VCCI_ Góp ý Dự thảo Thông tư ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ” và Thông tư số 09/2021/TT-BKHCN ban hành “Sửa đổi 1:2021 QCVN 20:2019/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ”
VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 8929/BTNMT-MT ngày 20/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
Về cơ bản, Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hoặc làm rõ phạm vi đối tượng phải thực hiện, đồng thời phân cấp giải quyết thủ tục. Các quy định này dự kiến sẽ giúp thuận lợi hoá, cải thiện nhiều thời gian và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số ý kiến sau:
- Phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo
Theo Tờ trình, Dự thảo được sửa đổi nhằm thực hiện Nghị quyết 131/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường phân cấp cho địa phương. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng được cho phép sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, Dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp, chẳng hạn Điều 45, 58, 97 (sửa đổi). Các quy định này chưa thực sự mang tính cấp thiết và cần giải quyết ngay như các quy định về thủ tục hành chính, do đó khó có thể phân loại thuộc trường hợp cần ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, các quy định này chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng cũng như tham vấn doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định này là chưa phù hợp và sẽ tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp (như được trình bày ở các góp ý dưới đây). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung, sửa đổi các quy định mang tính tăng nặng trách nhiệm cho doanh nghiệp trong lần sửa đổi rút gọn này.
- Hạn chế tỷ lệ nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Điều 1.16 (sửa đổi Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định các cơ sở sử dụng nhập khẩu phế liệu chỉ được nhập tối đa 80% nhu cầu sử dụng, còn lại phải sử dụng phế liệu thu gom trong nước từ 01/01/2025. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Điều 71.2 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các yêu cầu (về bảo vệ môi trường) với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giao Chính phủ quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu . Do vậy, quy định tại Dự thảo không tuân thủ với Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, quy định này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Nguồn phế liệu nhập khẩu, nếu được sử dụng đúng cách, sẽ được tái chế thành nguyên liệu để sản xuất các loại sản phẩm công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế, đồng thời tiết kiệm chi phí và giảm khai thác nguyên vật liệu thô. Trong nhiều trường hợp, việc nhập khẩu phế liệu còn giúp doanh nghiệp giảm khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào do các căng thẳng từ nguồn cung khoáng sản thô. Có thể suy đoán rằng, cơ quan soạn thảo muốn thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tái chế với các phế liệu trong nước.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải hình thành được chuỗi thu gom phế liệu trong nước, trong khi thực tế, chuỗi thu gom chính thức chưa được hình thành ở Việt Nam (4/5 mặt hàng phế liệu cũng chưa thuộc danh mục thực hiện EPR để tạo nguồn phế liệu trong nước), và cũng chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể phát sinh chất thải. Như vậy, một mặt, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập chuỗi thu gom phế liệu trong nước, và có thể mất nhiều năm để chuỗi này hoạt động hiệu quả, trong khi lại bị siết nguồn nguyên liệu sản xuất.
Việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nước là điều hoàn toàn cần thiết, dù vậy, các quy định cần được quy định theo lộ trình dài hơi cụ thể, sau khi được tham vấn với các bộ chuyên ngành (về kế hoạch kinh tế tuần hoàn của ngành, lĩnh vực đó) và các doanh nghiệp, để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực của doanh nghiệp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất
Điều 1.16 (sửa đổi Điều 45 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp không được nhập khẩu phế liệu nhựa để làm nguyên liệu sản xuất ra hạt nhựa tái chế kể từ 31/12/2024. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, quy định này chưa phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Điều 71.2 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các yêu cầu (về bảo vệ môi trường) với doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giao Chính phủ quy định chi tiết. Luật Bảo vệ môi trường 2020 không giao Chính phủ quy định về lộ trình hạn chế nhập khẩu nguyên liệu hay điều kiện về sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp. Do vậy, quy định tại Dự thảo không phù hợp với Điều 11.1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngành công nghiệp nhựa. Hạt nhựa tái chế và thành phẩm nhựa là một chuỗi giá trị thượng nguồn và hạ nguồn phụ thuộc, bổ trợ nhau, nhưng lại là hai lĩnh vực khác nhau, với quy trình sản xuất và bí quyết công nghệ khác biệt. Doanh nghiệp tái chế không có kinh nghiệm sản xuất thành phẩm nhựa, và ngược lại, doanh nghiệp sản xuất thành phẩm cũng không có kinh nghiệm sản xuất hạt nhựa tái chế. Hai nhóm doanh nghiệp này sẽ không thể đảm nhiệm thay vị trí của nhau trong chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu của ngành nhựa chủ yếu phải dựa vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu[1], theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ có ảnh hưởng tức thời đến chuỗi giá trị của ngành nhựa, khiến doanh nghiệp sản xuất nhựa thành phẩm phải gia tăng phụ thuộc nguồn hạt nhựa nhập khẩu, từ đó giảm sức cạnh tranh và khó tận dụng ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do; hoặc có thể mất nhiều đơn hàng xuất khẩu vì không đáp ứng đủ tỷ lệ nhựa tái chế theo yêu cầu của nhà nhập khẩu ở các nước phát triển. Việc này sẽ càng tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang liên tục chịu tác động bất lợi trong một vài năm gần đây (dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế ở các thị trường nhập khẩu).
