Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thế Vượng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật

Thứ Ba 15:17 05-09-2006

Kính thưa các đồng chí, chúng tôi xin phép được phát biểu một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, thực sự tôi cũng phân vân khi Bộ luật này bao gồm cả hình sự, dân sự và hành chính. Tôi chỉ nói gọn 2 ý thôi, thứ nhất là 3 loại hình này rất khác nhau về nguyên tắc, về phương thức, kể cả về tổ chức bộ máy để thực hiện. Tôi nói ví dụ tổ chức bộ máy về hình sự ta phải tập trung trên Trung ương, nhưng về dân sự bộ máy đó nó lại phải nặng, phải gắn liền với các địa phương. Cho nên tổ chức bộ máy nguyên tắc, phương thức nguyên tắc, hoạt động nguyên tắc.

Ý thứ hai, tôi băn khoăn là cả trên thế giới hiện nay chưa ai làm, cũng có thể kinh nghiệm nước ngoài để ta tham khảo. Tôi thấy nhiều vấn đề khi Ủy ban nhấn rất nhiều nước ngoài, bao nhiêu nước quy định như thế này, nếu đa số nước quy định như thế này, ta tiếp thu đa số, nhưng cả thế giới chưa ai làm cái này. Bộ tư pháp đã có cuộc hội thảo hôm đó có mời chúng tôi đến dự, một chuyên gia cao cấp người Trung Quốc, ông cũng nói: "Chưa có nước nào làm cái này cả. Nếu Việt Nam làm được cái này, rất nhiều nước sẽ đến học tập". Đó là những thông tin chúng tôi thấy và xin thưa với đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch và các đồng chí đại biểu Quốc hội khi bàn về chương trình xây dựng pháp luật, tôi không được tổng hợp nhưng bản thân tôi, tôi cũng đề nghị không nên làm bộ luật chung này. Trước mắt bức xúc bây giờ phải sửa Pháp lệnh thi hành án phạt tù vì nó có nhiều điểm, nhiều nội dung trước đây thì đúng rồi, nhưng bây giờ sau 13 năm có nhiều điểm lạc hậu, nó không còn phù hợp với thực tế và rõ ràng hiện nay thực tế có nhiều cái không làm theo pháp lệnh nữa. Tôi có kiến nghị như vậy, nhưng chắc vì chỉ là thiểu số không được chấp nhận, nhưng hôm nay tôi xin phép báo cáo lại như vậy.

Vấn đề thứ hai, tôi tán thành với như gợi ý trong tài liệu này, nhưng đứng về mặt quản lý Nhà nước tôi thấy cần thiết phải có một cơ quan ở Trung ương giúp cho Chính phủ để quản lý Nhà nước về toàn bộ thi hành án kể cả hình sự, dân sự và trong hình sự cũng có tất cả các loại hình phạt.

Thưa các đồng chí, Quốc hội giao cho Ủy ban pháp luật, Ủy ban pháp luật có phân công chúng tôi, chúng tôi mới đi về và giúp Ủy ban pháp luật thấy ngay sắp tới đây ai sẽ báo cáo trước Quốc hội về thi hành án đối với loại hình hình phạt tù mà cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ. Bởi vì trong pháp lệnh không nêu cơ quan ở Trung ương nhưng trong Nghị định của Chính phủ chỉ giao cho như chính quyền, xã, phường, thị trấn. Nhưng tổng thể để nắm tình hình này trong cả nước cũng không biết hỏi ai, hình sự ta có thể Bộ Công an, dân sự có thể yêu cầu Bộ Tư pháp, nhưng cải tạo không giam giữ và phạt tù chuyển giao hay quản lý cả, hay là cảnh cáo, nói tóm lại là những hình phạt khác, thậm chí cả về hình phạt tử hình.

Nếu gọi là tập trung anh nào chịu trách nhiệm báo cáo về vấn đề này, ví dụ như Hội đồng thi hành án tử hình bây giờ là Chánh án cấp tỉnh, nhưng bây giờ bao trùm trên phạm vi cả nước thì chỉ có thể đi hỏi cơ quan này, cơ quan khác từng khía cạnh vấn đề, nhưng tổng hợp lại của Tòa án. Cho nên tôi tán thành như trong này là cần giao về một cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực thi hành án.

Nhưng tôi cũng báo cáo thêm một ý điều đó không có nghĩa là ai muốn quản lý Nhà nước phải làm trực tiếp, thực thi việc đó mới quản lý Nhà nước được, riêng cá nhân tôi cũng chưa thông lắm về quan niệm này, bởi vì nói như vậy thì đất nước ta có rất nhiều vấn đề mà các nước nào cũng thế thôi, thực hiện nó có thể rất nhiều, thậm chí kinh doanh có thể từng cá nhân người ta kinh doanh, từng hộ gia đình người ta kinh doanh, từng doanh nghiệp người ta kinh doanh, nhưng quản lý Nhà nước này phải có một cơ quan Nhà nước chứ không có nghĩa ai quản lý Nhà nước phải trực tiếp làm việc đó mới quản lý Nhà nước được, tôi chưa thông lắm quan điểm đó.

