VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán (lần 2)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước
Ngày 17/5/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có Công văn số 0811/LĐTM-PC góp ý Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Sau đó, VCCI nhận được thêm ý kiến từ doanh nghiệp, nên tiếp tục tổng hợp các ý kiến như sau:
- Đại lý thanh toán
Điều 6.5 Dự thảo quy định bên nhận đại lý chỉ có thể là doanh nghiệp (và các đơn vị hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng). Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa hợp lý vì hạn chế chủ thể được làm đại lý thanh toán, cụ thể là các cá nhân, tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp. Chỉ cho phép doanh nghiệp làm đại lý sẽ hạn chế đáng kể khả năng tìm kiếm, lựa chọn đại lý, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có doanh nghiệp hoạt động, từ đó không đáp ứng mục tiêu của chính sách này là thúc đẩy dịch vụ thanh toán đến những vùng chưa phủ bởi hệ thống ngân hàng và góp phần phổ cập tài chính. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy các nước có chính sách khuyến khích phát triển đại lý ngân hàng bao gồm cả các cá nhân, như Ấn Độ khuyến khích đại lý cá nhân là các công chức và giáo viên hưu trí, chủ cửa hàng tạp hoá, cây xăng hoặc nhà thuốc, cựu nhân viên các cơ quan tài chính và bảo hiểm địa phương; và cho phép các tổ chức là các NGO địa phương.[1] Hay Thái Lan cho phép cá nhân làm đại lý ngân hàng để thực hiện các giao dịch đơn giản (rút tiền mặt, thanh toán…), còn đại lý tổ chức được thực hiện các nghiệp vụ phức tạp hơn (nhận tiền gửi, chuyển tiền…).[2] Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung theo hướng bên nhận đại lý bao gồm cả các cá nhân và đối tượng đại lý tổ chức không chỉ bao gồm doanh nghiệp mà còn cả các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp như các hội/chi hội thuộc Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… Với đại lý cá nhân, Dự thảo có thể quy định chủ thể này chỉ được phép thực hiện các nghiệp vụ đơn giản, ít rủi ro cho khách hàng.
- Duy trì số dư tại tài khoản thanh toán
Điều 7.4 Dự thảo yêu cầu bên đại lý là tổ chức khác phải duy trì tài khoản thanh toán tại bên giao đại lý để thực hiện nghiệp vụ giao đại lý trong phạm vi số dư do bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận. Đồng thời, Điều 5.1.b Dự thảo quy định bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán. Như vậy, về bản chất, tài khoản thanh toán của bên đại lý là khoản tiền ký quỹ để đảm bảo nghĩa vụ với khách hàng, và số tiền ký quỹ có thể lên tới 200 triệu đồng (tương ứng với hạn mức giao dịch tối đa mỗi ngày).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp vì các lý do sau:
– Ngân hàng có trách nhiệm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng trong mọi trường hợp, kể cả trường hợp bên đại lý có vi phạm (Điều 9.2 Dự thảo);
– Ngân hàng có nhiều biện pháp kiểm soát rủi ro khác bên cạnh việc ký quỹ như bảo lãnh từ bên thứ ba, dùng tài sản khác để đảm bảo nghĩa vụ (đặc biệt nếu đại lý đã có quan hệ giao dịch, tiền gửi hoặc tài sản tại ngân hàng). Ngân hàng là một tổ chức kinh tế nên có thể đánh giá và chấp nhận mức độ rủi ro nhất định để khuyến khích phát triển đại lý trong giai đoạn đầu, trong đó có tự quyết định về mức độ kiểm soát rủi ro thích hợp;
– Việc yêu cầu ký quỹ sẽ khó phát triển mạng lưới các đại lý nhỏ, đặc biệt là ở các địa bàn thu nhập thấp, phải ứng trước và duy trì số dư tài khoản trong khi lợi ích chưa rõ ràng.
Từ những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định bắt buộc đại lý duy trì số dư tại ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ. Thay vào đó, cho phép các ngân hàng thoả thuận với đại lý về biện pháp kiểm soát rủi ro một cách linh hoạt, phù hợp với thực tế và nhu cầu của ngân hàng.
- Phí đại lý
Điều 7.5 Dự thảo quy định mức phí mà ngân hàng thu của khách hàng thông qua bên đại lý không cao hơn mức phí mà ngân hàng cung ứng dịch vụ đang áp dụng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp. Hiện nay, mức phí ngân hàng áp dụng đối với các giao dịch thanh toán rất thấp, trung bình 0,025 – 0,04%. Trong trường hợp hạn mức giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày như Dự thảo, tiền phí thu được của mỗi điểm đại lý sẽ không quá 50.000 – 80.000 đồng/ngày. Mức này là mức quá thấp để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này khi phải đầu tư cơ sở vật chất và đáp ứng các điều kiện kinh doanh khác theo quy định. Một tình huống khác là ngân hàng có thể thoả thuận trả phí đại lý với mức cao hơn phí giao dịch thu được từ khách hàng, nhưng như vậy là ngân hàng bù lỗ cho hoạt động đại lý, dẫn đến mô hình hợp tác không thể ổn định và lâu dài. Do vậy, để khuyến khích hoạt động đại lý và đảm bảo tính bền vững trong hoạt động kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng cho phép các ngân hàng và đại lý thoả thuận mức phí dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế.
