Không bắt buộc “lựa chọn bảo hộ” SHTT

Thứ Hai 11:16 22-05-2006
Không bắt buộc “lựa chọn bảo hộ” sở hữu trí tuệ

Đức Minh

Theo Báo Đầu tư ngày 15/08/2005


Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 đã tập trung thảo luận Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Những nội dung được các đại biểu cho ý kiến nhiều nhất là vấn đề về nguyên tắc bảo hộ và đối tượng của quyền SHTT.

Một số đại biểu đề nghị Dự thảo Luật SHTT cần quy định để làm rõ nguyên tắc giải quyết xung đột khi áp dụng cơ chế đồng bảo hộ, Thay mặt Ban soạn thảo, ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị được giữ cơ chế bảo hộ như quy định của Dự thảo: “Không quy định việc “lựa chọn bảo hộ”, có nghĩa là cho phép đồng bảo hộ. Lý do, theo ông Việt, thứ nhất, các điều ước quốc tế về bảo hộ quyền SHTT đều không có điều khoản nào quy định về nghĩa vụ áp dụng cơ chế “đồng bảo hộ” hay “lựa chọn bảo hộ”, mà chỉ yêu cầu bảo hộ, nếu đối tượng SHTT đáp ứng được tiêu chuẩn bảo hộ. Thứ hai, việc tồn tại nhiều dạng đối tượng SHTT khác nhau trong một sản phẩm SHTT rất phổ biến. “Luật SHTT của hầu hết các nước đều chấp nhận trạng thái cùng tồn tại. Bản chất, phạm vi của từng loại quyền SHTT khác nhau, có sự phân biệt rõ ràng, do đó ít có khả năng xảy ra xung đột giữa 2 loại quyền khác nhau”, ông Việt nói.

Ngoài ra, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp (bao gồm việc đánh giá tính mới của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và đáng giá tính phân biệt của nhãn hiệu) cho phép không để xảy ra tình huống xác lập 2 quyền xung đột nhau. Trong trình tự xác lập quyền sở hữu công nghiệp còn có một thủ tục quan trọng là khả năng thu hẹp hoặc hủy bỏ một quyền đã được xác lập vì lý do không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ. Vì thế, nguy cơ xung đột giữa các dạng quyền SHTT khác nhau khó có thể xảy ra. Ông Việt cho rằng, Luật SHTT không quy định nghĩa vụ lựa chọn bảo hộ, mà chấp hành cơ chế đồng bảo hộ sẽ phù hợp với quan điểm nói trên và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Có ý kiến đề nghị cần xác minh rõ thời điểm phát sinh bảo hộ để hạn chế tình trạng “xếp hàng” đăng ký trước, hoàn thiện tác phẩm sau, dẫn đến cản trở sự sáng tạo. Ông Việt giải thích, Dự thảo đã quy định quyền tác giả đối với tác phẩm được xác lập trên cơ sở ý tưởng sáng tạo thể hiện dưới một dạng vật chất nhất định (để có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt). Có nghĩa là quyền tác giả phát sinh tại thời điểm tạo ra tác phẩm, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký tác phẩm. Vì vậy, nếu người nào đó đăng ký tác phẩm thì cũng không ảnh hưởng đến quyền bảo hộ đối với tác phẩm do người khác độc lập sáng tạo ra dù thời điểm sáng tạo và định hình trước hay sau thời điểm đăng ký.

Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về bảo hộ tên miền, bảo hộ thương hiệu của người nổi tiếng, bảo hộ phát minh. Ông Việt cho biết, qua quá trình thảo luận, nhìn chung các cơ quan hữu quan đều thấy rằng, các đối tượng cần bảo hộ quyền SHTT đã được đề cập trong Dự thảo khá đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phù hợp với tập quán quốc tế. Trước mắt, khi chưa có đủ căn cứ và điều kiện thực hiện thì đề nghị không mở rộng đối tượng bảo hộ nhằm bảo đảm sự phù hợp và tính thống nhất của pháp luật trong nước và quốc tế cũng như việc bảo đảm tính khả thi của Luật SHTT.

Các văn bản liên quan