Bộ KH&ĐT không lấy đá ghè chân mình

Thứ Sáu 13:52 26-05-2006
''Bộ KH&ĐT không lấy đá ghè chân mình''

28/07/2005 (GMT+7) (VietNamNet)

•Văn Tiến ghi

- Bên hành lang phiên họp của UBTVQH chiều 27/7, báo giới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc về dự thảo Luật đầu tư (chung). Ông cho rằng, quy định trong dự luật này là ''mở và thông thoáng vô cùng''.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết:

''Trước đây tất cả dự án đầu tư nước ngoài đều phải thẩm định mới cấp phép. Nay dự án đầu tư nước ngoài hoà đồng với dự án đầu tư trong nước thì dự án đầu tư (theo dự thảo luật này) đến 5 tỷ đồng là chỉ việc đăng ký. Lúc đấy anh được quyền đầu tư, không phải xin cấp giấy gì cả.
Trên 5 tỷ đến 300 tỷ đồng là nhà đầu tư đăng ký đầu tư và 7 ngày làm việc sau đó, cơ quan quản lý đầu tư phải cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong đó, ghi quyền nhà đầu tư được hưởng và trách nhiệm của nhà nước. Và (dự án) trên 300 tỷ đồng thì lúc đó mới thẩm tra và cấp phép đầu tư. So với luật đầu tư cũ là thoáng vô cùng!

- Nhưng ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận xét dự Luật này là ''một bước tiến, hai bước lùi''?

- Tôi cho là hoàn toàn không đúng! Họ muốn nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp rồi thì nhà đầu tư (kể cả trong nước và nước ngoài), muốn làm gì thì làm. Tư tưởng mở đó là mở toang! Thế thì kiểm soát thế nào được!
Chúng tôi đã tham khảo các nhà đầu tư, đưa dự thảo mới cho họ xem. Họ rất hoan nghênh. Tất cả các nhà đầu tư chiến lược như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều rất hoan nghênh. Nhật Bản, Hàn Quốc đề nghị trong giấy phép đầu tư ghi rõ ưu đãi, thể hiện trách nhiệm của Chính phủ VN và quyền nhà đầu tư được hưởng. Họ muốn tất cả rạch ròi, đừng phải xin cho. Chỉ một giấy đầu tiên là xác định thuế suất bao nhiêu, đất thế nào, quyền lợi thế nào...

- Theo ông, ''mở'' nhất trong dự thảo Luật đầu tư (chung) là gì?

- ''Mở'' nhất hiện nay là quy trình cấp phép! Dự án trên 300 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) nhà đầu tư mới phải trình dự án và xin phép đầu tư. Từ 5 tỷ đồng đến 300 tỷ, nhà đầu tư chỉ phải đăng ký và đăng ký rồi, ''ném'' giấy lên, 7 ngày sau có giấy chứng nhận đầu tư. Còn dự án dưới 5 tỷ đồng, chỉ cần ''ném'' giấy đó hoặc bấm máy tính đưa lên mạng đăng ký đầu tư là xong!
Như vậy, dự án dưới 300 tỷ đồng là mở hoàn toàn. Trên 300 tỷ đồng thì lúc đó mới làm cấp phép như hiện nay. Hiện nay, tất cả (dự án) ''thượng vàng hạ cám'' đều phải có dự án đầu tư.

- So với hiện nay, dự luật có phát sinh thêm giấy phép ''con'' nào khác?

- Không có giấy phép con nào cả! Mà còn bớt đi! Trong dự luật này bỏ giấy ưu đãi đầu tư. Ưu đãi đầu tư theo các luật hiện hành quy định. Giấy phép đầu tư ghi rõ, môi trường phải đảm bảo tiêu chuẩn thế nào?S au này có người ''hậu kiểm'', đi kiểm tra. Quy định về xây dựng, pháp luật quy định như thế nào thì sau này đi kiểm tra. Như vậy không phải làm bất cứ một giấy gì nữa cả!

- Nhưng các dự án đầu tư có điều kiện có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư?

- Đúng là một số dự án phải có điều kiện. Chẳng hạn dự án đầu tư giáo dục. Ta phải xem thầy là ai, điều kiện trường học như thế nào... Dự án về y tế: Ông có bác sỹ không? Bác sỹ có đủ chuẩn không, có bằng cấp không? Vừa rồi ở TP.HCM có một loạt cơ sở chữa bệnh đông người ta đưa ''lang băm'' vào, bao nhiêu người VN bị hại! Cái đó phải loại trừ!

- Với Luật đầu tư (chung) ra đời, ông dự đoán thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên bao nhiêu?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bao giờ lấy đá ghè chân mình. Tức là chúng tôi chịu trách nhiệm về thu hút đầu tư nên làm luật mà ''bó'' các nhà đầu tư thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cho rằng với nhưng quy định trong Luật đầu tư (chung), vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài sẽ tăng rất mạnh.



Các văn bản liên quan