VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (phiên bản thẩm định)

Thứ Hai 16:41 18-09-2023

Kính gửi:  Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 443/GM-BTP ngày 03/9/2023 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (phiên bản thẩm định) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến như sau:

  1. Các thủ tục liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh hóa chất Bảng

a. Quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng

So với quy định hiện hành, quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn và phức tạp hơn. Nếu như trình tự thủ tục cấp giấy phép sản xuất hóa chất Bảng tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép dựa trên hồ sơ, thì theo quy định tại Dự thảo, cơ quan quản lý sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế sau đó mới cấp giấy phép. 

Việc thay đổi quy trình cấp phép cần được cân nhắc, xem xét ở điểm: Trên thực tế, từ ngày 03/8/2005 đến nay, ở nước ta, chưa có tổ chức, cá nhân nào đầu tư cơ sở sản xuất hóa chất Bảng (theo Tờ trình Dự thảo). Vì vậy, quy trình cấp phép này chưa được áp dụng trên thực tế. Do đó, không có căn cứ cho thấy quy trình hiện tại có hạn chế và cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Việc thiết kế thủ tục trở nên chặt chẽ hơn sẽ tạo ra rào cản không thật sự cần thiết cho doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này trong tương lai, đặc biệt với hoá chất Bảng 3 có ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định kiểm tra thực tế khi cấp phép sản xuất hoá chất Bảng.

b. Đánh giá điều kiện thực tế

Điều 13.1 Dự thảo quy định các nội dung kiểm tra thực tế gồm: (i) an toàn hoá chất; (ii) phòng cháy, chữa cháy; (iii) vệ sinh môi trường. Quy định như trên là chưa phù hợp ở điểm: các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường đã được doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ và được cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực đó cấp phép. Việc đoàn kiểm tra (mà các thành viên thuộc ngành Công Thương) kiểm tra lại các nội dung này là trùng lặp về nội dung, không phù hợp về thẩm quyền và không cần thiết. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo giới hạn các nội dung kiểm tra thực tế (nếu có) chỉ trong lĩnh vực an toàn hoá chất.

Ngoài ra, Mẫu số 6 Phụ lục III hướng dẫn đánh giá điều kiện thực tế có quy định kết quả đánh giá đi kèm với biện pháp khắc phục. Như vậy, có thể hiểu, nếu doanh nghiệp không đạt khi kiểm tra thực tế có thể thực hiện các biện pháp khắc phục để tiếp tục được xem xét cấp phép. Tuy nhiên, theo quy định tại Dự thảo và phần giải trình của cơ quan soạn thảo, nếu doanh nghiệp bị đánh giá không đạt thì hồ sơ sẽ bị từ chối, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ cần trải qua lại quy trình từ đầu. Quy định này là không hợp lý và gây tốn kém chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm từ các thủ tục hành chính khác, thủ tục nộp lại hồ sơ được thiết kế theo hướng: (i) thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục, thường 6 tháng – 1 năm (nếu hết thời hạn này, hồ sơ xin cấp phép tự động bị huỷ); (ii) doanh nghiệp nộp đơn đề nghị kiểm tra thực tế lại; (iii) thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra thực tế và đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thủ tục kiểm tra thực tế lại, có thể như khung trên đây.

c. Thủ tục kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Điều 11.3.b Dự thảo quy định về thời gian kiểm tra tính hợp lệ. Tuy nhiên, quy định này không có nội dung kiểm soát việc yêu cầu bổ sung hồ sơ, cụ thể chỉ được bổ sung hồ sơ một lần duy nhất. Việc này có thể khiến việc nộp hồ sơ bị kéo dài mãi. Nghị định 38/2014/NĐ-CP quy định như vậy, nhưng đã bị bỏ ra tại Dự thảo này. Do vậy, để bảo đảm cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung lại quy định này tại Dự thảo.

d. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng

Hiện nay, các thủ tục hành chính đang có xu hướng không yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các loại tài liệu mà cơ quan quản lý nhà nước có thể tra cứu thông tin trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước. Việc này nhằm giảm thiểu số lượng giấy tờ, và qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí). Vì vậy, để phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ “Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Điều 11.2.b Dự thảo vì có thể tra cứu trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Góp ý tương tự với Điều 12.2.b, Điều 18.2.b, Điều 19.2.b Dự thảo.

  1. Nhập khẩu hóa chất Bảng

Điều 19 Dự thảo quy định về nhập khẩu hoá chất Bảng 3, cụ thể doanh nghiệp nhập khẩu hoá chất Bảng phải được cấp phép theo từng hợp đồng mua bán trong thời gian 6 tháng. Quy định này nhằm suy đoán nhằm kiểm soát, xác định hoạt động nhập khẩu hóa chất Bảng 3. So sánh có thể thấy các nội dung, hồ sơ tương tự như hoạt động khai báo hóa chất tại Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Do vậy, để đơn giản và thống nhất hóa các thủ tục hành chính có cùng tính chất, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định cấp phép nhập khẩu hóa chất Bảng 3 theo hướng tương đồng với quy định về khai báo hóa chất tại Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, trong đó cụ thể là cho phép khai báo qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

  1. Thanh sát nội địa

Điều 34 Dự thảo quy định về thanh sát nội địa, theo đó, hằng năm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thanh sát nội địa, theo quy trình tương tự thanh sát quốc tế, với các cơ sở hóa chất Bảng và hóa chất DOC, DOC-PSF. Mục tiêu của quy định này nhằm “đáp ứng các yêu cầu đón tiếp Đoàn thanh sát quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân”; “tăng cường tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu thanh sát quốc tế của Tổ chức Công ước”. 

Việc bổ sung thủ tục này cần được xem xét lại ở các điểm: 

– Chưa thực sự cần thiết: Theo nội dung của Tờ trình về công tác thanh sát, “từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đón khoảng 11 Đoàn Thanh sát công nghiệp của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đến thanh sát các cơ sở sản xuất hóa chất DOC. Kết quả thanh sát của OPCW trong các năm qua đã cho thấy có sự phù hợp giữa số liệu khai báo của Việt Nam với số kiểm chứng của OPCW”. Như vậy, cho thấy hoạt động của các cơ sở sản xuất hóa chất DOC là chấp hành pháp luật, rủi ro thấp. Do đó, yêu cầu phải thanh sát nội địa để đảm bảo các mục đích trên dường như là quá mức cần thiết, trong khi hoạt động này sẽ tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp; 

– Chồng chéo với các quy định về thanh tra, kiểm tra: Điều 35 Dự thảo quy định về thanh tra, kiểm tra, theo đó, hoạt động thanh, kiểm tra thực hiện theo pháp luật về thanh, kiểm tra. Mặc dù có một số điểm khác biệt về nội dung, phần nhiều các nội dung hoạt động thanh sát và hoạt động thanh, kiểm tra có điểm tương đồng với nhau. Việc này sẽ dẫn đến tình trạng, trong cùng một năm, doanh nghiệp vừa bị thanh sát, vừa bị kiểm tra, thanh tra, gây chồng chéo, tốn kém thời gian, chi phí của doanh nghiệp.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc bổ sung quy định về thanh sát nội địa. Nếu không, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định loại trừ theo hướng như sau: (i) doanh nghiệp đã thanh sát quốc tế thì sẽ không áp dụng thanh sát nội địa trong cùng năm (nếu thanh sát nội địa chưa diễn ra); (ii) doanh nghiệp đã chịu thanh sát nội địa sẽ không chịu thanh, kiểm tra trong cùng năm đó (và ngược lại).

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về quản lý hoá chất thuộc diện kiểm soát của Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (phiên bản thẩm định). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

Các văn bản liên quan