Ý kiến của HH Vận tải Đoàn kết An Lư

Thứ Sáu 09:45 26-05-2006
Góp ý kiến Dự thảo luật doanh nghiệp thống nhất

Nguyễn Thế Diễn
Cố vấn Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư


1. Về giấy phép kinh doanh

Dự thảo đưa ra khái niệm mới hay là định nghĩa mới về Giấy phép - theo tôi là tương đối đầy đủ nhưng chưa thật rõ ràng và dễ hiểu cho mọi đối tượng luật doanh nghiệp điều chỉnh.

Trước hết: Phần này nói về giấy phép kinh doanh. Vậy tôi xin đề nghị giữ nguyên cụm từ giấy phép kinh doanh từ đầu đến cuối định nghĩa: Cụ thể là cấp phép nói trong luật này... (xin được viết rõ là: Cấp giấy phép kinh doanh) nói trong luật này là hành vi hành chính do pháp luật quy định, (nên chăng xin viết là do luật doanh nghiệp quy định) được thực hiện theo yêu cầu cá nhân hoặc toỏ chức để cho phép người đó... (xin thêm vào: hoặc tổ chức đó) được quyền thực hiện cá công việc nhất định... (xin thay bằng kinh doanh, dịch vụ, môi giới hoặc các hoạt động có liên quan ngành nghề của cá nhân hoặc tổ chức đó), để xác định trình độ, năng lực của họ, hoặc để cho họ một địa vị pháp lý... (nên chăng viết xin viết là: và để xác định) địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân của họ.

Tôi xin nói rõ ý ở đây là: Mỗi cá nhân hay tổ chức xin đăng ký kinh doanh và được cấp giấy phép kinh doanh thì tự thân họ đã có địa vị pháp lý được luật doanh nghiệp điều chỉnh rồi, vì thế tôi xin đề nghị thay cụm từ: hoặc để cho họ một địa vị pháp lý bằng cụm từ và xác định địa vị pháp lý của họ. Kết quả của cấp phép là giấy phép (xin góp ý viết cụ thể là: Kết quả của việc cấp giấy phép kinh doanh là giấy phép kinh doanh).

Vậy toàn văn của định nghĩa về giấy phép kinh doanh tôi xin góp ý như sau:
"Cấp giấy phép kinh doanh nói trong luật này là hành vi hành chính do Luật doanh nghiệp quy định, được thực hiện theo yêu cầu của cá nhân hoặc tổ chức để cho phép người đó hoặc tổ chức đó được quyền thực hiện các công việc kinh doanh, dịch vụ, môi giới hoặc các hoạt động có liên quan tới ngành nghề của cá nhân hoặc tổ chức đó, đề xác định trình độ năng lực kinh doanh của họ và để xác định địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân của họ. Kết quả của việc cấp giấy phép kinh doanh là giấy phép kinh doanh."

1.1. Vấn đề thực chất của "Giấy phép kinh doanh" hiện nay ở nước ta là gì ?

1.2. Cần phải có giải pháp nào.v..v...

Trong lĩnh vực của tôi đã và đang tiếp cận hàng ngày, tất yếu còn nhiều hạn chế - chưa thể đưa ra những ý kiến có tính đại diện nhất được, nhưng tôi xin mạnh dạn đề xuất những ý kiến mà kinh nghiệm bản thân tôi đã từng trải, xin góp thêm vào cùng các ý kiến của tập thể hội thảo.

Đó là: Tôi thấy rằng việc cấp giấy phép kinh doanh hiện nay ở nước ta là cơ chế xin - cho. Người xin không tự thấy được hết mình vì bỡ ngỡ và vì chưa có mô hình cũng như chưa có kiến thức, không nắm vững chính sách và hầu hết không có trình độ quản lý và kinh nghiệm thương trường. Việc đăng ký vốn kinh doanh không theo một quy chế nào, có thể nói là tuỳ tiện và nặng về cảm tính. Cơ quan cấp phép thì hạn chế về trình độ và năng lực, lại mới thoát thai từ chế độ bao cấp, cho nên việc cấp phép nặng nề thủ tục hành chính, coi nhẹ việc hướng dẫn, kiểm tra điều chỉnh. Thường không có chế độ thẩm tra, xem xét về năng lực, của người hoặc tổ chức xin cấp phép. Dẫn đến kết quả là Doanh nghiệp có giấy phép rồi nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Kết quả nữa là doanh nghiệp được cấp phép là nhiều nhưng kết quả tăng trưởng ngành nghề thì không xứng tầm hoặc dậm chân tại chỗ, dẫn tới nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ phải trốn thuế, cố ý làm sai...

