TP HCM bàn chuyện chống tham nhũng

Thứ Bảy 17:41 20-05-2006
TPHCM bàn chuyện chống tham nhũng

PHONG LAN – HÀN NI - SGGP ngày 14/09/2005

Ngày 13-9, TPHCM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng. Các ý kiến đóng góp sôi nổi đã cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với một luật sẽ điều chỉnh các hành vi hiện đã nguy hiểm đến mức phải gọi là “quốc nạn”.

•Ai sẽ bị luật điều chỉnh và trách nhiệm của “ông Táo”

Thái độ bức xúc, quyết tâm chống “quốc nạn” của mọi ngành, mọi giới thể hiện rõ ở việc đa số ý kiến đề nghị nên lấy tên là “Luật Chống tham nhũng”, vì có thêm chữ “phòng” (như dự thảo) sẽ làm giảm nhẹ sự quyết liệt của chúng ta trong cuộc chiến này.

Về phạm vi điều chỉnh, hầu hết ý kiến đều thống nhất với phương án 1 là “người có chức vụ, quyền hạn thuộc khu vực nhà nước”, vì bản chất của tham nhũng được hiểu là tham của công, lợi dụng quyền lực nhà nước để nhũng nhiễu, để vụ lợi. Tuy nhiên, từ thực tế vừa qua, các đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là các tổ chức chính trị, xã hội (vì tại đây vẫn có liên quan đến tài sản công) và các tổ chức kinh tế có phần vốn góp của nhà nước.

Một nội dung khác của dự thảo luật cũng có nhiều ý kiến thống nhất là vấn đề “trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng”. Các đại biểu cho rằng dự thảo luật quá chung chung, chưa quy định rõ về phạm vi, mức độ của chế độ trách nhiệm. Bà Hoàng Thị Khánh (Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP) nói: “Đồng ý rằng đã là “ông Táo” thì phải đội nồi cơm nhưng nếu buộc lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm đối với mọi việc tham nhũng xảy ra ở 24 quận – huyện và các sở, ngành thì thấy rằng không ổn”.

Ông Nguyễn An Bình (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) đồng tình: “Nếu nói chung chung như vậy, với quy mô của tổng công ty địa ốc thì chắc chắn trong nhiệm kỳ thế nào tôi cũng bị kỷ luật”.

Ông Lê Nguyên Thanh (giảng viên Đại học Luật TP) phân tích các lý do không nên quy chế độ trách nhiệm chung. Thứ nhất, đối với các cơ quan có bộ máy tổ chức lớn, nhiều cấp, nhiều việc thì vấn đề sẽ phụ thuộc vào “may rủi” có xảy ra tham nhũng hay không hơn là vào khả năng quản lý. Thứ hai, trong khi tham nhũng vốn đã là loại tội phạm có độ ẩn cao nhất thì với quy định như trong dự thảo có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng dung túng, bao che cho nhau vì sợ trách nhiệm. Thứ ba, có thể dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để tranh giành địa vị.

•Mặt trái của kê khai: Hợp thức hóa tài sản tham nhũng

Luật sư Nguyễn Hữu Danh (Đoàn LS TP) chọn phương án 3, tức là phải kê khai tài sản của cả vợ (chồng), con trong cùng sổ hộ khẩu, vì người đưa hối lộ thường đến tác động trực tiếp người sống chung hộ khẩu với người có chức vụ, quyền hạn.

Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn thì lại đề nghị chỉ nên kê khai tài sản của vợ (chồng) vì theo ông, con của người có chức vụ, quyền hạn cũng có quyền làm ăn, có tài sản riêng, đó là quyền tự do của họ. Thế nhưng, với quan điểm cán bộ có chức quyền có thể “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên nhiều đại biểu phản đối việc không kê khai tài sản của con.

Theo luật gia Hoàng Trung Tiếu, luật phải quy định rõ chỉ kê khai tài sản đối với cán bộ mới nhận chức, còn những người đã đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo thì phải kê khai nguồn gốc tài sản. Nếu không, vô tình có thể dẫn đến tình trạng hợp thức hóa tài sản do tham nhũng mà có của cán bộ đang giữ chức vụ từ trước đó.

Luật sư Nguyễn Hữu Danh đề nghị bổ sung: người được bầu vào các chức vụ cấp cao trong bộ máy công quyền từ chủ tịch HĐND, UBND, chánh án, viện trưởng… trở lên đều phải công khai tài sản trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân kiểm tra, giám sát từ khi đảm nhiệm các chức vụ này. Viện trưởng Viện KSNDTP Võ Kim Hồng cho rằng cần có quy định chế tài đối với việc kê khai tài sản không trung thực, nếu không vẫn sẽ chỉ là hình thức. Bởi lẽ, tổ chức Đảng đã thực hiện kê khai tài sản từ vài năm qua đối với đảng viên nhưng chưa phát hiện được trường hợp tham nhũng nào.

•Phương tiện nào cho “Bao Công”?

Nhiều đại biểu ví Ban Chỉ đạo chống tham nhũng giống như Bao Công, cần phải có đức, có tài, có uy và có lực để kiểm tra, xử lý tiêu cực. Linh mục Phan Khắc Từ đề nghị ban này thuộc Quốc hội vì Thủ tướng Chính phủ đứng đầu cơ quan hành pháp, nếu làm nhiệm vụ xử lý tiêu cực của cấp dưới thì có thể sẽ không vô tư và như thế chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Xiểng (Hiệp hội Doanh nghiệp TP) cho rằng: “Ban này thuộc Quốc hội thì đảm bảo khách quan nhưng lại không có bộ máy điều hành, xử lý. Nếu có Bao Công mà không có Triển Chiêu thì dù có thấy tội phạm cũng không bắt được để mà “thăng đường”.

Theo Phó Chủ tịch UBMTTQTP Lê Hiếu Đằng, khi tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có cách làm đặc biệt. Ông Lê Nguyên Thanh đề nghị quy định người đứng đầu Ban chỉ đạo là Chủ tịch nước, vì Chủ tịch nước được quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm Thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và có thể thống nhất được các cơ quan tư pháp với nhau để chống tham nhũng.


Các văn bản liên quan