Tham nhũng: Nhận diện và Phòng chống
Tham nhũng: Nhận diện và Phòng chống
Tổng hợp từ Dddn, Báo Lao động, SGGP ngày 24/08/2005
Nhận diện hành vi tham nhũng
Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, việc nhận diện các hành vi tham nhũng có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, nếu chúng ta chưa nhận diện hoặc nhận diện không chính xác thì việc đề ra các biện pháp phòng, chống tham nhũng không chính xác và thiếu triệt để.
Điều 4. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về các hành vi tham nhũng như sau:
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ;
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
5. Lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương;
9. Sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi;
10. Nhũng nhiễu;
11. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái phép pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng.
Theo chúng tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa thật triệt để. Bởi lẽ, các hành vi tham nhũng nêu trên vẫn còn phải giải thích kĩ hơn để đáp ứng yêu cầu về “định tính rõ ràng”; một số hành vi còn cần được định lượng. Tuy nhiên, luật của ta là luật khung nên không thể đòi hỏi có những quy định quá cụ thể, chi tiết trong văn bản luật. Đó là nội dung của những văn bản dưới luật. Song, để tránh những vận dụng tùy tiện trong các văn bản dưới luật, quy định trong văn bản luật cũng cần rõ ràng đến mức cần thiết.
Từ những phân tích trên, xin kiến nghị:
1. Bổ sung vào Điều 3 Dự thảo Luật về giải thích thuật ngữ, giải thích các cụm từ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn”; “Lạm quyền” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Đây là những hành vi khác nhau nhưng rất gần nhau. Vì vậy, nếu không được giải thích rõ chắc chắn sẽ có những vận dụng sai lệch trong các văn bản dưới luật và thực tiễn cuộc sống.
2. Làm rõ hơn nữa các hành vi thuộc nhóm nhận hối lộ, sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi.
Về hành vi nhận hối lộ, cần phân biệt hai trường hợp: nhận hối lộ do người hối lộ đưa đến và ép người khác phải nhận hối lộ cho mình khi giải quyết công vụ. Về sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi, phù hợp với quy định về phạm vi điều chỉnh của luật, cần bổ sung thêm cả tài sản của tập thể, của pháp nhân.
3. Bổ sung thêm một hành vi tham nhũng gián tiếp đã và đang thực hiện khá phổ biến hiện nay là: thực hiện các giao dịch nội gián nhằm chuyển lợi ích của Nhà nước, của pháp nhân sang cho cá nhân hoặc một pháp nhân khác vì vụ lợi.
Từ những trình bày trên, xin đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 4 nêu trên như sau:
Điều 4: Các hành vi tham nhũng
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ do người khác đưa đến nhằm mua chuộc để làm sai pháp luật;
3. Ép buộc người khác phải hối lộ khi thực hiện công vụ;
4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6. Lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
8. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
9. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương;
10. Sử dụng trái phép tài sản nhà nước, tài sản của tập thể, pháp nhân vì vụ lợi;
12. Nhũng nhiễu;
13. Thực hiện các giao dịch nội gián nhằm chuyển lợi ích của nhà nước, của tổ chức hoặc pháp nhân về cho cá nhân hoặc một tổ chức hoặc pháp nhân khác vì vụ lợi.
14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng; cản trở; can thiệp pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng.
Nên luân chuyển hoặc bố trí lại những công chức có vụ trí nhạy cảm
Mấy năm gần đây, chúng ta đã thực hiện bổ nhiệm lại cán bộ chủ chốt ở những đơn vị không phải là cơ quan dân cử và đã có tác dụng rất tích cực. Số vị trước đây làm việc theo kiếu sáng vác ô tô đi, tối vác ô tô về hoặc thói độc đoán, gia trưởng, kém hiệu quả gần như được giảm hẳn, vì nếu vẫn duy trì thói hư, tật xấu như vậy thì đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm để bổ sung lại sẽ bị mất uy tín hoặc bị thay thế.
Trong xã hội hiện nay có nhiều vị trí công tác dù chỉ là nhân viên tham mưu không đòi hỏi chuyên môn giỏi nhưng lại rất béo bở cho những kẻ tham lam. Ví dụ như cấp đất, cấp vốn, nhân sự, tuyển dụng lao động…Nhiều việc muốn qua được “cửa” này thì phải biết điều, nếu không thì có một trăm lẻ một lý do để bị họ bắt bẻ.