Chúng tôi những người làm doanh nghiệp xuất thân từ mọi thành phần xã hội, đại bộ phận là công nhân, người buôn bán nhỏ, nông dân,... đặc biệt là cán bộ, bộ đội, chiến sĩ đã cởi bỏ quân phục bước vào kinh doanh, trước khi thành công đã phải trả quá nhiều học phí và để lãng phí không ít thời gian tích luỹ kinh nghiệm.

Nên chăng: Việc cấp giấy phép kinh doanh nên chuyển mình mạnh mẽ sang cơ chế: Tuyên truyền, hướng dẫn - điều tra thực lực - quản lý điều hành. Bộ phận cấp phép kinh doanh cần thu nhận được các tư vấn của các ban ngành, các tổ chức tài chính tín dụng Ngân hàng một cách thấu đáo trước khi cấp phép.

Nên có bộ phận tư vấn hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức xin cấp phép những kiến thức cơ bản của luật doanh nghiệp, những kiến thức cơ sở của việc tạo lập quản lý và điều hành doanh nghiệp, giúp họ tự tin, tự chủ và từ đó phát huy được năng lực sáng tạo làm động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Phòng TM & CN Việt Nam, trong nhiều năm qua đã làm rất tốt nhiệm vụ tư vấn, đào tạo, tham mưu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ có những chương trình phù hopự với nhiều đối tượng doanh nghiệp, thời lượng đào tạo ngắn, cô đọng và cập nhật được những thông tin mà doanh nghiệp cần... các lớp đào tạo, các hội thảo, các hội nghị tư vấn, các hình thức tuyên truyền, hướng dẫn tương tự... của phòng TM & CN đã thành công nối tiếp thành công, thực sự mang lại lợi ích không chỉ bằng tinh thần mà cả bằng vật chất cho cộng đồng các doanh nghiệp thành viên của Phòng.

Một câu hỏi được đặt ra là: Vậy nên chăng: những cán nhân và tổ chức sắp được cấp giấy phép kinh doanh được Sở KH & DT phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng - những đơn vị đang được điều hành các dự án của Chính phủ hoặc của các tổ chức nước ngoài như: Hoà nhập cộng đồng, dự án doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án tái định cư v.v... mở được các lớp đào tạo, huấn luyện, các hội nghị tư vấn về tạo lập doanh nghiệp, phổ biến các mô hình mẫu, trang bị cho các đối tượng doanh nghiệp đã được thành lập và trở thành hội viene của Phòng TM & CN Việt Nam thì vấn đề như các bạn đã biết, không cần phải bàn cãi nữa, vì Phòng TM & CN Việt Nam đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ này rồi.

Cũng nên có chế tài về việc đăng ký vốn của doanh nghiệp. Vì cơ quan quản lý doanh nghiệp mà không có chế tài quản lý vốn của họ, dẫn đến tình trạng sai phạm hoặc vi phạm quy tắc tài chính mà không biết, hoặc biết nhưng vẫn vi phạm vì không có chế tài cụ thể được phổ biến đến các cơ sở là các doanh nghiệp.

2. Về một số ngành nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh:
- Dịch vụ kế toán và kiểm toán
- Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng
- Dịch vụ khám và điều trị bệnh
- Dịch vụ pháp lý

Nói chung trên thế giới không có sự hạn chế này. Các kiến trúc sư, bác sĩ được đào tạo để hành nghề theo khả năng và nguyện vọng của họ. Ràng buộc những ngành nghề này dưới hình thức hợp danh, tôi cho rằng là khiên cưỡng và hình thức, hoặc xét trên góc độ quản lý, thì đó là sự yếu kém.
Nếu làm như vậy vô hình chung, luật đã cản trở sự phát triển của tài năng cá nhân trong cộng đồng.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thường chỉ thấy nói: Kiến trúc sư ấy, bác sĩ ấy, luật sư ấy giỏi, nổi tiếng... chứ không thấy nói: xưởng kiến trúc nọ, phòng mạch kia hay văn phòng luật sư ấy giỏi, nổi tiếng bao giờ ...

Tôi nghĩ rằng: Luật phải đi từ cuộc sống, đúc kết quy luật của cuộc sống để hướng cuộc sống đến tốt đẹp, tiến bộ và công bằng hơn chứ luật áp đặt những điều trái ngược với quy luật cuộc sống thì sớm hay muộn "luật cũng bất thành luật"
Tóm lại: Những ngành nghề như kế toán, kiểm toán, thiết kế kiến trúc, khám chữa bệnh, tư vấn pháp lý v..v.... nên khuyến khích cá nhân đăng ký hành nghề thay vì gò bó vào hình thức hợp danh.

Các văn bản liên quan