẩm định (Dự thảo 3)