Góp ý của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Thứ Sáu 15:26 26-05-2006
Góp ý dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm

HIỆP HỘI VẬN TẢI Ô TÔ VIỆT NAM

Sau khi tập hợp ý kiến của hội viên và các Hiệp hội cơ sở, Thường trực BCH Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam xin góp ý về 2 dự thảo Luật sau đây:

A-Luật phòng, chống tham nhũng.

1. Về phạm vi điều chỉnh.

Đề nghị chọn phương án 2 vì hành vi tham nhũng có thể được thể hiện từ người có tổ chức, có quyền thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Khu vực ngoài Nhà nước được hiểu là tổ chức, cơ quan không thuộc hệ thống Nhà nước, nhưng được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ do Nhà nước giao.
Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người có chức vụ, quyền hạn để chiếm hữu tiền, tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân khác. Đề nghị không dùng cụm từ “vì vụ lợi” không chỉ rõ hành vi tham nhũng bởi nhận hối lộ cũng là vì vụ lợi và tham nhũng không chiếm hữu lợi ích tinh thần của người khác (đây là hành vi cưỡng bức).

2. Về Khoản 5 Điều 2 của việc xử lý tham nhũng phải thực hiện công khai và do Tòa án phán xét theo pháp luật quy định.

3. Điều 10 về trách nhiệm của cơ quan báo chí:

Báo chí không có trách nhiệm xử lý các hành vi tham nhũng.

4. Điều 16 về công khai, minh bạch trong mua sắm công và XDCB

Cần thêm một khoản về những hoạt động mua sắm công và XDCB mà pháp luật quy định chỉ định thầu.

5. Biện pháp phòng, chống tham nhũng hữu hiệu đảm bảo kiểm tra được chính xác việc kê khai tài sản và thu nhập là bắt buộc áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đề nghị nên thêm Điều về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán và thu chi bằng tiền.

6. Điều 28-Về việc đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức

Đề nghị có một khoản ngăn ngừa việc lợi dụng việc chuyển đổi công tác của cán bộ, công chức để ngăn cản, trù úm người tích cực chống tham nhũng.

7. Điều 38 - Nghĩa vụ kê khai tài sản

Đề nghị chọn phương án 1 vì các đối tượng có liên quan đến hành vi tham nhũng thường là vợ, chồng và các con – không nhất thiết có cùng một hộ khẩu như phương án 3, và không bỏ sót mối quan hệ gia đình có hành vi tham nhũng như phương án 2.

8. Đề nghị thêm Điều về kê khai minh bạch các khoản thu nhập phải nộp thuế, nhằm chống tham nhũng trong hành vi trốn thuế thu nhập.

9. Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng

Chọn phương án 1 để thống nhất hành động và có thể phòng, chống tham nhũng từ cơ sở đến Trung Ương.

10. Khoản 4 Điều 81 – Đề nghị thay đoạn ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ bằng để thực hiện phòng, chống tham nhũng. Bởi hành vi tham ô, đưa hối lộ có thể không phát sinh hành vi tham nhũng mà là hành vi ăn cắp, biển thủ (tham ô) hay là hành vi lừa đảo.

11. Khoản 2 Điều 81 – Đề nghị bổ sung trách nhiệm của Hiệp hội là thay mặt hội viên phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

B – Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

1. Tên luật:

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đúng cả về mục đích hành động và cú pháp tiếng Việt. Trước hết có thực hành tiết kiệm mới chống lãng phí có kết quả - Cú pháp tiếng Việt là 2 hành động gắn kết được diễn đạt thành câu: Thực hành (cái gì) tiết kiệm và chống (cái gì) tham nhũng. Nếu đặt ngược lại có thể hiểu sai là chống cả 2 hành vi.

2. Phạm vi điều chỉnh của luật

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội nước ta đã là nết đẹp của dân tộc ta. Các cụ xưa đã dạy con cháu “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư” – Hồ chủ tịch đã kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Phong trào “hũ gạo tiết kiệm” đã trở thành “phong trào thi đua tiết kiệm” với khẩu hiệu “Tiết kiệm là yêu nước” và “Lãng phí là phá hoại đất nước”. Vì vậy trong phạm vi điều chỉnh của Luật “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” cần được mở rộng, không chỉ điều chỉnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước, tiền, và tài sản nhà nước, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thiên nhiên thuộc nhà nước, mà cần điều chỉnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sản xuất và tiêu dùng tiền, tài sản, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên, thời gian, sức lao động của toàn xã hội. Mỗi người đều có nghĩa vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay với chính mình.

3. Về nội dung của luật:

Như đã nêu về phạm vi điều chỉnh của luật trên đây, nội dung của luật cần bổ sung các quy định về “Xây dựng nếp sống tiết kiệm, chống hình thức phô trương để tránh lãng phí”, về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội” như ma chay, cưới xin, lễ hội, nghi thức cỗ tiệc…, về “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng sức lao động và thời gian lao động xã hội’; Dự thảo đã đề cập đến quản lý sử dụng điện, nước, nên quy định thêm quản lý, sử dụng môi trường và không khí, sức lao động xã hội. Đã đề cập đến quản lý, sử dụng đất, nên thêm quản lý sử dụng cát, muối và nước biển.

4. Về cơ chế giám sát.

Cần bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức nhân dân, của doanh nghiệp và Hiệp hội, của công dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các văn bản liên quan