Những người được giao quyền ký giải quyết thì có vị do yếu về nghiệp vụ, có vị lại do bận nhiều việc cho nên tin vào tham mưu soạn ra. Nhiều người muốn giải quyết công việc được nhanh chóng, thay vì phải làm đầy đủ thủ tục thì lại tính chuyện bồi thường, lót tay cho được việc. Có những người biết mình chưa có đủ điều kiện thì lại muốn dùng tiền để được linh động giải quyết. Dần dần “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê’ trong một số người ở vị trí này càng ngày càng tăng lên khiến họ càng ranh mãnh hơn trong các thủ đoạn kiếm tiền.
Ở những vị trí công tác nhạy cảm như thế nên định kỳ khoảng ba năm một lần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để bố trí lại. Nếu người nào có nhiều dư luận xấu thì dù chưa đủ ba năm vẫn điều chuyển sang làm công việc khác. Làm được như thế chắc chắn những người làm việc chân chính càng phấn đấu tốt hơn, còn những người làm ăn bất chính sẽ phải chùn bước hoặc bị thải loại.
Công khai các dự án quy hoạch cho dân biết để ngăn chặn tham nhũng
Đọc dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng tôi thấy nội dung “đúng nhưng chưa đủ”. Tại Chương II về “Phòng ngừa tham nhũng” mục 1 về “Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức”, theo tôi, Quốc hội nên bổ sung thêm điều khoản công khai minh bạch các dự án, nêu rõ diện tích quy hoạch, chủ đầu tư, giá cả đền bù, thời gian giải tỏa, kế hoạch tái định cư cho dân biết để lấy ý kiến dân và tăng cường sự giám sát của dân… Đây là vấn đề “nóng” trong thời gian qua khiến người dân bức xúc và khiếu kiện kéo dài.
Nhà nước luôn khẳng định “đất đai là tài sản quốc gia”, do đó, khi sử dụng tài sản quốc gia vào các mục đích ích nước lợi dân thì cần phải công khai cho dân biết, tránh tình trạng dồn dân vào tình thế mù mờ, không hiểu “số phận” của chính căn nhà, mảnh đất nơi mình sinh sống sẽ được “quyết” ra sao. Chính vì thiếu thông tin và thiếu công khai dân chủ, cũng như thiếu bàn bạc kỹ trong dân, nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất trật tự kỷ cương, tạo kẽ hở cho chủ đầu tư cũng như một số cán bộ có chức, có quyền tham nhũng bằng cách áp đặt giá thấp, bán ra giá cao, gây bất bình trong dân.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp và các công trình khác vẫn chưa được công khai, chỉ một số cán bộ có chức có quyền biết trước và tranh thủ đầu cơ trục lợi hoặc câu kết với nhau “xẻ thịt” đất đai của dân, của nước. Việc công khai minh bạch các dự án chắc chắn sẽ hạn chế từng bước tình trạng tham nhũng trên lĩnh vực đất đai.
ĐẶNG QUỲNH MAI
(Cán bộ UBMTTQ huyện Hóc Môn TPHCM)
Cần mở rộng vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh với tham nhũng
Hầu hết các vụ tiêu cực được phanh phui, xử lý là nhờ báo chí. Tại tất cả các cuộc họp, nhiều lãnh đạo cũng đã thừa nhận báo chí nói chung và nhà báo nói riêng có vai trò rất lớn trong việc phát hiện và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng chỉ có 1 điều quy định vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí là không thỏa đáng, chưa tạo điều kiện để cơ quan báo chí vào cuộc chống tham nhũng. Điều 80 quy định rất chung chung là: cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng; nếu không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hay cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng... Chỉ đơn giản thế thì các cơ quan ấy có hàng ngàn lý do để không phải cung cấp tài liệu tham nhũng của chính bản thân, đơn vị mình. Và trường hợp cơ quan báo chí muốn phối hợp mà các đơn vị phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng đó không muốn phối hợp thì… “huề” sao? Tại sao dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng không quy định biện pháp chế tài, xử lý những người, đơn vị không cung cấp tài liệu, từ chối phối hợp với cơ quan báo chí? Hơn nữa, điều luật này chỉ mới quy định về vai trò của cơ quan báo chí chứ chưa quy định về vai trò của nhà báo.
Tại sao chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân mà luật chống tham nhũng lại không tạo chủ động cho nhà báo- một lực lượng tiên phong, năng động trong công tác chống tiêu cực trong thời gian qua- có điều kiện phát hiện tiêu cực và chống tham nhũng.
PHẠM THÀNH TRUNG
(136/16 Nguyễn Tri Phương Q5 TPHCM)
Kê khai tài sản: Không thể “vẽ đường cho hươu chạy”
Điều 39 của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nói về nghĩa vụ kê khai tài sản đã đưa ra 3 phương án, trong đó có nhiều nội dung trùng ý nhau. Do vậy, theo tôi phương án 1 có phần chặt chẽ và rõ nghĩa hơn bởi các lý do sau:
Một là, trên thực tế hiện nhiều người có số tài sản bất minh đã dùng mọi mánh khóe để che đậy, trong đó phổ biến nhất là nhờ người khác trong gia đình mình đứng tên như vợ hoặc chồng, con, cháu (kể cả những người chưa đủ tuổi vị thành niên), họ hàng… Do đó, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ kê khai thì một lượng lớn tài sản mà chủ thực sự của nó là những cán bộ, công chức sẽ không được quản lý, làm rõ khi cần xác minh nguồn gốc.
Hai là, việc tách hộ khẩu của các thành viên trong gia đình hiện không còn là chuyện khó. Do vậy, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con, cháu khi họ cùng hộ khẩu với người có nghĩa vụ kê khai tài sản thì đây chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”.
Như chúng ta biết, việc tách nhập hộ khẩu và cho, đổi, chuyển sở hữu tài sản cho nhau giữa các thành viên trong gia đình đều được pháp luật cho phép. Quy định bắt buộc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức nếu không tính đến các tình tiết này sẽ tạo thành một kẽ hở để tẩu tán, phân chia tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có.
Do vậy, theo tôi đã kê khai tài sản thì phải kê khai hết, chúng ta mới biết vợ hoặc chồng và con, cháu của người cán bộ, công chức đó đang đứng tên tài sản là gì và nguồn gốc tạo ra được từ đâu.
Đối với những người có tài sản minh bạch, nguồn thu chính đáng thì kê khai tài sản rất thoải mái và nhẹ nhàng. Ngược lại, việc kê khai tài sản đối với những cán bộ, công chức có những dấu hiệu không rõ nguồn gốc và giàu lên nhanh chóng thì lại là vấn đề đặt ra cho tổ chức phải tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Thực tế từ trước đến nay, chúng ta chỉ xác minh nguồn gốc tài sản của người cán bộ, công chức khi bị phát hiện có tiêu cực, tham nhũng. Và những người nào mà chưa bị phát hiện tiêu cực, tham nhũng thì khối tài sản kếch xù mà bản thân họ và các thành viên trong gia đình đang đứng tên trở thành hợp pháp.
Chính vì vậy, việc kê khai tài sản mà Luật Phòng chống tham nhũng đặt ra phải gắn chặt với các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Những cán bộ, công chức nào đứng tên một khối tài sản lớn không nói rõ được nguồn gốc thì phải được tiến hành làm rõ, kể cả kiểm tra toàn bộ các mối quan hệ và công việc của họ xem có dấu hiệu lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi hay không.
Mai Mộng Tưởng
(Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Toàn dân chống tham nhũng - nét độc đáo của Việt Nam
Dự thảo lần 5, Luật Phòng chống tham nhũng theo tôi là “rất Việt Nam”. Đây là dự thảo luật phòng chống tham nhũng dài nhất mà tôi từng thấy, hơn luật tương tự của Thái Lan và hơn cả Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Trong phần về công khai, minh bạch, dự luật cấm bố, mẹ, con cái tham gia các tổ chức do công chức lãnh đạo. Quy định này, ngoài Việt Nam, chỉ Trung Quốc mới có. Nhưng, đây lại phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Song, điều ấn tượng mà theo tôi “rất Việt Nam” là: tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng, từ một người dân bình thường đến Thủ tướng Chính phủ.
Thái Lan chúng tôi và các quốc gia khác không vậy, nhiệm vụ chống tham nhũng được giao cho một cơ quan đặc trách. Trong khi đó, Việt Nam huy động sức mạnh tổng hợp để chống tham nhũng. Việt Nam còn có các ban chỉ đạo để điều phối, phối hợp các cơ quan. Điều rất Việt Nam này, chúng tôi không có. Và, nếu trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân của các bạn được quy định cụ thể hơn trong dự luật thì sẽ càng góp phần nâng cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Tiến sĩ THAVEEPORN VASAVAKUL, Viện Quốc tế học, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan)
Công khai thông tin về tài sản
Điều 9 và Điều 65 của dự luật khuyến khích, yêu cầu tất cả người dân báo cáo về hành vi tham nhũng. Nhưng, các nghĩa vụ này được thực hiện như thế nào lại không rõ, cũng không có quy định rõ ai là người phải báo cáo; ai, cơ quan nào nhận báo cáo; làm thế nào để bảo vệ những người báo cáo, nhất là những người làm công tố giác những ông chủ của mình.
Theo tôi, cần phải thành lập một văn phòng tiếp nhận và điều tra các báo cáo về tham nhũng. Điều 69 quy định thưởng cho những người báo cáo về hành vi tham nhũng. Nên cân nhắc lại vì cán bộ công chức là đối tượng bắt buộc phải báo cáo. Ở Mỹ, người báo cáo, tố giác tội phạm có thể được thưởng tới 30% tổng số tiền thu lại được từ tội phạm nhưng Chính phủ không thưởng cho cán bộ, công chức vì đây là nghĩa vụ đương nhiên của họ.
Bên cạnh đó, thay vì quy định cá nhân nào có quyền yêu cầu thông tin của Chính phủ, tôi kiến nghị nên cho phép mọi người đều có thể yêu cầu cung cấp thông tin. Cũng như vậy, thay vì giới hạn công khai về kê khai tài sản áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể như ở nơi làm việc hoặc trong cuộc họp cử tri, nên công khai rộng rãi về các tài sản kê khai.
Ông KATHLEEN CLARK, Giáo sư Luật học, Trường Đại học Tổng hợp Washington (Mỹ):
Cần sung công các tài sản bất minh
Trong dự thảo luật thường đưa ra chế tài chung chung là xử lý kỷ luật. Theo tôi, cần phải quy định rõ 3 mức hình thức xử lý: hành chính, dân sự và hình sự. Ngoài việc xử lý những hành vi thu lợi bất hợp pháp, cần phải có biện pháp cụ thể ngăn chặn những đối tượng phạm tội hưởng lợi từ hành vi phạm tội của họ.
Một trong những cách quan trọng nhất là Nhà nước ban hành cơ chế sung công đủ mạnh như quy định về xác định, phong tỏa, tạm giữ và sung công các khoản tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 78, xử lý tài sản không có nguồn gốc hợp pháp là: “Người bị khởi tố về tội tham nhũng phải giải trình nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nếu không giải trình được thì coi là tài sản bất minh. Trong trường hợp người có tài sản bất minh bị kết án về tội tham nhũng thì tòa án ra quyết định sung công tài sản bất minh của người đó, trừ những tài sản hợp pháp hình thành trước khi xảy ra phạm tội về tham nhũng”.
Bà SANDRA VALLE, chuyên gia tư vấn quốc tế, UNDP
Có biện pháp chế tài phòng ngừa tham nhũng
Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tôi thấy dự thảo quy định hầu như đầy đủ, nhưng vấn đề chính yếu ở đây là biện pháp chế tài. Biện pháp chế tài không chỉ là kỷ luật mà cơ quan hữu quan phải mở ngay các cuộc điều tra, đi sâu vào nguồn gốc tài sản để có những quyết định mang tính pháp luật như hạn chế quyền sử dụng hay truất quyền sở hữu… vì tham nhũng sẽ làm tiêu hao thất thoát tài sản nhà nước.
Về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan ở Điều 49, nên quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng của những người thuộc quyền. Đó là trách nhiệm cá nhân và trực tiếp vì liên quan đến quyền cá nhân của mình và tùy theo mức độ, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm chung hoặc liên đới trách nhiệm với người hay tổ chức vi phạm.
Việc tiếp nhận và xử lý hành vi tham nhũng ở mục 4, chương III, tôi đồng ý với việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng có tính nặc danh. Loại trừ kênh tố cáo nặc danh là một thái độ quá vô tư không thể biện minh được. Theo tôi, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải có đủ quyền lực vì trên thực tế, quyền lực của nhân dân hãy còn quá trừu tượng, khó thực thi. Nếu Đảng lãnh đạo thì Đảng nên trừng trị kẻ vi phạm, chứ nếu chỉ để Nhà nước trừng trị thì chưa đủ.
Về vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tôi thấy nên quy định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần quy định thêm biện pháp chế tài cũng như khen thưởng để nhà báo được yên tâm công tác. Còn về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng (Điều 79-81-83), luật nên quy định khen thưởng, ghi công hoạt động để tạo chỗ dựa cho dân hoàn thành sứ mệnh giám sát của mình.
Luật gia Hồ Ngọc Cứ
(Ủy viên UBTƯ MTTQVN, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật phía Nam)
Tổng hợp từ Dddn, Báo Lao động, SGGP ngày 24/08/2005
Nhận diện hành vi tham nhũng
Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, việc nhận diện các hành vi tham nhũng có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, nếu chúng ta chưa nhận diện hoặc nhận diện không chính xác thì việc đề ra các biện pháp phòng, chống tham nhũng không chính xác và thiếu triệt để.
