Góp ý của TS.Lê Nết, Trường ĐH Luật TP.HCM

Thứ Hai 11:46 22-05-2006
GÓP Ý CHO DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

[b]1. Mục đích của BLDS (sửa đổi) và cách thức đánh số các điều


BLDS (sửa đổi) không cần thiết thay thế hoàn toàn BLDS, mà chỉ sửa đổi một số điều của BLDS. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và kế thừa cũng như tránh khó khăn cho cơ quan áp dụng luật, không cần đánh số lại BLDS. Đối với các điều khoản cần thêm có thể ghi (ví dụ) 100A, 100B, v.v.. Các điều khoản đã bỏ chỉ cần ghi (ví dụ): Điều 101 (hết hiệu lực). Cách sửa đổi này sẽ đồng nhất với cách thức sau này Quốc hội sẽ sửa luật (một luật sửa nhiều luật).

2. Những qui định chung

- Khoản 1 Điều 2: "BLDS cũng được áp dụng ...". Nên chuyển câu này lên điều 1. Câu này là phạm vi điều chỉnh chứ không phải hiệu lực của BLDS.

- Khoản 2 Điều 9 nên bổ sung mục e: "tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu một phần hay toàn bộ." Việc yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu cũng là một cách để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

- Điều 12, đoạn 2 mâu thuẫn với qui định về tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, yêu cầu toà án bảo vệ quyền dân sự, vì thế kiến nghị nên bỏ.

- Khoản 2 Điều 14 mâu thuẫn với Điều 16, nên được sửa thành "mọi cá nhân ... như nhau, trừ trường hợp bị hạn chế theo qui định của pháp luật." Bởi lẽ trên thực tế, người nước ngoài và người Việt Nam không có NLPLDS "như nhau."

- Khoản 2 Điều 22: dùng từ "đại diện theo pháp luật" chưa chuẩn xác, nên thay bằng từ "giám hộ", và bổ sung thêm vào khoản 1, Điều 22.1: khi một người "đã thành niên" ..., bởi lẽ người chưa thành niên không cần phải tuyên bố mất NLHVDS.

- Điều 52 không qui định nếu một người sinh sống nhiều nơi thì giải quyết như thế nào. Nên bổ sung: một người chỉ được quyền có một nơi cư trú. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú, thì đó là nơi cá nhân có hộ khẩu thường trú. Hiện nay không có cơ chế nào quản lý "nơi cư trú" của một người (không phải CMND, cũng không phải hộ khẩu). Điều này gây khó khăn khi xác định toà án thụ lý vụ án, v.v.
- Tại điểm b, Khoản 2 Điều 58, chúng ta thấy sau đó BLDS không hề có cơ chế giám hộ cho "người bị bệnh tâm thần" nếu người này không bị mất năng lực hành vi. Đề nghị thay "người bị bệnh tâm thần" bằng "người bị mất năng lực hành vi" (Xem Điều 62).

- Câu cuối của khoản 2 Điều 61 không rõ nghĩa, đề nghị bỏ câu cuối. Bởi lẽ không thể có nhiều người (cô chú v.v.) cùng là người giám hộ.
- Mục a khoản 2 Điều 83 dẫn đến nghịch lý là người chết cần phải được ly hôn. Nên thay "chết" bằng "mất tích."

- Điều 84 nên nêu rõ "một tổ chức được công nhận là pháp nhân quốc tịch Việt Nam." Địa vị của pháp nhân nước ngoài sẽ do luật nước ngoài qui định. Qui định quá rộng sẽ dẫn đến nghịch lý là pháp nhân nước ngoài có thể không được công nhận có tư cách pháp nhân khi tham gia các giao dịch tại Việt Nam thông qua văn phòng đại diện, nếu không đủ các điều kiện của Điều 84.

