Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật

Thứ Ba 14:15 15-08-2006

Kính thưa các đại biểu,
Trước hết là tôi cũng rất hoan nghênh việc chỉnh lý nội dung mà đại biểu Quốc hội đã thảo luận trong kỳ họp vừa rồi. Thú thực cho đến nay tôi chưa yên tâm về cơ chế đình công như đã xử lý. Nhìn lại thì thấy Bộ luật lao động của chúng ta từ những năm cuối năm 80 và đầu những năm 90, chúng tôi nhớ thời bấy giờ chỉnh lý dự thảo luật này còn ngồi trên máy bay chỉnh lý. Thời kỳ đó chúng ta mới ở thời kỳ đầu của đổi mới và mới tiếp cận vào nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, doanh nghiệp dân doanh chưa phát triển, doanh nghiệp Nhà nước chiếm nhiều, doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, đời sống giá cả khác, đặc biệt riêng vấn đề đình công là chúng ta hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Phải thú thực những quy định trong Bộ luật lao động như vậy.
Vấn đề thứ hai, về nhận thức của chúng ta từ đó đến nay vẫn chưa coi đình công là quyền cơ bản của người lao động, cũng không coi đó là vũ khí của người lao động để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, cũng chưa xem đó như là một hiện tượng phổ biến, hiện tượng bình thường, có lao động, có tranh chấp là có đình công, chúng ta đến nay vẫn xem như là một yếu tố bất ổn định, nó mới ảnh hưởng, chi phối toàn bộ xử thế của chúng ta.
Nó còn có một vấn đề nữa là chúng ta vẫn đang nghiêng về việc bảo vệ lợi ích cho Nhà nước, trên cơ sở gắn với lợi ích của doanh nghiệp, nó có vấn đề như vậy. Cho nên, hành xử của Nhà nước chúng ta, xem nó là một yếu tố bất ổn định, xem đó như một cái gì lo là không tăng trưởng được. Cho nên, khi chúng ta né tránh và không can thiệp vào những hành vi không chấp hành pháp luật của giới chủ, của người sử dụng lao động, những chuyện đánh công nhân, đánh người, rồi làm tăng giờ, những chuyện đó xúc phạm đến người lao động. Ở nước ngoài cảnh sát người ta đến ngay, ở nước ngoài người ta kiện ra toà vì đấy là quyền con người, còn của chúng ta báo chí đưa lên chẳng ai nói, cũng xem như chuyện đã qua rồi, cũng có những đồng chí xót xa, nhưng chỉ dừng lại ở sự xót xa. Đời sống của người lao động làm ở khu vực FDI cũng thế, mấy chục năm trời chúng ta để một mức lương tối thiểu như vậy, đâu có được, nhưng kiến nghị đi, kiến nghị lại không làm.
Cho nên, chúng ta không kịp thời xem xét, giải quyết những chính sách pháp luật liên quan đến người lao động, bảo đảm tối thiểu đối với người lao động như anh Đồng nói, chị Thu nói, cố hỏi như vậy dường như chúng ta đứng ngoài Nhà nước, còn bộ máy Nhà nước còn đang đứng ngoài, trước những hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi vi phạm về nhân phẩm đạo đức của người lao động.
Còn về phía người lao động có một thực tế đúng như anh Đồng nói cũng chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ cả về mặt trình độ, tri thức, cả về ứng xử văn hóa và không được bảo đảm nhu cầu tối thiểu. Cho nên cơ chế đình công chúng ta đưa trong này tôi xin không phát biểu vào đây, sự thật là tôi băn khoăn, cơ chế đình công này không dung nạp được, anh Lợi phân tích rồi, tôi tán thành với điều như vậy, nó không dung nạp được từ việc phân định quyền, lợi ích. Thế nào là quyền, thế nào là lợi ích, khái niệm tiếng Việt nó không phải như vậy mà Tây nó cũng thế. Cách phân định trong này không được.
Hai là những vấn đề xung quanh hội đồng hòa giải đặc biệt là cách tổ chức công đoàn của chúng ta hiện nay. Công đoàn ăn lương của họ, đời sống của công đoàn phụ thuộc vào người ta, anh bảo là đứng ra tổ chức đình công đâu có chuyện dễ, rồi lại bảo chúng ta đi lấy phiếu, lấy phiếu lúc nào. Đến bỏ phiếu tín nhiệm Quốc hội cũng còn chưa làm được mà lại bảo người lao động với trình độ, năng lực như thế mà lại bảo đi lấy phiếu gom nhặt cho đủ lượng phần trăm, tôi thấy những cái này chúng ta hơi duy ý trí, hệ thống Tòa án, chúng ta nói là hệ thống Tòa án rất quy mô, Tòa án chúng ta tổ chức hiện nay giải quyết vấn đề dân sự, hình sự còn đang lừng khừng làm sao mà tổ chức Tòa án phúc đáp được yêu cầu của đình công được, trong khi chưa có hệ thống Tòa án chuyên trách về đình công, người ta có tổ chức Tòa án về đình công, chuyên làm việc ấy. Rồi về người lao động, tinh thần chấp hành pháp luật từ phía người lao động, người sử dụng, rồi thái độ Nhà nước như lúc nãy tôi phân tích.
Chúng tôi đồng ý cơ chế đình công tất nhiên trong xu hướng hội nhập cũng không nên khác quá. Nhưng nó không phù hợp với chúng ta về toàn bộ, bộ máy như thế. Tôi đề nghị nếu, tôi cũng không bàn lùi đâu, nhưng sự thực nếu mà chúng ta cứ bảo thôi để chấp hành Nghị quyết Quốc hội sửa cho đúng với tinh thần, thì sự thực nó sẽ không đi vào cuộc sống. Tôi đề nghị dừng việc này lại và sửa một cách cơ bản Bộ Luật lao động cho nó đồng bộ với thể chế khác, với những văn bản pháp luật khác thì mới làm nổi và đồng thời chúng ta có những bước cải cách. Còn nếu cơ chế này tôi thấy nó không ổn.

Các văn bản liên quan