Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Xinh – Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Ba 14:37 31-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động, trước hết cơ bản tôi đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích. Trong kỳ họp trước đây tôi thấy hai lĩnh vực này nó đan xen vào nhau, nhưng lần này tôi cũng đồng ý phải tách nó ra để tạo một cơ chế giải quyết rõ ràng đối với mỗi loại tranh chấp góp phần hạn chế các cuộc đình công tự phát bất hợp pháp. Tuy nhiên tôi thấy chúng ta sửa đổi luật này để làm như thế nào để cơ chế giải quyết đình công cho nó rõ ràng. Nhưng mục tiêu của chúng ta làm sao chúng ta tạo ra một thị trường lao động ổn định để thu hút đầu tư, góp phần cho kinh tế đất nước phát triển. Ở đất nước ta cứ mỗi năm tăng trưởng kinh tế đều được Quốc tế đánh giá cao, ở trong nước cử tri cũng rất vui mừng, trong đó có nhiều yếu tố tạo thành đường lối của Đảng rồi luật pháp ngày càng hoàn chỉnh nhưng phải nói rằng sự đóng góp của người lao động rất lớn. Vì vậy, tôi thấy luật pháp của chúng ta làm như thế nào để phần sửa đổi này, trong tranh chấp lao động của chúng ta phải làm tốt tranh chấp để hạn chế đình công.

Qua nghiên cứu Mục 3 về thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Vì tranh chấp lao động cá nhân thì rõ ràng là đưa ra tòa án giải quyết, còn đình công có hay không có xảy ra thì từ việc tranh chấp lao động tập thể. Nhưng khi nghiên cứu ở Mục 3 này thì tôi cũng đồng ý với một số ý kiến của các đại biểu có ý kiến trước. Đây là Chương hết sức cụ thể, nhưng từ Điều 168 cho đến Điều 170a về thẩm quyền và trình tự khi tôi đọc, tôi thấy thẩm quyền không rõ, nhưng trình tự không rõ. Về thẩm quyền thì ở Điều 168 thì nói là "cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" thì đây là cơ quan nào cũng phải để cho rõ. Luật thì không thể chung chung. Những người làm công tác lao động đã lâu năm thì còn biết, chứ những người mới làm công tác lao động đọc thì người ta cũng không biết cơ quan thẩm quyền là cơ quan nào, Tòa án nhân dân cấp nào, đề nghị phải để rõ vào từng điều. Rồi thẩm quyền tới đâu? Tôi đọc, tôi thấy rõ ràng nói thẩm quyền và tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Nam ở Bình Dương là bây giờ tranh chấp tập thể về quyền nó qua các bước.

Bước thứ nhất, tập thể có thể chọn Hội đồng hòa giải ở cơ sở, hoặc hòa giải viên cấp huyện. Bây giờ hòa giải ở cơ sở thì 2 bên ngang nhau, nhưng khi tranh chấp 2 bên ngang nhau ai nói, ai nghe. Qua thực tế chúng tôi thấy rằng Hội đồng hòa giải ở cơ sở rất khó để hòa giải, vì mâu thuẫn giữa người lao động và người chủ rất khó được giải quyết, ai cũng muốn phần mình được. Vì vậy Hội đồng hòa giải ngang nhau rất khó giải quyết.

Bây giờ hòa giải viên cấp huyện, chúng tôi cũng đã làm việc với anh em, anh em nói bây giờ các nhà đầu tư trình độ người ta rất cao, người ta đưa luật sư đi theo, còn hòa giải viên ở cấp huyện theo Báo cáo Chính phủ gửi chúng tôi thì có 2.000 doanh nghiệp nhưng hòa giải viên không có. Tình trạng ở tỉnh chúng tôi, ở huyện trước đây là Phòng lao động thương binh và xã hội, bây giờ lại nhập là Nội vụ lao động thương binh và xã hội, thường các huyện lấy ông cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo, hay lấy ông phụ trách phòng, chống mại dâm, ma túy tức lấy ông cán bộ đó để kiêm thì ông nói rằng ông không tự tin, người ta không được đào tạo chuyên ngành, trong khi lĩnh vực lao động là một lĩnh vực hết sức phức tạp. Vì vậy ta nhìn vào ông hoà giải viên, người ta cũng đâu dám tin tưởng. Chính vì vậy, người được phân công cũng không làm được việc, mà người lao động cũng không mấy tin tưởng, vì người ta biết ông này có bằng cấp, có trình độ gì đâu mà làm. Cho nên cơ chế nếu đã ghi như thế này thì cũng tiêu chuẩn hoà giải viên như thế nào? người lao động cũng phải tính đến, nếu như luật thông qua như thế này thì cũng phải tính tới.

Thứ hai, về thẩm quyền thì trong Điều 170 có ghi là trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo Khoản1 và Khoản 2, Điều 165a. Bên Điều 165a, chúng tôi cũng thấy trình tự không rõ, trong khi trình tự của bên Toà án là Điều 177d, người ta nói trình tự rõ ràng là: Trình tự giải quyết cuộc đình công. Ở đây, tôi muốn nói đến trình tự thôi, mình bên kia cũng nói trình tự, bên đây người ta cũng trình tự, mà trình tự của người ta:

Một là Thẩm phán là Chủ toạ hội đồng trình bày, quá trình chuẩn bị gì đó.

