Góp ý của Cục Quản lý thị trường – Bộ TM

Thứ Sáu 15:36 26-05-2006
NHẬN XÉT VỀ DỰ THẢO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

[b]Ưu điểm:

Như đã đề cập tại Tờ trình Chính phủ của Bộ KH-CN, dự thảo luật mới đã đưa vào hầu hết các đối tượng cần được bảo hộ theo Luật SHTT, về cơ bản đã đáp ứng được "tính đầy đủ" mà các Điều ước quốc tế chúng ta tham gia yêu cầu, trong một phạm vi nhất định dự thảo Luật SHTT đã thể hiện được các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế.

Nhược điểm:

1. Tính tương thích với pháp luật và tập quán thương mại quốc tế đặc biệt là với Hiệp định Thương mại Việt Mỹ còn chưa cao, điều này được thể hiên tại các quy định liên quan tới điều kiện để xác lập quyền sở hữu trí tuệ của một số đối tượng nhất định, các điều kiện này chưa được luật hóa một cách rõ ràng, đôi khi còn mang nhiều tính chất định tính. Có thể đưa ra một số ví dụ cụ thể như sau:

1.1- Nếu như tại Điều 10(1) Hiệp định Thương mại Việt Mỹ quy định rằng "Mỗi Bên quy định việc bảo hộ các kiểu dáng công nghiệp được tạo ra một cách độc lập, có tính mới hoặc nguyên gốc." thì trong khi đó tại Điều 162 của Dự thảo Luật SHTT lại quy định như sau: "Điều kiện để Kiểu dáng Công nghiệp được cấp Bằng độc quyền: Kiểu dáng công nghiệp được cấp Bằng độc quyền nếu có tính mới, tính độc đáo về thẩm mỹ và có khả năng áp dụng công nghiệp." Như vậy đối chiếu với Hiệp đinh Thương mại Việt - Mỹ, thì Dự thảo Luật yêu cầu một kiểu dáng công nghiệp vừa phải có tính mới vừa phải có tính độc đáo về mặt thẩm mỹ, cần lưu ý rằng tính nguyên gốc trong Hiệp định Thương mại Việt Mỹ hoàn toàn không phải là tính độc đáo về thẩm mỹ như trong Dự thảo Luật. Ngoài ra, nếu quy định như vậy thì sau này trong quá trình thực thi sẽ rất khó có thể xác định thế nào là "có tính độc đáo về mặt thẩm mỹ". Xin lưu ý bản thân trong Điều 171 Chương 16 Luật về Patent của Hoa Kỳ cũng chỉ yêu cầu điều kiện để cấp văn bằng bảo hộ cho một KDCN nếu như nó có tính mới, tính nguyên gốc và tính trang trí.

1.2- Cũng tại Điều 10(1)(A) của Hiệp định Thương mại Việt Mỹ quy định rằng "kiểu dáng không có tính mới hoặc nguyên gốc nếu không khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng đã biết hoặc sự kết hợp của các kiểu dáng đã biết". Trong khi đó tại Điều 164(2) Dự thảo luật lại quy định "hai KDCN không được coi là khác biệt cơ bản với nhau nếu chỉ khác biệt bởi các đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết và ghi nhớ được…". Cần lưu ý rằng hai phạm trù "khác biệt đáng kể" và "khác biệt cơ bản" có nội hàm khác nhau hoàn toàn.

1.3- Dự thảo Luật cần làm rõ hơn cơ chế đồng bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, theo như Dự thảo thì chúng ta cho phép đồng thời bảo hộ các sản phẩm hoặc tác phẩm dưới nhiều hình thức khác nhau (ví dụ như quy định tại Điều 10(1) về Bảo hộ độc lập đối với quyền tác giả hay quy định tại điều 147(2) về Bằng Độc quyền KDCN). Theo quan điểm của Cục quản lý thị trường và xuất phát từ công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ thì không nên cùng một lúc đồng thời bảo hộ cho một tác phẩm (sản phẩm) dưới nhiều hình thức khác nhau vì điều này rất dễ gây nên tình trạng xung đột luật. Trên thực tế, theo như Cuốn Cẩm nang về SHTT của Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO) xuất bản năm 2004, thì hiện nay trên thế giới chỉ có hai nước Pháp và Đức là áp dụng cơ chế đồng bảo hộ còn tuyệt đại các quốc gia khác thì đều chọn cơ chế lựa chọn bảo hộ nghĩa là nếu anh đã chọn hình thức bảo hộ này thì anh sẽ không được hưởng sự bảo hộ theo hình thức khác nữa .

Trong trường hợp ban soạn thảo vẫn giữ phương án đồng bảo hộ thì cần phải đặt ra những nguyên tắc giải quyết xung đột, tránh những trường hợp phức tạp xẩy ra mà không có cơ sở giải quyết, như đã xẩy ra giữa hai nhãn hiệu Gấu Misa và SunGaz.

2. Còn có những quy định trong Dự thảo Luật chưa được quy định rõ ràng rành mạch. Nếu như một số điều khoản trong Dự thảo luật được quy định khá rõ ràng chi tiết (sáng chế, giải pháp hữu ích) thì nguợc lại ở một số quy định khác lại chưa được như vây.

