Ý kiến của LS Trần Vũ Hải

Thứ Bảy 17:34 20-05-2006
Một số ý kiến về Dự án Luật Đầu tư (Dự thảo 17)

Chúng tôi, đại diện cho khá nhiều doanh nghiệp rất cám ơn các vị đại biểu quốc hội đã quan tâm kỹ lưỡng về Dự án Luật Đầu tư, quan tâm đến ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong nước về Dự án Luật này.

Chúng tôi nhận định rằng kể cả đối với Dự thảo mới nhất của Luật Đầu tư chưa thấy có điểm tiến bộ nào đối với nhà đầu tư trong nước so với các Luật hiện hành. Những vấn đề mà giới đầu tư trong nước mong mỏi đó là sự mở cửa cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước trong nhiều lĩnh vực mà lâu nay cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước còn độc quyền chưa được ghi nhận trong Dự luật này.

Về vấn đề này, xin nêu một số ví dụ sau:

a) Lĩnh vực hàng không: một số nhà đầu tư trong nước mong muốn lập hãng hàng không tư nhân của Việt nam hoặc đề xuất mua lại Pacific Airlines (do các công ty nhà nước sở hữu 100 % và trong tình trạng khó khăn tài chính), nhưng Chính phủ không quan tâm đến họ, mà bán lại 30 % cổ phần của công ty này cho một nhà đầu tư Singapore. Tuy nhiên, kèm theo việc bán cổ phần là cam kết của Chính phủ trong 3 năm không mở cửa cho một hãng hàng không khai thác đường bay nội địa Việt nam. Chúng tôi cho rằng việc nhà đầu tư Singapore mua 30% cổ phần Pacific Airlines thực ra là mua sự độc quyền của nhà nước và đổi lại là sự thiệt hại của nhà đầu tư (NĐT) trong nước vì phải đợi thêm 3 năm nữa mới được đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.

b) Công ty FPT kinh doanh dịch vụ ADSL, khi cổ phần hoá nhà nước chỉ còn chiếm 12 % tổng số cổ phần của công ty. Theo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông, chỉ có doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối mới được kinh doanh dịch vụ này khiến FPT phải ngưng trệ trong một thời gian và phải thành lập một công ty FPT mới có sự góp vốn chi phối của Nhà nước để tiếp tục kinh doanh dịch vụ này. Nói cách khác, dịch vụ ADSL vẫn hạn chế các nhà đầu tư tư nhân

Theo đánh giá của nhiều NĐT trong nước: môi trường đầu tư trong nước đang xấu đi. Luật Doanh nghiệp với định hướng cởi trói cho doanh nghiệp cũng đang bị mất tác dụng vì những tư duy hẹp hòi, bảo thủ ngăn cản sự sáng tạo của các doanh nghiệp, đặc biệt trong những lĩnh vực internet, truyền hình, giải trí. Đối với các công trình hạ tầng cơ sở cần huy động những nguồn vốn to lớn, để làm yên tâm các nhà đầu tư, lẽ ra cần có những quy định về BOT, BT, BTO được luật hoá (để ghi rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước) nhưng Luật đầu tư chỉ đề cập vài dòng, không có tác dụng khích lệ giới đầu tư.

Dự Luật Đầu tư không gỡ bỏ những vấn đề trên, mà lại đẻ thêm ra thủ tục và bộ máy chắc chắn sẽ gây phiền hà, ách tắc cho doanh nghiệp

Ví dụ: a) Dự Luật đầu tư đưa ra quy định trong khá nhiều lĩnh vực dự án của nhà đầu tư phải được thẩm tra trước khi triển khai. Phần lớn những lĩnh vực (ngành nghề) được coi là phải thẩm tra đầu tư đã có giấy phép con theo pháp luật chuyên ngành. Dự Luật đầu tư không khẳng định việc thẩm tra đầu tư sẽ thay thế quy trình cấp giấy phép con. Điều này có nghĩa nhà đầu tư vừa phải được cơ quan quản lý đầu tư cho phép vừa phải xin giấy phép con theo pháp luật chuyên ngành.
b) Dự Luật Đầu tư quy định có thêm hệ thống thanh tra đầu tư, trong khi hiện nay hầu hết các lĩnh vực đầu tư đều có thanh tra chuyên nghành và ngoài ra còn có nhiều hệ thống thanh tra, kiểm tra khác (đất đai, môi trường, y tế, lao động, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra thuế, ..). Thanh tra đầu tư giúp ích gì cho doanh nghiệp và nhà nước hay chỉ nhũng nhiễu doanh nghiệp ?

