Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Ba 15:33 05-09-2006

 

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cũng nhiều lần tham gia ý kiến với dự án Bộ luật thi hành án, tuy nhiên hôm nay nghiên cứu dự luật này tôi muốn tham gia một số vấn đề.

Chúng tôi thấy rằng tất cả những việc mà chúng ta thi hành án như hiện nay là chúng ta đã và đang làm rồi, tất cả những lĩnh vực này đều có văn bản quy định khá chi tiết, tất nhiên cũng có những quy định lạc hậu rồi, trong cải cách tư pháp này chúng ta xem cải cách về thi hành án thế nào để cho đạt được mục đích và hiệu quả tốt nhất thì chúng ta mới xây dựng Bộ luật thi hành án chung. Sáng tôi cũng nghe đại biểu phát biểu bây giờ trên thế giới không có nước nào người ta lại xây dựng bộ luật chung như thế này cả. Nhưng tôi nghĩ rằng cái đó không phải là cái gì quan trọng cả, trên thế giới không có nước nào xây dựng thì ta xây dựng mới độc đáo. Miễn là mình bây giờ xây dựng rõ ràng, nó điều chỉnh thi hành án có hiệu quả nó tốt hơn thì được cả thế giới người ta phải học mình thì có đáng không, đáng quá chứ.

Theo tôi, tôi nghĩ xây dựng Bộ luật thi hành án chung là hợp lý, bởi vì trong lĩnh vực thi hành án này kể cả hình sự, kể cả dân sự, kể cả hành chính, kể cả về kinh tế cũng có nguyên tắc, cũng có những nét chung. Còn tất nhiên mỗi lĩnh vực cũng có đặc thù riêng của nó. Bây giờ mình chia ra thành bộ phận, tôi cho là hợp lý. Chỉ có cái ta quy định làm sao cho nó chặt chẽ, hợp lý, chi tiết hơn và chúng ta thực hiện cho tốt hơn, không có vướng cái gì cả. Tôi nghĩ xây dựng Bộ luật chung hết sức hợp lý rất tiện cho người dân và cho việc tổ chức thi hành. Đấy là đối với quan điểm xây dựng Bộ luật tôi xin khẳng định một lần nữa như vậy.

Vấn đề thứ hai, tôi nhận thức rằng những vấn đề khác hình như chúng ta thống nhất với nhau rất cao, chỉ có hai vấn đề:

Một là vấn đề quản lý Nhà nước.

Hai là vấn đề ai quản lý, ai thực hiện thi hành án phạt tù, hiện nay còn đang lấn cấn.

Như các đồng chí phát biểu ngay như trong Ban soạn thảo nhận thức này cũng chưa được đồng nhất, cũng có những đồng chí không thống nhất quan điểm này, đấy là những đồng chí trực tiếp làm, thậm chí những đồng chí giữ cương vị rất cao thành ra rất rắc rối, rất khó trong vấn đề tổ chức thực hiện. Có lần tôi phát biểu trước Quốc hội đầu tiên là Nghị quyết 08, rồi đến Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị thì các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cũng làm rồi ký cả, bây giờ có đồng chí lại không nhất trí, thế thì cũng không hiểu như thế nào. Chỉ đạo coi như không phải như vậy, phải giữ như thế này.

Tôi cho vấn đề đó phải thống nhất như thế nào đó, nếu như trong Ban soạn thảo chúng ta chưa thực thống nhất thì chúng ta cũng phải bàn với nhau để thống nhất và từ thống nhất ở Ban soạn thảo thì ra bên ngoài các đại biểu chúng ta mới thống nhất, các đồng chí cung cấp thông tin mỗi bên một chiều như thế này thì đại biểu thực sự rất quan tâm, không biết bên nào nó hợp lý tốt hơn.

Tôi cho rằng, chỉ có vấn đề quản lý Nhà nước các đồng chí tương đối thống nhất với nhau, bảo thôi bây giờ đổi mới giao cho Bộ Tư pháp quản lý toàn bộ công tác thi hành án, nhưng khi thực hiện các việc khác không nói làm gì, nhưng riêng thi hành án phạt tù thì bây giờ cứ giữ lại bên Bộ Công an, một phần vẫn giữ lại bên Bộ Quốc phòng. Tôi cũng không hiểu bây giờ ông Bộ Tư pháp quản lý Nhà nước về lĩnh vực này ông làm được cái gì? Có đại biểu nói rằng không bây giờ chúng ta quản lý Nhà nước không nhất thiết là anh cứ phải thực hiện, rất nhiều người thực hiện thì cũng đúng thôi, nhưng báo cáo các đồng chí quản lý tài chính thì Bộ Tài chính phải quản lý là chủ yếu, tất nhiên có các anh khác tham gia, ở địa phương thì có Sở Tài chính, xuống đến Phòng tài chính v.v... Các anh khác có thể tham gia thực hiện tài chính, nhưng Bộ Tài chính quản lý chủ yếu. Về giáo dục cũng vậy, ông Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu quản lý các trường học, hệ thống giáo dục còn có thể có Bộ này, có trường này trường kia cái đó ít thôi, không nhiều. Nhưng hệ thống giáo dục của chúng ta chủ yếu là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Ông có làm việc đó thì ông mới giúp tham mưu quản lý Nhà nước được, ban hành văn bản, chế độ, chính sách tất cả mọi cái liên quan đến tổ chức thực hiện. Bây giờ ông đi xin ý kiến của ông này, ông xin ý kiến của ông kia, bây giờ ông về ông tham mưu thì tham mưu làm sao. Anh không tổ chức thực hiện những cái cơ bản như vậy thì tham mưu làm sao, tôi rất khó hiểu chỗ này.