- Khoản 3 Điều 84: chưa rõ khái niệm "tự chịu trách nhiệm", vì thế nên bổ sung sau cùng "trừ trường hợp pháp luật có qui định khác." Nếu không qui định như vậy thì công ty hợp danh hay văn phòng luật sư sẽ không được coi là có tư cách pháp nhân.

- Điều 86 trùng với nội dung của Điều 101. Nên bỏ một trong hai điều.

- Tại Khoản 3 Điều 87, nội dung không ăn nhập với tiêu đề. Tiêu đề Điều 87 nên sửa thành "năng lực chủ thể ..." Việc nhân danh liên quan đến NLHVDS chứ không phải năng lực pháp luật dân sự.

- Điều 88 dẫn đến nghịch lý là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có tên gọi tiếng Việt (thí dụ: Coca Cola dịch ra tiếng Việt là gì?). Nên bỏ từ "bằng tiếng Việt". Hơn nữa, các qui định này đã có ở Luật Doanh nghiệp và không cần phải được nhắc lại.

- Tại khoản 2 Điều 90, việc qui định điều lệ quá chi tiết, trong khi nhiều pháp nhận không có điều lệ (thí dụ đại học Luật). Vì thế nên bỏ các chi tiết của Điều 90.2. Mỗi loại pháp nhân khác nhau có thể qui định khác nhau về cơ cấu tổ chức, hoạt động của mình theo luật cụ thể.

- Tại Khoản 2 Điều 94, khái niệm "không nhân danh" không rõ là thế nào. Nên sửa "nhân danh" thành "đại diện pháp nhân theo phạm vi thẩm quyền đại diện."

- Tại Khoản 3 Điều 94, có ngoại lệ của trường hợp này, được qui định tại Luật Doanh nghiệp. Vì thế, nên thêm vào cuối câu "trừ trường hợp pháp luật có qui định khác;" ví dụ trách nhiệm của thành viên sáng lập công ty hợp danh.

- Tại Khoản 3 Điều 104 không có định nghĩa thế nào là "tài sản của mình". Vì thế cần bổ sung "tài sản của tổ chức kinh tế bao gồm tài sản hình thành từ vốn điều lệ, vốn vay và các tài sản khác hình thành từ hoạt động sản xuất kinh doanh." Nếu không qui định rõ, dễ dẫn đến ngộ nhận là tài sản của tổ chức kinh tế chỉ bao gồm vốn pháp định của tổ chức kinh tê mà thôi.

- Tại Điều 107, không hiểu thành viên có liên quan thế nào thì được coi là hộ, có cần quan hệ huyết thống hay hôn nhân không? Ngoài ra, nên mở rộng phạm vi các giao dịch hộ gia đình tham gia như các giao dịch mua điện, nước, vay tiền, v.v. Để thống nhất, nên ghi thêm "Hộ gia định theo qui định của pháp luật hôn nhân gia đình ..."

- Điều 112 không ghi rõ là hành vi của ai, có đúng luật không, phát sinh thay đổi theo cơ chế nào, v.v. Vì vậy, nên dùng lại Điều 130 BLDS 1995. Nếu không qui định rõ, thì hành vi trái pháp luật cũng được coi là GDDS. Nếu như vậy thì khi nào GDDS đó vô hiệu?

- Tại điểm b Khoản 1 Điều 113, khái niệm "đối tượng" quá hẹp. Nên quay lại sử dụng khái niệm "nội dung" thay cho "đối tượng". Thí dụ, điều khoản hạn chế quyền khởi kiện có vô hiệu không? Nếu không thì qui định về thời hiện vô nghĩa, nếu có thì không rõ là vô hiệu do đối tượng trái pháp luật hay nội dung trái pháp luật.

- Tại khoản 2 Điều 113 không nêu rõ pháp luật qui định về cái gì và vào thời điểm nào. Nên bổ sung cuối câu "... qui định về hiệu lực của giao dịch phụ thuộc vào hình thức giao dịch, vào thời điềm xác lập giao dịch."
- Tại điều 119, khái niệm "đối tượng" quá hẹp, nên sử dụng "nội dung" thay cho "đối tượng" (xem góp ý Điều 113 nêu trên).

