Góp ý của PGS.TS. Mai Hồng Quỳ

Thứ Sáu 13:23 26-05-2006
GÓP Ý NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

PGS.TS. Mai Hồng Quỳ
Đại học Luật TP. HCM

1. Phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh
Theo quan niệm của chúng tôi, những người làm công tác pháp luật và
theo các quy định của pháp luật Việt nam hiện hành, khi thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại hay hành chính (ký kết văn bản, hợp đồng), hình thức chủ yếu là văn bản giấy, và giao dịch chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thống (trao đổi trực tiếp, gửi bưu điện, chuyển qua fax, v.v... ). Khi tin học hoá, các văn bản phải được số hoá để trở thành các dữ liệu điện tử, và sau đó được chuyển giao bằng phương thức truyền thống hay bằng phương thức điện tử (giao dịch điện tử). Do đó, ta cần phải hiểu và thống nhất các khái niệm "văn bản điện tử” (có hay không có kèm theo “chữ ký điện tử") dùng trong giao dịch truyền thống hay giao dịch thông qua mạng máy tính (“giao dịch điện tử”) và các mối liên hệ mang tính pháp luật kèm theo. Tại Việt nam cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan quản lý nhà nước và phát luật nào đưa định nghĩa cụ thể và rõ ràng về các vấn đề trên. Do đó khi dùng các văn bản số hoá trong giao dịch thông thường hay giao dịch điện tử, các chủ thể tham gia giao dịch sẽ không được ghi nhận về mặt pháp lý, các hợp đồng được giao kết trên mạng máy tính giữa các chủ thể sẽ bị coi là vô hiệu vì không đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý của hợp đồng.
Có ba vấn đề mà Luật Giao dịch Điện tử cần phải giải quyết, tương ứng
với mức độ và khả năng thực hiện giao dịch trên thực tế hiện nay
1. Xác định văn bản điện tử (số hoá) và tính pháp lý của văn bản điện tử.
2. Xác định tính pháp lý khi sử dụng các văn bản điện tử trong các giao
dịch truyền thống.
3. Xác định giao dịch điện tử và tính pháp lý của giao dịch điện tử (chỉ có
thể áp dụng cho các văn bản điện tử khi chuyển giao trên mạng).
Nhà nước cần phải ghi nhận về mặt pháp lý đối với giá trị của các văn bản điện tử (mục tiêu 1) trong các giao dịch truyền thống (mục tiêu 2) và giao dịch điện tử (mục tiêu 3), và các công cụ xác thực cần thiết như chữ ký điện tử (chữ ký trên văn bản giấy và được số hoá bằng phương pháp quét hình, chữ ký số nhúng bên trong văn bản điện tử, chữ ký được xác nhận thông qua các tổ chức cấp chứng chỉ, v.v...). Dù cho các văn bản điện tử được giao dịch bằng hình thức nào, cũng cần đảm bảo:
1. Các văn bản điện tử có thể được lưu giữ và tham chiếu lại khi cần thiết.
2. Tính xác thực của văn bản điện tử và chữ ký trong văn bản điện tử.
3. Tính toàn vẹn của thông tin bên trong các văn bản điện tử.
Nếu như Luật Giao dịch Điện tử tới đây mới có thể giải quyết được vấn đề thời sự là tính pháp lý của văn bản điện tử, tính pháp lý trong các giao dịch truyền thống, chúng ta cũng sẽ có cơ sở hy vọng Luật sẽ thực sự giúp ích cho các chủ thể tham giao dịch truyền thống trong khuôn khổ hệ thống pháp luật hiện nay, và là cơ sở đế chấp nhận Luật trong các giao dịch điện tử trên mạng.
Một số ý kiến đóng góp:
1. Xác định đúng mục tiêu của Luật: Chúng ta cần gì ?
Dự thảo Luật Giao dịch Điện tử của Việt nam chưa được soạn thảo để đáp ứng cho các mục tiêu 1 và 2, do đó khá mơ hồ khi đề cập đến mục tiêu 3 (giao dịch điện tử), không làm rõ mối liên hệ giữa văn bản điện tử, giao dịch điện tử với các hình thức văn bản và giao dịch truyền thống.
Chú ý các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn sử dụng văn bản điện tử với giao dịch truyền thống khá lâu trước khi thực sự giao dịch điện tử, nên Luật Giao dịch của họ chủ yếu chỉ điều chỉnh những gì đa tương đối phổ biến, còn chúng ta hầu như mới bắt đầu lại muốn đi thẳng vào giao dịch điện tử.
2. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử: Có tương đương văn bản giấy ?
Nhà nước cần phải công nhận về mặt pháp lý đối với giá trị của văn bản điện tử giao dịch truyền thống hay thông qua phương tiện điện tử. Hiện nay tại Việt nam vấn đề này chúng ta đã có đề cập đến và đã được giải quyết tuy còn ở một góc độ rất hạn chế. Trong luật Thương mại Việt nam đa có quy định Hợp đồng mua bán hàng hoá thông qua điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản. Tuy nhiên ở các hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại khác thì vấn đề này chưa đuợc thừa nhận một cách rõ ràng và cụ thể. Chính vì vậy để hoàn thiện và có một cách hiểu thống nhất chúng ta cần phải có những điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới.
3. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử: định nghĩa chính xác hơn ?
Từ trước đến nay chữ ký là phương thức phổ biến để ghi nhận tính xác thực
của thông tin được chứa đựng trong văn bản giấy. Có một số đặc trưng cơ bản của
chữ ký là:
•Chữ ký nhằm xác định tác giả của văn bản.
•Chữ ký thể hiện sự chấp nhận của tác giả với nội dung thông tin chứa đựng
trong văn bản.
Trong giao dịch điện tử, các yêu cầu về đặc trưng của chữ ký tay có thể đáp
ứng bằng hình thức chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử trở thành một thành tố quan trọng trong văn bản điện tử. Một trong những vấn đề đặt ra là về mặt công nghệ và pháp lý thì chữ ký điện tử phải đáp ứng được sự an toàn và thể hiện ý chí rõ ràng của các bên về thông tin chứa đựng trong văn bản điện tử. Luật pháp điều chỉnh lĩnh vực này sẽ tập trung vào việc đặt ra các yêu cầu về nhận dạng chữ ký điện tử và cho phép các bên không liên quan hoặc có ít thông tin về nhau có thể xác định được chính xác chữ ký điện tử của các bên đối tác. Và trong trường hợp này để xác định được độ tin cậy của chữ ký điện tử người ta trù liệu hình thành một cơ quan trung gian nhằm chứng thực tính xác thực và đảm bảo độ tin cậy của chữ ký điện tử (Cơ quan nhằm cung cấp một dịch vụ mang nhiều ý nghĩa về mặt pháp lý hơn là về mặt công nghệ).
Tháng 3/2002 Chính phủ đa có quyết định số 44/2002/QÐ-TTg chấp nhận chữ ký điện tử trong thanh toán liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt nam đề nghị. Có thể coi đây là văn bản pháp lý cao nhất quy định về chữ ký điện tử hiện đang được áp dụng tại Việt nam.
4. Vấn đề bản gốc: Có thật sự đáng tin cậy và an toàn ?
Vấn đề "bản gốc" có liên quan chặt chẽ đến vấn đề "chữ ký" và "văn bản"
trong môi truờng giao dịch điện tử. Bản gốc thể hiện sự toàn vẹn của thông tin chứa đựng trong văn bản. Trong môi trường giao dịch qua mạng thì vấn đề bản gốc được đặt gắn liền với việc sử dụng chữ ký điện tử. Do đó chữ ký điện tử không những chỉ xác định người ký mà còn nhằm xác minh cho tính toàn vẹn của nội dung thông tin chứa trong văn bản. Việc sử dụng chữ ký điện tử đồng nghĩa với việc mã hoá tài liệu được ký kết. Về mặt nguyên tắc thì văn bản điện tử và văn bản truyền thống có giá trị ngang nhau về mặt pháp lý. Vấn đề này được làm rõ sẽ là cơ sở cho việc xác định giá trị chứng cứ của văn bản điện tử. Chỉ khi giá trị của văn bản điện tử được đặt ngang hàng với văn bản viết truyền thống thì các chủ thể trong giao dịch điện tử mới sử dụng một cách thường xuyên văn bản điện tử thay cho văn bản viết truyền thống. Tuy vậy giá trị của văn bản điện tử cũng chỉ được xác nhận khi nó đảm bảo được các thành tố mà đa được nêu trên.

Các văn bản liên quan