Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật

Thứ Ba 15:32 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí.

Tôi xin tham gia vào một số nội dung sau.

Trước hết tôi bày tỏ quan điểm tán thành với Tờ trình Chính phủ đã trình tại kỳ họp thứ 8, cả về quan điểm, về tư tưởng xây dựng dự án luật này. Tôi cũng nhận thức được cải cách bao giờ cũng khó khăn, nếu hình dung lại đã có những lúc chúng ta thấy rằng khi chuyển chế độ bao cấp, xoá bỏ tem phiếu, đã có ý kiến đấu tranh rất kiên quyết là nếu như thế mất chủ nghĩa xã hội. Đến bây giờ chúng ta thấy sau 20 năm đổi mới chủ nghĩa xã hội vẫn đang tồn tại.

Riêng về chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát từ năm 1980 khi xây dựng Hiến pháp năm 1980 đã đặt ra vấn đề đó, nhưng phải 20 năm sau mới làm nổi, chúng tôi thấy một điểm như thế, đúng là khó thật. Nhưng khó thì không thể không làm được, lâu nay chúng tôi thấy có tình trạng là Nghị quyết của Đảng thường chậm đi vào cuộc sống, nó có nguyên nhân như thế như kiểu bàn Bộ Luật Thi hành án của chúng ta. Quyết định của Trung ương thường chậm được thi hành, đến nay có mấy vấn đề mà 20 năm qua vẫn đang tồn tại.

Thứ nhất xung quanh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

Thứ hai là tình trạng hành chính hoá các hội.

Thứ ba là xóa bỏ chế độ Bộ chủ quản. Những vấn đề này đặt ra từ Đại hội 7, riêng về cải cách hành chính liên quan đến cải cách tư pháp của chúng ta có Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 Khóa VIII, Đại hội IX có Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đến Đại hội X lần này, đưa ta tầm Nghị quyết của cả một đại hội, trong đó khẳng định đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghĩa là không nhắc lại nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị nhưng rõ ràng Đại hội thừa nhận là phải tiến hành đẩy mạnh việc cải cách.

Chỉ riêng vấn đề chuyển giao thi hành án phạt tù cho Bộ Tư pháp chứ không phải toàn bộ án hình sự, quan điểm rất rõ như thế. Những khó khăn mà các đồng chí nêu ra xung quanh chuyện bàn giao án phạt tù thì chúng tôi chia xẻ, đúng như thế. Nhưng tôi cũng tự đặt một câu hỏi là những khó khăn này không biết có phải chỉ đối với những việc thi hành án ở nước ta không hay cả các nước khác. Vì sao tuyệt đại đa số các nước người ta có thể giao được, tất nhiên tổ chức bộ máy họ khác, nhưng về cơ bản người ta có thể làm việc đó được, chứ mình thì không có.

Bây giờ chúng ta cứ nêu chuyện ai chăm lo hậu cần cho những người bị tạm giữ, tạm giam trong những nhà tạm giam nếu không phải là những người đã thành án, để sử dụng, họ tức là ta dùng "mỡ nó rán nó". Có phải như vậy là giải pháp tốt không, còn tôi có tội, tôi phạm tội tôi bị bắt thì Nhà nước phải lo cho tôi chứ còn lo thế nào đấy là việc của Nhà nước.

Vấn đề lại lo là ai bảo vệ vòng ngoài, phạm nhân trốn trại ai lo, bạo động, bạo loạn ai lo, không có nghĩa là Bộ Công an không quản lý trại giam thì Bộ Công an không làm. Chẳng nhẽ nay mai có chuyện gì bao vây khu vực này, bảo đây không phải tôi, không đến được, chúng ta có cả một lực lượng hùng hậu, quân đội, công an, an ninh, cảnh sát, lực lượng dân phòng chúng ta làm được, chúng ta cũng cường điệu hóa chuyện chế độ chính sách đối với những người thực hiện công việc này. Theo chúng tôi, đã là cán bộ công chức phải chấp hành, còn ở vị trí này thì hưởng thế này, ở vị trí khác hưởng thế khác, tất nhiên chúng ta không để thiệt thòi, cũng đừng nên đặt thêm ảo tưởng là sẽ tốt và chế độ được bảo đảm tốt hơn. Chúng ta có thể tuyển dụng và không tuyển dụng, ai đồng ý với chế độ này thì chúng ta tuyển dụng, chứ tại sao lại nói tôi đang hưởng thế này cơ mà, cũng có thể sắp xếp. Tất nhiên, chúng tôi chia xẻ chuyện đó, nhưng không phải đấy là những nguyên nhân.

Về phạm vi điều chỉnh, ba bộ luật hay là một bộ luật, tôi tán thành như quan điểm của đồng chí Phó chủ tịch sáng nay gợi ý, vấn đề là nội dung thế nào thôi. Tôi cũng đồng ý với anh Minh là vấn đề là kỹ thuật, tất nhiên cả về vấn đề nội dung nữa.

Quá trình xây dựng dự án luật này, tôi hiểu chúng ta cũng không phải làm chay, không phải bây giờ mới làm, cũng là xây dựng trên cơ sở Pháp lệnh thi hành án phạt tù, Pháp lệnh thi hành án dân sự và một số những quy định khác của pháp luật có liên quan đến việc thi hành án hành chính, liên quan đến việc thi hành các quyết định lao động v.v... Nhưng sự thực chúng tôi thấy nội dung này đúng là các đồng chí Ban soạn thảo rất cố gắng, chỗ Ủy ban thường vụ cũng rất cố gắng tham gia, nhưng nếu thấy từ nay đến cuối năm thông qua được thì phải tập trung đầu tư tối đa lực lượng. Riêng tôi e là kể cả thời gian vật chất lẫn nội dung dự thảo thì khó.

