Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai – Tỉnh Tây Ninh

Thứ Ba 15:20 05-09-2006

 
Trước hết, chúng ta thấy rằng đây là bộ luật rất khó, trong mấy này hôm nay thảo luật rất nhiều luật, Dự án luật. Nhưng riêng đến Dự án Bộ Luật thi hành án này chúng tôi cảm thấy rất nhiều vấn đề băn khoăn.
Đây là một bộ luật đưa ra họp chuyên trách hai lần thảo luận, nhưng đến giờ này nhiều vấn đề rất cơ bản của Dự án bộ luật này cũng khó, hiện nay tôi cho rất cơ bản nhưng còn nhiều vấn đề khác nhau qua phát biểu của đại biểu Quốc hội. Tôi xin phát biểu một số vấn đề có liên quan đến những vấn đề chung nhất của Dự án bộ luật này.
Điều chúng tôi xin đề nghị và cũng mong các đồng chí, đặc biệt về phía Chính phủ như ở các phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa rồi, cuối năm 2005, có đề nghị là trước vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau thì Chính phủ cần phải có trọng trách toàn diện về công tác thi hành án, kể cả thi hành án hình sự, dân sự và hành chính để làm cơ sở cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi biểu quyết thông qua một vấn đề rất quan trọng này. Nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có một cái tổng kết nào cả, điều đó làm cho chúng tôi rất băn khoăn khi thảo luận vấn đề này. Vì cơ sở thực tiễn hiện nay nó đang đặt cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng chưa được tổng kết một cách toàn diện.
Cho nên, lần này chúng tôi cũng xin đặt lại vấn đề một cách cụ thể nữa là Chính phủ phải có báo cáo một cách toàn diện về công tác thi hành án, kể cả hình sự, kể cả dân sự và công tác thi hành án về hành chính, đó là vấn đề thứ nhất chúng tôi muốn nêu lên liên quan đến dự án Bộ Luật này.
Vấn đề thứ hai, phạm vi điều chỉnh, trong bản báo cáo giải trình này, đưa ra hai loại ý kiến, tôi thấy rằng phương án 2 là phương án hôm nay cũng nhiều đại biểu đang băn khoăn, có nên chăng chúng ta đưa ra 3 dự án luật khác nhau, đối với mỗi loại thi hành án, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và thi hành án hành chính hay không, hay gộp chung 3 thi hành án này vào chung Bộ luật trong cái hiện nay chúng ta đang dự thảo.
Khi tôi nghiên cứu về bố cục của dự án Luật này, tôi cũng thấy rằng đây là một Bộ luật rất đồ sộ, có tất cả 345 điều, 5 phần và 26 chương, đây là một nội dung rất nhiều vấn đề cho nên chúng ta có rất nhiều chương, nhiều điều.
Khi xem xét về bố cục, tôi cảm thấy rất phù hợp, nếu chúng ta đưa vào một Bộ Luật chung, nhưng tách bạch ra từng phần thi hành án dân sự, thi hành hành chính, hình sự rất cụ thể như thế thì rất dễ áp dụng trong thực tiễn khi chúng ta thông qua Bộ luật này. Tôi rất nhất trí quan điểm là nên gộp chung lại thành Bộ Luật thi hành án, trong đó tách ra những phần rất cụ thể như thế. Ví dụ phần 2 thi hành án dân sự, trong này có tất cả 10 chương, thi hành án hành chính là 2 chương, thi hành án hình sự là 7 chương, nó cũng tương ứng như từng Bộ Luật riêng nếu tách ra.
Cho nên tôi nhất trí với phương án 1, tức là chúng ta phải xây dựng một Bộ Luật Thi hành án chung nhất trong đó nêu tất cả các lĩnh vực thi hành án dân sự, hình sự và hành chính như trong giải trình của phương án 1, tôi rất nhất trí phương án này.
Như trong giải trình của Thường vụ cũng nói rằng đây là một biện pháp để chúng ta đảm bảo được tiến độ thực hiện xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2006 và nó phù hợp theo chủ trương Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra, tôi cho rằng đây là một vấn đề hết sức rõ, cho nên tôi rất đồng tình với phương án 1 trong phạm vi điều chỉnh.
Về quản lý Nhà nước về thi hành án ở Điều 16, tôi thấy rằng những vấn đề các đồng chí có nêu ra, tôi cũng cảm nhận một điều là bây giờ có một Bộ quản lý cụ thể về lĩnh vực này và nên giao cho Bộ Tư pháp, nên giao về chức năng quản lý Nhà nước về Bộ Tư pháp để quản lý giúp cho Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước và thi hành án. Tôi nhất trí với phương án này.
Nhưng cũng phải nói một điều là khi bàn đến việc tổ chức thực hiện thi hành án thì không phải Bộ nào quản lý là Bộ đó trực tiếp làm, giống như ý kiến của đồng chí Đường đã nêu. Ở đây về đầu mối thống nhất với Chính phủ tôi nhất trí là Bộ Tư pháp, nhưng đến từng phần cụ thể thực hiện các nhiệm vụ này tôi thấy rằng, đối với việc tổ chức thi hành án hình sự nên để như hiện nay, nó phù hợp vì nhiều lý lẽ như nãy giờ từ sáng các đồng chí đồng tình là vẫn giữ nguyên như cũ, tôi rất đồng tình vấn đề này, tôi không có nói thêm. Tại vì lỹ lẽ các đồng chí nói tương đối cụ thể và đầy đủ rồi.