Điều 4. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về các hành vi tham nhũng như sau:
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ;
3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
5. Lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương;
9. Sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi;
10. Nhũng nhiễu;
11. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái phép pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng.
Theo chúng tôi, quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa thật triệt để. Bởi lẽ, các hành vi tham nhũng nêu trên vẫn còn phải giải thích kĩ hơn để đáp ứng yêu cầu về “định tính rõ ràng”; một số hành vi còn cần được định lượng. Tuy nhiên, luật của ta là luật khung nên không thể đòi hỏi có những quy định quá cụ thể, chi tiết trong văn bản luật. Đó là nội dung của những văn bản dưới luật. Song, để tránh những vận dụng tùy tiện trong các văn bản dưới luật, quy định trong văn bản luật cũng cần rõ ràng đến mức cần thiết.
Từ những phân tích trên, xin kiến nghị:
1. Bổ sung vào Điều 3 Dự thảo Luật về giải thích thuật ngữ, giải thích các cụm từ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn”; “Lạm quyền” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Đây là những hành vi khác nhau nhưng rất gần nhau. Vì vậy, nếu không được giải thích rõ chắc chắn sẽ có những vận dụng sai lệch trong các văn bản dưới luật và thực tiễn cuộc sống.
2. Làm rõ hơn nữa các hành vi thuộc nhóm nhận hối lộ, sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi.
Về hành vi nhận hối lộ, cần phân biệt hai trường hợp: nhận hối lộ do người hối lộ đưa đến và ép người khác phải nhận hối lộ cho mình khi giải quyết công vụ. Về sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi, phù hợp với quy định về phạm vi điều chỉnh của luật, cần bổ sung thêm cả tài sản của tập thể, của pháp nhân.
3. Bổ sung thêm một hành vi tham nhũng gián tiếp đã và đang thực hiện khá phổ biến hiện nay là: thực hiện các giao dịch nội gián nhằm chuyển lợi ích của Nhà nước, của pháp nhân sang cho cá nhân hoặc một pháp nhân khác vì vụ lợi.
Từ những trình bày trên, xin đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 4 nêu trên như sau:
Điều 4: Các hành vi tham nhũng
1. Tham ô tài sản;
2. Nhận hối lộ do người khác đưa đến nhằm mua chuộc để làm sai pháp luật;
3. Ép buộc người khác phải hối lộ khi thực hiện công vụ;
4. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6. Lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
7. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi;
8. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
9. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc vì lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương;
10. Sử dụng trái phép tài sản nhà nước, tài sản của tập thể, pháp nhân vì vụ lợi;
12. Nhũng nhiễu;
13. Thực hiện các giao dịch nội gián nhằm chuyển lợi ích của nhà nước, của tổ chức hoặc pháp nhân về cho cá nhân hoặc một tổ chức hoặc pháp nhân khác vì vụ lợi.
14. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi để bao che cho người có hành vi tham nhũng; cản trở; can thiệp pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng.
Nên luân chuyển hoặc bố trí lại những công chức có vụ trí nhạy cảm
Mấy năm gần đây, chúng ta đã thực hiện bổ nhiệm lại cán bộ chủ chốt ở những đơn vị không phải là cơ quan dân cử và đã có tác dụng rất tích cực. Số vị trước đây làm việc theo kiếu sáng vác ô tô đi, tối vác ô tô về hoặc thói độc đoán, gia trưởng, kém hiệu quả gần như được giảm hẳn, vì nếu vẫn duy trì thói hư, tật xấu như vậy thì đến kỳ bỏ phiếu tín nhiệm để bổ sung lại sẽ bị mất uy tín hoặc bị thay thế.
Trong xã hội hiện nay có nhiều vị trí công tác dù chỉ là nhân viên tham mưu không đòi hỏi chuyên môn giỏi nhưng lại rất béo bở cho những kẻ tham lam. Ví dụ như cấp đất, cấp vốn, nhân sự, tuyển dụng lao động…Nhiều việc muốn qua được “cửa” này thì phải biết điều, nếu không thì có một trăm lẻ một lý do để bị họ bắt bẻ.
Những người được giao quyền ký giải quyết thì có vị do yếu về nghiệp vụ, có vị lại do bận nhiều việc cho nên tin vào tham mưu soạn ra. Nhiều người muốn giải quyết công việc được nhanh chóng, thay vì phải làm đầy đủ thủ tục thì lại tính chuyện bồi thường, lót tay cho được việc. Có những người biết mình chưa có đủ điều kiện thì lại muốn dùng tiền để được linh động giải quyết. Dần dần “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê’ trong một số người ở vị trí này càng ngày càng tăng lên khiến họ càng ranh mãnh hơn trong các thủ đoạn kiếm tiền.
Ở những vị trí công tác nhạy cảm như thế nên định kỳ khoảng ba năm một lần tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để bố trí lại. Nếu người nào có nhiều dư luận xấu thì dù chưa đủ ba năm vẫn điều chuyển sang làm công việc khác. Làm được như thế chắc chắn những người làm việc chân chính càng phấn đấu tốt hơn, còn những người làm ăn bất chính sẽ phải chùn bước hoặc bị thải loại.
Công khai các dự án quy hoạch cho dân biết để ngăn chặn tham nhũng
Đọc dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng tôi thấy nội dung “đúng nhưng chưa đủ”. Tại Chương II về “Phòng ngừa tham nhũng” mục 1 về “Công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan tổ chức”, theo tôi, Quốc hội nên bổ sung thêm điều khoản công khai minh bạch các dự án, nêu rõ diện tích quy hoạch, chủ đầu tư, giá cả đền bù, thời gian giải tỏa, kế hoạch tái định cư cho dân biết để lấy ý kiến dân và tăng cường sự giám sát của dân… Đây là vấn đề “nóng” trong thời gian qua khiến người dân bức xúc và khiếu kiện kéo dài.
Nhà nước luôn khẳng định “đất đai là tài sản quốc gia”, do đó, khi sử dụng tài sản quốc gia vào các mục đích ích nước lợi dân thì cần phải công khai cho dân biết, tránh tình trạng dồn dân vào tình thế mù mờ, không hiểu “số phận” của chính căn nhà, mảnh đất nơi mình sinh sống sẽ được “quyết” ra sao. Chính vì thiếu thông tin và thiếu công khai dân chủ, cũng như thiếu bàn bạc kỹ trong dân, nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện, gây mất trật tự kỷ cương, tạo kẽ hở cho chủ đầu tư cũng như một số cán bộ có chức, có quyền tham nhũng bằng cách áp đặt giá thấp, bán ra giá cao, gây bất bình trong dân.
Cho đến nay, vẫn còn nhiều dự án quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp và các công trình khác vẫn chưa được công khai, chỉ một số cán bộ có chức có quyền biết trước và tranh thủ đầu cơ trục lợi hoặc câu kết với nhau “xẻ thịt” đất đai của dân, của nước. Việc công khai minh bạch các dự án chắc chắn sẽ hạn chế từng bước tình trạng tham nhũng trên lĩnh vực đất đai.
ĐẶNG QUỲNH MAI
(Cán bộ UBMTTQ huyện Hóc Môn TPHCM)
Cần mở rộng vai trò của báo chí trong phát hiện, đấu tranh với tham nhũng
Hầu hết các vụ tiêu cực được phanh phui, xử lý là nhờ báo chí. Tại tất cả các cuộc họp, nhiều lãnh đạo cũng đã thừa nhận báo chí nói chung và nhà báo nói riêng có vai trò rất lớn trong việc phát hiện và đấu tranh phòng chống tham nhũng. Thế nhưng, tại dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng chỉ có 1 điều quy định vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí là không thỏa đáng, chưa tạo điều kiện để cơ quan báo chí vào cuộc chống tham nhũng. Điều 80 quy định rất chung chung là: cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng; nếu không cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Hay cơ quan báo chí phải đưa tin trung thực, khách quan; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng... Chỉ đơn giản thế thì các cơ quan ấy có hàng ngàn lý do để không phải cung cấp tài liệu tham nhũng của chính bản thân, đơn vị mình. Và trường hợp cơ quan báo chí muốn phối hợp mà các đơn vị phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng đó không muốn phối hợp thì… “huề” sao? Tại sao dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng không quy định biện pháp chế tài, xử lý những người, đơn vị không cung cấp tài liệu, từ chối phối hợp với cơ quan báo chí? Hơn nữa, điều luật này chỉ mới quy định về vai trò của cơ quan báo chí chứ chưa quy định về vai trò của nhà báo.
Tại sao chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân mà luật chống tham nhũng lại không tạo chủ động cho nhà báo- một lực lượng tiên phong, năng động trong công tác chống tiêu cực trong thời gian qua- có điều kiện phát hiện tiêu cực và chống tham nhũng.