Tôi đi vào nội dung, xung quanh án dân sự hiện nay về cơ bản tôi tán thành, nhưng có một số những vấn đề rất lớn chúng ta chưa bàn. Ví dụ chúng ta đặt những vấn đề án có điều kiện thi hành án, đúng là khách quan như vậy, hàng năm đều báo cáo trước Quốc hội rằng có bao nhiêu án chưa thi hành, trên thực tế nó không liên quan đến người thi hành, do chủ yếu người thi hành do liên quan đến cơ chế pháp luật, người bị thi hành án phạt hình, thi hành án chung thân cũng phạt đôi ba mươi triệu, vài ba triệu. Anh nghiện ma túy nghèo kiết xác ra cũng tuyên án phạt tiền, lấy đâu ra, có tình trạng như vậy, trừ một số trây ỳ tôi không nói, nhưng bây giờ chúng ta xử lý vấn đề này như thế nào, không phải lỗi của thi hành án.

Vấn đề thứ hai, những cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước bị phạt, ví dụ như một cơ quan Nhà nước bị phạt tiền vì chuyện bảo vệ môi trường vi phạm, vậy bây giờ ai xử lý, có phải bây giờ dùng chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ ngân sách, trong dự thảo đưa ra quan điểm là lấy ngân sách chi vào cho việc đó, có phải như vậy không, hay là chúng ta dùng cơ chế khác, cái này đã bàn đâu. Ví dụ xung quanh nội dung là ai có quyền việc miễn, hoãn, tôi hình dung thi hành án như nó là Thiên Lôi, chỉ đâu đánh đấy, còn bản án là phải toà mới quyết, lâu nay chúng ta có thể toà yêu cầu thế này, thế khác nhưng cơ quan thi hành án với lý do là tôi thi hành, tôi thấy có những chuyện đó, có thể hoãn, có thể miễn được, nó có vi phạm quy định là mọi quyết định của bản án phải được chấp hành, phải được cơ quan tổ chức tôn trọng không, trong khi chúng ta xây dựng cơ chế pháp luật như thế này.

Vấn đề thứ tư, xung quanh vấn đề thi hành án dân sự, xã hội hoá ở khâu thi hành án dân sự, chúng ta đưa tư tưởng vào đây thì ở khâu nào, chúng ta phải hình dung ra chứ, đây là luật về trình tự, thủ tục thi hành án. Vậy nếu chưa hình dung ra được, thì đừng đưa xã hội hoá vào, nếu xã hội hoá thi hành án mà lại vẫn chỉ thấy có mỗi anh thi hành án với các cơ quan Nhà nước thôi, các đương sự thôi, vậy anh này nằm ở khâu nào.

Chúng tôi nghĩ là lâu nay chúng ta cứ nói là "thừa phát lại", đấy là một cơ chế rất hay nhưng nó phải thể hiện như thế nào trong này chứ, chúng ta chưa bàn, đấy là riêng án hình sự, còn án hành chính, án lao động ở đây nó không phải là chúng ta chế định như thế nào, mà ở đây làm thế nào khắc phục được tình trạng bất tuân pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, có thi hành tài giời nếu như Tòa án tuyên rằng quyết định của cơ quan, xí nghiệp đó là trái pháp luật, yêu cầu anh nhận lại, nhưng nó không nhận thì anh làm gì. Còn của người ta, nó quyết một cái cứ thế y lệnh mà làm, mình còn có chuyện là tôi to hơn anh. Những vấn đề đó chúng ta đã bàn kỹ đâu mà xây dựng được cơ chế.

Hoặc là về cảnh sát tư pháp nó có phải như nội dung chúng ta chuẩn bị ở 2 điều này đâu, tôi bảo những điều này là điều liên quan đến lực lượng cảnh sát, chứ cảnh sát tư pháp là người bảo vệ chứ không phải đi phối hợp trong việc kê biên tài sản là không phải, nội dung này chưa phải là nội dung đối với cảnh sát tư pháp. Chúng ta phải bàn với nhau kỹ xem cảnh sát tư pháp thế nào.

Thi hành án phạt tù có phải chúng ta thực hiện như hiện nay không hay còn phải cải tiến ở khâu nào, từ khâu xây dựng cơ sở, trang bị vật chất v.v... rồi chương trình giáo dục đào tạo thế nào, tất cả những cái này chúng ta phải hình dung ra được, chưa bàn, tôi nghĩ trong chiến lược cải cách tư pháp và trong các cơ quan trong Ban chỉ đạo cải cách tư pháp phải bàn rất nhiều. Ngay đề án thi hành án tử hình thế nào, cho đến nay cũng bàn một vài lần ở Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, nhưng rồi mãi đến vừa rồi Bộ Công an mới đưa ra được 1 đề án. Nhưng Ban chỉ đạo hôm ấy tôi nghĩ cũng chưa bàn, vắng nhiều thành viên. Những cái này chúng ta tiếp tục khẳng định ở đây bắn hay không bắn? Hoặc như Bộ Quốc phòng bảo bắn có thể dùng con đường hầm dắt đi qua thôi, nhỡ nó lại đòm cái lúc anh dắt đi thì chết dở. Đại để là có những chuyện như vậy.

Xin báo cáo các đồng chí, có những nội dung như thế này phải ngồi với nhau, bàn cho kỹ thì mới có thể đưa giải pháp để trình Quốc hội được

Các văn bản liên quan