- Tại Khoản 1 Điều 122, khái niệm "lỗi vô ý" không rõ. Hơn nữa, nếu việc nhầm lẫn do bên thứ ba gây ra thì giải quyết ra sao? Đề nghị sửa thành "Khi một bên biết hay phải biết bên kia bị nhầm lẫn ..." Nếu một bên bị nhầm nhưng không nói ra thì làm sao bên kia biết và chịu trách nhiệm được?

- Tại Khoản 2 Điều 135, chưa qui định về xung đột lợi ích giữa người đại diện theo ủy quyền và người được đại diện. Nên bổ sung: "Người đại diện không được thực hiện các giao dịch dân sự gây thiệt hại đến lợi ích của người được đại diện." Qui định này sẽ giảm các vụ tham nhũng hay lãng phí tài sản công, do người đại diện cố tìng gây thiệt hại cho Nhà nước hay DNNN.

- Tại Điều 137, Chưa rõ nếu thực hiện trong phạm vi phẩm quyền nhưng trái qui định pháp luật, thí dụ về xung đột lợi ích, thì sao? Nên bổ sung "... vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện hoặc cố ý gây thiệt hại cho người được đại diện ..." (Xem nhận xét Điều 135.2).

- Tại mục a và b của Khoản 2 Điều 149, không qui định rõ thế nào là "cơ quan nhà nước", là "tranh chấp". Nên thay "cơ quan nhà nước" bằng "toà án". Ngoài ra, nên bỏ mục b Khoản 2 Điều 149. Nếu không, một giấy mời làm việc của UBND Phường, một vụ tranh cãi cũng có thể làm gián đoạn thời hiệu.

3. Quyền Sở hữu

- Tại Điều 200, về việc vợ chồng có quyền ngang nhau, nên bổ sung "... trừ trường hợp có thoả thuận khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận." Bởi lẽ, nếu đóng góp công sức không như nhau thì quyền có thể thoả thuận khác nhau.

- Tại Khoản 2 Điều 214, có qui định "bất động sản vô chủ thuộc Nhà nước". Điều này mâu thuẫn với Điều 222. Vì thế nên bỏ qui định này.
- Tại Điều 223 có qui định chỉ chủ sở hữu mới được chuyển quyền. Nên bổ sung "chủ sở hữu hoặc người có thẩm quyền theo qui định của pháp luật". Thí dụ, trong việc bán đấu giá tài sản để thi hành án hay xử lý tài sản bảo đảm thì không nhất thiết phải chuyển quyền thông qua chủ sở hữu.

- Tại Điều 232 không rõ người ngay tình nếu phải trả tài sản có quyền được hưởng hoa lợi, lợi tức không. Vì vậy, nên cho người chiếm hữu ngay tình được hưởng hoa lợi, lợi tức, thanh toán chi phí bảo quản nếu phải trả lại tài sản (tham khảo Điều 224-227 BLDS Ba Lan).

- Tại Điều 233 Không qui định gì về việc chuyển bất động sản cho người thứ ba ngay tình và người này đã bỏ chi phí thì giải quyết ra sao. Đề nghị bổ sung thêm: "nếu phải trả tài sản, thì người chiếm hữu ngay tình được thanh toán chi phí mình bỏ ra cho tài sản một cách hợp lý".

- Tại Khoản 2 Điều 254 không qui định rõ thế nào là "không còn nhu cầu" (tuỳ thuộc vào ý chí của bên sử dụng). Nên thay "không còn nhu cầu" bằng "không còn cần thiết", vì "cần thiết" khách quan hơn "nhu cầu."

