Chế định hợp đồng vận chuyển

Thứ Hai 11:45 22-05-2006
MỐI QUAN HỆ GIỮA CHẾ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Về mối quan hệ về chế định hợp đồng giữa Bộ Luật Dân sự và các luật chuyên ngành, một nguyên tắc xuyên suốt là Bộ Luật Dân sự là luật cơ bản, điều tiết mọi hợp đồng dân sự; các luật chuyên ngành khi quy định về hợp đồng không được trái với các nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự. Mặt khác các hợp đồng dân sự thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau thì có những đặc thù riêng biệt và được điều tiết bởi những chế định khác nhau trong Luật chuyên ngành, ví dụ cùng là hợp đồng vận chuyển hành khách nhưng hợp đồng vận chuyển bằng đường hàng không có những đặc thù riêng và được điều tiết bằng những chế định khác với hợp đồng vận chuyển bằng đường biển. Tuy nhiên luật chuyên ngành không thể đưa ra toàn bộ những quy định điều tiết quan hệ hợp đồng dân sự thuộc lĩnh vực chuyên ngành mà không cần viện dẫn đến Bộ Luật Dân sự. Điều đó yêu cầu khi dự thảo Bộ Luật dân sự phải tính đến tất cả những đặc thù của các loại hợp đồng dân sự thuộc những lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Hợp đồng vận chuyển hành khách, hàng hoá là hợp đồng dân sự cơ bản nhất trong trong hoạt động HKDD, mang tính chuyên biệt cao. Ngoài các quy định của pháp luật trong nước, hệ thống công ước quốc tế liên quan đến vận chuyển hàng không quốc tế cho đến nay rất phức tạp, bao gồm hệ thống Công ước Vác-xa-va, Guadalajara (1929, 1955, 1971, 1975) và Công ước Montreal (1999). Công ước Montreal là một nỗ lực của thế giới nhằm thay thế hệ thống Công ước Vác-xa-va và Guadalaja bằng một Công ước thống nhất. Việt Nam tham gia Công ước Vác-xa-va 1929 và Nghị định thư Lahay 1955, đang xem xét việc gia nhập Công ước Montreal. Do những điều khoản của Công ước Montreal sửa đổi hệ thống Công ước Vác-xa-va phù hợp với sự phát triển của dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không và theo hướng đảm bảo cao hơn lợi ích của người sử dụng dịch vụ, hầu hết những điều khoản của Công ước Montreal hiện đang được chuyển hoá vào dự thảo Luật HKDDVN (sửa đổi).

Trong khuôn khổ tham luận này, tôi xin nêu một số vấn đề liên quan đến chế định hợp đồng vận chuyển trong dự thảo Bộ Luật Dân sự và Luật HKDD (Luật HKDDVN sửa đổi đang được Ban soạn thảo tổ chức hội thảo cũng trong ngày hôm nay để hoàn thiện trình Chính phủ vào tháng tới).

1. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển

Quy định về quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển trong BLDS là những quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất trong mọi lại hình vận chuyển. Tuy nhiên đối với mỗi Luật chuyên ngành thì lại có thêm những quy định khác nhau đối với quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển, ví dụ nghĩa vụ chăm lo điều kiện sinh hoạt, đi lại của hành khách khi vận chuyển bị chậm hoặc gián đoạn, thông tin kịp thòi về chuyến bay cho hành khách, trả ngay một khoản tiền cho hành khách trong trường hợp có thiệt hại về sức khoẻ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế tức thời, thực hiện các yêu cầu của người gửi hàng về định đoạt hàng hoá trong quá trình vận chuyển hoặc sau khi hàng đến nơi đến, thông báo ngay cho người có quyền nhận hàng khi hàng đến nơi đến; quyền của người vận chuyển từ chối vận chuyển vì lý do an ninh, vì hàng hoá không được đóng gói, dán nhãn đúng quy cách ...vv. Mặt khác các quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển còn được thể hiện trong Điều lệ vận chuyển của mỗi hãng hàng không mà theo quy định của Luật HKDD phải được trình cho Nhà chức trách hàng không phê duyệt. Do vậy điều khoản "Các quyền (hoặc nhĩa vụ) khác theo quy định của pháp luật" cần phải được đưa vào các Điều về quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển.

2. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận chuyển

Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển bằng đường hàng không cũng được quy định chi tiết trong Luật HKDD, như miễn giảm cước đối với trẻ em, nghĩa vụ của hành khách rời khỏi tầu bay sau khi kết thúc vận chuyển, nghĩa vụ của người gửi hàng đối với các thông tin và tuyên bố liên quan đến hàng hoá được ghi ở chứng từ vận chuyển, đặc biệt là quyền định đoạt hàng hoá của người gửi hàng trong quá trình vận chuyển hoặc sau khi hàng đến nơi đến ...vv. Do vậy điều khoản "Các quyền (hoặc nhĩa vụ) khác theo quy định của pháp luật" cần phải được đưa vào các Điều về quyền và nghĩa vụ của người thuê vận chuyển.

3. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Dự thảo BLHS quy định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự là ba năm. Đối với vận chuyển bằng đường hàng không, thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại là 2 năm. Như vậy ngoài quy định cụ thể 3 năm, BLDS cần quy định để áp dụng các thời hiệu khởi kiện khác nhau theo quy định của luật chuyên ngành.

4. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự

BLDS quy định địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác. Đối với hợp đồng vận chuyển, thông thường hành khách luôn là người đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng, trong khi đó hầu như không có một sự thoả thuận riêng biệt nào giữa hành khách và người vận chuyển và về địa điểm giao kết hợp đồng. Nếu quy định địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của hành khách thì không thực tế và rất phức tạp khi giải quyết tranh chấp vì nơi cư trú của hành khách và nơi mua vé rất xa nhau. Do vậy về nguyên tắc địa điểm giao kết hợp đồng trước hết phải là nơi giao kết hợp đồng, sau đó mới đến các tiêu chí khác.

5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Đây là vấn đề phức tạp nhất của chế định hợp đồng vận chuyển. Luật HKDD cũng như các công ước quốc tế về vận chuyển hàng không quy định rất chi tiết về vấn đề này. Một số vấn đề sau đây cần được nghiên cứu, quy định trong BLDS để làm căn cứ cho việc quy định trong các luật chuyên ngành, căn cứ xác định trách nhiệm và giải quyết các tranh chấp:
Việc xác định thời điểm nếu xẩy ra tai nạn hoặc sự cố gây thiệt hại thì người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường, nói cách khác là việc xác định quá trình vận chuyển mà người vận chuyển phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại gây ra do sự cố xẩy ra trong quá trình đó. Đối với vận chuyển hàng hoá và hành lý ký gửi, quá trình này đơn giản và dễ xác định thống nhất là quá trình từ thời điểm giao hàng cho đến thời điểm nhận hàng, tức là quá trình mà người vận chuyển có trách nhiệm bảo quản hàng hoá, hành lý. Đối với vận chuyển hành khách thì việc xác định rất phức tạp và đa dạng. Hệ thống Công ước Vác-sa-va và Công ước Montreal quy định theo hướng xác định các thời điểm mà người vận chuyển có trách nhiệm đối với hành khách (khi hành khách trên tầu bay, trong thời gian thực hiện đưa khách lên tầu bay và xuống tầu bay), tuy nhiên thực tiễn xét xử trên thế giới rất khác nhau. Trong khi đó Luật HKDDVN hiện hành lại quy định bằng vị trí địa lý cụ thể của hành khách (từ thời điểm hành khách vào đường ống để lên tầu bay hoặc ra sân đỗ tầu bay cho đến lúc rời đường ống hoặc sân đỗ). Trong Dự thảo Luật HKDDVN sửa đổi hiện đang có 2 phương án được đưa ra để thảo luận (theo Luật hiện hành và chuyển hoá từ Công ước Montreal). Như vậy vấn đề này cần được quy định thành nguyên tắc trong BLDS để được cụ thể hoá trong các luật chuyên ngành đối với các loại hình vận chuyển khác nhau.

Các loại thiệt hại. Việc quy định nguyên tắc xác định thiệt hại trong BLDS là rất quan trọng vì luật chuyên ngành cũng như Công ước quốc tế đều không quy định cụ thể vấn đề này, mà viện dẫn đến luật dân sự của mỗi quốc gia. BLDS hiện hành và Dự thảo đều quy định có hai loại trách nhiệm bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần. Theo tôi việc phân chia là phân chia loại thiệt hại phải bồi thường, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần, chứ không phải là phân chia loại trách nhiệm.

Về thiệt hại vật chất, BLDS đã có những nguyên tắc xác định, nhưng lại khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng (khoản 1 Điều 283) và ngoài hợp đồng (Mục 2 Chương V Phần Ba). Theo tôi dù trách nhiệm bồi thường phát sinh từ các căn cứ khác nhau nhưng việc xác định thiệt hại phải là như nhau, như vậy các quy định của Mục 2 Chương V Phần Ba cũng được áp dụng đối với việc xác định thiệt hại phải bồi thường phát sinh từ hợp đồng.

Thiệt hại về tinh thần, BLDS không quy định nguyên tắc xác định thiệt hại về tinh thần. BLDS có quy định người gây thiệt hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hai, nhưng tổn thất đó là gì, được xác định ra sao thì chưa được quy định.

Bồi thường do vận chuyển chậm. Đối với vận chuyển hàng không, có ba loại trách nhiệm bồi thường thiệt hai: hàng hoá, hành lý bị mất hoặc hư hỏng; tính mạng, sức khoẻ hành khách bị vi phạm; vận chuyển chậm. Trong BLDS chỉ quy định hai loại trách nhiệm đầu, không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm. Như vậy cần nghiên cứ đưa điều khoản nguyên tắc về vấn đề này vào BLDS để làm cơ sở cho luật chuyên ngành, tránh xung đột.

Các trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. BLDS quy định về các trường hợp người vận chuyển được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại chưa thoả đáng. Trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, ngoài quy định do lỗi của hành khách như trong BLDS, người vận chuyển còn được miễn trong trường hợp thiệt hại hoàn toàn do tình trạng sức khoẻ của hành khách gây ra. Trong vận chuyển hàng hoá, hành lý ký gửi, ngoài trường hợp bất khả kháng như trong BLDS, Luật HKDD còn quy định các trường hợp được miễn khác: do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật của hàng, do lỗi của người gửi hàng về đóng gói. Những quy định này theo tôi là hợp lý đối với tất cả các loại hình vận chuyển. Như vậy BLDS cần bổ sung quy định cụ thể để tránh xung đột, hoặc bổ sung quy định "các trường hợp khác theo quy định của pháp luật".

Giới hạn trách nhiệm dân sự của người vận chuyển: Đây là quy định có ở tất cả các luật chuyên ngành về vận tải, tuy nhiên chưa thấy đề cập trong BLDS.

[b]Lại Xuân Thanh
Trưởng Ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Các văn bản liên quan