Sau khi nhận được sự góp ý từ nhiều giới, Ban soạn thảo Dự án Luật Đầu tư có vẻ như đang lắng nghe và bổ sung sửa đổi nhiều điều khoản. Nhưng khi nghiên cứu kỹ chúng tôi nhận thấy, nhiều sửa đổi bổ sung do không được cân nhắc sẽ gây hiểu lẫn lộn cho việc thực thi luật sau này.

Ví dụ: Dự thảo 17 Luật Đầu tư đưa ra khái niệm: Nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, người Việt nam ở nước ngoài và người nước ngoài định cư ở Việt nam đều được coi là nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề:

a) làm ảnh hưởng đến vị thế của người Việt nam định cư ở nước ngoài (trước đây coi là nhà đầu tư trong nước nếu họ lựa chọn)
b) Việt kiều có thể bị hạn chế về kinh doanh do chính phủ vẫn hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực.
c) Theo Dự thảo Luật Đầu tư, các dự án của nhà NĐT nước ngoài đều phải đăng ký trong khi trước đây Việt kiều không phải đăng ký.

Vì vậy, chúng tôi trân trọng đề nghị các đại biểu quốc hội cần thận trọng khi thông qua Dự án LĐT:

a) Nếu phải thông qua, đề nghị ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư phải cam kết chịu trách nhiệm cá nhân về những tác động xấu đối của Luật đầu tư đối với môi trường đầu tư.
b) Nếu thông qua Dự án LĐT, đề nghị sửa và bổ sung các khái niệm: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân không có quốc tịch Việt nam và pháp nhân được thành lập ở nước ngoài. Người nước ngoài định cư ở Việt Nam và người Việt nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng nhà đầu tư nước ngoài; sử dụng khái niệm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát thay cho khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát là doanh nghiệp mà NĐT nước ngoài chiếm từ 50% vốn trở lên.

Với việc bổ sung những khái niệm này, doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát mới phải đăng ký dự án đầu tư và doanh nghiệp này sẽ bị hạn chế trong một số lĩnh vực mà Chính phủ quy định. Nếu xảy ra tranh chấp, họ có quyền lựa chọn trọng tài nước ngoài để giải quyết. Còn doanh nghiệp nước ngoài không do người nước ngoài kiểm soát sẽ được đối xử như doanh nghiệp có 100% vốn do tổ chức, cá nhân Việt nam sở hữu.

Đối với những lĩnh vực đầu tư có điều kiện, theo chúng tôi chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát còn những doanh nghiệp khác, không chịu ràng buộc của quy định thẩm tra đầu tư (tuy nhiên, họ phải xin các giấy phép chuyên ngành nếu luật chuyên ngành quy định). Để đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt nam và doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát thì những lĩnh vực doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát được phép làm thì đương nhiên doanh nghiệp Việt nam cũng có quyền hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Đối với quy trình thẩm tra đầu tư, sau khi thẩm tra đầu tư thì cấp giấy phép đầu tư cho các NĐT nước ngoài hoặc cho doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát và giấy phép đầu tư sẽ thay thế cho giấy phép chuyên ngành (như hiện nay). Doanh nghiệp do NĐT nước ngoài kiểm soát được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tư trong khi các doanh nghiệp khác chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

c) Chúng tôi cho rằng không nên sửa Luật Đầu tư dựa theo tư duy cũ và theo phương cách chữa cháy (trong thời gian ngắn khó có thể tốt lên, có khi lại lộn xộn thêm). Vì vậy, chúng tôi đề nghị Quốc hội nên cân nhắc không thông qua Dự án Luật này và giao cho một ban soạn thảo khác để soạn Luật Khuyến khích và bảo hộ đầu tư thay thế cho Dự án Luật đầu tư.


Rất mong được các vị đại biểu quốc hội quan tâm


Thay mặt cho nhiều doanh nghiệp

Luật sư Trần Vũ Hải

Các văn bản liên quan