Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Ba 13:42 15-08-2006

Tôi thường phát biểu cuối, nhưng đối với dự án luật này tôi thấy bức xúc quá thành ra đăng ký sớm một tý. Không phải đến hôm nay mới thấy bức xúc, mà quá trình vừa rồi theo dõi tình hình thì thấy đúng là có những vấn đề rất bức xúc mà nó chạnh lòng cho nên hôm nay tôi xin phát biểu.
Trước hết, tôi thấy vấn đề lớn là vấn đề phạm vi. Bộ luật lao động chúng ta ban hành năm 1994 đến năm 2002 có 1 lần sửa đổi, sau 4 năm bây giờ lại có sửa đổi lần nữa. Những lần sửa đổi đó chúng ta đều lấy tên của nó là sửa đổi, bổ sung một số điều, thông thường một bộ luật mà đã áp dụng trong 14 năm thì xứng đáng được thay bằng một Bộ luật khác hoặc sửa đổi một cách cơ bản. Đến Bộ luật này chúng ta thấy chỉ sửa đổi một số điều và tập trung vào đình công thôi, lý do nêu ra thấy cũng rất xác đáng đó là nếu sửa đổi một cách cơ bản thì cần phải có thời gian. Vì cần có thời gian nghiên cứu, rà soát, đánh giá, câu đó nghe rất phổ thông, lâu nay chúng ta đã dùng trong nhiều luật sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng đối với luật này chúng ta cũng tiếp tục sử dụng công thức đó thì có đích đáng không. Vì không ai cấm chúng ta cả, thời gian là 14 năm thi hành rồi, một lần sửa đổi rồi thì tại sao bây giờ vẫn dùng công thức là sửa đổi vì không có thời gian, tôi nghĩ rằng lý do đó không chính đáng. Vì vậy cần xem xét lại sự quan tâm của chúng ta đến Bộ luật lao động cũng là sự quan tâm của chúng ta đối với một giai cấp mà chúng ta thường nói là lãnh đạo trong xã hội của chúng ta.
Tôi thấy ở đây còn có vấn đề lớn cần phải xem xét, nhất là chúng ta liên hệ với những con số chẳng hạn như tại sao đến bây giờ 85% doanh nghiệp dân doanh không có công đoàn và nước ngoài có đến 65% không có công đoàn. Vai trò lãnh đạo của chúng ta đến đâu, Tổng liên đoàn lao động đến đâu, tại sao để cho các doanh nghiệp, cho người lao động Việt Nam vì đây với số lượng như thế tức là chiếm hơn một nửa số người lao động của xã hội lao động của chúng ta lao động trong các tổ chức doanh nghiệp không có tổ chức để bảo vệ lợi ích của mình. Hay chúng ta cứ để cho nó tự phát đến 50 năm sau được bao nhiêu cũng được à. Chúng ta đã có Luật Công đoàn ban hành cách đây hơn 10 năm rồi và đã có một lần sửa đổi. Tôi đề nghị bây giờ cần phải xem xét lại luật này, không chỉ xem xét Bộ Luật lao động mà phải xem xét lại cả Luật công đoàn nữa. Để thấy được vị trí lập tổ chức này để tập hợp người lao động, để bảo vệ quyền lợi của họ, giác ngộ họ.
Ở đây có vấn đề tức là tổ chức công đoàn muốn được thành lập trên cơ sở tự nguyện nhưng chúng ta hiểu tự nguyện như thế nào? vào Đảng cũng phải tự nguyện nhưng tại sao cấp chi bộ được phân công những Đảng viên của mình để theo dõi giúp đỡ những người có cảm tình với Đảng để dần dần bồi dưỡng họ thành Đảng viên dự bị, Đảng viên chính thức. Bây giờ cứ để cho họ tự phát trong một doanh nghiệp như thế rồi đến đâu hay đấy hay là chính tổ chức công đoàn phải bằng cách nào đó, trong điều kiện hiện nay không ai hạn chế cả làm thế nào để dần dần từ đó có những công nhân tiên tiến, công nhân có nhận thức rõ ràng về giai cấp của mình và từ đó họ tổ chức công đoàn để làm việc tối thiểu bảo vệ quyền lợi của mình cũng chưa nói là lãnh đạo ai cả. Tôi nghĩ đây là vấn đề không phải là vấn đề đình công mà là vấn đề trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với giai cấp công nhân, đối với người mà mình đang tự nhận là người đại diện của họ.
