Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Nghiễm – Tỉnh Bình Phước

Thứ Ba 13:41 15-08-2006

Tôi xin tham gia một số ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Các đồng chí ngồi đây ai cũng thấy rằng sửa đổi một số điều của Bộ luật Lao động, nhưng trong những ngày vừa qua đi tiếp xúc cử tri thấy rằng người lao động rất quan tâm và đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến việc sửa đổi Bộ luật này, đó là sửa đổi những điều có liên quan đến vấn đề đình công và giải quyết đình công. Đây là một trong những vấn đề có thể nói ở một số địa phương nổi lên như những điểm nóng, chúng ta không thể không quan tâm được. Tôi nhất trí với các ý kiến phát biểu trước tôi là trong phạm vi sửa đổi, vì điều kiện chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ và chưa có tổng kết để nó phù hợp với tình hình, chúng ta giải quyết kịp thời đình công và những tranh chấp trong đình công này, phạm vi sửa đổi cũng nhất trí như Tờ trình của Chính phủ và ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Dũng đã phát biểu trước tôi.
Xung quanh những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tôi xin được bày tỏ chính kiến của mình đối với 4 vấn đề dưới đây.
Trước hết, về sự phân biệt khái niệm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, tôi nhất trí với loại ý kiến thứ hai là không nên phân biệt tranh chấp lao động tập thể thành 2 loại, đó là tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Bởi vì trong thực tế quyền nó luôn luôn đi đôi với lợi ích và ở một chừng mực nào đó thì quyền nó chính là lợi ích. Cho nên chúng ta rất khó phân biệt rạch ròi giữa hai loại khái niệm này và trong nhiều cuộc đình công vừa qua xuất phát từ tranh chấp về quyền, nhưng đều dẫn đến tranh chấp về lợi ích. Cho nên phân biệt ra thành hai loại, để rồi chúng ta chỉ cho đình công khi mà có tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thôi, còn tranh chấp đình công tập thể về quyền là không cho. Theo tôi phải hạn chế quyền đình công của người lao động. Mặt khác nữa trình độ nhận thức của cả người lao động cũng như người sử dụng lao động về pháp luật còn có những mặt hạn chế. Rồi hoạt động của công đoàn chúng ta, rồi quản lý Nhà nước cũng còn điểm bất cập. Nên việc phân định ra thành hai loại tranh chấp lao động tôi nghĩ là không thực tế. Vì vậy, tôi đề nghị không nên phân định tranh chấp lao động tập thể thành hai loại như ý kiến của đồng chí Nguyễn Đức Dũng phát biểu trước tôi và các ý kiến trong Tờ trình và giải trình của Ủy ban Thường vụ.
Vấn đề thứ hai, về thẩm quyền lãnh đạo đình công, tôi nghĩ Công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định. Nên quy định cho công đoàn có quyền khởi xướng và lãnh đạo đình công, tôi cho là, nhưng thực tế hiện nay còn rất nhiều các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta chưa có tổ chức công đoàn, vậy thì ai sẽ lãnh đạo, ai sẽ khởi xướng việc đình công ở những chỗ này. Tôi đề nghị nếu chúng ta chỉ quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi xướng và lãnh đạo đình công không thôi, thì tôi nghĩ là không khả thi. Đình công vẫn xảy ra và trong trường hợp như thế này thì người lao động là người vi phạm pháp luật. Do vậy tôi đề nghị đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, thì tập thể lao động được cử đại diện của mình để tổ chức lãnh đạo cuộc đình công.
Vấn đề thứ ba, về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với quá trình giải quyết đình công. Vấn đề này tôi thấy Nhà nước rõ ràng phải có trách nhiệm đối với vấn đề này, vì là người quản lý xã hội không thể không có trách nhiệm trong việc giải quyết đình công. Nhưng tôi cho rằng trong việc xem xét giải quyết của mình thì Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quá trình giải quyết đình công bởi mấy lý lẽ như sau:
Thứ nhất, đình công thuộc quan hệ lao động và tranh chấp lao động dẫn tới đình công là hiện tượng bình thường trong quan hệ lao động. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên làm quen với hiện tượng này của nền kinh tế thị trường. Việc giải quyết tranh chấp lao động trước hết phải tôn trọng nguyên tắc thương lượng giữa hai bên.
Thứ hai, nếu như Nhà nước tham gia giải quyết đình công thì phải ban hành quyết định hành chính, nhưng trong trường hợp cả hai bên không đồng ý với quyết định hành chính đó thì rõ ràng là phải kiện ra tòa. Như vậy, trong việc giải quyết tranh chấp lao động có trường hợp tòa án lao động giải quyết, có trường hợp tòa hành chính giải quyết. Cho nên gây thêm phức tạp trong quá trình giải quyết vấn đề này. Do vậy, tôi đồng ý với loại ý kiến là cơ quan Nhà nước phải tham gia giải quyết, nhưng tham gia giải quyết bằng cách tạo điều kiện và hỗ trợ để cho hai bên tiến hành thương lượng giải quyết tranh chấp theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định. Đó là vấn đề thứ ba.
Vấn đề thứ tư, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp cuộc đình công bị tòa tuyên là bất hợp pháp. Tôi đồng ý với loại ý kiến thứ nhất, vì đình công là quyền của người lao động nhưng phải đúng với quy định của pháp luật, nếu như thế ai có hành vi vi phạm làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Đây là quy định nhằm bảo đảm quyền bình đẳng về mặt trách nhiệm giữa hai bên, nhưng quy định như tại Điểm a, Khoản 1, Điều 174, "người lao động tham gia đình công không được trả lương và quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác", quy định như vậy theo tôi là không thoả đáng.
Theo tôi, "người lao động tham gia đình công không được trả lương và các khoản lợi ích khác khi cuộc đình công đó là cuộc đình công bất hợp pháp", đã là cuộc đình công mà toà tuyên là hợp pháp thì người lao động phải được trả lương và các lợi ích khác.
Do vậy, tôi đề nghị sửa Điểm a, Khoản 1, Điều 174 là "người lao động tham gia đình công được trả lương và các quyền lợi khác khi toà án tuyên cuộc đình công là hợp pháp, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác", cái này trong hợp đồng lao động người ta có những thoả thuận khác. Nhưng cuộc đình công đó là hợp pháp thì người lao động phải được trả lương, bởi chính anh là người vi phạm quyền của tôi, quá trình thương lượng, giải quyết không được thì chúng tôi phải đình công, chúng tôi đình công mà toà tuyên cuộc đình công của chúng tôi là hợp pháp, thì tôi đề nghị thời gian người lao động tham gia đình công phải được trả lương và các quyền lợi theo quy định của pháp luật. Điểm c, Khoản 1, Điều 174, quy định cán bộ công đoàn ngoài thời gian sử dụng theo quy định tại Khoản 2, Điều 155 để làm công tác công đoàn, còn được nghỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng lương ít nhất 3 ngày để tham gia vào việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp. Tôi thấy quy định như vậy chưa rõ, 3 ngày đó trong tháng hay 3 ngày đó trong năm? Và thời gian cán bộ công đoàn phải tham gia giải quyết tranh chấp lao động trên 3 ngày thì sẽ giải quyết như thế nào? Do vậy tôi đề nghị sửa Điểm c, Khoản 1, Điều 174đ là "cán bộ công đoàn ngoài thời gian được sử dụng theo quy định tại Khoản 2, Điều 155 để làm công tác công đoàn, còn được nghỉ làm việc nhưng vẫn được hưởng lương trong thời gian phải tham gia vào việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp".

Các văn bản liên quan