Không phân biệt đối xử về thuế

Thứ Hai 11:22 22-05-2006
Không phân biệt đối xử về thuế

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết một số vấn đề về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) vừa được trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6.


* Thưa ông, vì sao hơn một năm trước, chúng ta không quy định luôn những nội dung cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nguyên tắc của WTO?

- Ngay thời điểm đó, chúng ta đã biết có một số nội dung không phù hợp với WTO, nhưng nhằm tranh thủ thời gian có thể để bảo hộ một số mặt hàng sản xuất trong nước, nên trong hai luật thuế trên còn có một số quy định về thuế khác nhau.

Đến nay, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sớm gia nhập WTO, trong quá trình đàm phán với các đối tác, yêu cầu thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia đặt ra gay gắt hơn trước. Theo đó, việc áp dụng thuế thống nhất giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu phải được cam kết và thực hiện ngay tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Vì vậy, cần thiết phải sửa ngay những quy định còn phân biệt về thuế giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.


* Vậy chúng ta có đặt ra mục tiêu, yêu cầu cụ thể của việc sửa đổi luật lần này không?

- Ngoài việc bảo đảm thực hiện nguyên tắc của WTO về không phân biệt đối xử về thuế đối với hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, thì yêu cầu đặt ra là không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư trong nước, cũng như không ảnh hưởng lớn đến số thu của ngân sách nhà nước.


* Những sản phẩm nào sẽ được sửa đổi thuế suất trong đợt này, thưa ông?

- Sửa luật lần này sẽ tập trung vào những quy định về thuế khác nhau giữa ô-tô nhập khẩu và ô-tô lắp ráp trong nước; giữa bia hơi và bia tươi; giữa thuốc lá điếu sản xuất bằng nguyên liệu trong nước và thuốc lá sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu; giữa bông trồng trong nước và bông nhập khẩu; giữa sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra với các sản phẩm tương tự nhập khẩu.


* Vấn đề mà nhiều người quan tâm là sửa luật có ảnh hưởng đến ngân sách hay không?

- Theo tính toán, về cơ bản, chúng ta vẫn giữ được mức thu ngân sách.


* Đi vào cụ thể, thuốc lá điếu là mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, vì sao Ban soạn thảo lại đề nghị giảm thuế?

- Luật hiện hành quy định thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá có 3 mức: 65% đối với thuốc lá điếu có đầu lọc sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu, 45% đối với loại sản xuất chủ yếu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước, 25% đối với thuốc lá không đầu lọc. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc của WTO, cần phải áp dụng ngay một thuế suất, không phân biệt thuốc lá sản xuất bằng nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu. Vì vậy, chúng tôi đưa ra mức thuế áp dụng chung đối với thuốc lá điếu là 55% trong năm 2006 và năm 2007, còn từ năm 2008, mức thuế này là 60%.

Theo tôi, mức thuế suất như vậy là vừa phải để giảm bớt khó khăn cho một số lớn doanh nghiệp đang sản xuất bằng nguyên liệu trong nước, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và việc làm của người trồng và sản xuất thuốc lá.


* Trong khi đó, bia hơi sản xuất trong nước lại bị tăng thuế?

- Luật thuế TTĐB hiện hành quy định thuế suất áp dụng đối với bia hơi là 30%, bia tươi là 75%. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, các đối tác đều cho rằng, bia hơi và bia tươi là một sản phẩm. Vì vậy, quy định thuế suất khác nhau giữa bia hơi và bia tươi bị coi là vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian đầu gia nhập WTO, thuế suất áp dụng chung cho cả hai loại bia cần giữ ở mức vừa phải để giảm bớt khó khăn cho một số lớn cơ sở sản xuất của địa phương và bảo đảm giá bán bia hơi phù hợp với những người có thu nhập thấp, sau đó sẽ nâng dần mức thuế này lên để đảm bảo ổn định ngân sách nhà nước. Mức thuế chúng tôi đưa ra là: năm 2006 và năm 2007 là 40%, từ năm 2008 là 50%.


Theo Sự kiện và dư luận

Các văn bản liên quan