Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết – Tỉnh Yên Bái

Thứ Ba 14:33 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tọa kỳ họp, tôi xin phát biểu ngắn, những vấn đề gì đồng ý tôi xin đồng ý luôn.

Trước hết, về phạm vi sửa đổi bổ sung của luật, tôi nhất trí là trước mắt tập trung sửa đổi Chương XIV, lý do cũng đã nêu rồi. Thứ hai, xin đề nghị Chính phủ khẩn trương sửa toàn diện Bộ luật Lao động trong thời gian gần nhất.

Thứ hai, phân định khái niệm về tranh chấp lao động tập thể, tôi nhất trí theo loại ý kiến thứ hai, cần có phân định tranh chấp lao động tập thể thành hai loại. Những lý lẽ được nêu lên trong vấn đề này rất là rõ, tôi hoàn toàn đồng tình.

Về thẩm quyền lãnh đạo đình công, tôi nhất trí đối với doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn lâm thời sẽ tổ chức lãnh đạo đình công, những nơi không có thì là đại diện của người lao động. Một vấn đề tôi băn khoăn là trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu lên: tổ chức lãnh đạo đình công nhưng phải thông báo với công đoàn cấp quận, huyện hoặc tương đương. Trong giải trình tiếp thu thì như vậy, nhưng trong các điều luật không thể hiện vấn đề này. Tôi tìm mãi nhưng không thấy đại diện của người lao động báo cáo hay là thông báo với tổ chức công đoàn cấp trên ở quận, ở huyện và tương đương ở chỗ nào. Đây là các đồng chí chưa bổ sung vào đây, nhưng trong giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có tiếp thu có bổ sung. Cho nên xin đề nghị rà soát lại.

Ở đây có ghi ít nhất là 5 ngày trước ngày đình công Ban chấp hành công đoàn, đại diện lao động tập thể phải cử người đại diện nhiều nhất là 3 người để trao một bản yêu cầu cho người sử dụng lao động, đồng thời gửi một bản cho cơ quan lao động cấp tỉnh, một bản cho Liên đoàn lao động cấp tỉnh và một bản cho đại diện người sử dụng lao động cấp tỉnh. Đại diện người sử dụng lao động cấp tỉnh, tôi chưa rõ ai là đại diện cho người sử dụng lao động cấp tỉnh. Xin đề nghị làm rõ. Hai nữa là cơ quan lao động cấp tỉnh, có lẽ ở đây nên ghi cho đầy đủ là cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở cấp tỉnh cho nó rõ.

Ở đây một vấn đề đặt ra là trong thời gian vừa qua đình công tôi cũng nhất trí với một số ý kiến đã phát biểu trước. Thực tế như vậy có nơi vì có công đoàn, vì có lý do khác nhau cho nên không tổ chức đình công, mặc dù quyền lợi của người lao động bị vi phạm. Như vậy nếu người ta có tổ chức đình công. Nếu chiểu theo luật này rõ ràng nó sẽ bất hợp pháp. Cho nên xử lý, giải quyết vấn đề này như thế nào ở những nơi có tổ chức công đoàn, nhưng không hoạt động, coi như không, nhưng quyền lợi của người lao động bị xâm hại thì chúng ta phải có một cách để xử lý ở chỗ này để có thể bảo đảm, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Về hình thức và đối tượng để lấy ý kiến đình công, tôi nhất trí loại ý kiến thứ ba được chỉnh lý trong dự thảo, tôi thấy như vậy cũng hợp lý và khả thi.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bị Toà án tuyên bất hợp pháp, tôi nhất trí. Tôi tán thành luật nên có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất trong trường hợp đình công bất hợp pháp và quy định như vậy phù hợp với nguyên tắc ai có lỗi phải bồi thường và bảo đảm được sự bình đẳng giữa hai bên trong quan hệ lao động.
Ở Khoản 3, Điều 174, đề nghị quy định có thể ở đây chúng tôi cũng thống nhất với một số ý kiến đã phát biểu trước, nên quy định ngày nó ngắn lại, để quá trình ở đây là 3 ngày, không nên quy định là 5 ngày, tôi cũng nhất trí với một số đại biểu đã phát biểu trong Điều 160, Khoản b quy định rất rõ về nghĩa vụ của hai bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, tức là nghiêm chỉnh chấp hành các thoả thuận đã đạt được. Sang đến Điều 165a thì lại mở ra, tức là thời hạn 15 ngày, kể từ ngày biên bản hoà giải thành thì hai bên không thực hiện những nội dung trong biên bản, được coi là hoà giải không thành, điều này lại khuyến khích không thực hiện việc đã hoà giải thành. Cho nên, ở đây, tôi đề nghị nên có thiết kế lại để làm sao những hoà giải mà nó thành thì nó thành nguyên tắc, nghĩa vụ để thực hiện.

Xin báo cáo các đồng chí là đồng chí Phạm Quý Tỵ, đoàn Hà Nội, lúc nãy do công việc bận, cũng có trao đổi một số ý nhờ tôi nói giúp, ở đây vì vẫn còn thời gian, đồng chí có đề nghị là bổ sung thêm nguyên tắc hoà giải trong giải quyết tranh chấp.

Điều 158 có nguyên tắc hoà giải về giải quyết tranh chấp, nhưng đối với việc Tòa án giải quyết thì có coi đây là một nguyên tắc hay không? Trong pháp lệnh là khi tòa án giải quyết thì việc hòa giải cũng là một nguyên tắc, cho nên đồng chí có đề nghị bổ sung về hòa giải là một trong những nguyên tắc khi tòa án giải quyết tranh chấp thì cũng xin đề nghị như vậy. Đề nghị bổ sung thêm một điều về thẩm quyền của tòa án áp dụng biện pháp tạm thời khi giải quyết đình công, vì trong Pháp lệnh giải quyết tranh chấp lao động cũng quy định về vấn đề này, hơn nữa, trong quá trình đình công có thể xảy ra hành vi quá khích, có thể gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Trong Pháp lệnh có quy định điều này thì trong Luật có nên đưa việc tòa án có thể áp dụng những biện pháp tạm thời khi giải quyết đình công không?

Các văn bản liên quan