Ý kiến của Ls. Đoàn Văn Phương

Thứ Sáu 09:42 26-05-2006
Bản tham gia góp ý dự thảo luật doanh nghiệp (thống nhất)

Văn phòng luật sư Bạch Đằng
Trụ sở: Số 5A Phố Kỳ Đồng, quận Hồng Bàng - Hải Phòng
Điện thoại: 031.530133 - 091301207

Luật sư: Đoàn Văn Phương


1. Giấy phép kinh doanh
1.1. Định nghĩa Giấy phép:
Giấy phép ghi trong luật này là kết quả bằng văn bản của hành vi hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo pháp luật qui định thực hiện một hoặc các công việc nhất định, để xác định trình độ và năng lực của họ hoặc để cho họ một địa vị pháp lý hoặc tình trạng nhân thân.

2. Một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh
2.1. Các ngành nghề: Dịch vụ kế toán và kiểm toán, thiết kế công trình xây dựng, khám và điều trị bệnh và dịch vụ pháp lý phải thực hiện dưới hình thức hợp danh và DNTN cũng được quyền kinh doanh các dịch vụ đó, bởi vì:

- Các ngành nghề nêu trên có hình thức kinh doanh đặc biệt mang tính gắn liền với nhân thân của người thực hiện dịch vụ, đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ của người thực hiện công việc. Sản phẩm của công việc này mang tính trìu tượng. Nguy cơ gây thiệt hại cho xã hội rất lớn. Hậu quả của ngành nghề này nếu có thiệt hại thực tế không thể hoặc khó có thể khắc phục được và cũng rất khó tính toán thiệt hại. Nếu cho kinh doanh dưới hình thức khác và những người này họ chỉ chịu trách nhiệm trong công việc không cao rất dễ dẫn đến tình trạng chủ quan trong công việc. Hiện nay thời gian tham gia giải quyết tại các cấp Toà án rất mất nhiều thời gian, thi hành án dân sự của nước ta gặp nhiều khó khăn, đặc điểm khi hành nghề các ngành nghề này có lượng vốn ít. Vì vậy, nên quy định khoản tiền pháp định và tiền bảo đảm tráh nhiệm hay buộc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp để những người trực tiếp thực hiện công việc nêu trên suy nghĩ chắc chắn, cẩn thận khi hành nghề và khắc phục hậu quả kịp thời cho người bị hại nếu có hậu quả xảy ra.

- Công ty Hợp danh, DNTN và các Văn phòng luật sư do một hoặc một số Luật sư thành lập cùng có đặc điểm chung quan trọng là chịu vô hạn về tài sản của mình hoặc của những người hợp danh. Vì vậy theo quan điểm của tôi cũng nên cho DNTN tham gia kinh doanh ngành nghề này nếu chủ DNTN có đủ điều kiện hành nghề.

2.2. Không nên bổ xung thêm ngành nghề khác vào danh mục nói trên.

2.3. Các trường hợp các doanh nghiệp khác đang kinh doanh các dịch vụ nói trên phải chuyển đổi:

- Thời gian cho chuyển đổi là 2 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực.
- Trong quá trình chuyển đổi cần lưu ý đến những công việc của doanh nghiệp đang làm dở, trách nhiệm của người trực tiếp làm công việc đó và của doanh nghiệp mới. Cần phải có sự thoả thuận trong trường hợp người trực tiếp làm công việc đó không tham gia vào Công ty mới thành lập. Sự thoả thuận này cần phải đề cao ý kiến của khách hàng và của người trực tiếp làm việc này. Khi có sự thoả thuận này thì mới cho chuyển đổi.
- Trường hợp quá thời hạn trên mà các doanh nghiệp chưa chuyển đổi thì cần phải dừng họat động, giải quyết theo hình thức giải thể theo pháp luật quy định.

3. Về hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào nghiệp khác:

- Nên khống chế tổng số vốn đầu tư của một doanh nghiệp vào các doanh nghiệp khác.

- Khống chế theo như kiến nghị của dự thảo là chưa hợp lý vì chưa bám sát thực tế họat động của doanh nghiệp theo từng thời kỳ. Nên quy định: "Tổng mức đầu tư vào doanh nghiệp không vượt quá 50% tổng số vốn sở hữu của doanh nghiệp hiện có", Vốn sở hữu ở đây phải là tài sản của doanh nghiệp sau khi đã trừ mọi nghĩa vụ của doanh nghiệp tại thời điểm góp vốn đầu tư. Một doanh nghiệp có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp có thể tăng giảm theo thời gian họat động. Nếu quy định cứng nhắc, chưa rõ ràng như dự thảo rất dẫn đến khó áp dụng sau này. Vì vậy cần phải quy định rõ vấn đề tài chính của doanh nghiệp vào thời điểm góp vốn đầu tư.

- Để bảo đảm hiệu lực của quy định khống chế cần phải quy định rõ về sự minh bạch của tài chính, các doanh nghiệp cần phải có kiểm toán để cân đối tài chính doanh nghiệp. Bản kết quả kiểm toán cần phải có trước khi đầu tư vào doanh nghiệp khác. Tránh trường hợp tẩu tán vốn của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế được biết. Khi gửi thông báo cần phải kèm theo bản kết luận kiểm toán. Hai cơ quan này có cơ sở để buộc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và kiểm tra lại tính hợp pháp của vốn đầu tư.