Việc hạn chế nhập khẩu phế liệu nhựa (nếu có) cần được cân nhắc đến sự phát triển của ngành với quá trình tham vấn đầy đủ và lộ trình chuyển đổi dài hạn đi cùng với sự phát triển của hệ thống thu gom, tái chế EPR trong nước, và do đó không nên được ban hành theo quy trình rút gọn.
Vì các lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Quản lý chất thải rắn của doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp
Điều 1.24 (sửa đổi Điều 58 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định doanh nghiệp có phát sinh chất thải từ 50kg/ngày sẽ phải chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt, giảm từ mức 300kg/ngày. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa phù hợp với nguyên tắc “tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải” tại Điều 4.4 Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, quy định này chưa cho phép cho doanh nghiệp tự thực hiện tái chế rác thải sinh hoạt tại doanh nghiệp. Mặt khác, mức 50 kg/ngày, theo phản ánh của doanh nghiệp, là thấp so với nhu cầu sử dụng thực tế tại các văn phòng, sẽ phát sinh thêm chi phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc (i) bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được tái sử dụng, tái chế chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng (hoặc cho phép được tận dụng thực phẩm làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi); hoặc (ii) giữ nguyên mức quản lý chất thải tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP (300kg/ngày).
- Loại hình sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Phụ lục II (sửa đổi) đã bổ sung các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có xả thải nhiều nước thải phải xử lý ra môi trường thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa phù hợp. Việc xác định các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm kiểm soát từ sớm các yếu tố gây ô nhiễm thông qua các thủ tục hành chính như đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường… Cơ quan nhà nước sẽ kiểm soát công nghệ và năng lực xử lý các nguy cơ gây ô nhiễm của cơ sở. Các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (do nước thải có chứa các chất ô nhiễm) đã được liệt kê tại Phụ lục II. Trong khi đó, các ngành nghề khác, có lượng nước thải lớn nhưng không chứa các chất gây ô nhiễm nghiêm trọng (chẳng hạn tổ hợp khách sạn, du lịch), thì không cần kiểm soát các yếu tố này, miễn là doanh nghiệp thực hiện xử lý nước thải theo quy định hiện hành. Khi đó, quy định này sẽ làm gia tăng nhiều thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp, còn mục tiêu kiểm soát thì chưa chắc đã đạt được (do kết quả nằm ở kết quả xử lý nước thải). Do vậy, để đảm bảo tinh thần cải cách thủ tục hành chính như Tờ trình Dự thảo, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không bổ sung quy định này.
- Quan trắc tự động
Điều 1.42 Dự thảo (sửa đổi Điều 97 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) giảm công suất xả thải trung bình từ 100m3/ngày (giảm từ 200m3/ngày) và mức xả thải lớn xuống 200m3/ngày (từ mức 500m3/ngày so với Nghị định 08/2022/NĐ-CP). Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này sẽ tăng nặng thêm trách nhiệm của rất nhiều cơ sở có lưu lượng nước thải nhỏ, làm phát sinh chi phí tương đối lớn (lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động), trong khi nguy cơ gây tác động đến môi trường của các cơ sở này không thực sự lớn, và có thể kiểm soát thông qua quan trắc định kỳ và các biện pháp thanh, kiểm tra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại tác động và tạm thời chưa bổ sung quy định trong lần sửa đổi này.
