Ý kiến của ĐBQH Phạm Thế Duyệt – Tỉnh Hải Dương

Thứ Ba 14:16 31-10-2006


Kính thưa Quốc hội.

Tôi cũng có nhược điểm là trong công việc thời gian qua ít có điều kiện đi sâu xuống cơ sở của các xí nghiệp, các doanh nghiệp, nhất là các vụ việc đã xảy ra ở các xí nghiệp đã đình công, nhưng tôi cũng dự thường xuyên các cuộc họp của Ban Chấp hành Tổng công đoàn, có lẽ tôi là cán bộ công đoàn cũ cho nên các đồng chí báo lúc nào là sang họp lúc đấy, nên cũng nghe được nhiều phản ảnh thực tế của anh em trong các việc công nhân đình công ở các nơi.

Tôi chưa nói vấn đề cụ thể, thấy văn bản ở đây sửa sang thì tôi thấy các đồng chí đều thận trọng và đều có cách suy nghĩ để chọn những phương pháp thể hiện, những giải pháp, những quản lý, cách xử lý giải quyết, tôi thấy chắc chắn các đồng chí đều có cân nhắc. Nhưng tôi suy nghĩ nhiều là bây giờ chúng ta bổ sung luật này ra thì nó có đúng là đáp ứng được ngay những vấn đề đang xảy ra ở dưới, ta cần phải giải quyết không thì tôi hơi băn khoăn chỗ này. Nguồn gốc đình công hiện nay nhất định nó ở hai phía, một là giới chủ, hai là công nhân, không khuyết điểm ở phía này thì ở phía kia, nhưng phải khẳng định rằng khuyết điểm ở giới chủ là chính, phải cho nó rõ ràng như thế để có cách đặt vấn đề, từ tiền lương thấp, kéo dài thời gian lao động một cách vô tội vạ có lúc 12, 13 tiếng chứ không phải là bình thường, việc làm nặng nhọc, không có chăm sóc như các đồng chí đã nói bảo hộ lao động nóng, độc hại, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội ở đây kể cả các doanh nghiệp Nhà nước có những nơi không nộp bảo hiểm cho công nhân, chúng ta cũng không giải quyết tận gốc.

Vấn đề nhà ở, vấn đề đi lại của công nhân, ví dụ Đồng Nai có những công ty có mười mấy nghìn công nhân điều kiện ăn ở, điều kiện này khác như thế rất khó khăn, một điều nữa không kém phần quan trọng là đối xử của giới chủ với công đoàn, đối xử với công nhân, xúc phạm có, đánh đập có, nó gây bức xúc để nó lấy phiếu, lúc đã bị bức xúc thì cái đó không bao giờ chờ việc đi làm thủ tục hành chính đâu. Khi tôi làm Bí thư Hà Nội, tôi đã cùng với anh Nguyễn Văn Tư xuống lập Công đoàn như ở HaNel 900 công nhân, 1500 công nhân, phải nói thẳng là đất nước này công nhân có thể khó khăn còn chịu được nhưng bị xúc phạm thì đừng có dễ mà có thể chấp nhận được. Cho nên các vị mà quản lý nhất là người Hàn Quốc hay nóng nảy phải điều chỉnh, phải chú ý, phải nói thẳng thắn, đặt vấn đề đến nơi, đến chốn những việc ấy. Tôi nghĩ chỗ này cũng đáng suy nghĩ để chúng ta đề ra những vấn đề cho nó thật thiết thực, đấy là ý chung tôi báo cáo như vậy.

Ý thứ hai, trong giải quyết vấn đề tranh chấp, tôi thấy có các đồng chí đề ra nhiều Hội đồng hoà giải, toà án này khác. Nhưng tôi quan tâm một là tổ chức công đoàn, trong đó có công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên. Hai là chính quyền. Chúng ta không thể thoát được cơ quan quản lý lao động rồi cơ quan hành chính Nhà nước ở tất cả các địa phương. Ba là đòi hỏi giới chủ phải có trách nhiệm trực tiếp nghe và giải quyết ngay. Chỗ mà giải quyết vấn đề tranh chấp tôi cho rằng những việc phải cho rõ chỗ đó. Ở đây công đoàn tôi thấy còn nhiều bất cập lắm, không dễ đâu. Quyền của công đoàn là kinh tế bị lệ thuộc, hoặc là không có điều kiện để hoạt động, quyền chính trị của công đoàn không được rõ ràng đối với giới chủ, không được rõ ràng trong hệ thống tương đối trong cơ quan quản lý, kể cả có tổ chức Đảng, nó phải cho rõ ràng thì anh em mới phát huy được. Chứ không nói tổ chức công đoàn thế thôi, cũng ngồi, đứng lắng nghe xem trên bảo thế nào, cấp uỷ bảo thế nào, hướng dẫn thế nào. Không biết anh Tùng với chị Hậu có đồng ý với tôi, nhưng chúng ta nhiều nơi bây giờ còn rất khó.