4. Về quy định người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4.1. Không nên cấm triệt để những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thành lập và quản lý doanh nghiệp vì:

- Thành lập và quản lý doanh nghiệp là giai đoạn khác nhau. Người tham gia thành lập có thể không tham gia quản lý doanh nghiệp (thành viên góp vốn góp vào doanh nghiệp); Những người này chỉ cần bỏ vốn thành lập doanh nghiệp và lấy lãi khi doanh nghiệp họat động có lãi. Người quản lý doanh nghiệp cũng có thể không tham gia góp vốn vào doanh nghiệp (doanh nghiệp thuê người quản lý chỉ cần phân biệt rõ vai trò của người thành lập và người quản lý để quy định cho phù hợp với thực tế họat động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Chỉ khi nào có bản án của cấp toà án có hiệu lực thì người phạm tội mới bị coi là tội phạm. Trong quá trình trước khi bản án có hiệu lực thì người phạm tội có thể có tội, có thể không có tội. Mặt khác, tội danh mà người phạm tội thực hiện có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế hay không.

 Vì vậy, nghĩ nên chỉ quy định:

+ Người bị Toà án tuyên là có tội liên quan đến quản lý kinh tế (Chương XVI Bộ luật hình sự) và bản án hay quyết định đó có hiệu lực không có quyền thành lập doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp.
+ Người bị Toà án tuyên là tội không liên quan đến quản lý kinh tế (chương XVI Bộ luật hình sự) và bản án hay quyết định đó có hiệu lực không có quyền quản lý doanh nghiệp.


* Ví dụ trường hợp thực tế: Anh A có vốn và đang có ý định tham gia thành lập doanh nghiệp với một số người khác. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chưa được thành lập thì anh A bị Toà án tuyên phạt 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ". Tội danh này hoàn toàn không liên quan đến họat động quản lý kinh tế nhưng theo quy định của Pháp luật thì ít nhất trong vòng 3 năm thụ hình Anh A không được quyền tham gia thành lập hay quản lý doanh nghiệp. Vậy, có hai trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1: Những người còn lại không đủ vốn thành lập và họat động của doanh nghiệp nên phải chờ anh A mãn hạn tù trở về để cùng nhau thành lập doanh nghiệp. Ba năm thụ hình của anh A sẽ ảnh hưởng lớn đến nguyện vọng, nhu cầu của những thành viên còn lại.

Trường hợp 2: Nếu những người còn lại muốn thành lập doanh nghiệp và anh A muốn có cơ hội kinh doanh sau khi mãn hạn tù trở về thì buộc phải nhờ người khác đứng tên trong danh sách thành viên hộ hoặc tham gia dưới hình thức cho các thành viên thành viên Công ty. Sự việc này gây phức tạp cho doanh nghiệp và cơ quan chức năng sau này phải làm thủ tục thay đổi thành viên.

* Người phạm tội khi đã ăn năn hối cải hay phạm vào những tội do lỗi vô ý khi mãn hạn tù họ rất mong muốn được tạo điều kiện tham gia vào họat động kinh doanh hay có công ăn việc làm. Nếu khống chế như theo pháp luật đang quy định thì sẽ gây tâm lý không tốt cho những người mãn hạn tù trở về với xã hội và gây thiệt thòi cho chính bản thân họ và thị trường mất đi khoản vốn góp cuả những người này.

5. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vì xin phép đầu tư như hiện nay.

5.1. Nên đối xử hoàn toàn bình đẳng trong gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngành nghề kinh doanh và vốn đầu tư. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phải giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn trong quá trình họat động.

5.2. Chế độ cấp phép nên giao hết cho chính quyền địa phương. Trung ương chỉ nên quản lý nhà nước đối với việc cấp phép đó.

5.3. Nếu có sự thay đổi nói trên thì có thể xảy ra tình trạng sôi động trong môi trường đầu tư, các vấn đề phúc tạp khác có thể xảy ra nhiều hơn. Về phía cơ quan nhà nước cần phải có hệ thống pháp luật nhất quán, nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ phải được nâng cao, mối liên hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau như cấp trung ương và địa phương, cơ quan thuế và dấu và đăng ký kinh doanh ... cần phải thường xuyên liên tục, chặt chẽ để quản lý được tốt hơn.

6. Chỉ cho phép "tổ chức" mớiđược thành lập Công ty TNHH như hiện nay vì:

- Để đề cao trách nhiệm cá nhân tham gia họat động kinh doanh trên thị trường.
-Nếu cá nhân nào muốn thành lập doanh nghiệp thì chỉ được thành lậo doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty TNHH chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản tham gia góp vốn có tư cách pháp nhân. DNTT chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của mình và luật không quy định về tư cách pháp nhân. Thực tế hiện nay chịu trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn về tài sản của người thành lập doanh nghiệp rất quan trọng đối với người thành lập doanh nghiệp. Xem xét hai yếu tố này cho thấy thành lập Công ty TNHH sẽ lợi thế hơn rất nhiều với DNTN. Mặt khác Công ty TNHH do một thành viên do tổ chức thành lập có thể tổ chức đó kiểm tra giám soát họat động của doanh nghiệp thường xuyên và chặt chẽ hơn. Nếu Công ty TNHH do cá nhân thành lập thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất khó khăn trong việc quản lý họat động của doanh nghiệp này.

7. Về tiêu chuẩn đại diện theo uỷ quyền:

7.1. Nên quy định tiêu chuẩn của người đại diện theo uỷ quyền
7.2. Tuy nhiên, nên sửa khoản 2 điều 4a bỏ: "Có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Công ty"' thành có trình độ văn hoá...

8.Về tiêu chuẩn Giám đốc (Tổng giám đốc) Công ty TNHH

8.1. Nên quy định tiêu chuẩn. Quy định như mục 2 điều 53 là hợp lý, nhưng quy định tại điểm b mục 1 điều 53 trong bản dự thảo luật doanh nghiệp chưa hợp lý.
8.2. Điểm chưa hợp lý: Nên bỏ phần: Giám đốc (Tổng giám đốc) phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế tương ứng trong quản trị kinh doanh trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của Công ty.

Các văn bản liên quan