Phải có cơ chế bvệ người phát hiện tố cáo TN

Thứ Sáu 15:06 26-05-2006
PHẢI CÓ CƠ CHẾ BẢO VỆ NGƯỜI PHÁT HIỆN, TỐ CÁO THAM NHŨNG

Nguyễn Thắng- Theo Pháp Luật Việt Nam ngày 4/8/2005


Cần khen thưởng thích đáng những người tố cáo tham nhũng

Xung quanh quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc tiếp nhận và xử lý tố cáo hành vi tham nhũng và quy định về khen thưởng người tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh cho biết, tại Điều 62 của Dự Luật quy định: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý tố cáo để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Điều 64 quy định: Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Bắc (Phú thọ) cho rằng nên thành lập riêng một cơ quan điều tra chống tham nhũng và đẩy mạnh việc điều tra theo theo thông tin tố cáo của quần chúng nhân dân. Đại biểu (ĐB)Bắc cho rằng, hầu hết các vụ án lớn vừa qua phá được là qua đơn thư tố giác của quần chúng nhân dân và theo phản ánh của các cơ quan báo chí. Bà Nguyền Thị Bắc cho rằng, tại Điều 64 (khen thưởng người tố cáo) quy định còn chung chung, do đó cần có quy định về chính sách mới để động viên người tố cáo trung thực, chính xác các hành vi tham nhũng, cần quy định về chính sách thưởng vật chất theo một tỷ lệ nào đó cho người tố cáo tham nhũng, cơ quan điều tra chống tham nhũng. Đồng thời, cần có chính sách hình sự thông thoáng hơn đối với người buộc phải đưa hối lộ, sau đó chính người này đi tố cáo người nhận hối lộ. ĐB Bắc đề nghị cần đưa cần ghi rõ trong luật về việc “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với người bị bức bách mà phải đưa hối lộ.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Bắc, ĐB Hoàng Văn Minh (Nghệ An) phân tích sâu thêm tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, ĐB Minh cho rằng, trong “mối quan hệ” giữa hành vi đưa hối lộ thì hành vi nhận hối lộ là gốc của vấn đề, nguy hại hơn. “Nếu từng cán bộ, công chức mà thực sự liêm khiết, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao thì khó mà diễn ra hành vi đưa hối lộ”- ĐB nói. Theo đó, Ông Hoàng Văn Minh đồng tình với quan điểm cho rằng người đưa hối lộ do tình thế bắt buộc, sau đó tố cáo thì không bị xử lý hình sự và được nhận lại tài sản trước đó. ĐB khẳng định, nếu có quy định này sẽ tạo ra tâm lý luôn e ngại, lo sợ của người nhận hối lộ và đương nhiên tình trạng tham nhũng sẽ giảm. Theo ĐB Minh, Dự luật cần quy định cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng, có cơ chế khen thưởng thích đáng và cho họ cơ chế được gửi đơn tố cáo đến cơ quan nào họ cảm thấy yên tâm.

Thành lập Ban chỉ đạo PCTN: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Xung quanh quy định về Ban chỉ đạo PCTN (Điều 72), có ý kiến cho rằng nên thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về PCTN do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu; ý kiến khác lại đề nghị thành lập Ủy ban chống tham nhũng quốc gia là cơ quan chuyên trách trực thuộc Quốc hội, cũng có ý kiến đề nghị Ban chỉ đạo chuyên trách trực thuộc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Một số ý kiến khác lại cho rằng chỉ nên thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về PCTN ở Trung ương mà không thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ý kiến khác lại đề nghị thành lập cơ quan chống tham nhũng là cơ quan hành chính-tư pháp độc lập, được thành lập theo khu vực gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) lại đề nghị thành lập Ủy ban giám sát trực thuộc Quốc hội để giám sát việc thực hiện pháp luật về chống tham nhũng, đồng thời đôn đốc các cơ quan triển khai các quy định về PCTN…

Phát biểu trong quá trình soạn thảo về Dự án Luật PCTN, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu một lần nữa nhấn mạnh đến mối quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân vào quá trình soạn thảo Dự án luật này. Song, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu lên vấn đề là làm sao việc thảo luận gắn thật sát với thực tiễn đời sống xã hội. để rồi khi Luật được ban hành sẽ mang tính khả thi cao. Hiện tại Dự án Luật PCTN cũng với Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu cho biết sau khi tổng hợp, Dự án Luật PCTN sẽ được chỉnh lý hoàn thiện lần cuối, trước khi trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay.

Các văn bản liên quan