PHẠM THÀNH TRUNG
(136/16 Nguyễn Tri Phương Q5 TPHCM)
Kê khai tài sản: Không thể “vẽ đường cho hươu chạy”
Điều 39 của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng nói về nghĩa vụ kê khai tài sản đã đưa ra 3 phương án, trong đó có nhiều nội dung trùng ý nhau. Do vậy, theo tôi phương án 1 có phần chặt chẽ và rõ nghĩa hơn bởi các lý do sau:
Một là, trên thực tế hiện nhiều người có số tài sản bất minh đã dùng mọi mánh khóe để che đậy, trong đó phổ biến nhất là nhờ người khác trong gia đình mình đứng tên như vợ hoặc chồng, con, cháu (kể cả những người chưa đủ tuổi vị thành niên), họ hàng… Do đó, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của người có nghĩa vụ kê khai thì một lượng lớn tài sản mà chủ thực sự của nó là những cán bộ, công chức sẽ không được quản lý, làm rõ khi cần xác minh nguồn gốc.
Hai là, việc tách hộ khẩu của các thành viên trong gia đình hiện không còn là chuyện khó. Do vậy, nếu luật quy định chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con, cháu khi họ cùng hộ khẩu với người có nghĩa vụ kê khai tài sản thì đây chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy”.
Như chúng ta biết, việc tách nhập hộ khẩu và cho, đổi, chuyển sở hữu tài sản cho nhau giữa các thành viên trong gia đình đều được pháp luật cho phép. Quy định bắt buộc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức nếu không tính đến các tình tiết này sẽ tạo thành một kẽ hở để tẩu tán, phân chia tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có.
Do vậy, theo tôi đã kê khai tài sản thì phải kê khai hết, chúng ta mới biết vợ hoặc chồng và con, cháu của người cán bộ, công chức đó đang đứng tên tài sản là gì và nguồn gốc tạo ra được từ đâu.
Đối với những người có tài sản minh bạch, nguồn thu chính đáng thì kê khai tài sản rất thoải mái và nhẹ nhàng. Ngược lại, việc kê khai tài sản đối với những cán bộ, công chức có những dấu hiệu không rõ nguồn gốc và giàu lên nhanh chóng thì lại là vấn đề đặt ra cho tổ chức phải tiến hành kiểm tra, làm rõ.
Thực tế từ trước đến nay, chúng ta chỉ xác minh nguồn gốc tài sản của người cán bộ, công chức khi bị phát hiện có tiêu cực, tham nhũng. Và những người nào mà chưa bị phát hiện tiêu cực, tham nhũng thì khối tài sản kếch xù mà bản thân họ và các thành viên trong gia đình đang đứng tên trở thành hợp pháp.
Chính vì vậy, việc kê khai tài sản mà Luật Phòng chống tham nhũng đặt ra phải gắn chặt với các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Những cán bộ, công chức nào đứng tên một khối tài sản lớn không nói rõ được nguồn gốc thì phải được tiến hành làm rõ, kể cả kiểm tra toàn bộ các mối quan hệ và công việc của họ xem có dấu hiệu lợi dụng chức vụ được giao để trục lợi hay không.
Mai Mộng Tưởng
(Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Toàn dân chống tham nhũng - nét độc đáo của Việt Nam
Dự thảo lần 5, Luật Phòng chống tham nhũng theo tôi là “rất Việt Nam”. Đây là dự thảo luật phòng chống tham nhũng dài nhất mà tôi từng thấy, hơn luật tương tự của Thái Lan và hơn cả Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Trong phần về công khai, minh bạch, dự luật cấm bố, mẹ, con cái tham gia các tổ chức do công chức lãnh đạo. Quy định này, ngoài Việt Nam, chỉ Trung Quốc mới có. Nhưng, đây lại phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Song, điều ấn tượng mà theo tôi “rất Việt Nam” là: tất cả mọi người đều có trách nhiệm tham gia phòng chống tham nhũng, từ một người dân bình thường đến Thủ tướng Chính phủ.
Thái Lan chúng tôi và các quốc gia khác không vậy, nhiệm vụ chống tham nhũng được giao cho một cơ quan đặc trách. Trong khi đó, Việt Nam huy động sức mạnh tổng hợp để chống tham nhũng. Việt Nam còn có các ban chỉ đạo để điều phối, phối hợp các cơ quan. Điều rất Việt Nam này, chúng tôi không có. Và, nếu trách nhiệm của ban thanh tra nhân dân của các bạn được quy định cụ thể hơn trong dự luật thì sẽ càng góp phần nâng cao hơn hiệu quả phòng, chống tham nhũng.
Tiến sĩ THAVEEPORN VASAVAKUL, Viện Quốc tế học, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan)
Công khai thông tin về tài sản
Điều 9 và Điều 65 của dự luật khuyến khích, yêu cầu tất cả người dân báo cáo về hành vi tham nhũng. Nhưng, các nghĩa vụ này được thực hiện như thế nào lại không rõ, cũng không có quy định rõ ai là người phải báo cáo; ai, cơ quan nào nhận báo cáo; làm thế nào để bảo vệ những người báo cáo, nhất là những người làm công tố giác những ông chủ của mình.
