Chống tham nhũng thế nào cho hiệu quả?

Thứ Sáu 15:00 26-05-2006
Chống tham nhũng thế nào cho hiệu quả?

Kết thúc một ngày thảo luận ngày 13/6 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), đã có 36 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia ý kiến. Mỗi phát biểu, bên cạnh việc góp ý cho dự thảo luật, đều thể hiện những bức xúc coi tham nhũng như một “quốc nạn”, một “nguy cơ của chế độ” hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù đánh giá Ban soạn thảo có những cố gắng, nhiều ĐB cho rằng nhiều điều khoản sẽ không hiệu quả và “khó khả thi” trong thực tiễn...

“Chẳng ai tham nhũng mà lại ngây thơ...”

ĐB Huỳnh Thị Hường (Quảng Nam) nói như thách thức "vàng thì không sợ lửa" khi đề cập đến quy định phải công khai tài sản của cán bộ trong dự thảo. Bà nói: "Kê khai tài sản là quy định không mới, chúng ta đã thực hiện nhiều năm nhưng chỉ mang tính hình thức, một sự đối phó. Việc kê khai của cán bộ chỉ cho phải phép nên khai thế nào cũng được. Lần này phải khác, vàng thì không sợ chi lửa, kê khai phải được đem ra công khai, không chỉ ở nơi công tác mà phải công khai cả ở nơi cư trú". Bà Hường lý giải: "Trong những lần bầu cử các chức danh lãnh đạo do Hội đồng nhân dân, QH phê chuẩn, các ứng cử viên đều phải kê khai tài sản. Nhưng nếu đọc các bản kê khai này ta sẽ thấy các vị lãnh đạo của ta cuộc sống không lấy gì làm sung túc. Nhà phần lớn là cấp 4, nhà công vụ, nhà phân phối 50 - 70m2 cho cả gia đình, tài sản cộng lại không quá 50 triệu đồng. Nhưng nếu khi xảy ra chuyện, cơ quan pháp luật và kiểm kê tài sản lại phát hiện những tài sản hết sức đắt giá". Theo bà Hường, "cần phải đưa ra các quy định chặt chẽ hơn trong kê khai tài sản". ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) cho rằng, quy định kê khai tài sản chỉ áp dụng đối với những người được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phê chuẩn là "bỏ quên" đối tượng. "Có những đối tượng chẳng có chức vụ, quyền hạn gì nhưng có khả năng gây nhũng nhiễu rất lớn và rất phổ biến", bà Phượng nói. Đồng ý với bà Phượng, rất nhiều ĐB đề nghị bổ sung vào số đối tượng này những công chức làm việc tại các vị trí có trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, các vị trí trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp.

Dự thảo dừng ở việc yêu cầu kê khai tài sản của vợ, chồng, con công chức có tên trong cùng hộ khẩu nhưng đa số các ý kiến ĐB cho rằng như thế là tạo kẽ hở, bởi "hộ khẩu có thể được tách một cách rất dễ dàng". ĐB Nguyễn Thị Thùy Mị (Quảng Trị) cho rằng: "Với cán bộ, công chức thì nên kê khai tài sản từ lúc họ được tuyển dụng và phải thường xuyên được kê khai lại". Lý do là: "Nhiều người mới vào cơ quan là hai bàn tay trắng nhưng tài sản lại tăng lên nhanh chóng, không phù hợp với thu nhập".

Đứng ở một góc độ khác, ĐB Nguyễn Đức Chính (TP.HCM) cho rằng, việc kê khai đó bất luận thế nào cũng sẽ trở thành hình thức nếu như chúng ta không xây dựng được một cơ chế kiểm soát tài chính cá nhân. "Các giao dịch, thanh toán của ta hiện chủ yếu là tiền mặt, thu nhập của cán bộ, công chức cũng bằng tiền mặt, như vậy sẽ không thể có sự minh bạch về tài chính của cán bộ còn Nhà nước không có công cụ kiểm soát". Ông Chính cũng phân tích những biện pháp "cưỡng chế" đối với cán bộ, công chức chẳng hạn như kê khai tài sản chỉ có hiệu quả đối với "người ngay". "Chẳng có anh tham nhũng nào lại ngây thơ đến mức lại để cho vợ, con đứng tên tài sản", ông Chính nói thêm.

