Hai bàn tay

Thứ Sáu 13:30 26-05-2006
Hai bàn tay

Đào Thiện- Theo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 15/08/2005

Luật Đầu tư (chung) và Luật Doanh nghiệp (thống nhất) mang lại một làn sóng hy vọng trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về một cuộc cải cách thực sự môi trường kinh doanh. Nhưng hy vọng ấy đã phần nào bị lụi đi khi mà sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo 2 Luật vẫn không có mấy tiến bộ hơn.

Trước hết, nói về sự ăn khớp của 2 Luật. Sự ăn khớp này thể hiện ở mối quan hệ chính – phụ: Luật Doanh nghiệp là chính, Luật Đầu tư là phụ. Trong quan hệ này, cái trước là công cụ thực hiện cái sau. Luật Doanh nghiệp quy định về trách nhiệm xã hội của người kinh doanh; còn Luật Đầu tư chỉ quy định về các việc phải làm của nhà đầu tư, không quy định trách nhiệm của họ và xã hội. Luật Đầu tư khuyến khích người ta bỏ tiền vào một dự án và thực hiện nó dưới một loại hình kinh doanh nào đó. Như vậy, Luật phải điều chỉnh sự đầu tư trên thực tế. Thế nhưng các nhà làm luật lại muốn Luật Đầu tư điều chỉnh các loại dự án – vốn mới chỉ là ý định của nhà đầu tư. Từ nhận thức này mà Dự thảo Luật Đầu tư coi số tiền mà đầu tư bỏ ra dưới các dạng khác nhau (góp vốn, mua cổ phiếu, liên doanh, BOT…) có thể gắn hay không gắn với tổ chức kinh doanh (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…); coi chúng là các dự án đầu tư hoạt động độc lập; sống chết với tự nó!

Còn về thủ tục đầu tư: lùi hay tiến? Hy vọng của giới doanh nghiệp dân doanh là sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; còn hy vọng của của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì mong muốn sẽ không làm các thủ tục xin giấy phép đầu tư cho từng dự án như trước đây. Nay, những hy vọng ấy tắt ngấm!

Nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thể hiện trong dự thảo Luật Đầu tư dường như muốn tạo thêm việc cho cơ quan Nhà nước. Như vậy là nhà đầu tư nước ngoài một mặt vẫn phải tuân thủ quy định xin phép đầu tư cho từng dự án, mặt khác lại phải thêm thủ tục đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Còn hàng chục vạn doanh nghiệp dân doanh (mà con số này sẽ ngày càng đông đảo thêm theo chủ trương khuyến khích của Đảng và Nhà nước) từ chỗ có quyền được đầu tư, thì nay lại phải làm cái việc mất thời gian, tốn tiền là xin giấy phép đầu tư cho từng dự án.

Hai bàn tay to bé, dài ngắn khác nhau thì sẽ khó mà ấp khớp. Luật mở ra quá rộng nhưng thủ tục lại “trói chặt” doanh nghiệp thì không thể gọi là tiến bộ.

Các văn bản liên quan