Những nỗ lực cuối cùng

Thứ Sáu 14:44 26-05-2006
Góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư chung và Luật Doanh nghiệp thống nhất: Những nỗ lực cuối cùng

Luật Doanh nghiệp thống nhất và Luật Đầu tư chung sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này. Tuy nhiên trong bản dự thảo Luật vẫn còn rất nhiều điều phải bàn. Để có thể thay đổi những điểm bất cập còn tồn tại, trong mấy ngày gần đây, nhiều buổi hội thảo, toạ đàm bàn về 2 dự thảo Luật này đã được tổ chức. Có thể nói đây là những nỗ lực gấp rút cuối cùng mà các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện cho DN thực hiện, để Luật có thể đi vào thực tiễn với sự đồng thuận của giới DN, nhà đầu tư.

Buổi toạ đàm góp ý cho 2 dự thảo Luật DN và Luật Đầu tư chung do VCCI tổ chức mới đây, đặc biệt là góp ý cho dự thảo luật Đầu tư chung là một hoạt động nằm trong những nỗ lực trên. Bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết, không bao lâu nữa các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 2 Luật này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này còn rất nhiều điểm bất cập. Vì thế, lúc này cần phải làm nóng lên vấn đề, các tổ chức đại diện cho DN cũng như các DN cần phải có những động thái mạnh mẽ để có thể tác động đến các đại biểu Quốc hội.

Với tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng, “tôn trọng cao nhất quyền tự do kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi để tạo ra nhiều DN, thu hút nhiều đầu tư hơn”. Tuy nhiên, theo đánh giá của những chuyên gia, những nhà tư vấn luật thì những tư tưởng chỉ đạo quan trọng nhất lại ko được đưa vào bằng những điều khoản cụ thế. Nó chỉ nằm ở một số điều khoản chung chung và khi đi vào chi tiết thì không thấy được sự thuận lợi cho DN.

Bà Phạm Chi Lan cũng lo ngại các đại biểu quốc hội sẽ không đủ thời gian để đi vào các điều khoản cụ thể mà chỉ thấy được những tư tưởng lớn. Mà cái “chết” cho DN là nằm ở điều khoản cụ thể chứ không phải ở tư tưởng lớn. Xét đến những điều khoản cụ thể mới thấy được những điểm bất cập.

Các đại biểu tham gia buổi toạ đàm cho rằng trong 2 dự thảo Luật không chỉ còn rất nhiều khái niệm mơ hồ mà có nhiều điều khoản cản trở hoạt động của DN. Nói về vấn đề này, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI cũng đặt vấn đề, DN liên doanh là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài và thế nào là nhà đầu tư trực tiếp, gián tiếp? Giả sử sau khi sở hữu một số lượng cổ phần nhất định, nhà đầu tư gián tiếp trở thành nhà đầu tư trực tiếp, vậy điều này có an toàn cho các chủ sở hữu DN hay không?

Căn cứ vào dự thảo Luật đầu tư, đa phần ý kiến đại biểu cho rằng chế độ quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư còn khá bất cập, nhiều điểm chồng chéo. Mỗi dự án đầu tư có thể liên quan tới nhiều ngành nghề khác nhau, dẫn đến việc phải xé nhỏ các dự án theo từng ngành đặc thù để thẩm định. Điều này gây khó khăn rất lớn cho DN. Đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải lập dự án đầu tư rồi mới được cấp giấy phép kinh doanh. Các đại biểu khẳng định, điều này không chỉ gây phiền phức cho nhà đầu tư mà có thể gây nên hiện tượng “khai báo hình thức”. Họ có thể dựng nên một dự án để hợp thức hoá việc đăng ký kinh doanh.

Đối với mỗi dự án đầu tư thì nhà đầu tư lại phải đăng ký mới hoặc đăng ký điều chỉnh dự án. Hầu hết ý kiến cho rằng việc đăng ký này không tạo ra bất kỳ lợi ích nào cho cả nhà nước lẫn nhà đầu tư, lại tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, cơ chế cưỡng chế cũng không có. Do vậy, nguy cơ nhà đầu tư bỏ qua thủ tục đăng ký là rất lớn. Điều này vô hình chung tạo ra thói quen coi thường pháp luật của một số nhà đầu tư.

Về phần Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư, các đại biểu cho rằng điều này rất bất hợp lý vì tính chất của đăng ký kinh doanh và đầu tư là không giống nhau, trong đó giấy đăng ký kinh doanh là xác định danh tính và những đặc điểm cơ bản của doanh nghiệp còn dự án đầu tư chỉ là ý tưởng, đề xuất. Khi ghép 2 yếu tố này vào làm một thì rõ ràng là không phù hợp, tạo ra nguy cơ nhầm lẫn. Mặt khác Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh - đầu tư không có ý nghĩa nhiều về cải cách hành chính, bởi trên thực tế giấy này vẫn là hệ quả của 2 quá trình quản lý khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng nên bỏ điều khoản này.

