VCCI_Góp ý Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự

Thứ Ba 16:36 19-12-2023

Kính gửi: Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 6068/BTP-TCTHADS của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo như sau:

  1. Về việc phân định giữa nội dung là mâu thuẫn, chồng chéo với nội dung là bất cập, không phù hợp với thực tiễn

Dự thảo đã xác định các quy định “có vấn đề”, nhưng việc xác định đâu là nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, đâu là nội dung bất cập, không phù hợp với thực tiễn dường như chưa thật sự chính xác, cụ thể:

  • Về việc lập danh sách người mắc nợ

Điểm 1.2.3 Dự thảo xác định quy định việc “lập danh sách người mắc nợ” quy định tại Luật Phá sản là nội dung mâu thuẫn giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản. Nhưng, nội dung phân tích về khoản 2 Điều 68 Luật Phá sản lại chủ yếu là vướng mắc, bất cập của quy định khi xác định ngày lập danh sách người mắc nợ là ngắn, không có quy định về cách thức lập danh sách người mắc nợ, vì vậy khiến cho danh sách người mắc nợ là chưa chính xác, gây khó khăn trong quá trình thực hiện thi hành án.

Những nội dung trên thể hiện bất cập của quy định, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình triển khai, không phải là nội dung về mâu thuẫn, chồng chéo giữa hai Luật. Do đó, xác định nội dung này trong phần “nội dung mâu thuẫn, chồng chéo” là chưa chính xác.

Điều 68 Luật Phá sản quy định Danh sách người mắc nợ phải ghi rõ tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước, số nợ trong đó phân định nợ có bảo đảm, nợ không có bảo đảm, nợ đến hạn, nợ chưa đến hạn. Danh sách này được niêm yết công khai và gửi cho người mắc nợ. Người mắc nợ có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách người mắc nợ. Thẩm phán sẽ xem xét, giải quyết, nếu thấy có căn cứ thì đề nghị sửa đổi, bổ sung vào danh sách người mắc nợ.

Với quy định này, người mắc nợ có cơ hội để xem xét thông tin về số nợ của mình và khiếu nại nếu không đúng. Như vậy, danh sách này về cơ bản là chính xác. Về việc lập danh sách người mắc nợ, Dự thảo phản ánh cần phân tích sâu hơn và xác định là vấn đề của quy định hay thực thi. Mặt khác, việc cho rằng thời hạn 45 ngày là ngắn, cũng cần xem xét lại, bởi vì một trong các mục tiêu quy định về quy trình thủ tục phá sản đó là đảm bảo quy trình này không kéo dài, khiến việc phá sản của doanh nghiệp trở nên khó khăn.

  • Về điều kiện để được cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại

Dự thảo đang chưa xác định rõ đâu là quy định có tính chất mâu thuẫn, chồng chéo, đâu là quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Cũng là quy định tại Điều 66 Luật Trọng tài thương mại và Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, Dự thảo đều xếp vào nhóm có mâu thuẫn, chồng chéo và nhóm quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Điều này khiến cho việc thống kê và xác định vấn đề chưa chính xác của báo cáo rà soát.

Đề nghị bỏ nội dung này tại phần xác định mâu thuẫn, chồng chéo.

  1. Về nội dung mâu thuẫn giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Công chứng

Điều 1.2.4 Dự thảo chỉ ra điểm chưa thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Công chứng về vấn đề cung cấp “bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có” khi thực hiện kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nội dung phân tích của Dự thảo về việc Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”. Trong khi đó khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng lại quy định khi công chứng phải có “Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có”, cụ thể ở đây là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – loại giấy tờ không thể có trong trường hợp quy định tại Điều 110.

Hướng xử lý tại Dự thảo đang không rõ là sẽ sửa đổi quy định tại văn bản pháp luật nào? Đề nghị Dự thảo bổ sung rõ hơn nội dung này.

  1. Về nội dung chưa thống nhất giữa Luật Thi hành án dân sự và Luật Doanh nghiệp

Đề nghị Dự thảo bổ sung nội dung phân tích về điểm chưa thống nhất giữa điểm đ khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp. Điều 1.2.6 Dự thảo gần như không phân tích gì về nội dung thiếu thống nhất này, khiến cho nội dung này trở nên chưa rõ ràng.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Báo cáo kết quả rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan