Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng
Đại biểu Quốc hội chưa hài lòng
Thái Thanh - Theo Thời báo kinh tế Sài gòn ngày 24/11/2005
Quốc hội lại dành thêm một buổi chiều thứ Ba vừa qua với phát biểu của 14 đại biểu để thảo luận về dự án Luật Đầu tư chung, tập trung vào một số vấn đề còn gây tranh cãi mặc dù ban soạn thảo đã đưa ra bản dự thảo vừa mới chỉnh lý. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng tình với ban soạn thảo về hầu hết những vấn đề đưa ra.
Chưa rõ căn cứ phân loại dự án
Mặc dù đã được tiếp thu, sửa đổi nhưng điều 46 của dự thảo luật về thủ tục đăng ký đầu tư vẫn chia dự án làm nhiều mức khác nhau và áp dụng các thủ tục khác nhau với các dự án này. Theo đó, dự án đầu tư có vốn dưới 15 tỉ đồng thì không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư. Dự án phải đăng ký đầu tư là những dự án trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 đến dưới 300 tỉ đồng. Điều 47 còn quy định thủ tục thẩm tra đầu tư của cơ quan nhà nước. Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) đề nghị “cần nghiên cứu kỹ về con số này”. Đại biểu Trần Thành Long (TPHCM) cũng cảnh báo một thực tế có thể xảy ra là mỗi khi doanh nghiệp có dự án trên 15 tỉ đồng là lại phải đến đăng ký với cơ quan nhà nước, vừa gây phiền hà, tăng chi phí. Ông đề nghị chỉ những dự án trên 300 tỉ mới phải đăng ký đầu tư, còn những dự án từ 15 - 300 tỉ đồng chúng ta thừa sức quản lý từ số liệu của thuế, ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) lại đặt câu hỏi, không biết cơ quan soạn thảo căn cứ vào đâu để đưa ra mốc dự án từ 15 tỉ đồng trở lên thì phải đăng ký đầu tư mà không phải là 10 tỉ hay 20 tỉ. Theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, dự án dưới 20 triệu đô la Mỹ thì không phải đăng ký đầu tư. “Tôi đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ tại sao lại đưa ra những con số như vậy dựa trên những nghiên cứu, khảo sát từ thực tế để chúng ta có sự thống nhất về nhận thức”, ông Dũng nói.
Liên quan đến quy định của khoản 3, điều 45 về các dự án đầu tư có điều kiện, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân nói: “Chúng tôi không rõ danh mục dự án đầu tư có điều kiện là gì, chúng ta định nghĩa một dự án có điều kiện bằng cách cho nó nằm trong một danh mục dự án có điều kiện, mà cái đó chúng ta không biết là cái gì. Ít nhất cũng phải cho các đại biểu Quốc hội biết trước khi bấm nút”.
Đăng ký đầu tư liên quan chặt chẽ đến việc thẩm tra của các cơ quan nhà nước. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, ủy ban của ông đã trao đổi cụ thể với Chính phủ và thấy rằng, đối với đầu tư trong nước, tuy không quy định cụ thể trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước nhưng các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đều phải làm một số thủ tục tại chính quyền và sở, ngành cấp tỉnh. “Việc quy định trong dự thảo luật về thủ tục đầu tư vừa không gây khó khăn gì cho nhà đầu tư với thủ tục đăng ký đơn giản, vừa cơ bản hợp thức hóa những nội dung thực tế đang làm”, ông Kiên nói.
Nhưng ông Đỗ Trọng Ngoạn lại yêu cầu trong dự thảo luật phải quy định rõ tiêu chí để thẩm tra. Đại biểu này nói rằng “không nên để cho Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí thẩm tra vì sẽ sinh ra nhiều tiêu chí phụ làm phiền hà doanh nghiệp”.
Là người vừa có các cuộc làm việc với một số cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội, đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho rằng dự thảo lần này vẫn “chưa giải quyết triệt để các vấn đề về thủ tục đầu tư”. “Duy trì những thủ tục quản lý đầu tư phức tạp sẽ dẫn đến kém hiệu quả thi hành”, bà Ninh nói, “nếu có thể nên bỏ thủ tục đăng ký, nếu cần quản lý thì nên có chế tài rõ ràng buộc nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo định kỳ như quy định tại Luật Doanh nghiệp”.
Ông Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) rút kinh nghiệm từ việc chậm trễ thực hiện hai dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương cũng yêu cầu cần quy định rõ trong luật những cam kết của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện để các cơ quan nhà nước có cơ sở theo dõi, quản lý.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án là một trong những nội dung mà các cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp. Nhưng khi thảo luận dự án này ở hội trường cách đây hơn một tuần, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rằng có những dự án trong lĩnh vực trí tuệ, chất xám, không có nhu cầu sử dụng đất, liệu luật có cần ghi vào không trong khi đó lại bỏ qua những vấn đề thuộc về công nghệ, môi trường…
Cấu trúc lại luật
Ông Trân cho biết, sau khi thảo luận lần một tại hội trường, ông đã nhận được nhiều thư, ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Luật Đầu tư cho dù sửa đổi vẫn là “bước lùi”. Một trong những điểm khiến Luật Đầu tư là một “bước lùi”, theo ông Trân, là do có sự “giẫm chân lên nhau” giữa chương VI Luật Đầu tư (hoạt động đầu tư trực tiếp, trong đó quy định việc phân loại các dự án, thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư) với Luật Doanh nghiệp.
“Tôi chưa thấy ban soạn thảo giải thích tại sao lại bắt buộc phải có chương VI này trong khi Luật doanh nghiệp đã điều chỉnh, quy định khá rõ rồi, bây giờ lại phải thêm nhiều thủ tục, mà thêm thủ tục là thêm nhũng nhiễu và khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trân nói.
“Đây là vấn đề cấu trúc của các dự thảo luật, chứ không phải là vấn đề sửa đổi cụ thể, cái này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích”, ông nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận xét Luật Đầu tư là một trong những luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, nên đề nghị các đại biểu Quốc hội đóng góp thẳng vào những vấn đề mà ban soạn thảo đang đặt ra. “Riêng với các đại biểu Quốc hội là những nhà doanh nghiệp hay đại diện cho doanh nghiệp, các vị phải chịu trách nhiệm trước các nhà doanh nghiệp và đầu tư cả nước vì các vị là đại diện cho họ. Đề nghị các vị tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình đối với một số những vấn đề cụ thể trong các dự án luật và báo cáo các ý kiến đó với toàn thể các đại biểu Quốc hội”, ông An đề nghị. ông cho biết sau cuộc thảo luận ở hội trường, lãnh đạo Quốc hội sẽ gặp riêng các đại biểu là đại diện doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến đóng góp về dự án luật đang gây tranh cãi này.
Đáng tiếc là sau gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu là đại diện doanh nghiệp đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tổng công ty lớn của Nhà nước trong các ngành xây dựng, điện lực, viễn thông và cả các doanh nghiệp tư nhân đã không phát biểu trên hội trường. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết, sau khi ban soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ có các câu hỏi gửi đến từng đại biểu xin ý kiến thăm dò trước. Đồng thời Quốc hội cũng sẽ tổ chức gặp đại biểu đã và đang là doanh nhân để báo cáo riêng những vấn đề đã tiếp thu, sau đó lấy phiếu riêng của những đại biểu này trước khi trình ra Quốc hội lần cuối cùng.
Thái Thanh - Theo Thời báo kinh tế Sài gòn ngày 24/11/2005
Quốc hội lại dành thêm một buổi chiều thứ Ba vừa qua với phát biểu của 14 đại biểu để thảo luận về dự án Luật Đầu tư chung, tập trung vào một số vấn đề còn gây tranh cãi mặc dù ban soạn thảo đã đưa ra bản dự thảo vừa mới chỉnh lý. Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội vẫn chưa đồng tình với ban soạn thảo về hầu hết những vấn đề đưa ra.
Chưa rõ căn cứ phân loại dự án
Mặc dù đã được tiếp thu, sửa đổi nhưng điều 46 của dự thảo luật về thủ tục đăng ký đầu tư vẫn chia dự án làm nhiều mức khác nhau và áp dụng các thủ tục khác nhau với các dự án này. Theo đó, dự án đầu tư có vốn dưới 15 tỉ đồng thì không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư. Dự án phải đăng ký đầu tư là những dự án trong nước có quy mô vốn đầu tư từ 15 đến dưới 300 tỉ đồng. Điều 47 còn quy định thủ tục thẩm tra đầu tư của cơ quan nhà nước. Đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) đề nghị “cần nghiên cứu kỹ về con số này”. Đại biểu Trần Thành Long (TPHCM) cũng cảnh báo một thực tế có thể xảy ra là mỗi khi doanh nghiệp có dự án trên 15 tỉ đồng là lại phải đến đăng ký với cơ quan nhà nước, vừa gây phiền hà, tăng chi phí. Ông đề nghị chỉ những dự án trên 300 tỉ mới phải đăng ký đầu tư, còn những dự án từ 15 - 300 tỉ đồng chúng ta thừa sức quản lý từ số liệu của thuế, ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) lại đặt câu hỏi, không biết cơ quan soạn thảo căn cứ vào đâu để đưa ra mốc dự án từ 15 tỉ đồng trở lên thì phải đăng ký đầu tư mà không phải là 10 tỉ hay 20 tỉ. Theo Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, dự án dưới 20 triệu đô la Mỹ thì không phải đăng ký đầu tư. “Tôi đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ tại sao lại đưa ra những con số như vậy dựa trên những nghiên cứu, khảo sát từ thực tế để chúng ta có sự thống nhất về nhận thức”, ông Dũng nói.
Liên quan đến quy định của khoản 3, điều 45 về các dự án đầu tư có điều kiện, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân nói: “Chúng tôi không rõ danh mục dự án đầu tư có điều kiện là gì, chúng ta định nghĩa một dự án có điều kiện bằng cách cho nó nằm trong một danh mục dự án có điều kiện, mà cái đó chúng ta không biết là cái gì. Ít nhất cũng phải cho các đại biểu Quốc hội biết trước khi bấm nút”.
Đăng ký đầu tư liên quan chặt chẽ đến việc thẩm tra của các cơ quan nhà nước. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, ủy ban của ông đã trao đổi cụ thể với Chính phủ và thấy rằng, đối với đầu tư trong nước, tuy không quy định cụ thể trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước nhưng các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đều phải làm một số thủ tục tại chính quyền và sở, ngành cấp tỉnh. “Việc quy định trong dự thảo luật về thủ tục đầu tư vừa không gây khó khăn gì cho nhà đầu tư với thủ tục đăng ký đơn giản, vừa cơ bản hợp thức hóa những nội dung thực tế đang làm”, ông Kiên nói.
Nhưng ông Đỗ Trọng Ngoạn lại yêu cầu trong dự thảo luật phải quy định rõ tiêu chí để thẩm tra. Đại biểu này nói rằng “không nên để cho Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí thẩm tra vì sẽ sinh ra nhiều tiêu chí phụ làm phiền hà doanh nghiệp”.
Là người vừa có các cuộc làm việc với một số cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Hà Nội, đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh nói rằng, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho rằng dự thảo lần này vẫn “chưa giải quyết triệt để các vấn đề về thủ tục đầu tư”. “Duy trì những thủ tục quản lý đầu tư phức tạp sẽ dẫn đến kém hiệu quả thi hành”, bà Ninh nói, “nếu có thể nên bỏ thủ tục đăng ký, nếu cần quản lý thì nên có chế tài rõ ràng buộc nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo định kỳ như quy định tại Luật Doanh nghiệp”.
Ông Lê Huy Luyện (Bà Rịa - Vũng Tàu) rút kinh nghiệm từ việc chậm trễ thực hiện hai dự án đầu tư nước ngoài tại địa phương cũng yêu cầu cần quy định rõ trong luật những cam kết của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện để các cơ quan nhà nước có cơ sở theo dõi, quản lý.
Nhu cầu sử dụng đất của dự án là một trong những nội dung mà các cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp. Nhưng khi thảo luận dự án này ở hội trường cách đây hơn một tuần, nhiều đại biểu Quốc hội đã nói rằng có những dự án trong lĩnh vực trí tuệ, chất xám, không có nhu cầu sử dụng đất, liệu luật có cần ghi vào không trong khi đó lại bỏ qua những vấn đề thuộc về công nghệ, môi trường…
Cấu trúc lại luật
Ông Trân cho biết, sau khi thảo luận lần một tại hội trường, ông đã nhận được nhiều thư, ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng Luật Đầu tư cho dù sửa đổi vẫn là “bước lùi”. Một trong những điểm khiến Luật Đầu tư là một “bước lùi”, theo ông Trân, là do có sự “giẫm chân lên nhau” giữa chương VI Luật Đầu tư (hoạt động đầu tư trực tiếp, trong đó quy định việc phân loại các dự án, thủ tục đăng ký đầu tư, thẩm tra đầu tư) với Luật Doanh nghiệp.
“Tôi chưa thấy ban soạn thảo giải thích tại sao lại bắt buộc phải có chương VI này trong khi Luật doanh nghiệp đã điều chỉnh, quy định khá rõ rồi, bây giờ lại phải thêm nhiều thủ tục, mà thêm thủ tục là thêm nhũng nhiễu và khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trân nói.
“Đây là vấn đề cấu trúc của các dự thảo luật, chứ không phải là vấn đề sửa đổi cụ thể, cái này chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích”, ông nói thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhận xét Luật Đầu tư là một trong những luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, nên đề nghị các đại biểu Quốc hội đóng góp thẳng vào những vấn đề mà ban soạn thảo đang đặt ra. “Riêng với các đại biểu Quốc hội là những nhà doanh nghiệp hay đại diện cho doanh nghiệp, các vị phải chịu trách nhiệm trước các nhà doanh nghiệp và đầu tư cả nước vì các vị là đại diện cho họ. Đề nghị các vị tỏ thái độ đồng tình hay không đồng tình đối với một số những vấn đề cụ thể trong các dự án luật và báo cáo các ý kiến đó với toàn thể các đại biểu Quốc hội”, ông An đề nghị. ông cho biết sau cuộc thảo luận ở hội trường, lãnh đạo Quốc hội sẽ gặp riêng các đại biểu là đại diện doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến đóng góp về dự án luật đang gây tranh cãi này.
Đáng tiếc là sau gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu là đại diện doanh nghiệp đến từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tổng công ty lớn của Nhà nước trong các ngành xây dựng, điện lực, viễn thông và cả các doanh nghiệp tư nhân đã không phát biểu trên hội trường. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được cho biết, sau khi ban soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ có các câu hỏi gửi đến từng đại biểu xin ý kiến thăm dò trước. Đồng thời Quốc hội cũng sẽ tổ chức gặp đại biểu đã và đang là doanh nhân để báo cáo riêng những vấn đề đã tiếp thu, sau đó lấy phiếu riêng của những đại biểu này trước khi trình ra Quốc hội lần cuối cùng.