Từ lúc hình thành tư tưởng chỉ đạo cho đến quá trình soạn thảo, VCCI cùng với nhiều tổ chức khác đã rất tích cực trong việc vận động, tham khảo ý kiến DN và đã có nhiều cuộc tham vấn tốt để đóng góp cho 2 dự luật này. Những ý kiến đóng góp của DN sẽ được tiếp tục bổ sung vào văn bản để trình lên Quốc hội. Từ đó, các đại biểu Quốc hội sẽ có một cái nhìn chi tiết hơn khi xem xét 2 dự thảo luật này.

Trích dẫn một số ý kiến tại buổi toạ đàm:

Ai là người có thẩm quyền quyết định đầu tư?

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký VAFI


Theo tôi thì Đầu tư – Kinh doanh vốn nhà nước là tồn tại lớn nhất của dự Luật Đầu tư chung và có thể là một trở ngại cực kỳ lớn đối với bất kỳ dự án đầu tư nào của các DN nhà nước cổ phần hoá.

Trong dự thảo Luật quy định “đối với dự án mà nhà nước có vốn góp chi phối, cổ phần chi phối, người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm định dự án và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”, vậy ai là người có thẩm quyền quyền quyết định đầu tư? Cũng theo quy định trong dự thảo thì tổ chức được giao làm đại diện cổ phần chi phối nhà nước sẽ là người có thẩm quyền quyết định chủ đầu tư và tổ chức thẩm định. Tôi cho rằng quy định như vậy là quay trở về cách quản lý doanh nghiệp nhà nước, không có gì mới mà chỉ khuyến khích quan liêu, tham nhũng. Quy định này nên bỏ vì nó không phục vụ lợi ích của nhà nước hay bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư mà chỉ làm phức tạp về luật, thậm chí còn vô hiệu hoá các luật hiện hành.

Việt Nam có thể gặp khủng hoảng tài chính

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN


Về phần Chính sách đầu tưĐảm bảo đầu tư đã thể hiện tinh thần đối xử quốc gia đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đầu tư vào VN. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài rất phấn khởi, song phía Việt Nam lại có thể đối mặt với một số khó khăn. Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu Ngân hàng Nhà nước VN, các Ngân hàng thương mại có đủ các ngoại tệ để tự do chuyển đổi cũng như giữ được không phá giá nội tệ để đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư về: nhập khẩu nguyên vật liệu điện tử để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước; thanh toán cho việc cung cấp kỹ thuật và dịch vụ, phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ; chuyển lợi nhuận, lãi và gốc vay nước ngoài; vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư; các khoản tiền và tài sản thuộc sở hữu nhà đầu tư. Nếu không cẩn thận, không đủ sức mạnh tiềm năng về ngoại tệ, VN có thể sẽ gặp phải khủng hoảng tài chính.

Nên giải thích từ ngữ một cách rõ ràng hơn

Ông Vũ Xuân Tiến, Giám đốc Công ty Tư vấn VFAM VN


Tôi xin đơn cử ra đây, chẳng hạn “đầu tư” được giải thích là “việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh”. Cách giải thích này theo tôi chưa hoàn toàn chính xác vì không phải mọi hành vi đầu tư đều mang tính kinh doanh. Giải thích như vậy chỉ đúng với đầu tư nhằm mục đích kinh doanh. Về “đầu tư trực tiếp”, dự thảo Luật định nghĩa “đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư – kinh doanh”. Cách giải thích này cũng không ổn vì không nhất thiết việc đầu tư trực tiếp phải đáp ứng điều kiện “tham gia quản lý hoạt động đầu tư – kinh doanh”. Tôi đề nghị sửa khái niệm “đầu tư trực tiếp” để người đọc có thể hiểu đó là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào để thực hiện dự án đầu tư hoặc thành lập DN. Tương tự như vậy “đầu tư gián tiếp” nên sửa lại phần giải thích “là hình thức đầu tư thông qua định chế trung gian tài chính hoặc mua các chứng khoán trên thị trường chứng khoán”. Tôi cũng đề nghị bổ sung thêm phần giải thích khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài”, “nhà đầu tư trong nước”.

Nguyễn Thoa - www.vcci.com.vn

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi tuanda vào lúc Nov 1 2005, 12:30 PM

Các văn bản liên quan