Theo tôi, cần phải thành lập một văn phòng tiếp nhận và điều tra các báo cáo về tham nhũng. Điều 69 quy định thưởng cho những người báo cáo về hành vi tham nhũng. Nên cân nhắc lại vì cán bộ công chức là đối tượng bắt buộc phải báo cáo. Ở Mỹ, người báo cáo, tố giác tội phạm có thể được thưởng tới 30% tổng số tiền thu lại được từ tội phạm nhưng Chính phủ không thưởng cho cán bộ, công chức vì đây là nghĩa vụ đương nhiên của họ.
Bên cạnh đó, thay vì quy định cá nhân nào có quyền yêu cầu thông tin của Chính phủ, tôi kiến nghị nên cho phép mọi người đều có thể yêu cầu cung cấp thông tin. Cũng như vậy, thay vì giới hạn công khai về kê khai tài sản áp dụng đối với một số đối tượng cụ thể như ở nơi làm việc hoặc trong cuộc họp cử tri, nên công khai rộng rãi về các tài sản kê khai.
Ông KATHLEEN CLARK, Giáo sư Luật học, Trường Đại học Tổng hợp Washington (Mỹ):
Cần sung công các tài sản bất minh
Trong dự thảo luật thường đưa ra chế tài chung chung là xử lý kỷ luật. Theo tôi, cần phải quy định rõ 3 mức hình thức xử lý: hành chính, dân sự và hình sự. Ngoài việc xử lý những hành vi thu lợi bất hợp pháp, cần phải có biện pháp cụ thể ngăn chặn những đối tượng phạm tội hưởng lợi từ hành vi phạm tội của họ.
Một trong những cách quan trọng nhất là Nhà nước ban hành cơ chế sung công đủ mạnh như quy định về xác định, phong tỏa, tạm giữ và sung công các khoản tiền, tài sản có được một cách bất hợp pháp.
Vì vậy, đề nghị sửa đổi Điều 78, xử lý tài sản không có nguồn gốc hợp pháp là: “Người bị khởi tố về tội tham nhũng phải giải trình nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nếu không giải trình được thì coi là tài sản bất minh. Trong trường hợp người có tài sản bất minh bị kết án về tội tham nhũng thì tòa án ra quyết định sung công tài sản bất minh của người đó, trừ những tài sản hợp pháp hình thành trước khi xảy ra phạm tội về tham nhũng”.
Bà SANDRA VALLE, chuyên gia tư vấn quốc tế, UNDP
Có biện pháp chế tài phòng ngừa tham nhũng
Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tôi thấy dự thảo quy định hầu như đầy đủ, nhưng vấn đề chính yếu ở đây là biện pháp chế tài. Biện pháp chế tài không chỉ là kỷ luật mà cơ quan hữu quan phải mở ngay các cuộc điều tra, đi sâu vào nguồn gốc tài sản để có những quyết định mang tính pháp luật như hạn chế quyền sử dụng hay truất quyền sở hữu… vì tham nhũng sẽ làm tiêu hao thất thoát tài sản nhà nước.
Về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan ở Điều 49, nên quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng của những người thuộc quyền. Đó là trách nhiệm cá nhân và trực tiếp vì liên quan đến quyền cá nhân của mình và tùy theo mức độ, người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm chung hoặc liên đới trách nhiệm với người hay tổ chức vi phạm.
Việc tiếp nhận và xử lý hành vi tham nhũng ở mục 4, chương III, tôi đồng ý với việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng có tính nặc danh. Loại trừ kênh tố cáo nặc danh là một thái độ quá vô tư không thể biện minh được. Theo tôi, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng phải có đủ quyền lực vì trên thực tế, quyền lực của nhân dân hãy còn quá trừu tượng, khó thực thi. Nếu Đảng lãnh đạo thì Đảng nên trừng trị kẻ vi phạm, chứ nếu chỉ để Nhà nước trừng trị thì chưa đủ.
Về vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng, tôi thấy nên quy định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần quy định thêm biện pháp chế tài cũng như khen thưởng để nhà báo được yên tâm công tác. Còn về vai trò và trách nhiệm của xã hội trong việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng (Điều 79-81-83), luật nên quy định khen thưởng, ghi công hoạt động để tạo chỗ dựa cho dân hoàn thành sứ mệnh giám sát của mình.
Luật gia Hồ Ngọc Cứ
(Ủy viên UBTƯ MTTQVN, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật phía Nam)