Trích ý kiến ĐBQH Lê Đình Trưởng – Tỉnh Quảng Ninh
Về các vấn đề cụ thể, tôi xin được tham gia như sau.
Về nội dung ở Điều 6, các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì có 2 phương án để Quốc hội xem xét quyết định.
Theo tôi nên chọn phương án 1, vì quy định như phương án 1 thì luật của chúng ta sẽ được chi tiết hơn, tránh tình trạng Luật khung như quy định theo phương án 2. Quy định như phương án 1 đọc lên người dân sẽ hiểu được ngay nhà công trình xây dựng sẽ bao gồm: nhà biệt thự, nhà riêng lẻ, nhà chung cư, nhà làm việc, khách sạn và các loại công trình khác.
Nếu quy định như phương án 2 thì người dân sẽ không hiểu các loại nhà công trình xây dựng sẽ gồm những loại nào, luật quy định như ở Mục a, Khoản 1, Điều 6 theo phương án 2 sẽ ghi là: các loại nhà công trình xây dựng theo quy định của pháp lụât về xây dựng. Nếu ghi như vậy chúng ta sẽ không hiểu, sau khi luật ban hành rồi chúng ta cũng sẽ không hiểu các công trình này gồm những loại nào.
Không những người dân không hiểu được mà đại biểu Quốc hội cũng chưa rõ, muốn hiểu lại phải chờ Nghị định, Thông tư. Luật của chúng ta còn nhiều điều quy định chung chung, luật khung, luật ống. Luật ban hành rồi nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống được, còn phải chờ nghị định, thông tư. Đây cũng là hạn chế của văn bản luật mà chúng ta đã ban hành. Có luật chưa thực hiện thì đã cũ, chờ mãi mà nghị định vẫn chưa được ban hành. Như báo chí vừa mới đăng, Luật giáo dục của chúng ta mới ban hành nhưng các nghị định vẫn chưa ban hành được. Luật đã ban hành, có thời hạn hiệu lực nhưng việc thực hiện vào cuộc sống thì vẫn chưa thực hiện được.
Ở đây tôi đề nghị nên chi tiết như phương án 1. Đọc luật là hiểu được ngay. Những gì có thể quy định chi tiết thì luật nên hướng theo quy định chi tiết, chứ không để phải chờ đến nghị định, thông tư mới quy định chi tiết.
Riêng về các công trình văn hoá, tôi đề nghị không thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật này, vì các công trình văn hoá vừa là tài sản hữu hình vừa là tài sản vô hình. Công trình văn hoá thường được gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước, nên các công trình văn hoá vừa có giá trị văn hoá và giá trị lịch sử. Không những nó có giá trị trong quá khứ, hiện tại mà còn có giá trị trong tương lai.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bố trí vào một điều luật riêng hoặc quy định trong một luật riêng về các công trình văn hoá.
2. Tôi tham gia vào nội dung Điều 60 - Kinh doanh bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản. Khoản 1, Điều 60 quy định: "tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, mua bất động sản thông qua sàn giao dịch bất động sản do mình lập ra hoặc sàn giao dịch bất động sản do tổ chức khác lập ra.
Quy định như trên có nghĩa là mọi tổ chức cá nhân khi thực hiện kinh doanh bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản. Trong giải thích từ ngữ ở Điều 4, sàn giao dịch bất động sản là nơi diễn ra các cuộc giao dịch bất động sản, kinh doanh bất động sản do một tổ chức kinh tế đặt ra. Quy định như ở Khoản 1 dễ làm cho ta hiểu luật khác nhau và chưa chặt chẽ. Khi cá nhân với cá nhân thực hiện kinh doanh bất động sản thì thông qua sàn giao dịch bất động sản do mình lập ra. Như vậy, người giao dịch có thể hiểu mình lập ra sàn giao dịch bất động sản.
Để đảm bảo cho luật và điều luật được quy định chặt chẽ, gắn kết giữa các điều luật với nhau. Tôi đề nghị Điều 60 được sửa lại như sau:
Khoản 1, Điều 60 tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, chuyển nhượng, cho thuê và mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản theo quy định của luật này, vì vậy tôi nghĩ thế là được. Khi các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản phải thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản, mà sàn giao dịch bất động sản quy định trong luật này chứ không do tự tổ chức, cá nhân lập ra hoặc tổ chức khác lập ra.