Trích ý kiến ĐBQH Trương Quang Được – Phó chủ tịch Quốc hội

Thứ Ba 14:25 15-08-2006

Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch chủ trì.
Kính thưa các đồng chí.
Tôi xin có một số ý kiến, thực ra vấn đề này rất khó, bởi có những việc chúng ta đáng phải bàn nhưng chưa bàn xong và chưa có những kết luận cơ bản. Ví dụ những Nghị quyết về giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Tôi còn nhớ cách đây 5 năm đã bàn để ra Nghị quyết về giai cấp công nhân Việt Nam, bên Tổng liên đoàn, bên Mặt trận Tổ quốc, bên Chính phủ cũng rất nhiều dự thảo. Nhưng cuối cùng đặt lên bàn của Bộ Chính trị và của các cơ quan mà chưa kết luận được. Có một điểm thấy rất rõ là từ 1 hệ thống công nhân đồng nhất về tổ chức, về quyền lợi thì trong cơ chế mới nó đang chuyển sang một hệ thống mà ta hay nói là trong đó lớp công nhân có khác nhau cả về tổ chức, cả về quyền lợi, có khác nhau, không đồng nhất. Vì vậy tại sao những chính sách của Chính phủ chúng ta nêu ra, ví dụ về lương tối thiểu lại áp dụng được chỗ này lại không áp dụng được chỗ kia, hoặc lại dùng cho công nhân trong quốc doanh, trong Nhà nước, áp dụng cho các tổ chức công nhân xí nghiệp đầu tư nước ngoài và xí nghiệp tư nhân. Tại sao bây giờ lúng túng cứ kéo dài, không đặt vấn đề này ra là chính cái không đồng nhất hiện nay. Từ đó vấn đề tổ chức công đoàn, tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn thanh niên cũng đang rất lúng túng, tôi xin nói thật với các đồng chí. Làm sao dần dần để tạo được sự đồng nhất cho nên khi nói đến luật hay điều trong luật về đình công thì phải thấy cho được bản chất của việc đình công là gì. Bởi trong giai đoạn hiện nay một nhà máy được phép hoạt động tại Việt Nam thì ở đó biểu hiện 3 lợi ích xen kẽ nhau.
Một là lợi ích chung của Nhà nước về việc đầu tư phát triển kinh tế nói chung mà nó đã có luật, bất cứ thành viên nào trong nhà máy đó đều phải nhận thức cho được điều đó.
Hai là lợi ích của giới chủ là người đầu tư vào, người có vốn đưa vào.
Ba là lợi ích trực tiếp của người lao động.
Ba lợi ích này xen kẽ nhau, vậy đình công thì sẽ có ảnh hưởng cho cả 3 lợi ích này và nó tác động ngược xuôi, không phải chỉ có một chiều. Vì vậy khi quy định việc này phải đứng ở chỗ nào quy định mới được, chứ không bây giờ tôi thấy khá lúng túng ở chỗ là chúng ta không biết đứng vào chỗ nào cho thật rõ ràng để phân biệt, nên quy định vẫn cứ lúng túng là như vậy.
Bênh vực lợi ích công nhân, đúng quá rồi, nhưng có cái nếu đình chỉ sản xuất, giới chủ có bị thiệt thòi, nhưng Nhà nước có bị thiệt thòi không? Nhà nước bị thiệt thòi thì cái thiệt thòi của Nhà nước nó có ảnh hưởng lại thiệt thòi của giai cấp công nhân nói chung không. Rõ ràng là có chứ không phải không, nếu đình công thì ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích nào đó của giới chủ mà Nhà nước ta đã có cam kết cho họ có quyền làm mà không bênh vực lợi ích cho người lao động thì không được, trái cả về mục đích và mục tiêu của chúng ta, cả về quan điểm. Cho nên, tôi thấy phải nghiên cứu thật kỹ, tôi vẫn thấy lúng túng ở chỗ những điều kiện chúng ta đặt ra chưa được rõ ràng, rất khó thực hiện. Tôi lấy ví dụ thế này, bây giờ lương tối thiểu, anh Đồng nêu sắp tới đây có lương tối thiểu, tính toán như thế nào là cả một bài toán không đơn giản mà phải làm sớm, như các đồng chí thấy lương tối thiểu quá thấp rồi. Ta lấy lương tối thiểu của một lớp công nhân đang trong doanh nghiệp Nhà nước hay nói cách khác nó có một hệ thống đã 30-40 năm nay để áp dụng cho cả hệ thống công nhân ngoài quốc doanh thì làm sao được. Vì vậy sự đấu tranh này đừng có lầm lẫn là họ đấu tranh như vậy là họ chống lại Nhà nước. Theo tôi không phải hoàn toàn như thế, không phải chống lại Nhà nước, trừ một số trường hợp có sự dật dây của những tổ chức công đoàn trong nháy nháy, công đoàn vàng trong nháy nháy hoặc của những phần tử xấu tác động vào, trừ một vài trường hợp đấy còn đại bộ phận là không phải đấu tranh để chống lại lợi ích của Nhà nước.
