Sắp hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử

Thứ Bảy 15:33 20-05-2006
Sắp hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử

(VietNamNet - 05/10/20) - Sau nhiều lần thảo luận, lấy ý kiến xây dựng tại các kỳ họp Quốc hội, sau nhiều bài báo "hối thúc", sau những đề nghị cấp thiết từ dư luận, dự thảo Luật Giao dịch điện tử của Việt Nam đã cơ bản được hoàn thành. Ngày 4/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật này.

Một số vấn đề cơ bản và quan trọng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất, chẳng hạn: tên gọi chính thức sẽ là: "Luật Giao dịch điện tử", chứ không gọi là một cách chính xác nhưng dài dòng là: "Luật giao dịch bằng phương tiện điện tử". Điều quan trọng mà lâu nay người dân mong đợi đã được thống nhất rằng: Luật này quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, chứng thực điện tử, giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân muốn lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, bản dự thảo Luật cũng đồng thời nói rõ: không áp dụng giao dịch điện tử với các trường hợp cụ thể như: cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác.

Để luật này có thể triển khai nhanh và đi vào đời sống xã hội một cách hiệu quả, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, Bộ Bưu chính Viễn thông có trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan.

Không thể quy định trình tự thực hiện chữ ký điện tử

Ông Vũ Minh Mão, Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo luật GDDT: "Yếu tố quan trọng nhất của Luật Giao dịch điện tử là thừa nhận tính pháp lý của các giao dịch điện tử, đảm bảo việc giao dịch này giống với các giao dịch truyền thống"

Do bản thân là một bộ luật mới, ra đời trong bối cảnh phát triển kinh tế, nên Luật Giao dịch điện tử cũng có những nguyên tắc riêng biệt, ví dụ: các đối tượng sử dụng có thể tự nguyện lựa chọn phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch, tự thỏa thuận trong việc lựa chọn công nghệ, và không một loại công nghệ nào được coi là duy nhất trong giao dịch điện tử.Liên quan trực tiếp đến vấn đề này là việc quy định giá trị pháp lý cho chữ ký điện tử. Đã có nhiều ý kiến của các Đại biểu quốc hội cho rằng, cần quy định về trình tự, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử trong giao dịch điện tử. Nhưng ngược lại, đa số các chuyên gia đều cho rằng, việc đó là không thể, bởi vì, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử còn tùy thuộc rất lớn vào công nghệ. Công nghệ thì luôn luôn phát triển. Cho đến thời điểm hiện nay, thế giới đã có rất nhiều loại công nghệ liên quan đến thực hiện chữ ký điện tử như: công nghệ nhận giọng nói, nhận diện ảnh, chữ ký số, số hóa chữ ký tay, dấu vân tay, võng mạc... Vì vậy, dự thảo luật này không thể quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện chữ ký điện tử, vì ứng với từng loại công nghệ khác nhau sẽ có một trình tự thủ tục khác nhau để thực hiện.

Điều đáng mừng, Luật Giao dịch điện tử cũng quy định được giá trị hợp pháp của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử. Và điều 21 trong bản dự thảo Luật cũng quy định rõ: Chữ ký điện tử có thể được chứng thực bởi một Tổ chức cung cấp dịch vụ CTĐT. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng được quy định rõ trong điều 24 của bản dự thảo: Nếu một văn bản cần được ký và đóng dấu, yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu sẽ được đáp ứng nếu sử dụng chữ ký điện tử hợp pháp theo luật và chữ ký điện tử đó được chứng thực bởi Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực.

Chứng thư điện tử: thời hạn lưu trữ 5 năm

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn 5 năm là quá dài cho việc lưu trữ một thông tin có liên quan đến chứng thư điện tử (xem thêm định nghĩa tại box bên phải - NV) do nhà cung cấp dịch vụ cấp. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ quốc hội giải thích rằng, việc lưu trữ chứng thư điện tử khác với việc lưu trữ các thông điệp dữ liệu. Đối với lưu trữ thông điệp dữ liệu thì VN phải tuân thủ các quy định pháp luật về lưu trữ, còn đối với lưu trữ chứng thư điện tử thì VN chưa có kinh nghiệm, nên phải tham khảo con số 05 năm của đa số các nước đã từng thực hiện luật này.

Một điều cũng rất quan trọng và có ý nghĩa đối với các tổ chức, doanh nghiệp VN hiện nay là luật này đã công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Điều 33, 34 trong dự thảo quy định: "Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì nó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu".

Giao kết hợp đồng điện tử cũng được điều 36 và 38 quy định: Đề nghị giao kết và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp truyền thống.

Ngoài ra, các quy định về Giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước, quy định về đảm bảo an toàn bảo mật trong giao dịch điện tử và giải quyết tranh chấp cũng được dự thảo luật quy định ở chương V, chương VI và chương VII.

Điều 4: Giải thích từ ngữ

1. Chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử

2. Chứng thực điện tử là việc xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử

3. Chương trình ký điện tử là chương trình máy tính được thiết lập để hoạt động độc lập hoặc thông qua thiết bị, hệ thống thông tin, chương trình máy tính khác nhằm tạo ra một chữ ký điện tử đặc trưng cho người ký thông điệp dữ liệu.

4. Cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu về một đối tượng, được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua các phương tiện điện tử

5. Dữ liệu là số liệu, ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc các dạng tương tự

6. Giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử

7. Giao dịch điện tử tự động là giao dịch điện tử được thực hiện tự động từng phần hoặc toàn bộ thông qua hệ thống thông tin đã được thiết lập sẵn

8. Hệ thống tin cậy là phần cứng, phần mềm của máy tính hoặc các quy trình của máy tính có khả năng bảo đảm an toàn đối với sự xâm nhập từ bên ngoài và đảm bảo tính ổn định, chính xác trong họat động và cận hành theo đúng chức năng thiết kế.

9. Hệ thống xử lý thông tin là hệ thống điện tử được sử dụng để tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị, hoặc thực hiện các xử lý khác đối với thông điệp dữ liệu.

10. Người trung gian là cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc gửi, nhận hoặc lưu trữ một thông điệp dữ liệu hoặc cung cấo các dịch vụ khác liên quan đến thông điệp dữ liệu đó.

11. Phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật sô, từ tính, truyền dẫn không dây, quan học, điện từ hoặc các công nghệ tương tự.

12. Quy trình kiểm tra an toàn là quy trình được sử dụng để kiểm chứng nguồn gốc của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử; hoặc để phát hiện các thay đổi hoặc lỗi xuất hiện trong nội dung của một thông điệp dữ liệu trong quá trình truyền, nhận và lưu trữ.

13. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.

14. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử là tổ chức thực hiện các hoạt động chứng thực điện tử theo quy định của pháp luật.

15. Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là tổ chức cung cấp hạ tầng đường truyền mạng để thực hiện giao dịch điện tử. Tổ chức cung cấp dịch vụ mạng bao gồm tổ chức cung cấp dịch vụ kết nối Internet, tổ chức cung cấp dịch vụ Internet và các tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập mạng.

16. Trao đổi dữ liệu (EDI - electronic data interchange) là sự chuyển thông tin từ máy tính này sang máy tính khác bằng phương tiện điện tử theo một tiêu chuẩn đã được thỏa thuận về cấu trúc thông tin.


Huyền Chi

Các văn bản liên quan