Sự giao thoa giữa các đối tượng của Quyền SHTT

Thứ Hai 11:20 22-05-2006
Sự giao thoa giữa các đối tượng của Quyền Sở hữu trí tuệ

Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) của nước ta được xây dựng theo hướng phân chia mảng điều chỉnh cho từng loại đối tượng của quyền SHTT. Sự phân tách này tạo ra những “chỗ trống” trong dự thảo. “Chỗ trống” cần phải giải quyết là: khi một đối tượng thoả mãn được các đặc tính của nhiều loại tài sản trí tuệ (tài sản trí tuệ “đa tính chất”) thì xử lý thế nào? Trả lời câu hỏi đó, trên cơ sở phân tích mối quan hệ giữa kiểu dáng công nghiệp (KDCN) với các đối tượng khác của quyền SHTT, tác giả kiến nghị giải pháp xử lý sự giao thoa giữa các đối tượng quyền SHTT nói chung

KDCN với sáng chế, giải pháp hữu ích

KDCN cũng giống như sáng chế (SC) hay giải pháp hữu ích (GPHI) (Xem hộp 1) là những sản phẩm của hoạt động sáng tạo do con người thực hiện. Tuy nhiên, trong khi SC và GPHI là những ý tưởng kỹ thuật được tạo ra bằng cách sử dụng quy luật của tự nhiên và được bảo hộ theo quan điểm kỹ thuật thì KDCN được bảo hộ theo quan điểm về thẩm mỹ
[1].

Như vậy, KDCN và SC, GPHI là những sáng tạo thuộc hai lĩnh vực khác nhau, một bên là nghệ thuật trang trí, còn một bên là kỹ thuật, do đó không thể đồng thời được hưởng hai sự bảo hộ - một sự bảo hộ của pháp luật về SC, GPHI và một sự bảo hộ của pháp luật về KDCN. Luật pháp về KDCN sẽ không được áp dụng khi hình dáng của một vật không còn có tính cách trang trí và không có tác dụng đem đến một kết quả công nghiệp, thủ công nghiệp. Tiêu chuẩn để phân biệt pháp luật áp dụng cho các đối tượng của quyền SHTT này là: nếu có thể đạt được cùng một kết quả với một hình dáng khác, thì kết quả không tuỳ thuộc vào hình dáng đó, lúc này hình dáng có thể bảo hộ bởi pháp luật về KDCN. Ngược lại, chỉ có hình dáng đó mới tạo được kết quả mong muốn, hình dáng không thể tách rời khỏi hiệu quả kỹ thuật, lúc này hình dáng sẽ không thể được bảo hộ bởi pháp luật về KDCN, mà phải là pháp luật về SC, GPHI [ii]. Đây chỉ là phân tích về mặt lý thuyết, trên thực tế, việc áp dụng pháp luật rất khó khăn (ví dụ, một loại tã vệ sinh của trẻ em có thể được chủ sở hữu đăng ký dưới dạng SC, GPHI hoặc KDCN). Vì thế, pháp luật của một số nước (Nhật Bản) đã quy định khả năng chuyển đổi đơn SC, GPHI thành đơn KDCN và ngược lại (Điều 13 Luật KDCN năm 1959 của Nhật Bản). Như vậy, pháp luật thực định của một số nước đã thừa nhận khả năng “mập mờ” trong việc phân định đối tượng cụ thể phải là SC, GPHI hay KDCN.

KDCN với nhãn hiệu hàng hoá

Nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) bản thân nó không có tính sáng tạo. Vì vậy, khác với pháp luật về NHHH với mục đích trực tiếp là đảm bảo duy trì uy tín kinh doanh của người sử dụng NHHH thì pháp luật về bảo hộ KDCN nhằm mục đích bảo hộ sự sáng tạo là kết quả của hoạt động sáng tạo do con người thực hiện [iii].

Tuy nhiên, KDCN cũng có tác dụng để phân biệt một sản phẩm này với sản phẩm khác cùng loại. Do đó, một hình hoạ hay mẫu mã có thể được sử dụng như một NHHH và được hưởng sự bảo hộ đồng thời bởi các điều khoản pháp luật về KDCN và NHHH. Ví dụ, bao bì của Mì ăn liền VIFON có thể đăng ký với tư cách là NHHH, nhưng cũng có thể đăng ký bảo hộ với danh nghĩa KDCN.