Hai, đại diện của hai bên trình bày ý kiến.

Ba là Chủ toạ hội đồng yêu cầu gì đó.

Bốn là hội đồng giải quyết.

Trình tự người ta phải như thế. Còn bên đây nói trình tự, tôi tìm hoài mà tôi không thấy trình tự nó như thế nào, đọc xong người ta cũng khó hiểu phải làm cái gì, rồi bây giờ phương án tại phiên họp hoà giải hai bên phải có mặt, Hội đồng hoà giải hay Hoà giải lao động phải đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét, chuyện tranh chấp như thế đâu có dễ dàng, tự nhiên nghe hai bên đưa ra phương án, trình tự đưa ra phương án này như thế nào, nên tôi nói nó rất sơ sài trong việc mang tính chất chuyên môn. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì coi như thành lập biên bản là hoà giải thành, có hai bên ký, hai bên có nghĩa vụ chấp hành trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành, nếu hai bên không thực hiện thì được coi là hoà giải không thành, rất đơn giản. Như vậy, công sức bỏ ra hoà giải, hai bên ký thực hiện không thành thì nó trở thành hoà giải không thành, vậy thẩm quyền chỗ này như thế nào. Cho nên, nói như đồng chí Nam ở Bình Dương thôi thì bỏ, tranh chấp cá nhân thì được, còn tranh chấp lao động tập thể nên bỏ qua bước này, tranh chấp lao động tập thể là lên thẳng cấp tỉnh.

Bây giờ ở cấp tỉnh, chúng tôi cũng thấy là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vừa nãy có đại biểu nói mà tôi không nói phần trước là nên để rõ, nhưng chỗ này tôi cũng băn khoăn, bây giờ Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh thì để giải quyết hết tranh chấp về lợi ích. Còn tranh chấp về quyền thì cơ quan Nhà nước thẩm quyền, ở cấp tỉnh là cơ quan lao động rồi. Vậy thì ai giúp việc cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp lao động về quyền. Hội đồng trọng tài làm cái gì? Nên từ trước đến nay tranh chấp về lợi ích thì không có, bởi vì công nhân lao động chúng ta trình độ có hạn chế, người ta chỉ tranh chấp những cái trong pháp luật đã quy định mà chủ không thực hiện thì người ta tranh chấp. Còn người ta cũng chưa giám tranh chấp về lợi ích, lợi ích người ta cho được bao nhiêu cũng mừng bấy nhiêu, cái đó là thực tế. Cho nên tranh chấp lợi ích không có vì vậy trọng tài lao động thất nghiệp, thường bố trí làm công việc khác.

Bây giờ đối với Điều 170a này, ai giúp việc cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Giám đốc sở, Phó giám đốc sở ngồi đó, rồi ai giúp việc, trong đó thời hạn giải quyết không quá 5 ngày. Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền có mặt đại diện các cơ quan hai bên tranh chấp, trường hợp cần thiết mời các cơ quan Nhà nước thẩm quyền, công đoàn cấp trên, các cơ quan hữu quan, rất chung chung. Tôi nói đây là một hội đồng giải quyết rất quan trọng. Nếu giải quyết tranh chấp này tốt thì nó hạn chế đi đến đình công, nó mới thể hiện được cơ quan quản lý Nhà nước ở cấp tỉnh như thế nào. Trong khi đó Hội đồng trọng tài do Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập gồm các thành viên chuyên trách và kiêm nhiệm đại diện các cơ quan lao động, công đoàn, người sử dụng lao động, đại diện Hội Luật gia là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động tại địa phương. Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh có thể vừa giúp Sở Lao động giải quyết tranh chấp về lợi ích, giải quyết tranh chấp về quyền có được hay không? Nếu được thì đưa thẳng vào đây. Chứ không tôi ở Sở không biết mời ai, mời Phòng tiền công, tiền lương hay mời ai hay mời thanh tra. Bây giờ thanh tra an toàn lao động và thanh tra chính sách nhập làm một, mời ai? Cho nên rõ ràng đã trình tự và thẩm quyền thì phải ghi cho rõ để cơ quan chuyên môn người ta dễ thực hiện.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế hợp pháp khác để xem xét, xử lý đối với các vi phạm, thì vấn đề xử lý này phải theo trình tự của hành chính. Chứ để một từ "xử lý" như thế rất khó. Vì vậy tôi thấy phần của Mục 3 này ở những điều vừa trình bày thì viết lại cho rõ ràng, cho chặt chẽ. Cuối cùng, tôi kiến nghị để hạn chế đình công thì tranh chấp lao động phải giải quyết cho tốt. Tôi thấy mối quan hệ giữa Hội đồng hoà giải của cấp huyện, cấp tỉnh, mối quan hệ giữa các cơ quan có tính chất quyết định trong việc này. Theo tôi, tốt hơn nữa trong Quốc hội Khóa XII cũng nên xem xét, tính toán lại làm cho tốt, ta có một Bộ Lao động độc lập vì quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường rất phức tạp, hiện nay với một cơ quan đa ngành nó không liên quan tới nhau, nó là một khó khăn cho việc quản lý Nhà nước về lao động của cả nước, cũng như địa phương.

Các văn bản liên quan