Giảm thủ tục cấp phép đầu tư nhưng sẽ bỏ ưu đãi

Thứ Sáu 14:32 26-05-2006
Luật Đầu tư (chung) có thu hẹp được khoảng cách giữa các vùng?

Eli Mazur - Vũ Thành Tự Anh (*)

Một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam là giảm bớt sự phát triển không đồng đều đang có xu hướng gia tăng giữa các vùng và địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Đầu tư (chung) có thể, không những không giảm sự cách biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, mà trái lại còn góp phần gia tăng sự phân hóa này.

Bài học cũ

Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong tư duy làm luật kinh tế ở Việt Nam, đó là coi việc đăng ký thành lập công ty như là một quyền hợp pháp của người dân chứ không phải là sản phẩm của một sự ban phát mang nặng tính hành chính, quan liêu của các cơ quan chức năng. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Luật Doanh nghiệp mới ra đời đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998. Từ tốc độ tăng trưởng 4,8% vào năm 1999, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 7% trong các năm sau đó. Số lượng doanh nghiệp và số vốn mới đăng ký trong bốn năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (2000 - 2003) lần lượt nhiều gấp hai và gấp bốn lần so với chín năm trước đó (1991-1999). Luật Doanh nghiệp cũng đã góp phần tạo ra hơn 2 triệu việc làm mới.

Tuy nhiên, tác động của Luật Doanh nghiệp không đồng đều giữa các vùng cũng như giữa các tỉnh trong cùng một vùng. Nếu như vào năm 2000 số lượng doanh nghiệp dân doanh ở miền Bắc chỉ bằng một nửa của miền Nam thì đến cuối năm 2003, tỷ số này là hai phần ba vì trong khi tốc độ tăng lượng doanh nghiệp dân doanh ở miền Nam là 50% thì ở miền Bắc con số này lên tới 113%. Các nhà phân tích về cơ bản nhất trí với nhau rằng sở dĩ Luật Doanh nghiệp thành công ở các tỉnh phía Bắc là do trong thời gian trước đó các tỉnh này áp dụng nhiều biện pháp can thiệp hành chính vào việc thành lập doanh nghiệp và do vậy làm tăng chi phí gia nhập thị trường và sản xuất kinh doanh. Các nơi khác, đặc biệt là miền Đông Nam bộ, đã chủ động tạo ra lợi thế so sánh vượt trội thông qua việc tạo lập môi trường và áp dụng các cơ chế quản lý thân thiện với doanh nghiệp. Với việc hạn chế sự can thiệp của chính quyền địa phương, Luật Doanh nghiệp đã góp phần tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho các thành phần kinh tế, qua đó tạo động lực to lớn cho sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh, vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế và là nguồn tạo công ăn việc làm chính cho xã hội.

Cuối tháng 5 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó sử dụng các chỉ tiêu đo lường chất lượng của quản lý địa phương (hay cơ sở hạ tầng mềm) bao gồm chi phí gia nhập thị trường, các khoản phí phi chính thức, tính minh bạch của chính quyền, và mức độ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế và một số chỉ tiêu khác. Số liệu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy nếu chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) được cải thiện thì tốc độ tăng trưởng đầu tư của khu vực dân doanh sẽ có xu hướng gia tăng và do đó tạo ra nhiều công ăn việc làm mới hơn.

Ở Việt Nam cũng như ở các nước đang phát triển khác, tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng về kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tạo ra việc làm mới, chủ yếu là trong khu vực phi nông nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam với 70% dân số sống ở nông thôn, và hàng năm có khoảng 1,5 triệu người tham gia vào lực lượng lao động. nếu PCI của một tỉnh tăng 1% thì tốc độ tạo thêm việc làm mới của tỉnh ấy có xu hướng tăng thêm gần 4%, và điều này sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc giảm đói nghèo của tỉnh. Điều này không chỉ đúng đối với ĐBSCL mà còn đúng với các khu vực khác trong cả nước.

Những phân tích trên đây có liên quan gì với Luật Đầu tư (chung) đang trong quá trình soạn thảo? Về nguyên tắc, Luật Đầu tư (chung) sẽ góp phần mở cửa một số khu vực cho đầu tư dân doanh và nước ngoài, đồng thời đây cũng là cơ hội để giảm bớt và loại bỏ các ràng buộc mang nặng tính hành chính quan liêu của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đối với khu vực kinh tế dân doanh. Đây thực sự là một cơ hội to lớn, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế, đối với việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam trong thời gian qua luôn luôn duy trì mức tăng trưởng cao, cao hơn cả khu vực đầu tư nước ngoài và cao hơn nhiều so với khu vực kinh tế nhà nước. Vào tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử kinh tế cận đại của Việt Nam, sản lượng công nghiệp của khu vực kinh tế dân doanh đã vượt qua khu vực kinh tế nhà nước. Và nếu sản lượng công nghiệp của khu vực kinh tế dân doanh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 20%, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước như hiện nay, thì khu vực này sẽ trở thành động lực quan trọng nhất trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Không những thế, khu vực này còn góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội thông qua việc tạo ra phần lớn công ăn việc làm mới.

Một điều đáng tiếc là nếu Luật đầu tư (chung) vẫn giữ nguyên trạng như bản dự thảo hiện nay thì có nguy cơ nó sẽ tạo tiền đề cho việc ban hành nhiều giấy phép con và cho phép chính quyền địa phương can thiệp sâu vào quyết định và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp dân doanh và nước ngoài. Đây thực sự là bước lùi so với Luật Doanh nghiệp 1999 với tư tưởng chủ đạo là tôn trọng quyền tự do kinh doanh chính đáng của nhà đầu tư thông qua hệ thống đăng ký giản tiện và chế độ hậu kiểm. Một số người cho rằng việc ban hành một số giấy phép con là cần thiết, đặc biệt khi một số lĩnh vực nhạy cảm đã được mở ra cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, những lập luận này dựa trên một giả định rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ sử dụng những quyền này một cách đúng đắn vì lợi ích chung. Nhưng thực tế lại thường phủ định giả thiết này. Như vậy, dự thảo Luật Đầu tư (chung) không những là một bước thụt lùi đối với Luật Doanh nghiệp 1999 mà còn có thể góp phần làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các vùng và tỉnh trong cả nước, khi những tỉnh đã tạo được môi trường đầu tư thân thiện tiếp tục thu hút thêm nhiều đầu tư trong khi các tỉnh khác tiếp tục tụt lại sau.

Đăng tại Thời báo Kinh tế Sài gòn số ra ngày 08/9/2005

Các văn bản liên quan