Không mở rộng đối tượng bảo hộ

Thứ Hai 11:13 22-05-2006
Đại biểu chuyên trách thảo luận Luật sở hữu trí tuệ

Không mở rộng đối tượng bảo hộ

Nguyễn Linh-Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 10/8/2005


So với nội dung đã trình bày với Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 hồi giữa năm. Dự luật Sở hữu trí tuệ mà Ban soạn thảo đã chỉnh lý trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào ngày 9/8 không tập trung mở rộng diện các đối tượng được bảo hộ để dễ xác lập và bảo đảm tính khả thi quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của QH cho rằng đến nay, hệ thống các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về “tính đầy đủ” mà Hiệp định TRIPs và các điều lệ Quốc tế quan trọng về sở hữu trí tuệ đã quy định. Tuy vậy, thực trạng thực thi cũng như cơ chế pháp lý vẫn còn những tồn tại rất lớn ảnh hưởng tới hầu hết các loại sản phẩm cũng như gây ra những quan ngại nhất định cho các nhà đầu tư và Chính phủ nước ngoài. Các quy định chủ yếu mới mang tính chất chung, chưa đầy đủ và thiếu cụ thể, các đối tượng mang tính chuyên ngành chưa được đề cập bảo hộ…

Nhiều đại biểu tán thành quan điểm là tuy hệ thống còn nhiều bất cập nhưng dự luật không nên đi theo hướng “lấp lỗ hổng” tràn lan, đề cấp bảo hộ tới cả những đối tượng mà khả năng thực thi lẫn tiêu chuẩn về tính công nghiệp ở trong nước hiện rất khó khăn. Thay vì đó, luật nên tập trung vào các đối tượng đang trở nên phổ biến trong giao thương quốc tế như vấn đề cạnh tranh, các biện pháp tự bảo vệ, bảo hộ sáng kiến.

Trên phương diện quản lý Nhà nước và thực thi quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm, các đại biểu cũng thống nhất về sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong những quy định về thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, các sản phẩm được bảo hộ, chống độc quyền trong sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, những vấn đề như tranh chấp và xử lý tranh chấp đối với một số mặt hàng phổ biến hiện nay cũng được một số ý kiến đưa ra để Luật có hướng quy định giải quyết hậu quả.
Các đại biểu cũng góp ý vào trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước.

Luật cần phân định rõ ranh giới hoạt động quản lý trong việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa XNK, hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường nội địa, đặc biệt là bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là vấn đề có nhiều tồn tại khi các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cũng như cơ chế phối hợp hoạt động của hệ thống các cơ quan bảo đảm thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn nhiều chồng chéo và kẽ hở, dẫn đến tình trạng nhiều quan hệ xã hội liên quan đến sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự nhưng lại bị hình sự hóa và hành chính hóa.

Các văn bản liên quan