Trong các trường hợp có sự đan xen giữa KDCN với NHHH thì trường hợp NHHH ba chiều là rất phức tạp. NHHH ba chiều được thừa nhận ở rất nhiều nước trên thế giới. Pháp luật Việt Nam không đề cập rõ đến loại NHHH này nhưng nếu nhìn về mặt câu chữ thì có sự thừa nhận [iv]. Các dấu hiệu và hình ảnh ba chiều thường tạo ra ấn tượng rất mạnh, dễ tác động và in sâu vào tâm trí người tiêu dùng nên chúng có khả năng phân biệt rất cao (Ví dụ: ngôi sao ba cánh nổi nằm trong vòng tròn của xe Meccedes, hình con sư tử đứng hai chân nổi của xe Peugeot, hình con ngựa bay đúc nguyên khối của xe Rolls-Royce). Tuy vậy, dạng điển hình nhất của các dấu hiệu hình ba chiều là hình dáng hàng hoá hoặc bao bì. Trong những trường hợp đó, nếu chúng đáp ứng được cả các điều kiện của KDCN và NHHH thì nó đều có khả năng được bảo hộ bởi luật pháp về các lĩnh vực này. Vấn đề là, trong số các điều kiện để được bảo hộ, tính khác biệt mà pháp luật về KDCN của nước ta đòi hỏi là cho mọi nhóm hàng hoá, còn đối với NHHH thì chỉ áp dụng trong cùng nhóm hàng. Hơn nữa, hiện nay pháp luật nước ta chỉ không chấp nhận bảo hộ cho NHHH tương tự với KDCN đã được bảo hộ hoặc đã nộp đơn trước (điểm g Khoản 1 Điều 6 Nghị định 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp), chứ không đòi hỏi điều tương tự với KDCN. Như vậy, để “lách luật”, với cùng đối tượng, nếu chủ sở hữu nộp đơn đăng ký NHHH trước, sau đó tiếp tục nộp đơn đăng ký bảo hộ KDCN thì cùng một lúc, nó có thể được hưởng cả hai sự bảo hộ (theo pháp luật về NHHH và theo pháp luật về KDCN).

KDCN với đối tượng của quyền tác giả

KDCN có mối liên hệ khá mật thiết với đối tượng của quyền tác giả, đặc biệt là với tác phẩm tạo hình và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Nhiều khi, một đối tượng vừa đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ của một KDCN, vừa đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ về quyền tác giả. Tuy nhiên, cần phải thận trọng để không bị nhầm lẫn rằng, một đối tượng cụ thể có thể thoả mãn cả hai cơ chế bảo hộ: pháp luật về KDCN và pháp luật về bản quyền. Ví dụ, ông X sáng tạo ra một tác phẩm tạo hình, tác phẩm sẽ được bảo hộ quyền tác giả. Vậy, liệu tác phẩm này có được bảo hộ dưới danh nghĩa KDCN không?

Câu trả lời tuỳ vào từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp bình thường thì nó sẽ không thể được bảo hộ với tư cách là KDCN, ngay cả khi bức tượng được tạo ra hàng loạt. Bởi giá trị mà sản phẩm có được chỉ đơn thuần là giá trị thẩm mỹ do kiểu dáng bức tượng mang lại, việc làm ra hàng loạt bức tượng chỉ được coi là sự nhân bản tác phẩm. Tuy nhiên, nếu dùng kiểu dáng bức tượng vào việc tạo ra sản phẩm một loại đèn trang trí (gồm kiểu dáng bức tượng kết hợp với việc gắn các loại bóng đèn lên đó) thì kiểu dáng bức tượng sẽ được bảo hộ với tính chất là KDCN. Khi đó, sản phẩm không chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn có giá trị sử dụng (như một chiếc đèn). Thực tế ở Việt Nam đã xảy ra một tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ theo KDCN hay đối tượng quyền tác giả (Xem hộp 2):

Có thể thấy là vụ việc trên rất phức tạp, trong đó yếu tố làm cho vụ việc trở nên khó giải quyết hơn là tranh chấp liên quan đến cả pháp luật về bản quyền và pháp luật về KDCN. Mỗi bên đều được bảo hộ bởi một cơ chế khác nhau, vậy ai là người vi phạm? Câu trả lời thực sự khó khăn khi mà pháp luật hiện hành chưa đề cập đến giải pháp xử lý những trường hợp có sự giao thoa.

Trong những trường hợp tương tự, cần phải thấy rõ một số vấn đề cơ bản như sau:
KDCN là sáng tạo có tính chất trang trí nhưng được đem áp dụng trong sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp; đó là nghệ thuật ứng dụng trong công nghiệp, thủ công nghiệp.

Trên khía cạnh nghệ thuật, các hình hoạ, mẫu mã là các tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ bởi quyền tác giả như được quy định tại Điều 745 và các điều tiếp theo đến hết Điều 772 của BLDS. Do đó, nếu một hình hoạ, mẫu mã hội đủ các tiêu chuẩn để được hưởng sự bảo hộ của pháp luật về quyền SHCN thì đồng thời cũng được hưởng sự bảo hộ của pháp luật về quyền tác giả. Ngược lại, nếu hình hoạ, mẫu mã không đủ các điều kiện của Điều 784 và các điều tiếp theo đến hết Điều 825 của BLDS 1995 thì chỉ có thể áp dụng các Điều 745 và các điều tiếp theo đến hết Điều 772 của BLDS. Chế độ bảo hộ khác nhau tuỳ theo người ta dựa trên cơ sở nào [v].