Ý thứ ba, gắn liền vấn đề này, tôi xin phép báo cáo như sau: nếu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp ta nói tập trung vào một đầu mối, nhưng như lần trước tôi cũng phát biểu trước Quốc hội, trên thực tế cũng không bao giờ có chuyện đó, quản lý Nhà nước đúng rồi, nhưng nói thực hiện việc đó mà tập trung vào một cơ quan thống nhất là không có, ví dụ như tôi vừa báo cáo là cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, quản chế hành chính không thể giao cho một Bộ nào được cả, nếu hiểu máy móc đến mức như vậy cũng là không đúng.

Thứ hai là ta nói tập trung nhưng ta vẫn thừa nhận trong dự thảo này là mảng của quân đội vẫn phải để như hiện nay. Như vậy nếu ta nói là thực hiện theo Nghị quyết Bộ chính trị thì chính dự thảo này cũng đã không làm chuyện này, nếu quan niệm như vậy và làm đúng như vậy thì toàn bộ cả thi hành án hình sự và phần dân sự trong hình sự mà hiện nay Toà án quân sự đang đảm nhiệm xét xử đó và Bộ Quốc phòng đang đảm nhiệm đấy, cũng phải đưa về Bộ Tư pháp thì mới gọi là hiểu theo cách như vậy và ta cũng vẫn không làm như vậy. Tôi cũng thấy phần này và tôi cũng xin phép báo cáo thêm.

Nếu đồng chí nào đi sâu vào thực tế thì tôi thấy việc này không đơn giản, giao cho Bộ Tư pháp không thể làm được, tôi xin phép báo cáo như vậy. Tôi nghe có lúc thì có đồng chí nói rằng đây là vấn đề về dân sự không nên giao cho lực lượng vũ trang, tôi cũng rất ngạc nhiên là tại sao hiện nay các nhà tù của Mỹ lại giao cho Bộ Quốc phòng, cả thế giới cũng không ai lên án Mỹ rằng tại sao anh lại giao việc quản lý phạm nhân cho lực lượng vũ trang. Người ta chỉ quan tâm đến việc anh nhục hình, anh tra tấn, anh làm việc này, việc khác, đấy là vi phạm nhân quyền, chứ người ta không quan tâm đến chuyện mức này giao cho ai, mức kia giao cho ai. Tôi xin thưa rằng một đối tượng giết người, cướp của, hiếp dâm, côn đồ, xã hội đen, những loại như hiện nay, tôi không hình dung ra một người dân sự sẽ quản lý cái đó như thế nào khi nó trốn trại, tôi cũng không hiểu là ta mặc sơvin như thế này ta đi truy nã ra làm sao. Nhưng tất nhiên, cũng có loại ý kiến cho rằng việc đó vẫn là cảnh sát, nhưng Bộ Tư pháp sẽ quản lý, tôi lại càng không hiểu.

Thưa các đồng chí, khi đã xác nhận lực lượng vũ trang là nó có nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nó có chỉ huy, nó có mệnh lệnh, anh hành chính cũng có mệnh lệnh nhưng mệnh lệnh hành chính, nó cũng không thể nào như mệnh lệnh chỉ huy của lực lượng vũ trang trên dưới.

Thứ hai, nếu anh quản lý thì tôi cũng không hiểu sắp tới đây theo pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công an hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng người ta có thể bổ nhiệm phong quân hàm đến cấp tá, còn cấp Thiếu tướng thì ông Bộ trưởng ông đề nghị Thủ tướng, Trung tướng là đề nghị Chủ tịch nước.

Tôi không hiểu nếu như trên là một bộ dân sự, dưới là lực lượng vũ trang thì ta tính đến chuyện đó chưa, tôi cũng không hiểu, một bước chuyển giao tôi cũng không biết là chúng ta đã tính toán cân nhắc bước chuyển giao như thế này như thế nào, cách thức thực hiện tiến độ này như thế nào, bởi vì nói năm 2010, nếu theo ai đó hiểu là 2010. Tôi cũng không hình dung từ nay đến 2010 ai tuyển dụng, ai đào tạo, ai huấn huyện, Bộ Tư pháp hay là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Nếu người ta đào tạo tuyển dụng như vậy thì từ nay đến 31/12/2009 có phong quân hàm không, hay cứ làm bình thường như thế này, rồi sau 1 đêm ngủ dậy là chuyển sang Bộ Tư pháp.

Thưa các đồng chí, chuyển giao toàn bộ một lực lượng không đơn giản một chút nào. Cũng có ý kiến nói rằng dân dự, nhưng nếu toàn bộ bộ phận 16-17 ngàn người từ bên Bộ Công an chuyển sang, tuy là dân sự đấy nhưng chế độ vẫn bảo đảm như cũ, thậm chí hơn. Tôi không hiểu loại ý kiến này nghĩa thế nào. Sở dĩ hiện nay người ta lương cao vì người ta là thiếu tướng, người ta là đại tá, người ta là thượng tá, trung tá thì chế độ ưu đãi của Nhà nước ta đối với lương là như vậy. Nhưng anh đã rời quân hàm đó thì chế độ lương không thể như vậy được. Cùng ngồi ở Bộ Tư pháp, 1 anh Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có hơn 1 triệu đồng, còn anh Cục trưởng Cục thi hành án hình sự lại bảo giữ nguyên thiếu tướng như hiện nay là khoảng 5 triệu, tôi không hình dung ra Chính phủ sẽ xử lý việc này như thế nào.

Các văn bản liên quan