- Số lượng điểm đại lý thanh toán tại địa bàn nông thôn
Điều 7.7 Dự thảo quy định bên giao đại lý phải đảm bảo số lượng điểm đại lý thanh toán là tổ chức khác tại địa bàn cấp huyện chiếm trên 70% số lượng điểm đại lý thanh toán của bên giao đại lý. Quy định này có thể được suy đoán nhằm phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy mở rộng các điểm đại lý tại vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định tỷ lệ cứng như vậy có thể không khả thi. Thực tế, việc tuyển dụng đại lý ở khu vực nông thông rất khó khăn, và số lượng đại lý tại khu vực này cũng biến động mạnh do nhiều đại lý ngừng hoạt động sau một thời gian ngắn vì không có hiệu quả kinh doanh; trong khi đó, các đại lý thanh toán ở khu vực thành thị cũng rất mạnh và ổn định, đặc biệt là nhóm người lao động thu nhập thấp không thể dến ngân hàng trong giờ làm việc. Ngoài ra, quy định này cũng gây khó khăn cho ngân hàng để duy trì tỷ lệ này khi số lượng đại lý ở nông thôn suy giảm, ngân hàng sẽ khó xử lý đóng cửa các đại lý tại thành thị chỉ vì đáp ứng tỷ lệ này, có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng với đại lý hoặc khó khăn khi giải quyết quyền lợi cho khách hàng đang có giao dịch tại đại lý.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bên cạnh một số ít quốc gia như Bangladesh quy định tỷ lệ bắt buộc giữa các đại lý khu vực nông thôn và thành thị, các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia đều không quy định tỷ lệ này, mà chỉ đặt ra các yêu cầu mang tính khuyến khích. Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2021 với dịch vụ Mobile Money cũng không đặt ra quy định tỷ lệ cứng như vậy.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng bên giao đại lý phải ưu tiên triển khai hoạt động đại lý thanh toán tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.
- Hạn mức giao dịch
Điều 5.1 Dự thảo quy định về hạn mức giao dịch tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày, 200 triệu đồng/điểm đại lý/ngày và 5 tỷ đồng/điểm đại lý/tháng. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này này không thực sự phù hợp với thực tế, có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn dịch vụ và giới hạn đáng kể tiềm năng kinh doanh của bên đại lý, cụ thể:
– Hạn mức này đã được thực hiện từ năm 2012 khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chương trình thí điểm đại lý. Đến nay, sau 12 năm, hạn mức này cần có sự điều chỉnh, tính đến quy mô phát triển thị trường, nhu cầu thanh toán gia tăng của người dân và mức độ lạm phát của nền kinh tế;
– Hạn mức này chưa phù hợp vì cần được điều chỉnh phụ thuộc theo nhu cầu giao dịch tại địa bàn hoạt động của đại lý, quy mô hoạt động và mức độ rủi ro của từng đại lý. Một số đại lý là doanh nghiệp lớn vận hành chuỗi cửa hàng, điểm giao dịch ở các thành thị, quy mô giao dịch thường ở mức cao trong khi mức độ rủi ro của đại lý loại này khá thấp. Ngược lại, đối với các đại lý nhỏ ở khu vực nông thôn, nhu cầu giao dịch thấp hơn, do đó có thể áp dụng hạn mức như quy định.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng (i) chỉ áp dụng hạn mức tại Điều 5.1 Dự thảo với đại lý mới ký hợp đồng; (ii) sau đó, ngân hàng và đại lý có thể thoả thuận điều chỉnh hạn mức giao dịch phù hợp.
- Sự tham gia của các đối tác trong hoạt động đại lý thanh toán
Theo phản ánh của doanh nghiệp, thực tiễn triển khai cho thấy vai trò của các doanh nghiệp trung gian như trung gian thanh toán hay doanh nghiệp công nghệ lớn có mạng lưới rộng, với vai trò là đối tác hợp tác với ngân hàng, mang lại lợi ích cho các bên liên quan, đóng góp quan trọng vào thành công của họat động đại lý thanh toán:
– Đối với đại lý: cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để thực hiện các giao dịch thuộc nghiệp vụ đại lý (KYC khách hàng, nhận tiền, chuyển tiền, tra soát giao dịch .v.v.) do các đại lý, đặc biệt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, không có điều kiện kết nối với hệ thống hay truy cập vào core banking của ngân hàng;
– Đối với ngân hàng: các ngân hàng không có nguồn lực và kinh nghiệm phát triển mạng lưới đại lý, đặc biệt tại các địa bàn không có chi nhánh, phòng giao dịch, do đó cần sự hỗ trợ của các đối tác trong hoạt động này;
– Đối với khách hàng: với sự hỗ trợ của các đối tác, đại lý sẽ giúp khách hàng tiếp cận với hệ sinh thái kinh tế số, có thể sử dụng các dịch vụ thiết yếu cho đời sống hàng ngày (thanh toán điện, nước, điện thoại, học phí, thuế và lệ phí…) từ đó thúc đẩy thói quen tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương;
Từ những lợi ích thiết thực trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quyền của bên giao đại lý, bên đại lý được hợp tác với các đối tác để phát triển mạng lưới và hỗ trợ hoạt động của các đại lý thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật (tại Điều 9, 10 Dự thảo). Các đối tác có thể bao gồm doanh nghiệp trung gian thanh toán hoặc doanh nghiệp công nghệ lớn có mạng lưới rộng.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Thông tư về các đối tác ngân hàng (business correspondent to banks) của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, truy cập từ nguồn https://www.rbi.org.in/scripts/NotificationUser.aspx?Id=6017&Mode=0
[2] https://www.bot.or.th/content/dam/bot/fipcs/documents/FPG/2563/EngPDF/25630228.pdf