Tôi đề nghị những điều kiện là chúng ta nên cho nó thực thi và tạo ra điều kiện cho người lao động có thể cất được tiếng nói của mình lên. Bởi vì họ không có cách nào nói hơn là bằng thể hiện hành động.
Ý thứ hai, ai sẽ tổ chức những cuộc đình công này? Tôi muốn nói ai tổ chức những cuộc đình công này chứ không phải ai lãnh đạo cuộc đình công này. Ở trong nước ta thì chỉ có một Đảng lãnh đạo, trong đó bao gồm cả giai cấp công nhân những người lao động cũng được sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên tôi nghĩ thu lại chữ "ai tổ chức" cái này còn lãnh đạo theo tôi bất cứ tổ chức nào được giao đều phải tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng mà nó thể hiện rất rõ qua luật pháp Nhà nước thì mới được, nếu không sẽ rất lung tung.
Tôi thấy trong Luật doanh nghiệp ta bắt đầu đổi mới, ta đã mở ra điều kiện cho công đoàn và các tổ chức quần chúng được tổ chức hoạt động, đây là một đổi mới. Chúng ta cũng nhận thấy rằng trước đây trong pháp luật chúng ta không đặt ra là một chỗ trống, chính vì thế cũng có thời gian khá dài các tổ chức công đoàn không vào được, kể cả tổ chức Đảng cũng không vào được. Bây giờ có luật mới rồi chắc chắn có sự thay đổi, các đồng chí nói tôi thấy rất đúng là phải đổi mới cả tổ chức, hoạt động của Đảng, đổi mới cả tổ chức hoạt động của công đoàn thì mới có thể vào được còn nếu như hoạt động cũ thì không vào được. Vì vậy nếu nói là đại diện cho người lao động ta nói danh nghĩa thì được nhưng thực tế thì cũng chưa phải, có khi có nơi họ chưa chấp nhận đâu.
Vì vậy trong luật của chúng ta theo tôi là mở một hướng để cho họ hướng về công đoàn nhưng không khẳng định ngay, không khẳng định dứt khoát, vì nếu như thế thì sẽ có những nơi không có ai làm việc này cho người lao động cả. Cho nên có tổ chức công đoàn đại diện được cho lợi ích thì tốt quá nhưng không có cái đó hoặc có mà chưa đại diện được thì chính người lao động người ta phải cử đại diện của họ. Tôi nghĩ như thế là đúng mà dần dần phải có một tổ chức vì nếu không sẽ là tự phát, tự phát thì không sót chỗ này thì sót chỗ khác. Xưa nay chúng ta nói đấu tranh mà tự phát dễ thất bại, không sai về luật thì sai về cái này, cái kia, cuối cùng người lao động bị thiệt thòi nhiều.
Vì vậy, tôi đề nghị trong soạn thảo sau khi các đại biểu tham gia ý kiến có thể phải xem xét thêm, nhất là những điều kiện làm sao đó để nó thực thi hơn. Người lao động đúng như các đồng chí nói, 8 tiếng, 10 tiếng ở trên máy xong rồi về, không còn cách nào khác, anh Đồng ạ, ở đây còn nhiều cái chúng ta phải nói, tôi nói ví dụ lợi ích của người lao động ở nhà máy đó nằm trên tỉnh đó, họ còn hưởng phúc lợi do nguồn lợi lao động của họ nộp vào trong ngân sách Nhà nước. Vì vậy, ngay trên địa bàn đó họ được hưởng những lợi ích mà chính quyền địa phương đó có trách nhiệm đem đến cho họ hoặc phải giải thích cho họ để họ được hưởng, nhưng cái này gần như rất ít lưu ý. Chính vì vậy, chỗ ăn ở của những người lao động đó có ai lưu tâm lắm, gần đây kêu lắm, nếu nói nhiều thì mới có đặt vấn đề chứ có ai lưu tâm đâu, tưởng rằng họ lĩnh mấy đồng lương trong nhà máy đó là xong, đâu phải, thuế của nhà máy ấy nộp chính là một phần lợi ích công cộng của họ quay trở lại để cho họ được hưởng, chúng ta chưa lưu ý việc này. Tôi thấy phải hết sức lưu tâm. Thời gian ít có lẽ để kết luận, vì hôm nay mới dàn ra thôi, chưa tóm lại được đâu, cho nên tôi xin phát biểu như thế.

Các văn bản liên quan