4. Nghĩa vụ và hợp đồng

- Tại Khoản 3 Điều 274, nếu "phần nghĩa vụ liên đới" không rõ ràng thì nghĩa vụ hoàn trả được thực hiện ra sao. Nên bồ sung cuối câu: "nếu phần nghĩa vụ liên đới không rõ ràng, bên đã thực hiện có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới hoàn trả những khoản nghĩa vụ bằng nhau".

- Tại Khoản 2 Điều 275 không qui định rõ nếu một bên có quyền phản đối thực hiện nghĩa vụ liên đới thì nên giải quyết như thế nào. Trong trường hợp đó, bên có nghĩa vụ sẽ thực hiện nghĩa vụ cho toà án cho đến khi tranh chấp được giải quyết. Điều này tránh được việc bên nghĩa vụ chịu trách nhiệm về tranh chấp giữa các bên có quyền.

- Sau Điều 277, nên qui định về việc miễn giảm thực hiện nghĩa vụ theo quyết định của toà án do tình thế khó khăn (VD. cúm gà, siêu lạm phát khiến nông dân không trả được nợ vay ngân hàng). Nếu do tình thế khó khăn không lường trước được vào thời điểm giao kết giao dịch, mà nghĩa vụ trở nên quá khó thực hiện hay bên có nghĩa vụ có khả năng chịu tổn thất không khắc phục được, toà án có quyền sửa đổi nghĩa vụ của các bên sau khi xem xét quyền lợi của các bên có liên quan. Đây là cơ chế "hardship", rebus sic stantibus có ở nhiều nước khác (thí dụ Điều 357 BLDS Ba Lan).

- Tại Khoản 5 Điều 279, hiện còn thiếu trách nhiệm dân sự do rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Khi bên có nghĩa vụ bị mất khả năng thanh toán hay tài sản bảo đảm của bên có nghĩa vụ bị giảm sút đáng kể, bên có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện ngay trước thời hạn. Việc không thực hiện được coi như vi phạm. Đây là loại "sự kiện vi phạm" (event of default) rất phổ biến trong các hợp đồng vay của luật Anh Mỹ.

- Tại Điều 283 thiếu qui định về hình thức bồi thường bổ sung "việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo hình thức do bên có quyền lựa chọn giữa trả lại nguyên trạng ban đầu cho bên bị thiệt hại và bồi thường bằng tiền. Nêu việc trả lại nguyên trạng quá khó khăn thì yêu cầu bồi thường chỉ giới hạn ở việc bồi thường bằng tiền." Theo Luật Anh, bên vi phạm hợp đồng có quyền trả tiền bồi thường để khỏi phải thực hiện hợp đồng, điều đó có lợi cho cả hai bên về kinh tế (effective breach).
- Tại Khoản 1 Điều 286 qui định việc chuyển quyền có thể bằng lời nói. Đề nghị nên hạn chế chỉ cho phép chuyển quyền bằng văn bản nhằm tránh mâu thuẫn với Khoản 2 Điều 285.

- Tại Điều 294 nên bổ sung thêm hai hình thức bảo đảm nghĩa vụ là bảo hiểm rủi ro và nghĩa vụ liên đới. Thật ra các biện pháp bảo đảm rất phong phú đa dạng, ngoài ra còn có tín chấp, tín dụng dự phòng (standby L/C), v.v.

- Qui định tại Khoản 1 Điều 300 đặt dấu hỏi cho việc không rõ các bên có thể thoả thuận về thứ tự ưu tiên thanh toán không (subordinated debt). Nên bổ sung vào cuối câu "trừ trường hợp các bên trong giao dịch có thoả thuận khác". Subordinated debt được sử dụng nhiều trong các hợp đồng tín dụng hiện nay.

- Qui định tại Khoản 1 Điều 301, câu "giá trị lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ bảo đảm" không rõ là vào thời điểm nào. Đề nghị bổ sung "... lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ bảo đảm vào thời điểm xử lý tài sản bảo đảm." Ví dụ căn nhà trị giá 100 cây vào thời điểm ký có thể có trị giá 200 cây vào thời điểm xử lý.