Đã tham nhũng, ít nhất là phải sa thải

"Nên xử lý người nhận hối lộ tội nặng hơn người đưa hối lộ. Nếu người hối lộ báo cáo việc hối lộ thì có thể miễn xử lý. Như thế, người nhận hối lộ sẽ rùng mình, không dám nhận". (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt)

“Khoản 1, Điều 78 dự thảo quy định người bị khởi tố phải giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, nếu không giải trình được thì bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu. Chúng ta phải rất thận trọng khi quyết định điều này bởi vì có trường hợp rõ ràng là hợp pháp nhưng do thời gian, trí nhớ không đầy đủ, người ta không khai báo mà tịch thu tài sản thì sẽ rất vô lý, dễ làm oan cho dân”. (ĐB Bùi Văn Phong - Hòa Bình)

"Theo tôi, hiện nay để làm tốt công tác chống tham nhũng, phải cải cách mạnh ở các lĩnh vực: cải cách hành chính, cải cách tiền tệ, nhất là trong việc vay và cho vay của các ngân hàng thương mại; cải cách tư pháp (phải đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử)”... (ĐB Nguyễn Ngọc Trân - An Giang)

Theo ông Nguyễn Đức Chính, để chống tham nhũng thật sự có hiệu quả, dự luật "cần có những quy định sâu về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cấp lãnh đạo trong việc bố trí sử dụng và quản lý cán bộ". Cùng quan điểm này, ĐB Huỳnh Văn Tý (Bình Thuận) cho rằng, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là "chưa đầy đủ, chưa tập trung". "Người đứng đầu đơn vị phải làm gì và phải được sử dụng những quyền gì?", ông Tý đặt câu hỏi. "Phải đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng, phải là chỗ dựa để anh em dưới quyền mạnh dạn đấu tranh chống tham nhũng", ông Tý tự trả lời. Cũng nhằm đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, ĐB Trịnh Thanh Vân (Hà Nội) đề nghị: "Với cùng một tính chất, mức độ vi phạm như nhau, người giữ chức vụ cao hơn phải chịu hình thức kỷ luật nặng hơn". Về hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng, ĐB Huỳnh Văn Tý quyết liệt: "Người đã có hành vi tham nhũng, nếu chưa đến mức bị xử lý hình sự thì phải áp dụng hình thức sa thải, buộc thôi việc và thông báo công khai để không có cơ quan nào được tiếp nhận vào làm việc". ĐB Hà Thị Hải Yến (Lạng Sơn) đề nghị: "Phải bổ sung quy định, cán bộ, công chức bất kỳ ở cấp nào nhận quà của các tổ chức, cá nhân có giá trị trên 100 USD đều phải nộp vào công quỹ".

Ban chỉ đạo chống tham nhũng: Nghe thì rất mạnh...

Có rất nhiều ý kiến khác nhau của ĐB về mô hình tổ chức Ban Chỉ đạo PCTN. Nhận xét "có gì đó không ổn về pháp lý" (với việc lập Ban Chỉ đạo PCTN), ông Trần Thế Vượng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH (ĐB Hải Dương) nói: "Cơ quan này không thể như một cơ quan hành chính mà cũng không nên giống với một ban chỉ đạo, dạng như Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, phòng chống AIDS... Nếu là ban Chỉ đạo, chỉ đạo các cơ quan tố tụng thì sẽ vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử". ĐB Hoàng Thị Lệ (Cao Bằng) đề xuất: "Lập Ban Chỉ đạo PCTN như dự thảo nghe thì rất mạnh nhưng hóa ra lại không mạnh vì không có thực quyền và không có đội ngũ cán bộ chuyên môn. Nên lập Ban Chỉ đạo PCTN độc lập, trực thuộc QH, có những kỹ năng và quyền lực nhất định". ĐB Đinh Hoài Bắc (Quảng Ngãi) tranh luận: "Không ổn, vì nếu cơ quan này thuộc QH thì chỉ có thể làm chức năng giám sát thôi". Theo ông, "hiện các cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án đã được giao nhiệm vụ chống tham nhũng rồi thì không lập Ban Chỉ đạo PCTN nữa mà nên giao thêm cho các cơ quan này quyền phong tỏa tài khoản, tiếp cận thông tin có tính chất là bí mật ngân hàng...".

Linh mục Vũ Thanh Lịch (Đắk Lắk) cho rằng: "Nếu lập Ban chỉ đạo như dự luật thì khả năng chống tham nhũng sẽ bị giới hạn và không vô tư với cán bộ một số cấp (đại diện lãnh đạo tham gia ban chỉ đạo). Nó giống tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi". Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc tham gia ý kiến: "Hoạt động chống tham nhũng thực chất là hoạt động tố tụng. Trung Quốc họ lập ra Cục Chống tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát và họ chống tham nhũng rất mạnh. Nếu ta đặt một cơ quan chống tham nhũng thì cũng nên hoạt động như một cơ quan tố tụng".

Mạnh Quân - Tuyết Nhung
Thanh Niên Online

Các văn bản liên quan