Tôi đề nghị do tình hình như thế chấp nhận sửa đổi một số điều lần này nhưng ngay từ hôm nay, bởi vì ta đây chỉ là Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thôi chứ không phải là hội nghị chính thức của Quốc hội, ra Quốc hội sắp đến cũng phải đặt ra vấn đề trong một thời gian rất ngắn phải sửa đổi một cách cơ bản Bộ luật này. Hơn thế nữa tôi đọc lại Tờ trình vừa rồi trình ra Quốc hội thì cũng tập trung nói về chỗ này mà không đề cập tới vấn đề gọi là hội nhập, là toàn cầu hóa, trách nhiệm chúng ta và cả quyền của chúng ta sắp đến tham gia vào tổ chức thương mại thế giới. Đặt ra những vấn đề gì cho giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, vì theo tôi biết khi chúng ta hội nhập vào tổ chức này, thì đồng thời một loạt những chính sách phải sửa đổi. Một trong những vấn đề cơ bản đó chính là lương tối thiểu của người lao động, vừa rồi tôi nói chạnh lòng là tôi xin thưa với các đồng chí tôi có chuyện, tôi không nhớ ngày tháng nhưng có việc một loạt doanh nghiệp ở Hải Phòng đình công và không có tổ chức. Cho nên đặt ra vấn đề tính hợp pháp và những cuộc đình công đó, có một vị đại diện cho một doanh nghiệp nói rằng nếu bây giờ công nhân đòi tăng lương tối thiểu và chúng tôi cũng tăng lương như thế đều hợp pháp. Vì Luật của chúng ta lương tối thiểu chỉ có 350 ngàn, như thế có nghĩa người ta lấy lý do, lấy pháp luật để chống lại lợi ích đó, lợi ích của người lao động.
Chúng ta hình dung rằng lương tối thiểu bây giờ 350 ngàn thì sống như thế nào, có đủ tiền để đi lại không, nhưng chúng ta vẫn duy trì nó và bây giờ đó là một trong những căn cứ để những người lãnh đạo doanh nghiệp người ta lấy cớ để người ta không tăng lương. Tôi có cảm giác ông đại diện cho doanh nghiệp này giải thích thì ông cười thầm trong bụng là pháp luật của anh như thế đấy. Cho nên ở đây tôi thấy cả trách nhiệm của Quốc hội chúng ta nữa. Vì theo Bộ luật Lao động, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chúng ta có quyền ban hành những văn bản để hướng dẫn việc giải quyết tranh chấp. Năm 1996, sau 2 năm thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động, nhưng lúc bấy giờ còn mới quá cho nên vấn đề này chưa được đề cập, từ đó đến nay chúng ta đã sửa đổi chưa. Tôi xem lại danh sách Pháp lệnh được công bố cho đến tháng 6 vừa rồi thì chưa có, có nghĩa là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chúng ta, cũng là Quốc hội chúng ta chưa nhạy bén đối với tình hình này, để cho một bộ phận lớn như thế, các tổ chức công đoàn không được thành lập ở các doanh nghiệp, để rồi người lao động lấy lao động mà không có người đại diện của mình, xem đó là một tình hình bình thường ngoài phạm vi trách nhiệm của chúng ta. Tôi cho rằng đó là vấn đề cần rút kinh nghiệm, đó là vấn đề chúng tôi xin phát biểu về phạm vi.
Cho nên, đề nghị cần phải sửa đổi cơ bản Bộ luật này để đáp ứng với yêu cầu hội nhập, trong đó hàng loạt những vấn đề liên quan đến người lao động được đặt ra.
Vấn đề thứ hai, chúng tôi muốn nói tiếp về đình công, chúng tôi cho rằng năm 1996 khi chúng ta ra Bộ Luật Lao động, cũng là trong tinh thần đổi mới nhưng cũng là khuyến khích làm thế nào cho các doanh nghiệp phát triển, vì vậy những cuộc đình công cũng chặt chẽ. Hơn nữa, lúc bấy giờ chúng ta cũng quan niệm là trong xã hội ta đình công là điều không bình thường, cho nên nói đến đình công trong doanh nghiệp là điều bất đắc dĩ. Vì vậy, những điều đưa ra về đình công ở đây chặt chẽ và có phần nào hơi khắt khe.
Trong tinh thần mới, phải xem rằng đình công là quyền tối thiểu của người lao động mà giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển đã giành được, trong xã hội ta khi phát triển nền kinh tế 5 thành phần như thế này thì phải giành đầy đủ không thua kém các nước khác về quyền của người lao động được đình công trong các doanh nghiệp khi mà có vi phạm lợi ích tập thể của người lao động.
Cho nên tôi đề nghị nghiên cứu về đình công cần phải xem xét lại, đừng có định kiến với nó xem như là điều bất đắc dĩ, vừa rồi có đồng chí nói đây là việc rất bình thường thì tôi đồng ý rằng đây phải xem như một quyền tối thiểu, quyền bình thường của người lao động, đây là trường hợp để buộc doanh nghiệp phải đứng ra giải quyết vấn đề, phải có những nhượng bộ không thì thiệt hại cho họ rất lớn. Những lý do chúng ta đưa ra như quyền hoặc là lợi ích, cần phải được xem xét lại, rõ rnàg phải đứng trên lập trường tạo những thuận lợi để người lao động có thể đình công được. Trong trường hợp đó nếu chưa có tổ chức Công đoàn thì người đại diện, tôi cũng không hiểu tại sao chúng ta lập được danh sách mà lại đầy đủ tất cả những người trong số 500, thế thiếu 1 người không được à? như thế có phải máy móc không? Cho nên phải xem xét lại rất kỹ những điều đó.

Các văn bản liên quan