Chúng ta có kiên quyết chống tham nhũng?

Thứ Sáu 15:00 26-05-2006
Chúng ta có kiên quyết chống tham nhũng?

(VietNamNet - 11/06/2005)

Có ý kiến cho rằng, không phải chúng ta không biết và không thể biết ai có hành vi tham nhũng. Vấn đề là có dám chống, kiên quyết chống tham nhũng hay không?
Sáng ngày 11/6 tại Quốc hội, sau phần trình bày về dự án Luật phòng chống tham nhũng của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển đã có báo cáo thẩm tra về dự án luật này.


Không nên quá kỳ vọng vào luật phòng chống tham nhũng

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, đây là một dự án luật khó và phức tạp không phải ở chỗ không thể quy định được mà là về quan niệm, nhận thức cũng như quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta đối với tệ nạn này còn rất khác nhau.
Ông Khiển cho biết qua thảo luận, nhiều thành viên Uỷ ban Pháp luật tán thành về cơ bản nâng Pháp lệnh chống tham nhũng lên thành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe doạ sự tồn vong của chế độ.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng các giải pháp phòng, chống tham nhũng trong dự thảo luật không mới mà đã được quy định khá rõ và cụ thể trong hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở việc tổng hợp các quy định hiện hành về chống tham nhũng (trong Bộ luật Hình sự, Pháp lệnh chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác).

Tuy dự thảo luật có đưa ra một số quy định mới về phòng, chống tham nhũng như vấn đề công khai, minh bạch tài sản, xử lý tài sản bất minh... nhưng nhiều quy định mới này lại không phù hợp, mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành hoặc sẽ được quy định trog các dự thảo luật, pháp lệnh...

Cho nên cũng không quá kỳ vọng vào việc ban hành Luật chống tham nhũng có thể giải quyết ngay được tất cả những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Quốc hội trước mắt nên ra nghị quyết chống tham nhũng?

Ý kiến nói trên đề nghị nếu chỉ với những quy định như trong dự thảo thì không nên ban hành Luật. Bởi vì nếu ban hành luật mà không giải quyết được tình hình thì cơ quan nhà nước càng mất uy tín. Vì vậy đề nghị Quốc hội trước mắt nên ra Nghị quyết với những biện pháp thiết thực, cụ thể để làm cơ sở cho việc phát động cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân. Đồng thời, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, cùng Chính phủ tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn và xem đây là một bước cần thiết để tiến tới xây dựng một đạo luật phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần xây dựng Luật chống tham nhũng với những biện pháp mới, đủ mạnh tập trung cho nhiệm vụ chống tham nhũng.

Các văn bản liên quan