- Tại Điều 311 và 329, không qui định rõ xem có thể xử lý tài sản trước khi không thực hiện nghĩa vụ không (miễn là việc xử lý được coi là sự kiện vi phạm - event of default). Đề nghị sửa lại: "... không đúng thoả thuận/nghĩa vụ hay các trường hợp khác do các bên qui định". Các trường hợp sự kiện vi phạm bao gồm việc tài sản bị giảm sút đáng kể, mất khả năng thanh toán, cơ cấu tổ chức thay đổi, v.v.

- Tại Điều 343 chưa qui định rõ tài sản bảo lãnh có phải đăng ký vào giao dịch bảo đảm không. Đề nghị bổ sung vào khoản 3: ".. trừ các tài sản đã được đăng ký trong các giao dịch bảo đảm khác." Trên nguyên tắc, tài sản bảo lãnh không cần phải đăng ký, và vì thế khó xác định.
- Khoản 1 và khoản 3 Điều 349 mâu thuẫn nhau. Đề nghị bỏ câu cuối của Khoản 1 vì câu cuối Khoản 1 ít áp dụng trên thực tế.

- Điều 357 không qui định rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu bên có quyền từ chối tiếp nhận nghĩa vụ và cho rằng hợp đồng vô hiệu do người ký không có thẩm quyền. Đề nghị qui định cho dù bên có quyền từ chối tiếp nhận nghĩa vụ, song đã hưởng lợi từ việc thực hiện nghĩa vụ, thì nghĩa vụ vẫn chấm dứt đối với phần bên có quyền hưởng lợi. Điều này khắc phục tình trạng phổ biến xảy ra (hợp đồng kinh tế vô hiệu do người ký không đúng thẩm quyền, cho dù bên ký đã hưởng lợi từ hợp đồng đó).
- Tại Khoản 3 Điều 372 qui định bên đề nghị không được mời người thứ ba giao kết hay không được giao kết. Đề nghị sửa thành: “… không được giao kết với người thứ ba.” Việc đề nghị nhiều người giao kết cùng một lúc là bình thường, chỉ không được giao kết trước thời hạn.

- Tại Khoản 3 Điều 390 qui định giá trị các điều khoản miễn trừ trách nhiệm (vô hiệu). Điều khoản này không thực tế so với nhiều hợp đồng đang diễn ra. Đề nghị bổ sung vào câu cuối “… không có hiệu lực, trừ những điều khoản hợp lý.” Nếu “tiền nào của nấy” thì việc miễn trách nhiệm là hợp lý.

- Ngoài ra nên có qui định về điều khoản miễn trừ trách nhiệm không? Đề nghị bổ sung vào điều khoản thích hợp: “Các bên có thể qui định về điều khoản miễn trừ trách nhiệm, nếu điều khoản đó là hợp lý, không trái pháp luật và đạo đức xã hôi. Bên qui định điều khoản miễn trừ trách nhiệm chịu bất lợi khi giải thích điều khoản này.” Miễn trừ hay giới hạn trách nhiệm (exclusion/ limitation clause) là điều khoản rất hay sử dụng trong những hợp đồng thương mại hiện nay. Do không qui định rõ nên người tiêu dùng dễ bị thiệt hại. Ở Anh có hẵn một đạo luật về các điều khoản không công bằng (UCTA 1977).

- Tại Điều 463 chưa thấy sự liên hệ giữa hụi và vay. Ngoài ra nên dùng “giao dịch” thay cho “chơi” Bổ sung khoản 4: “các qui định về hợp đồng vay cũng được áp dụng tương ứng cho giao dịch hụi, họ, …”
- Tại Điều 489 các điều luật dẫn chiếu không khớp (Điều 587 hay 487? 479 hay 481?). Đề nghị sửa thành 487 và 481. Ban soạn thảo luật nên rà soát lại để tránh nhầm lẫn không đáng có.

