VCCI_Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Thứ Hai 14:50 27-05-2024

Kính gửi: Bộ Khoa học và Công nghệ

Trả lời đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ xin ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, có một số ý kiến ban đầu như sau:

  1. Bổ sung phương thức hậu kiểm khi đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật

Điều 41.3 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định “đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện bắt buộc theo yêu cầu quản lý nhà nước dưới hình thức thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp quy công bố hợp quy”. Chữ “và” ở đây được hiểu rằng doanh nghiệp phải thực hiện đủ tất cả các hoạt động thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Điều 48 của Luật và tại Dự thảo quy định theo hướng doanh nghiệp phải làm thủ tục chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Mặc dù Điều 48.1 của Dự thảo đã cho phép doanh nghiệp tự đánh giá hợp quy, nhưng việc đánh giá này vẫn phải dựa trên kết quả thử nghiệm tại tổ chức thử nghiệm được công nhận, thừa nhận hoặc chỉ định. Thêm vào đó, Thông tư 28/2012/TT-BKHCN và các quy định quản lý chuyên ngành đều yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục công bố hợp quy trước khi đưa ra lưu thông.

Trên thực tế, nảy sinh trường hợp một số loại hàng hoá vẫn có Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) để bảo đảm an toàn cho người sử dụng nhưng rủi ro xảy ra tình trạng mất an toàn rất thấp hoặc đã được giảm thiểu tối đa nhờ các biện pháp quản lý khác. Hiện tượng này có thể xảy ra, khi theo thời gian, các doanh nghiệp trong ngành ngày càng cải tiến công nghệ để bảo đảm chất lượng hàng hoá hoặc do sự nâng cấp của các quy định quản lý khác như đăng ký lưu hành hoặc thực hành sản xuất tốt. Khi đó, qua thời gian áp dụng dài nhiều năm, thông qua thủ tục hợp quy và giám sát trong quá trình lưu thông, sản phẩm hàng hoá đó không bị phát hiện vi phạm QCKT hoặc tỷ lệ vi phạm rất thấp và rơi vào những nội dung không gây nguy hiểm. Đối với những trường hợp như vậy, nếu tiếp tục duy trì quy định phải tiền kiểm sản phẩm trước khi đưa ra lưu thông sẽ gây tốn kém chi phí xã hội không cần thiết, làm chậm quá trình sản xuất, cung ứng hàng hoá của doanh nghiệp, tăng gánh nặng thủ tục hành chính. Những trường hợp như vậy cũng không thể bãi bỏ QCKT vì vẫn phải bảo đảm an toàn tối thiểu cho sản phẩm, nhưng có thể tính đến việc đơn giản hoá thủ tục hợp quy.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế hậu kiểm để xác định sản phẩm hàng hoá có phù hợp với QCKT tương ứng hay không. Cụ thể, đối với những mặt hàng được áp dụng cơ chế hậu kiểm, khi doanh nghiệp có một dòng sản phẩm mới thì có thể chủ động đưa ra lưu thông mà không cần làm thủ tục hợp quy. Doanh nghiệp cam kết, trên nhãn hàng hoá hoặc tài liệu đi kèm sản phẩm, về việc sản phẩm đó đáp ứng QCKT tương ứng và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về nội dung này. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm sản phẩm lưu thông trên thị trường, nếu phát hiện vi phạm thì doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm và thu hồi toàn bộ sản phẩm có liên quan. Việc xác định đối tượng nào phải áp dụng cơ chế tiền kiểm hay hậu kiểm do pháp luật chuyên ngành quy định. Một cơ chế như vậy sẽ tạo sự linh hoạt cho các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm và đưa ra biện pháp quản lý phù hợp, sao cho cân bằng được giữa chi phí xã hội bỏ ra để giám sát an toàn và lợi ích thu được từ việc giám sát đó.

  1. Uỷ quyền làm thủ tục công bố hợp quy

Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn chất lượng hiện quy định theo hướng doanh nghiệp phải tự mình làm thủ tục công bố hợp quy sau khi đã sử dụng dịch vụ chứng nhận hợp quy của một bên cung cấp dịch vụ. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ có nhu cầu thuê luôn đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp làm thủ tục công bố hợp quy. Trên thực tế, nhiều đơn vị cũng cung cấp dịch vụ trọn gói như vậy, nhưng vẫn đứng tên doanh nghiệp để nộp hồ sơ. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc liên thông hai công đoạn chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, trước mắt, sửa đổi Điều 48 của Luật theo hướng doanh nghiệp có thể tự mình nộp hồ sơ hoặc uỷ quyền cho đơn vị đánh giá sự phù hợp nộp hồ sơ công bố hợp quy. Về lâu dài, tuỳ từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể, các cơ quan nhà nước có thể tiến hành xã hội hoá thủ tục công bố hợp quy, cho phép các đơn vị chứng nhận sự phù hợp tiếp nhận hồ sơ và trả lời doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm các đơn vị này sau.

  1. Thông báo tiêu chuẩn cơ sở

Thông báo tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho cơ quan nhà nước là một thủ tục hành chính mới được quy định tại Dự thảo này. Các doanh nghiệp hết sức quan tâm đến đề xuất chính sách này bởi số lượng các doanh nghiệp và số lần phải làm thủ tục hành chính là rất lớn. Thêm vào đó, các nội dung về thủ tục này trong dự thảo chưa rõ ràng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại phát sinh nghĩa vụ, gây tốn kém thời gian, công sức.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin về các tiêu chuẩn cơ sở đang được xây dựng và thực hiện tại Việt Nam, đồng thời giúp tăng cường minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, giải trình này chưa thực sự thuyết phục, vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, việc minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng đã được thực hiện thông qua thủ tục công bố hợp chuẩn. Điều 45.2 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã yêu cầu doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký bản công bố hợp chuẩn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, để nắm được thông tin về việc xây dựng và thực hiện các TCCS tại Việt Nam, cơ quan nhà nước có thể sử dụng các biện pháp điều tra, khảo sát, thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, không nhất thiết phải quy định thêm thủ tục hành chính mới. Theo đó, sau khi tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp chuẩn của doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể tiến hành việc thanh tra, kiểm tra để nắm được thông tin về TCCS tương ứng.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn về sự cần thiết của thủ tục mới này. Trong trường hợp không có các lý do phù hợp thì đề nghị không quy định mới thủ tục hành chính này. Trong trường hợp có thêm các lý do khác, thì việc đưa thêm một thủ tục hành chính mới như vậy cũng cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn, cụ thể như:

– Chỉ yêu cầu thông báo các TCCS có liên quan đến sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và môi trường mà có ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc công đồng dân cư. Đối với các TCCS mà doanh nghiệp sử dụng nội bộ như tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu nội bộ, tiêu chuẩn vận chuyển và lưu kho hàng hoá, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng… mà không liên quan đến các bên khác ngoài doanh nghiệp thì không cần thông báo.

– Quy định rõ việc thông báo này có thể thực hiện sau khi đã đưa sản phẩm hàng hoá ra lưu thông. Nói cách khác, việc thông báo chỉ thuần tuý cung cấp thông tin cho CQNN mà không phải là một điều kiện hay một việc buộc phải làm trước khi áp dụng hay đưa sản phẩm, hàng hoá ra lưu thông.

– Quy định rõ hình thức thông báo là trên môi trường điện tử (thủ tục hành chính cấp độ 4). Hệ thống sẽ tự động tiếp nhận và xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ cho doanh nghiệp, mà không cần bất kỳ trả lời nào khác của cán bộ hay cơ quan nhà nước.

Trên đây là ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan