Quyết liệt với vi phạm sở hữu trí tuệ

Thứ Hai 11:14 22-05-2006
Quyết liệt với vi phạm sở hữu trí tuệ

VnExpress - 10/8/2005

Các cơ quan chức năng VN đang dốc sức để cho ra đời một bộ Luật Sở hữu trí tuệ phù hợp điều kiện quốc gia và tương thích với thế giới. Vụ trưởng Pháp chế Bộ Khoa học và Công nghệ Đoàn Năng trao đổi với VnExpress về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?

- Phải thừa nhận trước đây khá nhiều vi phạm, ở tất cả các lĩnh vực với những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tình hình đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của VN đã có những thái độ rất cương quyết nhằm chống lại những vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, từ việc xây dựng cơ chế chính sách đến củng cố năng lực cho các cơ quan thực thi, hay tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân... Các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh việc thanh kiểm tra và xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ của các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như trong lưu thông xuất nhập khẩu. Các tổ chức, cá nhân vi phạm đã theo dõi rất chặt những động thái trên của các cơ quan Nhà nước và dè chừng hơn.

Đặc biệt, việc xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ là một động thái nhằm khẳng định quyết tâm của VN trong việc khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý là luật này dành hẳn một phần lớn cho vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó nhấn mạnh đến những quyền của cá nhân tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp dân sự để ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Dự kiến, tháng 11 dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội thông qua.

- Cái yếu nhất của VN từ trước đến nay là việc thực thi luật, theo ông, trong thời gian tới, VN cần làm gì để cải thiện tình hình này?

- Đúng là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, VN không hề thiếu luật, chủ yếu là việc thực thi chưa được tốt. Tôi cho rằng, để thực thi được luật có hiệu quả cần rất nhiều yếu tố như một hệ thống pháp luật có tính hiệu lực cao và có tính khả thi. Ý thức chấp hành pháp của các tổ chức, cá nhân phải được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan chức năng phải đồng bộ và các biện pháp xử phạt phải có tính răn đe cao.

Trong thời gian tới, cùng sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản khác liên quan cũng sẽ được hình thành thêm. Cụ thể, Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó, sẽ chú ý nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc tôn trọng pháp luật và bảo vệ tài sản trí tuệ. Điều này sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển và tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình...

- Việc có nhiều cơ quan cùng tham gia thực thi quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, hoặc là "bỏ trống trận địa". Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

- Hiện nay, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã khẳng định rõ Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý chung về sở hữu trí tuệ, đồng thời trực tiếp quản lý phần sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, tham gia vào quá trình này không thể nào chỉ có một mình Bộ Khoa học và Công nghệ. Bởi sở hữu trí tuệ liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành. Vì thế tất cả các bộ, ngành đều phải tham gia, nếu vấn đề phát sinh thuộc cơ quan nào thì cơ quan ấy phải giải quyết, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chịu trách nhiệm phối hợp và phân công giải quyết hợp lý. Tôi tin rằng, nếu cơ chế phối hợp tốt thì chắc chắn sẽ không để xảy ra tình trạng đùn đẩy nhau hoặc là "bỏ trống trận địa".

- Việc xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay mới chỉ chủ yếu là biện pháp hành chính, mức xử phạt lại chưa đủ sức răn đe. Dự thảo luật lần này giải quyết vấn đề như thế nào?

- Theo quy định, mức xử phạt đối với những vi phạm về sở hữu trí tuệ tối đa chỉ là 100 triệu đồng. Đây đúng là mức còn quá nhẹ và không ngăn chặn được khả năng tái phạm. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị mức phạt hành chính cao hơn. Ngoài ra, cũng sẽ áp dụng kiên quyết một số biện pháp xử phạt bổ sung như thu hồi giấy phép kinh doanh, tiêu huỷ những sản phẩm có dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ, huỷ bỏ tất cả hàng hoá vi phạm. Trong dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ mới còn quy định cả việc phải bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm cả về mặt vật chất và tinh thần. Trong trường hợp không xác định được mức độ thiệt hại, không thoả thuận được mức độ bồi thường thì lúc đó toà án sẽ xem xét quyết định.

Có thể nói hiện nay VN đang rất quyết tâm chấn chỉnh tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, phục vụ phát triển nội tại của VN. Nếu không bảo hộ hiệu quả sở hữu trí tuệ thì không phát triển được khoa học công nghệ trong nước, không ai muốn sáng tạo. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến làm ăn tại VN, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài trong quá trình hội nhập.

- Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ chưa có tính tương thích với Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA). Ý kiến của ông?

- Dự thảo luật Sở hữu trí tuệ đã cố gắng tối đa để đảm bảo tương thích với Hiệp định về những vấn đề liên quan đến thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bởi đây là quy định quốc tế chung. Do BTA là hiệp định song phương nên có sự khác biệt với các quy định đa phương với các yêu cầu cao hơn. Khi làm luật, VN cố gắng để đảm bảo yêu cầu đối với TRIPS nên khó có thể đáp ứng tất cả yêu cầu của BTA. Ví dụ, chúng ta quy định thời gian bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh và những tác phẩm nghe nhìn trong 50 năm - phù hợp với TRIPS, trong khi BTA lại quy định thời gian là 75 năm.

Chúng ta không thể theo BTA mà vi phạm quy định chung của toàn thế giới. Để giải quyết mâu thuẫn này, khi quan hệ với Mỹ, chúng ta sẽ dùng nguyên tắc của BTA, còn đối với các quốc gia khác thì sẽ theo những quy tắc chung của WTO.

Hà Vy thực hiện

Các văn bản liên quan