Các đối tượng thoả mãn các điều kiện bảo hộ theo pháp luật về KDCN cũng hoàn toàn có thể được bảo hộ theo pháp luật về bản quyền. Do vậy, các KDCN có mối quan hệ với pháp luật về bản quyền. Giả định, một kiểu dáng cụ thể có các yếu tố hay các đặc điểm được bảo hộ bởi cả hai hệ thống pháp luật - pháp luật về bản quyền và pháp luật về KDCN, người sáng tạo có thể yêu cầu sự bảo hộ đồng thời của cả hai luật hay không? Nếu có, tác giả có thể viện dẫn đến sự bảo hộ của một trong hai hệ thống pháp luật hay cả hai hệ thống pháp luật cùng một lúc. Điều này cũng có nghĩa, nếu tác giả không nhận được sự bảo hộ của pháp luật về KDCN do thất bại trong việc đăng ký kiểu dáng thì vẫn có thể được sự bảo hộ của pháp luật về bản quyền, là sự bảo hộ có được mà không phải theo bất cứ thủ tục nào. Hơn nữa, sau khi đã hết thời hạn bảo hộ của kiểu dáng đã được đăng ký, kiểu dáng đó vẫn được bảo hộ theo pháp luật về bản quyền.

Do đó, cần phải phân biệt khái niệm “đồng thời” (cumulation) với khái niệm “cùng tồn tại” (co-existence). Sự cùng tồn tại của việc bảo hộ có nghĩa, người sáng tạo ra kiểu dáng (tác giả) có thể lựa chọn sự bảo hộ hoặc của pháp luật về KDCN hoặc của pháp luật về bản quyền. Nếu tác giả đã chọn một hệ thống pháp luật này thì không thể viện đến sự bảo hộ của hệ thống pháp luật kia. Nếu tác giả đã đăng ký KDCN thì khi hết thời hạn bảo hộ không thể viện đến sự bảo hộ của pháp luật về bản quyền.

Trên thế giới, thực tế, hệ thống bảo hộ đồng thời bởi cả hai hệ thống pháp luật: pháp luật về KDCN và pháp luật về bản quyền có tại Pháp và Đức; còn hệ thống cùng tồn tại có tại phần lớn các nước khác [vi].

Kiến nghị

Như vậy, qua sự phân tích về mối quan hệ giữa KDCN với các đối tượng của quyền SHTT, theo chúng tôi, dự thảo Luật SHTT cần quy định rõ cách thức xử lý các trường hợp có sự giao thoa giữa các đối tượng quyền SHTT để việc giải quyết tranh chấp sẽ dễ dàng hơn. Cách quy định nên giống đa số các nước, đó là việc chọn pháp luật áp dụng theo cơ chế “cùng tồn tại” như đã đề cập ở trên. Theo đó, một đối tượng của quyền SHTT khi đã được bảo hộ theo pháp luật về đối tượng quyền SHTT này thì không thể được bảo hộ theo pháp luật về đối tượng quyền SHTT khác./.

[I]Th.s Nguyễn Bá Bình - ĐH Luật- Hà Nội Theo Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp ngày 16/11/2005


1]
________________________________________

[i]Japan Patent Office - Asia-Pacific Industrial Property Center - JIII (2000), Sách giáo khoa về quyền SHCN, tr. 109.
[ii]Nguyễn Mạnh Bách, Tìm hiểu Luật Dân sự - Quyền Sở hữu trí tuệ, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Đồng Nai 2001.
[iii]Japan Patent Office, Sđd, tr. 113.
[iv]Đối với Việt Nam, quy định về NHHH ở Điều 785 BLDS không bao gồm một cách rõ ràng thuật ngữ “các dấu hiệu ba chiều” hay “hình ảnh ba chiều” vào phạm trù của NHHH. Nhưng nếu giải thích rộng ra thì thuật ngữ “hình ảnh” mà Điều 785 đề cập đến bao gồm cả hình ảnh hai chiều và hình ảnh ba chiều. Vì vậy, có thể nói, pháp luật hiện hành của nước ta cũng giống như pháp luật các nước khác đều công nhận và bảo hộ NHHH ba chiều. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật cụ thể hoá BLDS về vấn đề này lại chưa quy định cụ thể về các điều kiện cần thiết để một NHHH ba chiều có thể được đăng ký.
[v]Nguyễn Mạnh Bách, S đd.
[vi]Japan Patent Office - Asia-Pacific Industrial Property Center - JIII (2000), Bảo hộ KDCN cẩm nang dành cho doanh nhân, tr. 8.

Các văn bản liên quan