- Tại Khoản 2 Điều 512 không rõ nếu bên thuê dịch vụ không đồng ý thì xử lý hậu quả pháp lý ra sao. Đề nghị bổ sung: trong trường hợp bên thuê dịch vụ không đồng ý thì áp dụng các qui định về được lợi không có căn cứ pháp luật. Nếu bên thuê dịch vụ không đồng ý, nhưng đã được hưởng lợi từ việc thay đổi dịch vụ thì vẫn phải thanh toán phần lợi đó cho bên thực hiện dịch vụ.

- Ngoài qui định về hợp đồng ủy quyền (Điều 570-578) nên bổ sung hợp đồng ủy thác. Ủy thác (trust) là hợp đồng trong đó người nhận ủy thác luôn thực hiện công việc vì lợi ích của bên ủy thác cho dù có ủy quyền hay không, và được đứng tên trên tài sản của người ủy thác. Ủy thác thường hay gặp trong hợp đồng cho vay, nhất là trong thỏa thuận về trình tự thanh toán nợ (subordination agreement).

- Tại Điều 575 thiếu nghĩa vụ thực hiện vì lợi ích của bên ủy quyền. Bên được ủy quyền phải thực hiện công việc được ủy quyền vì lợi ích của bên được ủy quyền. Điều này sẽ dẫn đến sự thống nhất giữa nghĩa vụ của đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền, tránh lạm dụng ủy quyền để mưu lợi.

- Tại Điều 577, nên cho phép các bên thỏa thuận ủy quyền không hủy ngang. Vì việc thông báo cho bên thứ ba rất khó xảy ra (không biết bên thứ ba là ai để thông báo, đăng báo cũng chưa chắc có người đọc). Thêm vào chỗ thích hợp ở khoản 1 Điều 577 “… trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Ủy quyền không hủy ngang đã thực hiện trên thực tế thông qua thư tín dụng (irrevocable letter of credit). Theo đó bên mở tín dụng ủy quyền cho ngân hàng phát hành trả tiền cho bên bán hàng, không hủy ngang.

- Tại Điều 588, không rõ việc được lợi không có căn cứ pháp luật có áp dụng cho trường hợp thực hiện nghĩa vụ đã hết thời hiệu khởi kiện không. Đề nghị bổ sung: “được lợi không có căn cứ pháp luật không áp dụng cho trường hợp thực hiện nghĩa vụ đã hết thời hiệu khởi kiện.” (Xem Điều 411 BLDS Ba Lan). Đây là bảo đảm để cho người có quyền được hưởng lợi ích hợp pháp, vì quyền đòi nợ khác quyền khởi kiện.

- Tại Điều 593, không rõ 4 căn cứ bồi thường thiệt hại là bồi thường trong hay ngoài hợp đồng. Nếu 4 căn cứ bồi thường áp dụng cho cả nghĩa vụ trong và ngoài hợp đồng thì phải ghi ở phần chung của nghĩa vụ.
- Ngoài ra, nên có điều khoản giải thích mối quan hệ nhân quả là như thế nào. Đề nghị qui định: “Người chịu trách nhiệm bồi thường không chỉ là người trực tiếp gây thiệt hại mà còn là người xúi dục hay trợ giúp người gây thiệt hại, hưởng lợi từ thiệt hại.” (Xem Điều 422 BLDS Ba Lan).

5. Thừa kế


- Điều 625 không qui định rõ nghĩa vụ của người chết để lại có bao gồm yêu cầu của người chết đối với người thừa kế không. Nên bổ sung cuối khoản 1 “và các yêu cầu của người chết đối với người thừa kế.” Thí dụ, để lại thừa kế có điều kiện (anh A được hưởng thừa kế nếu nuôi dạy con tôi nên người) là một loại nghĩa vụ phát sinh sau khi người để lại thừa kế chết.