Chưa nói rằng các doanh nghiệp của tư nhân thì hầu như đại bộ phận là chưa có công đoàn, 50%, 60%, 70% là chưa có công đoàn. Ở đây các đồng chí còn nói là công đoàn lâm thời, cử đại diện thì không biết ai cử đại diện lúc bấy giờ, ai lãnh đạo để cử đại diện. Chúng ta đề như thế nghe có vẻ hài hoà, hợp lý nhưng làm gì có chuyện hàng nghìn người ở đấy, công nhân nhao nhao như thế, công đoàn không có, ai đi ra cử đại diện, là ai đây? Không biết thực thi của nó như thế có được hay không? Tôi đề nghị các đồng chí quan tâm vấn đề đó, xem xét, bổ sung.

Ý kiến thứ ba, tôi quan tâm là vì sao, một số tỉnh thành phố cũng thông cảm với tôi, tôi không có ý gì nói về trách nhiệm hay này khác đâu, nhưng tôi muốn nói là vì sao một số tỉnh hay xảy ra đình công. Còn nhiều tỉnh cũng có, kể cả tư nhân, kể cả người nước ngoài, nhưng ít xảy ra. Đây cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ về sự lãnh đạo của chúng ta, vì chúng ta khác với bản chất của tư bản, vì tư bản thì ở đâu cũng giống nhau hết, mà chúng ta ở đây thì dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Nếu mà không có từ những cái gốc, từ cái căn bản này thì chúng ta không dễ gì giải quyết được. Tôi xin đề nghị ở chỗ đó, đối với các tỉnh, nhất là Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, các đồng chí thấy Quốc hội quyết định sửa, bổ sung một số điều như thế này thì nay mai nó có vợi đi không, có bớt đình công không? hoặc có xảy ra đình công và giải quyết sẽ được ngay hay không? Tôi hơi băn khoăn về vấn đề làm thế nào thì làm nhưng Quốc hội đã đề ra cái gì thì phải có hiệu lực cho thật rõ. Đấy là điểm thứ ba tôi đề nghị.

Điểm thứ tư, tôi đề nghị là dứt khoát phải quan tâm nhiều, cấp Ủy Đảng ở cơ sở, Công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý thuộc ngành dọc v.v... các đồng chí nói đến công đoàn huyện, công đoàn này khác thì tôi đều đồng tình cả. Nhưng thực ra có những công đoàn, có những doanh nghiệp, hay công ty nó hoàn toàn là của công đoàn ngành dọc quản lý, chứ anh em ở huyện rất ít hiểu biết, có thể gần như không có quản lý công đoàn giáo dục, một số công đoàn có tính chất cơ quan hành chính, còn đi vào các lĩnh vực, trông mong vào chuyện để giải quyết đối với những công ty lớn thì rất khó khăn. Tôi cũng xin quan tâm cái đó để các đồng chí xem xét để giải quyết cho nó phù hợp. Cuối cùng, tôi chỉ đề nghị một lần nữa là những vấn đề này các đồng chí viết ở trong văn bản thì tôi không dám có ý kiến gì, nhưng tôi vẫn cứ suy nghĩ là với bản chất của chế độ ta, với điều kiện xây dựng giai cấp công nhân, Đảng nhận Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, những vấn đề này nó sâu sắc lắm, cho nên vấn đề đặt như thế nào? luật pháp đặt ra, bổ sung, rồi giải quyết từng bước một như thế nào cho nó hoàn chỉnh, thì vừa là cái trước mắt, nhưng vừa là cái lâu dài. Chúng ta cần phải nghiên cứu, xem xét cho nó kỹ lưỡng, chứ không giải quyết từ gốc mà cứ giải quyết từng việc, từng việc, hoặc là giải quyết những vấn đề không cơ bản, thì chắc chắn chúng ta không dễ gì giải quyết được.

Các văn bản liên quan