ĐBQH chuyên trách thảo luận dự án Luật SHTT

Thứ Hai 11:13 22-05-2006
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận Dự án Luật Sở hữu trí tuệ

10-08-2005 Nguồn trích: Tổng hợp từ các Báo: Nông thôn Ngày nay (10/8/2005), Thời báo Kinh tế Việt Nam (10/8/2005) và Nhân dân Điện tử


Các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã dành cả ngày 9/8 để tập trung thảo luận Dự án Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Theo Dự thảo, Luật SHTT quy định về quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị luật cần điều chỉnh cả việ sử dụng, phát huy vai trò của chủ thể quyền SHTT phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Cũng có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng bảo hộ quyền SHTT sang các lĩnh vực khác, như báo chí, kiến trúc, điêu khắc, chương trình máy tính, giống vật nuôi, bảo hộ tên miền trên mạng Internet, bảo hộ thương hiệu nổi tiếng... Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo hộ giống vật nuôi là không khả thi và đối tượng này không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ về tính công nghiệp. Còn tên miền trên Internet là một vấn đề mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm nên sẽ quy định ở văn bản dưới Luật. Đối với “thương hiệu của người nổi tiếng", Bộ luật dân sự hiện hành không có điều, khoản quy định cụ thể về vấn đề này nhưng đã có quy định về quyền cá nhân đối với họ tên của mình gắn liền với quyền nhân thân.

Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn thời hạn bảo hộ quyền tác, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, bản ghi âm, ghi hình... là 50 năm cho phù hợp quy định của Công ước Berne và các điều ước quốc tế đa phương.

Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng đến nay hệ thống các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền SHTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về tính đầy đủ mà Hiệp định TRIPs và các điều ước quốc tế quan trọng về SHTT đã quy định. Tuy nhiên, thực trạng thực thi cũng như cơ chế pháp lý vẫn còn những tồn tại rất lớn gây quan ngại nhất định cho các nhà đầu tư và Chính phủ nước ngoài. Các quy định chủ yếu vẫn mang tính chất chung, chưa đầy đủ và thiếu cụ thể, các đối tượngmang tính chuyên ngành chưa được đề cập bảo hộ.

Nhiều đại biểu tán thành quan điểm là tuy hệ thống còn nhiều bất cập, nhưng Dự luật không nên đi theo hướng “lấp lỗ hổng” tràn lan, đề cập bảo hộ tới cả những đối tượng mà khả năng thực thi lẫn tiêu chuẩn về tính công nghiệp ở trong nước hiện rất khó khăn. Thay vì đó, luật nên tập trung vào các đối tượng đang trở nên phổ biến trong giao thương quốc tế như vấn đề cạnh tranh, các biện pháp tự bảo vệ, bảo hộ sáng kiến...

Phần phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, Bà Trần Thị Tâm Đan, chỉ đề cập một vấn đề, nhưng theo Bà thì đó là vấn đề cần “toát” lên trong toàn bộ nội dung Dự luật: “Quy định bảo hộ quyền tác giả phải vừa bảo vệ quyền lợi tác giả, nhưng cũng phải quan tâm đến lợi ích của toàn xã hội. Quy định sao cho hợp lý để xã hội tiếp cận được các tác giả, qua đó thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, của nhân loại.” Từ lý do này, Bà cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định thời gian bảo hộ quyền tác gải theo hướng càng ngắn càng tốt, tạo cơ hội để mọi người sớm được tiếp cận các tác phẩm có giá trị.

Các văn bản liên quan