Về giấy phép kinh doanh

Thứ Sáu 09:53 26-05-2006
Về giấy phép kinh doanh trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất

Dự thảo đưa ra khái niệm mới về giấy phép: "Cấp phép nói trong luật này là hành vi hành chính do pháp luật quy định được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chứccho phép người đó được quyền thực hiện các công việc nhất định, để xác định trình độ và năng lực của họ, hoặc để cho họ một địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân. Kết quả của cấp phép là giấy phép".

1. Thuật ngữ sử dụng trong khái niệm đã chuẩn?

Để xác định trình độ và năng lực của một người, không phải thông qua thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước mà thông qua quá trình học tập cũng như cấp bằng của các tổ chức đào tạo. Do đó, sử dụng từ "trình độ và năng lực" là không chuẩn. "Địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân" không phải do việc cấp phép mà có. Địa vị pháp lý của một cá nhân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Một cá nhân có những quyền và nghĩa vụ nhất định khi tham gia vào những quan hệ pháp luật nhất định và việc tham gia vào những quan hệ này là do ý chí của bản thân người đó hoặc theo quy định của pháp luật. Kinh doanh là quyền tự do của công dân được pháp luật thừa nhận do đó, không thể xin phép để họ có được địa vị pháp lý, có chăng chỉ là việc đăng ký...

Như đã phân tích những bất cập nêu trên, không cần thiết phải trả lời câu hỏi "có khả thi hay không" vì rõ ràng, định nghĩa không chuẩn, không chính xác thì khi áp dụng, không thể đem lại kết quả như mong muốn.

2- Bản chất của cấp phép

Bản chất của việc cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành chính là ranh giới của sự hạn chế quyền tự do, mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền lợi của người thứ 3, của cộng đồng.Phân tích một cách rộng hơn thì nó là cơ chế để thực thi các quyền được quy định trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện thủ tục cấp phép lại không mang bản chất tốt đẹp như ban đầu, mà dần dần nó mang trong mình những căn bệnh làm nhức nhối cho cơ thể xã hội, tạo sự phiền hà trong hoạt động hợp pháp của công dân. Hiện nay, Giấy phép kinh doanh (GPKD) vẫn được coi là một trong những bất cập lớn nhất trong môi trường pháp lý kinh doanh ở nước ta. Nó đang tồn tại dưới nhiều tên gọi như: thông báo chấp thuận, văn bản thỏa thuận, thông báo đồng ý, phê duyệt... Rất dễ biến tướng và khó kiểm soát.

Theo thống kê mới nhất của VCCI, hiện nay có tổng cộng 298 loại GPKD thuộc 18 lĩnh vực kinh doanh còn hiệu lực. Sự tồn tại của các GPKD này được đánh giá là "hạn chế quyền tự do kinh doanh hợp lý" và tạo ra những cản trở đối với các nhà đầu tư và DN. Nhiều GPKD không dựa trên căn cứ nào.

3- Giải pháp nào để giải quyết các vướng mắc về GPKD

Theo quy định, công dân được quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật, nghĩa là họ được kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm. Đối với những ngành nghề hạn chế kinh doanh, tổ chức cá nhân chỉ có thể kinh doanh khi thoả mãn những điều kiện nhất định. Theo tôi, bản chất của vấn đề không phải là cấp giấy phép mà chỉ là việc xác nhận họ có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo chúng tôi giải pháp để giải quyết các vướng mắc về GPKD là cần phải soát xét lại những giấy phép còn hiện hành. Để có một sự đánh giá lĩnh vực nào cần duy trì giấy phép , lĩnh vực nào cần quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực nào không cần GPKD trên nguyên tắc không phát sinh giấy phép mới, chuyển dần lĩnh vực cần cấp GPKD chuyển sang quy định về điều kiện kinh doanh, lĩnh vực đang quy định phải có điều kiện kinh doanh cần xem xét lại nếu thấy không cần thiết phải loại bỏ ngay về điều kiện kinh doanh đó. Song song đó cần có một sự kiểm soát nghiêm ngặt từ Chính phủ đối với danh sách ngành nghề có điều kiện hoặc cần có GPKD, quy trình duyệt danh sách ngành nghề này phải đi từ thực tế cơ sở lên và cần có sự tham khảo trên một bình diệnrộng để có sự đúc kết thực tiễn trước khi đi đến quyết định loại ngành nghề có điều kiện hoặc phải cần giấy phép.

4-Sự cần thiết của một quy trình quy định bắt buộc khi ban hành các điều kiện kinh doanh hay GPKD

Tôi nghĩ nếu đánh giá việc quy định các điều kiện kinh doanh hay việc ban hành giấy phép kinh doanh là quá tùy tiện và sự tùy tiện này làm cản sự phát triển của các ngành nghề kinh doanh, các DN. Đã đến lúc Chính phủ cần phải kiên quyết dọn vật cản này cho các DN phát triển tiến lên do vậy việc ban hành một quy trình quy định bắt buộc khi ban hành các điều kiện kinh doanh hay GPKD là hết sức cần thiết và phải nhanh chóng thực hiện.

Theo DĐDN

Các văn bản liên quan