Báo cáo các đồng chí, có đồng chí nói rằng bây giờ nếu giao sang Bộ Tư pháp quản lý không có cách gì làm được. Vâng, thưa các đồng chí, nếu với thực lực như bây giờ chưa làm được, nhưng nếu chúng ta giao sang có phương án đầy đủ, bàn giao bộ máy tất cả mọi cái thì làm được chứ, đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ làm được chứ, có phải sinh ra là ông này chuyên làm cái này đâu, phải làm từng bước người ta cũng sẽ làm được, chỉ có cái là có giao hay không, có tạo điều kiện hay không, còn ai làm tốt hơn bây giờ chưa dám đánh giá, báo cáo các đồng chí như vậy. Tôi cho rằng để cải cách, chúng ta mạnh dạn, chúng ta thấy rằng giao cho Bộ Tư pháp quản lý mà có lợi hơn bên Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, hoặc nếu để bên Bộ Công an có lợi hơn, chúng ta phải phân tích tất cả các thông tin đó để quyết định xem cái nào có lợi hơn thì chúng ta làm. Bây giờ nói thực với các đồng chí là có nhiều đại biểu chưa hiểu thế nào về thi hành án, chưa hiểu rõ tất cả các lĩnh vực thi hành án. Bây giờ bàn với nhau là nhiều đồng chí bàn theo cảm tính thôi, nghĩ như thế thì nói thế thôi nhưng cơ sở đâu.

Tôi xin báo cáo với các đồng chí là về quản lý trại giam, quản lý thi hành án phạt tù ở các nước trên thế giới, báo cáo các đồng chí 100 nước người ta quản lý thì người ta giao cho Bộ Tư pháp, 42 quốc gia là giao cho Bộ Nội vụ, Bộ Công an có 6 quốc gia, các cơ quan khác không phải là Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Bộ Công an thì có 5 quốc gia.

Vậy trên thế giới tại sao người ta quản lý đại đa số người ta lại giao cho bên Bộ Tư pháp quản lý, nó phải có tính hợp lý gì đó của nó, chúng ta phải suy nghĩ trên góc độ đó để xem tại sao nó như vậy. Cho nên, chúng tôi cho rằng chúng ta phải cân nhắc tất cả những cái này và tôi cho rằng Bộ Tư pháp và các đồng chí trong Ban soạn thảo phải cung cấp nhiều thông tin hơn cho đại biểu để các đại biểu nghiên cứu, mới quyết được vấn đề này, nếu không thì cứ bấm theo cảm tính thôi. Bây giờ Bộ Công an hay Bộ Tư pháp quản lý tôi cho rằng không quan trọng, nhưng tôi cho rằng Bộ nào quản lý Nhà nước thì Bộ đó phải quản lý chủ yếu về công tác thi hành án phạt tù, nếu không không giúp quản lý Nhà nước được. Tôi đề cập thêm phương án tức là kể cả việc trại giam, thi hành án phạt tù bên Bộ Quốc phòng tôi đề nghị cũng phải giao tập trung. Bởi vì bây giờ khảo sát trên toàn quốc của chúng ta các phạm nhân bên quân đội chỉ có 500-600, cả nước chỉ có 500-600 mà bây giờ chúng ta tồn tại cả một hệ thống trại giam bên quân đội như vậy có lãng phí hay không?

Trong khi đó bao nhiêu phạm nhân là quân nhân, bao nhiêu phạm nhân là dân thường mà phạm tội liên quan đến quân đội chúng ta cũng chưa biết rõ. Phạm nhân là quân nhân không nhiều, phạm nhân trong Tòa án quân sự xử không nhiều, tất cả những phạm nhân đó khi bị xử tù thì tước quân tịch đưa ra thì tôi nghĩ như người thường ra trại bình thường mà bị tù có vấn đề gì đâu. Trừ một vài trường hợp như xâm phạm an ninh quốc gia, những đối tượng liên quan đến bí mật quốc gia mình cần cải tạo biện pháp đặc biệt thì tôi cho rằng có thể đưa ra cải tạo ở trại giam thường, nhưng với khu vực, với biện pháp đặc biệt, không cần cả một hệ thống cơ quan thi hành án bên quốc phòng làm gì nữa. Tôi cho rằng nhân đà này chúng ta đã làm là làm thống nhất luôn. Tôi thấy về mô hình của thi hành án hình sự tôi đề nghị nghiên cứu như vậy.

Về mô hình thi hành án dân sự, tôi cũng là người chỉ đạo công tác thi hành án dân sự nhiều năm tôi rất phân vân là bây giờ liệu mô hình của chúng ta đã hợp lý hay chưa? Không biết hiện nay trên thế giới có bao nhiêu nước có các hệ thống thi hành án dân sự như Việt Nam. Đi một số nước tôi thấy thi hành án dân sự người ta lại quản lý bằng cách khác. Nhiều nước người ta quản lý qua hệ thống Tòa án có 1 thẩm phán phụ trách, rồi người ta qua hệ thống thừa phát lại để tổ chức thi hành án v.v... Nhưng không biết cái của chúng ta trên thế giới có phổ biến hay không? Nhưng tôi cho rằng khi chúng ta bàn giao một tổ chức, một hệ thống cơ quan thi hành án dân sự như hiện nay thì thực sự bộ máy của chúng ta cũng rất cồng kềnh, chi phí tốn kém, nhưng hiệu quả nói cho cùng cũng chưa thật là cao. Tôi đề nghị, phải nghiên cứu tiếp xem quản lý thi hành án dân sự của nước ta với mô hình nào cải tiến hơn nữa để cho nó hợp lý và có hiệu quả hơn.

Các văn bản liên quan