- Cấp lại giấy phép môi trường
Điều 1.30 Dự thảo (sửa đổi Điều 30.5.đ Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định một trong các trường hợp phải cấp lại giấy phép môi trường là thay đổi công nghệ của hệ thống, công trình xử lý nước thải, bụi, khí thải. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp trong trường hợp doanh nghiệp có thay đổi công nghệ nhưng không làm gia tăng tác động môi trường. Trong trường hợp này, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có thể tự xác định công nghệ có ảnh hưởng đến các yếu tố môi trường dựa trên các dự đoán về thông số nước thải, khí thải, đảm bảo không vượt quá yêu cầu đã được cấp phép. Khi đó, việc cấp phép lại sẽ làm gia tăng thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng trong trường hợp thay đổi công nghệ, công trình xử lý nhưng không làm gia tăng tác động đến môi trường, doanh nghiệp được quyền lựa chọn không thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường và tự chịu trách nhiệm đảm bảo các thông số nước thải và khí thải không vượt yêu cầu theo giấy phép.
- Trách nhiệm tiếp nhận nước thải của dự án mới hoặc dự án mở rộng
Điều 1.18 Dự thảo (sửa đổi Điều 49.a Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định việc tiếp nhận nước thải của dự án mới hoặc mở rộng phải phù hợp với hệ thống xử lý nước thải tập trung, trừ trường hợp dự án không phát sinh thêm nước thải hoặc được miễn trừ đấu nối. Quy định này cần được làm rõ ở các điểm sau:
– Các nhà máy nằm trong khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt loại A và đủ công suất để xử lý lượng nước thải phát sinh (nếu có). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ “trừ trường hợp không vượt quá công suất xử lý của trạm xử lý nước thải hiện hữu”
– Quy định cho phép loại trừ với các cơ sở được miễn trừ đấu nối theo quy định pháp luật trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này không rõ các cơ sở pháp lý nào được xem là miễn trừ đấu nối, ví dụ nhà máy có giấy phép xả thải vào nguồn nước có được xem như miễn trừ không? Để tạo thuận lợi trong quá trình thực thi, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này.
- Các quy định liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)
Dự thảo sửa đổi một số quy định về EPR. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số điểm sau để đảm bảo việc vận hành chính sách EPR từ năm 2024 được thuận lợi hơn:
– Lộ trình áp dụng: EPR sẽ áp dụng từ năm 01/01/2024 với một số mặt hàng (bao bì, ắc quy, pin, dầu nhớt, săm lốp). Tuy nhiên, tại thời điểm này, các văn bản pháp lý định hình hoạt động của cơ chế EPR vẫn chưa được ban hành, chưa có định mức tái chế Fs làm căn cứ tính giá trị khoản đóng góp. Do vậy, các doanh nghiệp không kịp để đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định cho phép lùi lộ trình áp dụng từ 6 tháng đến 1 năm để kịp thời hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, đặc biệt khi khoản đóng góp là không hề nhỏ với rất nhiều doanh nghiệp.
– Thời điểm thực hiện khoản đóng góp vào năm đầu tiên: Điều 34.b Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phải kê khai số tiền đóng góp tài chính trước 31/3 hằng năm với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra của năm liền trước.
Văn phòng EPR đã giải thích rằng năm 2024 (năm đầu áp dụng), doanh nghiệp sẽ phải kê khai và đóng tiền từ 31/3 với số tiền được tính dựa trên khối lượng sản phẩm được đưa ra năm 2023. Cách giải thích này là chưa thực sự phù hợp khi doanh nghiệp phải nộp một khoản tiền rất lớn từ đầu năm, nhưng hệ thống EPR chưa thể vận hành và thực hiện các hoạt động tái chế ngay lập tức. Khi đó, một khoản tiền lớn sẽ bị tạm thời bị đóng băng, trong bối cảnh các doanh nghiệp lại đang rất khó khăn, cần nguồn vốn để hoạt động. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được nộp khoản đóng góp của năm 2024 vào kỳ kế tiếp (năm 2025).
– Thành phần Hội đồng EPR: Điều 1.40 Dự thảo (sửa đổi Điều 88.2 Nghị định 08/2022/NĐ-CP) quy định thành phần Hội đồng EPR từ phía cơ quan nhà nước chỉ còn Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, nghĩa là đã loại bỏ thành phần là đại diện các bộ quản lý các ngành, lĩnh vực sản xuất thực hiện trách nhiệm EPR. Quy định này dường như phù hợp vì thành phần Hội đồng như vậy sẽ không phản ánh đầy đủ và mang tính đại diện từ các thành phần liên quan. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1]https://monre.gov.vn/Pages/viet-nam-co-nang-luc-tai-che-nhua-cao.aspx?cm=M%C3%B4i+tr%C6%B0%E1%BB%9Dng