- Điều 630 không qui rõ xem người từ chối nhận di sản có quyền thay đổi ý định không. Đề nghị bổ sung: “Người từ chối nhận di sản không có quyền thay đổi ý định.” Điều này nhằm tránh gây khó khăn sau này cho việc phân chia.

- Điều 631 không qui định rõ Con của người không được hưởng di sản thì xử lý thế nào. Nên qui định người không được hưởng di sản coi như không còn sống vào thời điểm mở di sản.

- Điều 633 không qui định rõ thời hiệu xử lý các vụ việc thừa kế là bao lâu. BLDS nên qui định thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố một người không được hưởng di sản, thời hiệu yêu cầu được hưởng di tặng hay di sản thờ cúng là 2 năm từ khi mở thừa kế. Ngoài ra nên qui định rõ ai có quyền giữ di sản thờ cúng và khởi kiện để có di sản thờ cúng.

- Điều 640 không qui định rõ di chúc bị nhầm lẫn có hợp pháp không. Nên qui định rõ di chúc bị nhầm lẫn rõ rệt và có người làm chứng về nhầm lẫn thì không có hiệu lực. Vì di chúc cũng là giao dịch dân sự, nếu có nhầm lẫn thì cũng có thể vô hiệu.

- Điều 657 không qui định rõ xem nếu những được hưởng thừa kế bắt buộc đã được tặng cho trước khi người để lại thừa kế chết thì sao. Nên qui định nếu người được hưởng thừa kế bắt buộc đã được tặng cho hay được di tặng thì không được hưởng thừa kế bắt buộc. Qui định này tránh tình trạng lạm dụng qui định về thừa kế bắt buộc.

- Điều 657 không qui định rõ người được hưởng thừa kế bắt buộc có phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại thừa kế không, và nếu người được hưởng thừa kế bắt buộc mà chết thì con người đó có được thế vị không. Nên qui định mối liên hệ về việc thực hiện nghĩa vụ giữa người được hưởng thừa kế bắt buộc, người được di tặng và người được hưởng di sản thờ cúng, theo hướng có lợi cho người hưởng thừa kế bắt buộc. Ngoài ra nên cho phép thế vị đối với thừa kế bắt buộc. Trên nguyên tắc, người hưởng thừa kế bắt buộc nên được ưu tiên hơn người được di tặng (vì là thân thuộc).

- Điều 671 chưa dự liệu việc phân chia thừa kế do nhầm lẫn, thiếu sót thì giải quyết thế nào. Nên qui định người có quyền và lợi ích liên quan có quyền khởi kiện đòi di sản. Nếu di sản bị mất mát, tẩu tán, hư hại, thì toà án được quyền được áp dụng tương tự các qui định về phương thức bảo vệ quyền sở hữu. Thiếu các qui định này thì không biết người kiện đòi khi nào được trở thành chủ sở hữu di sản.

- Ngoài ra, nên bổ sung nghĩa vụ của người nhận thừa kế đối với nghĩa vụ của người để lại thừa kế. Nếu người nhận thừa kế biết hoặc phải biết về nghĩa vụ của người để lại thừa kế thì phải hoàn trả di sản, kể cả phần mình đã sử dụng. Tương tự nghĩa vụ hoàn trả tài sản của người bị tuyên bố chết trở về.

- Tại Điều 672 nên qui định thỏa thuận phân chia di sản hay thỏa thuận nhận/không nhận di sản. Đề nghị bổ sung “Việc phân chia di sản có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa những người được hưởng di sản hay thỏa thuận giữa người thừa kế và người để lại thừa kế trước khi chết, nếu thỏa thuận đó không trái với pháp luật và không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của những người có quyền và lợi ích liên quan.” Ngoài ra nên bổ sung qui định về hiệu lực về thỏa thuận phân chia di sản (nếu thỏa thuận đó khác với di chúc thì cái nào có hiệu lực).

TS Lê Nết
Khoa Dân sự, Trường ĐH Luật TP HCM

Các văn bản liên quan