Đối với Bộ Tư pháp việc tổ chức thực hiện thi hành án dân sự nêu ở phương án 1, tức là mô hình tổ chức thi hành án dân sự về cơ bản vẫn giữ như hiện nay là Bộ Tư pháp quản lý tập trung và có sự phối hợp với Uỷ ban nhân dân địa phương, đây là sự phối hợp thôi. Tôi nhất trí ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã nêu là, qua đi thực tế một số địa phương thì vấn đề thi hành án dân sự vừa rồi cũng có một số nơi rất là kêu, đặc biệt là các vụ án thi hành án dưới 500.000gg trở xuống giao cho cấp xã, phường thực hiện cái này, đây là vấn đề anh em rất băn khoăn. Chúng tôi vừa rồi cũng đi giám sát thực tế ở các địa phương thì cũng thấy nổi lên tình hình này, dân nghĩ rằng đó không phải là chức năng chủ yếu của cơ quan Nhà nước, đây là sự phối hợp thôi. Trong khi đó, cơ quan thi hành án ở địa phương phải là giai đoạn chính, nhưng vừa qua có tình trạng sau khi giao xong không có trách nhiệm gì cả. Chính điều đó làm cho cơ sở chính quyền địa phương rất khó khăn. Cho nên tôi nghĩ đây là vấn đề phải bàn thêm, chức năng đầu mối vẫn là Bộ Tư pháp trong việc thi hành án dân sự. Điều đó sẽ tăng cường thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề phối hợp, thì mới đảm bảo được hiệu quả thi hành án dân sự. Đó là vấn đề thứ hai.
Vấn đề thứ ba, hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án như thế nào ở Điều 20. Tôi nhất trí bây giờ phải quán triệt tinh thần cải cách hành chính và cải cách tư pháp mà đã được Bộ Chính trị thể hiện bằng các Nghị quyết chỉ đạo, tôi rất nhất trí. Nhưng bây giờ làm thế nào vừa tinh gọn bộ máy, đồng thời đảm bảo được chất lượng hiệu quả công việc thi hành án, nó là một khâu đảm bảo được hiệu lực của pháp luật. Trong thời gian vừa qua, sở dĩ nó tồn động nhiều vụ việc liên quan đến thi hành án, kể cả hình sự, đặc biệt là dân sự, tôi thấy rằng do bộ máy của chúng ta vừa yếu lại vừa thiếu, nó là một thực trạng. Ngay cả cơ sở vật chất liên quan đến việc làm này, mặc dù gần đây có tăng cường thêm một ít, nhưng rõ ràng bộ máy vừa qua không đủ sức để đảm đương công việc này. Dẫn đến tồn đọng nhiều trong khâu thi hành án, đặc biệt là thi hành án dân sự.
Bây giờ chúng ta cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhưng phải đảm bảo được nguồn lực con người như thế nào? Tôi cho rằng trong dự thảo này có nêu ra một số nội dung liên quan đến vấn đề này, nhưng phải hướng đến một luật phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế chính sách cho đội ngũ này. Thực trạng hiện nay ở địa phương tôi, cơ quan thi hành án là không tuyển dụng người vào làm việc được. Một phần do tính chất công việc này đụng chạm trực tiếp đến nhân dân, cho nên anh em ngán ngại, mặt khác vào đây xin nói là lương bổng, chế độ chính sách cũng không có gì khác. Cho nên xin nói với các đồng chí riêng thi hành án dân sự thôi, thì tuyển không được người, rất khó về mặt con người, cho nên việc tồn đọng kéo dài. Trong khi đó vấn đề xét xử của chúng ta phải tăng cường nên giữa xét xử và thi hành án chỗ này rất mâu thuẫn với nhau. Càng ngày án xét xử càng nhiều, nhưng thi hành án thì còn chậm, việc này một phần do đội ngũ, biên chế, chính sách cho anh em trong vấn đề này vừa qua chúng ta chưa quan tâm, cho nên có vấn đề thực tiễn đang đặt ra như thế.
Một vấn đề cuối cùng chúng tôi muốn nêu ở đây đó là hệ thống các nhà tạm giam, tạm giữ và trại giam. Báo cáo các đồng chí chúng tôi cũng đã đi giám sát thực tế, rõ ràng hiện nay hệ thống các nhà tạm giam, tạm giữ của chúng ta hiện nay cần phải cải tiến. Tôi đọc một số điều trong chương này có nói là nhà tạm giam, tạm giữ, nói chung là nhà giam bây giờ phải đảm bảo ánh sáng, đảm bảo điều kiện để cho giam giữ phạm nhân. Chúng tôi đi thực tế về trại giam của tỉnh hay là các trại giam của Cục V26 do Bộ Công an quản lý tương đối yên tâm một chút. Nhưng đến nhà tạm giữ, tạm giam của các cơ quan cấp huyện thì chúng tôi cảm thấy không yên tâm. Hiện nay các nhà tạm giữ là quá tải và mô hình của nó hiện nay không phù hợp nữa. Bây giờ phải tính toán như thế nào để đảm bảo khi phạm nhân trong chỗ này phải đảm bảo về sức khỏe, về vệ sinh, về môi trường, đặc biệt là đối với những phạm nhân nữ. Vừa rồi chúng tôi thấy bức xúc khi có những phạm nhân nữ trong quá trình thụ hình trong các nhà tạm giam hoặc trong các nhà giam có con nhỏ, nhưng trong điều kiện như thế thì làm sao đảm bảo được. Cho nên chúng tôi thấy rằng mặc dù trong dự án luật có nêu ra một số quy định rất cụ thể nhưng tôi đề nghị với một định hướng rất cụ thể thì các đồng chí nên quan tâm thêm về những vấn đề liên quan đến chính sách, đến cơ sở vật chất có liên quan đến công tác thi hành án này, đặc biệt là tại các nhà tạm giam, tạm giữ và các trại giam.

Các văn bản liên quan