Một ví dụ cụ thể đó là: Có thể thấy xuyên suốt trong các Điều 314, 315 và 348 (quy định về Nhãn hiệu hàng hóa) cụm từ "tương tự gây nhầm lẫn" giữa các nhãn hiệu hàng hóa được lặp đi lặp lại khá nhiều lần, tuy nhiên Dự thảo Luật lại hoàn toàn không đưa ra giải thích thế nào là "tương tự gây nhầm lẫn" hoặc ít nhất các tiêu chí để đánh giá nó. Lưu ý rằng theo pháp luật Hoa Kỳ thì để đánh giá khả năng "tương tự gây nhầm lẫn" luật án lệ Hoa Kỳ đã đưa ra tám tiêu chí khá rõ ràng để đánh giá khả năng này. Chúng tôi nghĩ rằng Dự thảo luật nên làm rõ thế nào là "tương tự gây nhầm lẫn" trong các quy định về Nhãn hiệu hàng hoá vì tại các quy định khác liên quan tới Kiểu dáng công nghiệp Dự thảo luật đưa ra các tiêu chí để đánh giá sự "khác biệt cơ bản" thì không có lý do gì lại không đưa ra tiêu chí đánh giá khả năng "tương tự gây nhầm lẫn". Cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, nếu Dự thảo bổ sung thêm những tiêu chí này vào luật thì công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là công tác phòng chống hàng giả sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, ngoài ra cũng giúp cho người dân và các doanh nghiệp dễ dàng nhận thức hơn khi tiếp cận và tìm hiểu luật để có thể xây dựng, quảng bá và bảo vệ cho các nhãn hiệu hàng hóa của mình.

3. Các quy định liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan nhà nước liên quan đến công tác thực thi quyền SHTT còn quá mỏng và chung chung (chỉ gồm có 3 điều từ 450 - 452), thậm chí còn không được quy định chi tiết bằng phần liên quan tới "Đại diện sở hữ trí tuệ" . Trên thực tế Dự thảo Luật mới chỉ nêu được các chức năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cơ bản của các Bộ ngành, chứ chưa đưa ra được các nguyên tắc phối kết hợp trong việc thực thi quyền SHTT. Vai trò của Toà án, một cơ quan rất quan trọng trong việc đảm bảo thực thi quyền SHTT, được quy định khá mờ nhạt trong Dự thảo Luật. Theo quan điểm của Cục Quản lý thị trường, Toà án phải là cơ quan quan trọng nhất trong việc thẩm định tính đúng sai của các quyết định được ban hành bởi các Cơ quan thực thi quyền SHHT khác, tránh trường hợp chính Cơ quan ra quyết định lại ra một văn bản khác khẳng định tính chính xác của văn bản do mình ban hành.

4. Dự thảo Luật SHTT đưa ra nhiều điều luật có khả năng xung đột với các quy phạm pháp luật khác đang có hiệu lực.

4.1-Theo chúng tôi không nên quy định các quy phạm tố tụng (khiếu nại tố cáo) cho riêng quan hê SHTT (Mục 1, Chương XIII) vì chúng ta đã có Luật Tố tụng Dân sự, Luật tố tụng Hình sự và các quy định tố tụng Hành chính, thông thường một quan hệ SHTT mang tính chất dân sự, nếu nó có dấu hiệu hình sự thì cũng đã có luật tố tụng hình sự. Không nên đưa các quy phạm tố tụng vào các luật chuyên ngành vì nếu luật chuyên ngành nào cũng có các quy định tố tụng riêng cho mình thì no sẽ phá vỡ tổng thể các quy định về tố tụng chung.

4.2- Không nên quy định phần Đại diện Sở hữu Trí tuệ thành một chương riêng biệt với quá nhiều điều khoản như đang có trong Dự thảo Luật. Chúng ta đã quy định hoạt động đại diện trong Bộ Luật Dân sự, trong Luật Thương mại (kể cả trong Luật Thương mại sửa đổi), trong Luật Doanh nghiệp và trong Luật Khoa học và Công nghệ. Chỉ nên quy định những điều khoản cơ bản nhất, trọng yếu nhất liên quan tới hoạt động đại diện SHTT ví dụ như điều kiện thành lập, điều kiện trở thành Người đại diện SHTT, những quyền và nghĩa vụ mang tính chất đặc thù của hoạt động đại diện SHTT, còn những điều khoản khác liên quan tới Đăng ký hoạt động (Điều 429), Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (Điều 430), Phí dịch vụ đại diện SHTT (Điều 436), Đăng bạ quốc gia (Điều 440), Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (Điều 438) và đặc biệt là các điều liên quan tới Hợp đồng dịch vụ đại diện SHTT (Điều 434 và 435) không nên đưa vào Dự thảo Luật vì chúng đã được quy định tại các Luật chung kể trên (Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp).

Hoàng Khánh Vân
Cục Quản lý thị trường
Bộ Thương mại

Các văn bản liên quan